Lúc 7 sáng thứ Bẩy mùng 2 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nhà cầm quyền, xin Thiên Chúa giúp đỡ những người cai trị, cho họ được hiệp nhất trong thời kỳ khủng hoảng vì thiện ích của người dân.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho những người cai trị, là những người có trách nhiệm chăm sóc người dân của họ trong những thời khắc khủng hoảng này: các nguyên thủ quốc gia, tổng thống, thủ tướng, những người đứng đầu chính phủ, các nhà lập pháp, các thị trưởng, các chủ tịch các vùng... cầu xin Chúa giúp họ và ban cho họ sức mạnh, bởi vì công việc của họ không dễ dàng. Chúng ta cũng cầu xin rằng khi có sự khác biệt giữa họ với nhau, họ hiểu rằng trong thời kỳ khủng hoảng, họ phải hết sức đoàn kết vì lợi ích của mọi người, bởi vì sự đoàn kết luôn đem lại những thiện ích vượt trội hơn so với xung đột.

Hôm nay, Thứ Bảy, 2 tháng Năm, 300 nhóm cầu nguyện sẽ kết hiệp với chúng ta trong lời cầu nguyện. Họ được gọi là “madrugadores”, là tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là những người dậy sớm. Họ là những người thức dậy sớm để cầu nguyện, dâng hiến những giờ đầu tiên của mình cho lời cầu nguyện lên cùng Thiên Chúa. Họ đang tham gia với chúng ta hôm nay, ngay giờ này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trong ngày, trích từ Sách Tông đồ Công vụ (CV 9: 31-42) tường thuật về việc cộng đồng Kitô giáo tiên khởi được củng cố và an ủi ra sao bởi Chúa Thánh Thần, và đã tăng trưởng về số lượng.

Bài Ðọc I: Cv 9, 31-42

“Hội thánh được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần.

Phêrô đi khắp các miền, đến với các thánh đang ở Lyđa. Ở đó ngài gặp một người tên là Ênêa, bị bất toại đã liệt giường suốt tám năm. Phêrô nói với anh ta: “Ênêa, Chúa Giêsu Kitô chữa anh lành bệnh; hãy chỗi dậy và dẹp giường đi”. Lập tức anh ta đứng lên. Tất cả dân cư ở Lyđa và Sarôna thấy vậy, đều trở lại cùng Chúa.

Tại Gióppê, có một nữ môn đồ tên là Tabitha, nghĩa là Sơn Dương. Bà làm nhiều việc lành và hay bố thí. Xảy ra trong những ngày ấy bà lâm bệnh mà chết; người ta rửa xác bà, rồi đặt trên lầu. Vì Lyđa ở gần Gióppê, các môn đồ nghe tin Phêrô đang ở đó, liền sai hai người đến xin ngài rằng: “Xin ngài hãy mau đến với chúng tôi”. Phêrô chỗi dậy đi với họ. Ðến nơi, người ta dẫn ngài lên lầu; tất cả các quả phụ bao quanh ngài, khóc nức nở, chỉ cho ngài xem các áo trong áo ngoài mà chị Sơn Dương may cho họ. Phêrô bảo mọi người ra ngoài, rồi quỳ gối cầu nguyện, và quay mặt về phía thi thể mà nói: “Tabitha, hãy chỗi dậy”. Bà liền mở mắt, thấy Phêrô và ngồi dậy. Phêrô đưa tay đỡ bà đứng dậy, rồi gọi các thánh, và các quả phụ đến, và chỉ cho thấy bà đã sống lại. Cả thành Gióppê hay biết việc ấy, nên nhiều người tin vào Chúa. Phêrô lưu lại Gióppê nhiều ngày tại nhà Simon thợ thuộc da.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Bài Đọc Một bắt đầu như thế này: “Trong những ngày ấy, Hội Thánh được bình an trong khắp miền Giuđêa, Galilêa và Samaria, sống trong sự kính sợ Chúa, được tổ chức và đầy ơn an ủi của Thánh Thần và đã tăng số lượng.” Đó là một thời bình an, và Giáo hội phát triển. Giáo hội được bình an, được Chúa Thánh Thần an ủi. Đó là thời gian tốt đẹp. Sau đó, là sự chữa lành Ênêa khiến cư dân ở Lyđa và Sarôna thấy vậy đều trở lại cùng Chúa. Phêrô cũng làm tăng thêm các tín hữu tại Gióppê sau khi làm cho bà Tabitha sống lại từ trong kẻ chết. Tất cả những việc này được thực hiện trong thời bình.

