Lúc 7 sáng thứ Ba 5 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho linh hồn những nạn nhân chết thảm vì coronavirus. Nhiều người không được gặp những người thân yêu. Nhiều người không hề được hưởng các nghi thức an táng.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Chúng ta cầu nguyện ngày hôm nay cho những người đã chết vì đại dịch. Họ chết một mình, họ chết mà không có sự âu yếm của những người thân yêu, nhiều người trong số họ, thậm chí không có cả đám tang. Xin Chúa tiếp nhận họ vào trong vinh quang của Ngài.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày những suy tư của Ngài về bài Tin Mừng trong ngày trích từ Phúc Âm theo Thánh Gioan (Ga 10: 22-30), trong đó người Do Thái yêu cầu Chúa Giêsu nói một cách công khai có phải Ngài là Đấng Kitô không.

Phúc Âm: Ga 10, 22-30

“Tôi và Cha Tôi là một”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, người ta mừng lễ Cung Hiến tại Giêrusalem. Bấy giờ là mùa đông. Chúa Giêsu đi bách bộ tại đền thờ, dưới cửa Salômôn. Người Do Thái vây quanh Người và nói: “Ông còn để chúng tôi thắc mắc cho đến bao giờ? Nếu ông là Ðức Kitô, thì xin ông nói rõ cho chúng tôi biết”. Chúa Giêsu đáp: “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin. Những việc Tôi làm nhân danh Cha Tôi, làm chứng về Tôi. Nhưng các ông không tin, vì các ông không thuộc về đàn chiên tôi. Chiên Tôi thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Tôi cho chúng được sống đời đời, chúng sẽ không bao giờ hư mất, và không ai có thể cướp được chúng khỏi tay Tôi. Ðiều mà Cha Tôi ban cho Tôi, thì cao trọng hơn tất cả, và không ai có thể cướp được khỏi tay Cha Tôi. Tôi và Cha Tôi là một”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng “Tôi đã nói với các ông mà các ông không tin.” Điều này làm dấy lên một nghi ngờ: nhưng tôi có tin không? Và điều gì ngăn tôi trước cánh cửa là Chúa Giêsu? Có những thái độ ngăn cản chúng ta đến với Chúa Giêsu. Ngay cả đối với chúng ta, những người đã ở trong đàn chiên của Chúa. Những điều này giống như ‘những vướng mắc’, là những điều ngăn trở không cho chúng ta tiếp tục hiểu biết về Chúa.

Vướng mắc đầu tiên là sự giàu có. Tiền của là một trở ngại ngay cả với nhiều người trong chúng ta, là những người đã bước vào cửa chuồng chiên, là Chúa Giêsu. Chúng ta dừng lại và không tiếp tục vì chúng ta bị giam cầm trong sự giàu có. Chúa đã rất cứng rắn với sự giàu có bởi vì sự dính bén của cải vật chất là một trở ngại ngăn cản chúng ta tiến về phía trước. Nhưng như thế liệu chúng ta có nhất thiết phải rơi vào tình trạng bần cùng không? Không, không phải như thế. Nhưng vấn đề là đừng làm nô lệ cho tiền của, đừng sống cho tiền của, đừng để tiền của là chúa tể của mình. Chúng ta không thể làm tôi hai chủ. Tiền của thực sự có khả năng ngăn cản chúng ta.

Một điều nữa ngăn cản chúng ta tiến lên trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu, và thuộc về Chúa Giêsu là sự cứng nhắc: sự chai cứng của trái tim. Ngay cả sự cứng nhắc trong việc giải thích lề luật. Chúa Giêsu khiển trách người Pharisêu, và các thầy thông luật vì sự cứng nhắc này. Sự cứng nhắc không phải là sự trung tín. Sự trung tín luôn là một ân sủng của Thiên Chúa, còn sự cứng nhắc là một sự an toàn cho chính tôi.

Một phụ nữ tham dự một lễ cưới vào chiều thứ Bảy. Bà ta hỏi tôi rằng đi lễ như thế có thể thay cho Thánh lễ ngày Chúa Nhật không? Vì các bài đọc của hai thánh lễ khác nhau và bà ấy sợ rằng bà ấy không giữ ngày Chúa Nhật, vì đã tham dự một Thánh lễ với các bài đọc khác. Người phụ nữ đó thuộc về một phong trào của Giáo Hội. Đó là sự cứng nhắc. Sự cứng nhắc này đưa chúng ta ra khỏi sự khôn ngoan đến từ Chúa Giêsu, nó lấy đi sự tự do của anh chị em. Và nhiều mục tử làm cho sự cứng nhắc này lớn lên trong linh hồn của các tín hữu. Sự cứng nhắc như thế không cho phép chúng ta bước qua cánh cửa của Chúa Giêsu.

Một trở ngại khác là sự lười biếng. Sự lười nhác “lấy đi ý chí để tiếp tục” và “đưa anh chị em đến với sự thờ ơ và khiến anh chị em trở nên nhạt đạo. Lười biếng là một điều khác ngăn cản chúng ta tiến về phía trước.

Một thái độ xấu khác là tinh thần giáo sĩ trị, bởi vì với tinh thần này người ta “đặt mình vào vị trí của Chúa Giêsu”. “Chuyện này là phải như thế, như thế, và nếu anh chị em không làm như thế, như thế, thì anh chị em không thể vào”. Chủ nghĩa giáo sĩ trị lấy đi sự tự do trong đức tin của các tín hữu. Đây là một căn bệnh, là một điều xấu trong Giáo hội.

Một điều nữa ngăn cản chúng ta tiến lên trong sự hiểu biết về Chúa Giêsu “là tinh thần thế gian”. Khi việc tuân giữ đức tin, việc thực hành đức tin kết thúc trong tinh thần thế gian thì mọi thứ đều trở nên trần tục. Chúng ta hãy nghĩ về việc cử hành một số bí tích tại một số giáo xứ: có bao nhiêu tinh thần thế gian trong đó! Khi những điều đó xảy ra, ân sủng là sự hiện diện của Chúa Giêsu không được hiểu rõ.

Trong tất cả các thái độ này chúng ta thấy rõ một điều là “sự vắng bóng của tự do”. Anh chị em không thể theo Chúa Giêsu mà không có tự do. Tất nhiên, đôi khi tự do đi xa quá và làm cho ta trượt té, nhưng trượt té trước khi bắt đầu bước về phía Chúa Giêsu thì còn tệ hại hơn.

Để kết luận, Đức Thánh Cha cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta để thấy bên trong chúng ta thật sự có tự do để đến với Chúa Giêsu và trở thành con chiên của một đàn chiên hay không.


Source:Vatican News