Lúc 7 sáng thứ Bẩy 9 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Theo lịch Phụng Vụ, lễ Thánh Luisa de Marillac, đấng đồng sáng lập Dòng Nữ Tử Bác Ái cùng với Thánh Vinh Sơn Phaolồ được mừng vào ngày 15 tháng Ba. Tuy nhiên, vì ngày ấy rơi vào Mùa Chay nên được dời đến hôm nay.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái trong gần 100 năm qua đã giúp các vị Giáo Hoàng và những người sống trong nhà trọ Thánh Marta, cũng như điều hành một trạm xá cho trẻ em tại Vatican.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay là lễ kính Thánh Louise de Marillac, chúng ta hãy cầu nguyện cho các nữ tu Dòng Nữ Tử Bác Ái Vinh Sơn Phaolồ đã điều hành phòng khám này, trạm xá này trong gần 100 năm và làm việc ở đây, tại Santa Marta này. Xin Chúa chúc phúc cho các nữ tu.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về Bài Đọc Một trích từ sách Tông đồ Công vụ (Cv 13: 44-52) trong đó người Do Thái tại Antiokia “lòng đầy ghen tị và với những lời lẽ xúc phạm” đã bài bác những lời khẳng định của Thánh Phaolô về Chúa Giêsu, là những lời đem lại xiết bao vui mừng dân ngoại. Họ kích động một cuộc đàn áp buộc hai Thánh Phaolô và Banaba phải rời khỏi lãnh thổ.

Bài Ðọc I: Cv, 13: 44-52

Trích sách Tông đồ Công vụ

Ngày sabát sau, gần như cả thành tụ họp nghe lời Thiên Chúa. Thấy những đám đông như vậy, người Do Thái sinh lòng ghen tức, họ phản đối những lời ông Phaolô nói và nhục mạ ông. Bấy giờ ông Phaolô và ông Banaba mạnh dạn lên tiếng: “Anh em phải là những người đầu tiên được nghe công bố lời Thiên Chúa, nhưng vì anh em khước từ lời ấy, và tự coi mình không xứng đáng hưởng sự sống đời đời, thì đây chúng tôi quay về phía dân ngoại. Vì Chúa truyền cho chúng tôi thế này: Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất.”

Nghe thế, dân ngoại vui mừng tôn vinh lời Chúa, và tất cả những người đã được Thiên Chúa định cho hưởng sự sống đời đời, đều tin theo. Lời Chúa lan tràn khắp miền ấy.

Nhưng người Do Thái sách động nhóm phụ nữ thượng lưu đã theo đạo Do Thái, và những thân hào trong thành, xúi giục họ ngược đãi ông Phaolô và ông Banaba, và trục xuất hai ông ra khỏi lãnh thổ của họ. Hai ông liền giũ bụi chân phản đối họ và đi tới I-cô-ni-ô. Còn các môn đệ được tràn đầy hoan lạc và Thánh Thần.


Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Một mặt Chúa Thánh Thần làm cho Giáo hội phát triển nhưng mặt khác ma quỷ cố gắng phá hủy Giáo hội.

Sự đời luôn luôn diễn ra như thế - ta cố vươn tới trước nhưng kẻ thù kéo đến để phá hoại. Vì thế, bao nhiêu nỗ lực phải bỏ ra, bao nhiêu máu tử đạo phải đổ ra trong sự tăng trưởng này, trong cuộc đấu tranh này. Khi Lời Chúa làm cho Giáo hội phát triển, sự bắt bớ thường phát sinh.

Giáo hội phấn đấu tiến về trước trong sự an ủi của Thiên Chúa và các cuộc đàn áp của thế gian. Và khi Giáo hội không gặp khó khăn gì thì thiếu một thứ gì đó. Nếu quỷ dữ chịu ngồi yên, chắc là có gì đó không ổn rồi.

Công cụ mà ma quỷ sử dụng để phá hủy việc loan báo Tin Mừng là sự đố kị và lòng ghen ghét. Chính sự tức giận, do ma quỷ xúi giục trong lòng người, gây ra tàn phá.

Chứng kiến cuộc đấu tranh này, thật tốt cho chúng ta khi nhận thức được rằng Giáo hội tiến về phiá trước giữa sự an ủi của Thiên Chúa và cuộc bách hại của thế gian.

Luôn luôn có cuộc đấu tranh này - Chúa Thánh Thần tạo ra sự hài hòa trong Giáo hội và ma quỷ phá hoại, ngay cả ngày nay cũng vậy.

Quyền lực trần thế là một công cụ của sự đố kị này. Quyền lực trần thế có thể tốt, người nắm các thứ quyền lực ấy có thể tốt, nhưng như nó là, quyền lực thế gian luôn luôn là nguy hiểm.

Quyền lực thế gian luôn đối kháng với quyền năng của Thiên Chúa và đằng sau quyền lực thế gian là tiền bạc.

Kể từ buổi sáng Phục sinh, quyền lực thế gian và tiền bạc đã được sử dụng để bịt miệng sự thật.

Để kết luận Đức Thánh Cha nói rằng Kitô hữu phải đặt niềm tin của mình vào Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, chứ không phải quyền lực và tiền bạc là những thứ tạm bợ và chóng qua.


Source:Vatican News