Nhưng có những lúc, Giáo Hội không được bình an. Trong thời sơ khai của Giáo hội đã xảy ra những lần bách hại, những lúc khó khăn, những lúc khiến các tín hữu rơi vào khủng hoảng. Thời khủng hoảng. Và thời điểm khủng hoảng là những gì Tin Mừng của Thánh Gioan nói với chúng ta hôm nay. Đoạn Tin Mừng này là sự kết thúc của cả một phần trước đó, bắt đầu từ phép lạ hóa bánh ra nhiều, khi dân chúng muốn tôn Chúa Giêsu lên làm vua, Chúa Giêsu lui vào thanh vắng để cầu nguyện, họ không tìm thấy Người vào ngày hôm sau, nên họ đi tìm Người, và họ khi họ gặp Người, Chúa Giêsu trách móc họ rằng họ chỉ tìm kiếm những của ăn hư nát chứ không phải những lời ban sự sống đời đời và tất cả câu chuyện đó kết thúc ở đây. Họ nói với Người: “Hãy cho chúng tôi bánh này”, và Chúa Giêsu giải thích rằng bánh Người sẽ cho họ là Mình Máu Thánh của chính Người.

Tại thời điểm đó, nhiều môn đệ của Chúa Giêsu, sau khi nghe những lời này thì lẩm bẩm rằng: “Lời này chói tai quá! Ai nghe được!”. Chúa Giêsu nói rằng những ai không ăn Mình và Máu của Người thì sẽ không có sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng nói: “Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì được sống muôn đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết.” Đây là những điều mà Chúa Giêsu đã nói và “lời này chói tai quá. Một cái gì đó không ổn ở đây. Người đàn ông này đã vượt quá giới hạn.” Đây là một khoảnh khắc của cuộc khủng hoảng. Có những khoảnh khắc của hòa bình và những khoảnh khắc khủng hoảng. Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm những gì. Ở đây có sự phân biệt giữa các môn đệ và các tông đồ. Các môn đệ đi theo ngài gồm 72 người, hay hơn nữa, còn các tông đồ chỉ có nhóm Mười Hai. Thật ra, Chúa Giêsu đã biết ngay từ đầu ai là những người không tin và ai là người sẽ phản bội mình. Và vì thế, khi đối mặt với cuộc khủng hoảng này, Ngài nhắc nhở họ: “Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho”. Chúa Cha lôi cuốn chúng ta đến với Chúa Giêsu. Và đó là cách giải quyết khủng hoảng.

Và từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Họ lui ra xa. “Người đàn ông này có chút nguy hiểm, một chút đáng sợ. Nhưng những giáo lý của ông ấy thì OK, ông ấy là một con người tốt đấy, giảng hay và chữa lành được người ta, nhưng khi họ nhận ra những điều kỳ lạ thì xin lỗi nhé, chúng tôi phải ra đi.” Các môn đệ trên đường Emmau cũng hành động như thế vào buổi sáng Phục sinh: ‘À vâng, có một điều kỳ lạ: những người phụ nữ nói rằng ngôi mộ... nhưng chuyện này không xong’, họ nói, ‘chúng ta hãy đi sớm vì binh sĩ sẽ đến và đóng đinh chúng ta’. Những người lính giữ mộ cũng đã làm như thế: họ đã nhìn thấy sự thật, nhưng sau đó họ thích bán bí mật của họ lấy tiền hơn là nói lên sự thật, vì họ bảo nhau rằng “chúng ta hãy hãy chắc chắn chúng ta không dính líu vào vào những câu chuyện như thế này làm chi, nguy hiểm lắm”.

