Lúc 7 sáng thứ Sáu 1 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Nhà nguyện Santa Marta được dành cho Chúa Thánh Thần, nhưng hôm nay được trang hoàng thêm với bức tượng “Thánh Giuse người thợ thủ công”, được Hiệp hội Công nhân Ý mang đến. Trong thánh lễ hôm nay, Đức Thánh Cha hướng chú ý đến thế giới lao động.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay, là ngày lễ thánh Giuse thợ, cũng là Ngày Lao Động, chúng ta cầu nguyện cho tất cả các công nhân. Cho tất cả mọi người. Xin cho đừng ai bị mất công ăn việc làm và mọi người đều được trả lương xứng đáng và có thể tận hưởng phẩm giá của công việc và vẻ đẹp của sự nghỉ ngơi.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhận xét về Bài Đọc Một trong ngày trích từ sách Sáng thế ký (St 1:26 – 2:3) mô tả việc Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh Ngài và giống Ngài.

Bài Ðọc I: St 1: 26 – 2: 3

“Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống trị nó”.

Trích sách Sáng Thế.

Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy dựng nên con người theo hình ảnh giống như Ta, để chúng làm chủ cá biển, chim trời, dã thú khắp mặt đất, và tất cả loài bò sát di chuyển trên mặt đất”. Vậy Thiên Chúa đã tạo thành con người giống hình ảnh Chúa. Người tạo thành con người giống hình ảnh Thiên Chúa. Người tạo thành họ có nam có nữ. Thiên Chúa chúc phúc cho họ và phán rằng: “Hãy sinh sôi nảy nở cho nhiều đầy mặt đất, và thống thị nó, hãy bá chủ cá biển, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”.

Thiên Chúa phán: “Ðây Ta ban cho các ngươi làm thức ăn mọi thứ cây cỏ mang hạt giống trên mặt đất, và toàn thể thảo mộc sinh trái có hạt tuỳ theo giống. Ta ban mọi thứ cây cỏ xanh tươi làm thức ăn cho mọi dã thú trên mặt đất, chim trời và toàn thể sinh vật di chuyển trên mặt đất”. Và đã xảy ra như vậy. Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: đó là ngày thứ sáu. Thế là trời đất và mọi vật trang điểm của chúng đã hoàn thành.

Ngày thứ bảy, Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi. Người chúc phúc và thánh hoá ngày thứ bảy, vì trong ngày đó Người nghỉ việc tạo thành.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Thiên Chúa đã tạo thành trời đất. Ngài tạo ra thế giới, tạo ra con người và giao sứ mệnh cho nhân loại: quản lý, làm việc, tiếp tục sáng tạo. Và từ “công việc” là những gì Kinh thánh dùng để mô tả hoạt động này của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã hoàn tất công việc Người đã làm. Và sau khi hoàn tất công việc Người đã làm, thì ngày thứ bảy Người nghỉ ngơi”, và đưa hoạt động này cho con người, như thể Ngài đang nói điều này “Các ngươi phải làm điều này, giữ gìn cái này, cái kia, ngươi phải làm việc để sáng tạo cùng với Ta để thế giới này được tiếp tục”. Lao động của con người chỉ là sự tiếp nối công việc của Chúa: Lao động của con người là ơn gọi mà con người nhận được từ Thiên Chúa cho mục đích hình thành nên vũ trụ.

Và lao động là điều khiến con người giống với Thiên Chúa, bởi vì với lao động, con người là người sáng tạo, anh ta có thể tạo ra nhiều thứ, thậm chí là tạo ra một gia đình để tiến về phía trước. Con người là một chủ thể sáng tạo và thăng tiến với công việc. Đây là một ơn gọi. Và Kinh thánh nói rằng “Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm rất tốt đẹp”. Như thế, lao động có sự tốt đẹp bên trong nó và tạo ra sự hài hòa của mọi thứ - vẻ đẹp, sự tốt lành - và liên quan đến con người trong mọi thứ: trong suy nghĩ, trong hành động, mọi thứ. Con người tham gia làm việc. Lao động là ơn gọi đầu tiên của con người. Và điều này mang lại phẩm giá cho con người. Nhân phẩm làm cho con người trông giống như Thiên Chúa. Đó là phẩm giá của lao động.

