Lúc 7 sáng thứ Hai 4 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong những ngày qua, báo chí tại Ý nói nhiều đến vấn đề bạo lực trong gia đình, các cuộc gây gỗ vì tình trạng cô lập làm gia tăng các căng thẳng trong gia đình xuất phát từ các âu lo về kinh tế, dịch bệnh, những thay đổi về thói quen…Tình hình này xuất hiện tại hầu như khắp nơi trên thế giới. Tiêu biểu là tại Thổ Nhĩ Kỳ, một tù nhân được tha bổng để tránh tình trạng lây lan trong các nhà tù đã giết chết đứa con ruột mới 9 tuổi của mình chỉ trong vòng vài giờ sau khi ra khỏi nhà giam.

Chính vì thế, trong thánh lễ này, Đức Thánh Cha đã cầu nguyện cách riêng các gia đình có hòa bình và rộng lớn hơn cho Giáo Hội có sự hiệp nhất.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình ngày hôm nay: trong thời gian cách ly này, gia đình phải đóng cửa ở nhà, cầu xin cho họ cố gắng làm nhiều điều mới, nhiều sáng tạo với trẻ em, với mọi người, để tiếp tục sống theo thánh ý Chúa; đặc biệt là tránh vấn đề bạo lực gia đình. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các gia đình tiếp tục sống chung hòa bình với sự sáng tạo và kiên nhẫn trong thời gian cách ly này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư về Bài Đọc Một hôm nay trích từ Sách Tông đồ Công vụ (Cv 11: 1-18), trong đó Phêrô, bị các anh em của mình quở trách ngài vào nhà những kẻ không chịu cắt bì và ăn uống với họ. Trong Tin Mừng (Ga 10: 11-18) Chúa Giêsu nói rằng Ngài còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Chúa Giêsu cũng phải đưa chúng về chung một đàn chiên.

Trong bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Khi Thánh Phêrô đi lên Giêrusalem, các tín hữu trách ngài vì đã vào nhà của những người không chịu cắt bì và cùng ăn với họ, với những kẻ ngoại đạo: điều đó là không thể, đó là một tội lỗi. Sự tinh khiết của pháp luật đã không cho phép điều này. Nhưng Thánh Phêrô đã làm điều đó bởi vì đó là Thần Khí Chúa đưa thánh nhân đến đó. Chuyện trách móc như thế luôn có trong Giáo hội, đặc biệt là trong Giáo hội sơ khai, bởi vì mọi sự không rõ ràng – có một não trạng rất thịnh hành cho rằng “chúng ta là người công chính, những kẻ khác là những kẻ tội lỗi”. Những từ ngữ “chúng ta” và “những người khác” tạo ra những chia rẽ. “Chúng ta có ưu thế trước mặt Chúa”. Còn “những người khác” là những người “bị kết án”. Và đây là một căn bệnh của Giáo hội, một căn bệnh phát sinh từ ý thức hệ hoặc từ não trạng phe phái trong tôn giáo. Chúng ta hãy nghĩ đến điều này là vào thời Chúa Giêsu, ít nhất là đã có bốn phe phái tôn giáo: phe của người Pharisêu, phe của người Sađốc, phe của những người quá khích và phe của người Essen, và mỗi phe giải thích lề luật theo ý tưởng riêng của mình, theo các cảm giác rất trần tục của mình. Chúa Giêsu đã từng bị khiển trách vì vào nhà của những người thu thuế - những người, mà theo họ là những kẻ tội lỗi, và thậm chí Ngài còn dám ăn uống với họ, với những người tội lỗi, bởi vì sự trong sạch về luật pháp không cho phép điều đó và Ngài đã không rửa tay trước bữa trưa. Nhưng những lời trách móc luôn luôn tạo nên sự chia rẽ: đây là điều quan trọng, mà tôi muốn nhấn mạnh.