Một khoảnh khắc khủng hoảng là một khoảnh khắc của sự lựa chọn, đó là một khoảnh khắc đặt chúng ta trước những quyết định mà chúng ta phải đưa ra. Mọi người trong cuộc sống đã và sẽ có những khoảnh khắc khủng hoảng. Khủng hoảng gia đình, khủng hoảng hôn nhân, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng công việc, nhiều thứ khủng hoảng... Đại dịch này cũng là thời kỳ khủng hoảng xã hội.

Làm thế nào để phản ứng trong thời điểm khủng hoảng đó? Tại thời điểm đó, nhiều môn đệ đã rút lui và không bao giờ đi với Chúa Giêsu nữa. Chúa Giêsu quyết định đặt câu hỏi với các tông đồ. Người nói với Nhóm Mười Hai: “Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?” Simon Phêrô thưa Người: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa”. Phêrô tuyên xưng, thay mặt cho nhóm Mười Hai, rằng Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, là Con của Thiên Chúa. Lời tuyên xưng đầu tiên - “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” - và ngay lập tức Chúa Giêsu bắt đầu giải thích về cuộc thương khó sẽ đến. Phêrô ngăn Chúa Giêsu lại: “Đừng, không được đâu Chúa ơi. Đừng!”. Và Chúa Giêsu quở trách ông. Nhưng Phêrô đã trưởng thành hơn một chút và ông không cãi lại. Phêrô không hiểu những gì Chúa Giêsu nói “ăn thịt Ta và uống máu Ta”: ông không hiểu. Nhưng ông tin vào Thầy. Tin tưởng. Và vì tin tưởng, ông đã có thể đưa ra lời tuyên xưng thứ hai này: “Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời.”

Điều này giúp chúng ta, tất cả chúng ta, sống những khoảnh khắc khủng hoảng. Ở đất nước tôi có một câu ngạn ngữ này: “Khi bạn đang cưỡi ngựa và bạn phải vượt qua một con sông, xin đừng đổi ngựa giữa sông.” Trong thời gian khủng hoảng, hãy kiên vững trong đức tin. Những người bỏ đi, là những kẻ đổi ngựa, họ tìm kiếm một sư phụ khác không quá khó khi họ nói chuyện với ông ta. Trong thời kỳ khủng hoảng cần phải có sự bền đỗ, im lặng; trụ lại nơi chúng ta đang đứng, dừng lại. Đây không phải là lúc để thay đổi. Đó là giây phút của lòng trung thành, trung thành với Chúa, trung thành với những điều chúng ta đã làm trước đây. Bên cạnh đó, đây là thời điểm hoán cải bởi vì lòng trung tín sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta thực hiện một số thay đổi hướng thiện, chứ không phải xa rời điều thiện.

Có những khoảnh khắc bình yên và cũng có những khoảnh khắc khủng hoảng. Kitô hữu chúng ta phải học cách sống trong cả hai trường hợp. Cả hai. Một số Giáo Phụ nói rằng khoảnh khắc khủng hoảng giống như đi qua ngọn lửa để trở nên mạnh mẽ hơn. Xin Chúa gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta để dạy chúng ta biết cách chống lại những cám dỗ trong thời kỳ khủng hoảng, để biết cách trung thành với đức tin, trong niềm hy vọng sẽ được sống những giây phút bình an. Anh chị em hãy nghĩ về những khủng hoảng của chúng ta: khủng hoảng gia đình, khủng hoảng khu phố, khủng hoảng công ăn việc làm, khủng hoảng xã hội, khủng hoảng trên thế giới, khủng hoảng trong nước... nhiều khủng hoảng, rất nhiều khủng hoảng.


Source:Vatican News