BIẾT CÁI MÓNG LẠC ĐÀ (1)

Một người nhà quê lên tỉnh thấy có tiệm ăn nhỏ bán móng lạc đà, bèn bỏ đòn gánh xuống hiếu kỳ nhìn coi.

Chủ quán thấy anh ta là người nhà quê bèn nói:

- “Nếu anh biết những thứ này thì tôi sẽ tặng không cho anh mấy cái để ăn.”

Người nhà quê cười gượng nói:

- “Lẽ nào mấy thứ này mà cũng không biết sao, chỉ cần ba chữ mà thôi.”

Chủ quán trong bụng nghĩ: “Đúng rồi”, nhưng miệng thì nói:

- “Anh nói trước chữ thứ nhất.”

Người nhà quê nói:

- “Lạc.”

Chủ quán lập tức chịu thua lấy mấy cái móng lạc đà đưa cho anh nhà quê. Ăn xong, chủ quán trong bụng không yên tâm, lại nói:

- “Anh nói ra hết đi.”

Người nhà quê nói:

- “Lạc (2) đậu phộng.”

(Tiếu lâm)

Suy tư 49:

Có những người mất tiêu cả gia tài vì tính hấp tấp của mình, có những cô gái “giao trứng cho ác” vì tính nhẹ dạ của mình, có những chàng trai ôm hận cả đời vì tính bộp chộp của mình, có những người dâng mình làm tôi tớ Đức Chúa Trời phải hối hận suốt cả đời vì không làm chủ được giác quan của mình, bởi vì tự cho mình có đủ “công lực” đề kháng mọi chước cám dỗ mà không chịu cầu nguyện.

Ma quỷ là loài quỷ quyệt, nó luôn làm cho người ta -dù bất cứ người nào- cũng thấy cơn cám dỗ là chuyện “tự nhiên” như ăn cơm ngày ba bữa nên không đề phòng, thế là con người ta mắc mưu ma quỷ và đắm mình trong tội mà không biết...

Người hấp tấp bộp chộp thì tưởng lầm chữ “nhân đậu phộng” cũng giống như chữ “móng lạc đà” nên mất toi mấy cái móng lạc đà. Cũng vậy, chúng ta sẽ mất ơn nghĩa của Thiên Chúa nếu chúng ta bộp chộp cho rằng không ai có thể chống trả lại được cơn cám dỗ trong cuộc sống của mình.

Người có tính bộp chộp thường thất bại nhiều hơn người điềm tĩnh.

(1) “駱駝蹄” phát âm là “luo tho ti” nghĩa là “móng lạc đà”; “落花生” phát âm là “luo hua seng” nghĩa là “nhân đậu phộng”. Hai chữ “luo” phát âm giống nhau nhưng khác nghĩa.

(2) “Lạc” cũng có nghĩa là nhân.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info