Có những ý tưởng, những quan điểm tạo nên sự chia rẽ, đến mức sự chia rẽ đó trở nên quan trọng hơn cả sự hiệp nhất. Ý tưởng của tôi quan trọng hơn những gì Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta. Có một vị Hồng Y về hưu đang sống ở đây, tại Vatican này. Ngài là một mục tử tốt lành, thường nói với các tín hữu rằng: “Anh chị em có biết rằng Giáo Hội cũng giống như một dòng sông không? Một số phần có thể quan trọng hơn những phần này, phần khác nhưng điều quan trọng là mọi người đều ở bên trong cùng một dòng sông”. Đây là sự hiệp nhất của Giáo hội. Không có ai bên ngoài, mọi thứ bên trong. Cũng có những đặc thù khác biệt: nhưng những điều ấy không thể gây chia rẽ, không phải là ý thức hệ. Những điều như thế là hợp pháp. Nhưng tại sao Giáo hội lại có chiều rộng của dòng sông? Thưa: Đó là vì Chúa rất muốn điều đó.

Trong bài Tin Mừng này, Chúa cho chúng ta biết: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” Chúa nói: “Tôi có chiên ở khắp mọi nơi và tôi là mục tử của tất cả”. Cụm từ “tất cả” trong câu nói của Chúa Giêsu rất quan trọng. Hãy nghĩ đến dụ ngôn về tiệc cưới, khi các vị khách được mời đã không muốn đến đó: một ông vì mới mua ruộng, ông khác mới lập gia đình... tất cả mọi người đều lý do để không đi. Và chủ tiệc cưới đã tức giận và nói: “Hãy đi đến ngã tư đường và đưa mọi người đến bàn tiệc. Tất cả, lớn nhỏ, giàu nghèo, tốt xấu, mời hết. Tất cả. Cái “tất cả” này cách nào đó phản ảnh viễn kiến của Chúa, Đấng đã xuống thế làm người vì tất cả và đã chết cho tất cả. “Nhưng liệu ngài có chết cho tên bất lương là kẻ đã làm cho cuộc sống của tôi vô cùng khốn khổ như thế này không?” Chúa Giêsu cũng chết vì kẻ ấy. “Còn tên cướp đó thì sao?” Chúa Giêsu cũng đã chết vì tên cướp ấy. Ngài chết cho tất cả mọi người, cho cả những người không tin vào Người, và cả những người thuộc về các tôn giáo khác: Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Người đã chết cho mọi người, để công chính hóa tất cả mọi người.

Chúng ta chỉ có một Đấng Cứu chuộc, chỉ có một sự hiệp nhất: Chúa Kitô đã chết cho tất cả. Có một sự cám dỗ chia rẽ mà ngay cả Thánh Phaolô cũng phải chịu đựng điều đó: “Tôi, tôi thuộc về ông Phaolô”, và người khác: “Tôi, tôi thuộc về ông Apôlô”. Chúng ta cũng nghĩ về chúng ta, năm mươi năm trước, sau Công đồng có những chia rẽ mà Giáo hội phải chịu đựng.

Tôi muốn nhấn mạnh đến hai điều. Đó là sự trách móc của Dân Chúa đối với Phêrô vì ông đã vào nhà của những người ngoại giáo. Điều thứ hai là điều Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta Ngài có chiên ở khắp mọi nơi và Ngài là mục tử của tất cả khi Ngài nói: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”. Đó là lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả mọi người, bởi vì tất cả những người nam nữ, tất cả chúng ta đều cùng thuộc về một Mục Tử duy nhất là Chúa Giêsu.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi tâm lý chia rẽ, bè phái và giúp chúng ta thấy điều tuyệt vời này của Chúa Giêsu, đó là trong Người, tất cả chúng ta là anh em và Người là Mục Tử của tất cả chúng ta. Cầu mong sao cho cụm từ “Mọi người, tất cả mọi người!” đồng hành với anh chị em trong ngày hôm nay.


Source:Vatican News