Một lần, ở một văn phòng Caritas, với một người đàn ông không có việc làm và đến Caritas để tìm kiếm thứ gì đó cho gia đình, một nhân viên của Caritas nói: “Ít nhất anh có thể mang bánh mì về nhà” - “Nhưng điều này không đủ cho tôi”. “Nó không đủ cho tôi” là câu trả lời: “Tôi muốn tự mình kiếm bánh mì để mang về nhà”. Cái anh ta thiếu là phẩm giá, phẩm giá “làm” ra được của ăn bằng công việc của mình, và mang nó về nhà. Thật đáng tiếc, phẩm giá của lao công bị chà đạp quá thậm tệ, thật là không may. Trong lịch sử chúng ta đã đọc được bao nhiêu những sự tàn bạo mà loài người đã làm với những người nô lệ: người ta đã mang họ từ Phi Châu đến Mỹ Châu - tôi nghĩ về câu chuyện đó mà sửng gai ốc - “thật là quá sức man rợ”. Nhưng ngay cả ngày nay cũng có nhiều người nô lệ, nhiều người nam nữ không được tự do làm việc: họ bị buộc phải làm việc, để tồn tại, ngoài ra không còn gì nữa. Họ là những nô lệ: lao động cưỡng bức... họ bị cưỡng bức lao động, đối xử bất công, bị trả lương thấp và điều đó dẫn con người đến cuộc sống trong đó nhân phẩm bị chà đạp. Có rất nhiều, rất nhiều trên thế giới. Nhiều. Trên các tờ báo vài tháng trước chúng ta đã đọc, ở một đất nước Á Châu đó, một quý ông kia đã đánh nhừ tử một nhân viên kiếm được chưa đến nửa đô la một ngày vì anh ta đã làm sai điều gì đó. Chế độ nô lệ ngày nay phải là “sự phẫn nộ” của chúng ta bởi vì nó tước mất phẩm giá của những người nam nữ và tất cả chúng ta. Hãy nghĩ về những người lao động, những người làm việc ngày qua ngày, anh chị em cho họ công ăn việc làm nhưng với một mức lương quá thấp và không phải tám, mà là mười hai, mười bốn giờ một ngày: Điều này xảy ra hôm nay, ở đây. Trên toàn thế giới, nhưng ở đây cũng có. Hãy nghĩ về những người giúp việc không có tiền lương công bằng, những người không có hỗ trợ an sinh xã hội, những người không có khả năng nghỉ hưu: điều này không xảy ra ở Á châu. Ở ngay đây.

Mọi sự đối xử bất công đối với một người lao động đều chà đạp lên phẩm giá con người, thậm chí cả phẩm giá của những người tạo ra bất công đó: nó hạ thấp con người họ và kết thúc trong sự căng thẳng của tương quan độc tài - nô lệ. Ngược lại, ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho chúng ta rất đẹp: sáng tạo, tái tạo, làm việc. Nhưng điều này chỉ có thể được thực hiện khi các điều kiện đúng đắn và nhân phẩm của con người được tôn trọng.

Hôm nay chúng ta cùng với nhiều người nam nữ, những người tin và những người không tin, kỷ niệm Ngày của Người Lao động, để vinh danh những người đấu tranh cho công lý, và cả những doanh nhân giỏi, là những người tiếp tục công việc trong công lý, ngay cả khi họ thua lỗ. Hai tháng trước, tôi nghe một doanh nhân ở Ý nói qua điện thoại xin tôi cầu nguyện cho anh ta vì anh ta không muốn sa thải bất cứ ai và anh ta nói: “Bởi vì sa thải một ai trong số họ là sa thải chính con”. Nhận thức này của nhiều doanh nhân giỏi, những người giữ bằng được các công nhân như thể họ là bằng hữu hay con em mình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ. Và chúng ta hãy xin Thánh Giuse - với hình ảnh đang mang các công cụ làm việc trong tay rất đẹp này - giúp chúng ta đấu tranh cho phẩm giá của lao động, cho mọi người có công ăn việc làm, và là một công việc xứng đáng. Cầu xin cho không còn cảnh nô lệ có thể là lời cầu nguyện ngày hôm nay trên thế giới.


Source:Vatican News