Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thẩm quyền thực hiện phụng vụ thuộc về ai? Trong Giáo hội Việt Nam của chúng con, Uỷ ban phụng vụ chỉ chịu trách nhiệm tư vấn và hướng dẫn. Việc các luật phụng vụ có được tuân thủ hay không chỉ tùy thuộc vào các linh mục. Nếu họ thích, họ làm điều đó, nhưng nếu họ không thích, họ sẽ không làm điều đó. Theo cách nghĩ của người Việt Nam, những gì đã hoạt động trong quá khứ là tốt rồi - họ không thích thay đổi. Giám mục không chú ý nhiều đến phụng vụ vì không có sự chỉ đạo từ Hội đồng Giám mục. Trách nhiệm là không có. Vậy ai sẽ chịu trách nhiệm thi hành luật phụng vụ, thưa cha? - J. T., Nam Định, Việt Nam.


Đáp: Câu hỏi được công bố lần này là câu hỏi đầu tiên từ miền Bắc Việt Nam. Bản chất của câu hỏi là, Ai chịu trách nhiệm thi hành luật phụng vụ?

Một mặt, điều này là khá đơn giản. Mỗi ngưởi làm phụng vụ có trách nhiệm thực thi các luật phụng vụ cần được thực hiện, không phải như một sự thi hành máy móc của các quy tắc bên ngoài, mà như một phương tiện bên trong để làm việc thờ phượng với Đấng Toàn Năng.

Do đó, tất cả mọi người, từ tín hữu trong các hàng ghế, người đọc sách, ngưởi giúp lễ, các thừa tác viên, phó tế và linh mục, cần trung thành thực hiện các nghi thức theo các sách phụng vụ. Không ai, thậm chí cả linh mục, có thể thay đổi bất cứ điều gì được quy định trong các nghi thức, vì làm như vậy là tước quyền của các tín hữu để tham gia vào một buổi lễ Công Giáo.

Tuy nhiên, có nhiều lĩnh vực mà các cuốn sách cho phép các sáng kiến và tự do. Thí dụ, chọn thánh lễ ngoại lịch cho các ngày trong tuần, soạn lời cầu nguyện tín hữu, xác định hát bài gì và ai hát, mức độ trang trọng cho một buổi lễ và các điều tương tự. Trong các trường hợp này, cha xứ, hoặc thậm chí vị chủ tế, có tiếng nói cuối cùng, mặc dù ngài có thể có lợi điểm là nhóm phụng vụ giáo xứ sẽ giúp ngài chuẩn bị, và tổ chức các buổi lễ.

Mặc dù luật phụng vụ chủ yếu là mục vụ, nhưng chúng vẫn là luật, và như vậy có các cơ quan quản lý và kỷ luật. Đầu tiên và quan trọng nhất, là Giám mục địa phương. Huấn thị Redemptionis sacramentum (Bí tích Cứu độ, năm 2004) nói về Giám mục:

“1. GIÁM MỤC GIÁO PHẬN, THƯỢNG TẾ CỦA ĐÀN CHIÊN

“[19.] Giám Mục giáo phận là người phân phát chính yếu các Mầu Nhiệm của Thiên Chúa trong Hội Thánh địa phương được ủy thác cho ngài, là người tổ chức, chủ xướng và gìn giữ cả đời sống phụng vụ. Quả thực, “Giám Mục, được nhận đầy đủ bí tích Truyền Chức thánh, lãnh trách nhiệm phân phát ân sủng của chức tư tế tối cao”, đặc biệt là trong Phép Thánh Thể mà chính ngài dâng hoặc đảm bảo cho việc hiến dâng, và từ đó liên tục phát sinh cho Hội Thánh sức sống và tăng trưởng”.

“[20.] Hội Thánh được biểu lộ nhất là mỗi khi Thánh Lễ được cử hành trọng thể, chủ yếu là tại nhà thờ chánh toà, “cùng với toàn thể dân thánh Thiên Chúa tham dự trọn vẹn và linh động, […] trong cùng một kinh nguyện, trước cùng một bàn thờ dưới sự chủ toạ của giám mục”, có linh mục đoàn, các phó tế và những thừa tác viên khác bao quanh. Hơn nữa, “mọi việc cử hành hợp pháp Phép Thánh Thể đều do Giám mục điều khiển, vì ngài là người lãnh nhận nhiệm vụ dâng lên Tôn Nhan uy nghi Chúa phụng tự Kitô-giáo và có phận sự điều hành việc phụng tự đó theo đúng huấn giới của Chúa và lề luật của Hội Thánh. Ngài dùng phán quyết riêng để đem lại cho những lề luật đó những quy định mới phù hợp với giáo phận mình.”

“[21.] Quả thực, “Giám Mục giáo phận có quyền ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ, trong Hội Thánh đã được uỷ thác cho ngài và trong giới hạn thẩm quyền của ngài”. Nhưng, Giám Mục phải luôn luôn chăm lo đừng làm mất sự tự do, đã được các sách phụng vụ dự liệu, để thích ứng, một cách sáng suốt, việc cử hành vào cơ cấu thánh, hay vào nhóm tín hữu, hay là vào các hoàn cảnh mục vụ, để thế nào toàn bộ nghi lễ thánh được thực sự thích nghi vào tâm thức của con người.

“[22.] Giám Mục điều khiển Giáo Hội địa phương đã được ủy thác cho mình, và, thi hành chức vụ thánh mà ngài đã lãnh nhận khi được truyền chức giám mục, nên ngài có nhiệm vụ đưa vào nề nếp, điều khiển, động viên và đôi khi quở trách, để xây dựng đoàn chiên trong chân lý và thánh thiện. Ngài có nhiệm vụ giải thích ý nghĩa thực sự của các nghi lễ và các bản văn phụng vụ, và chính ngài có nhiệm vụ phải nuôi dưỡng các linh mục, phó tế và giáo dân tinh thần của Phụng Vụ thánh, để tất cả họ đều được hướng dẫn đến một việc cử hành Phép Thánh Thể cách tích cực và có hiệu quả. Sau cùng, Giám Mục cũng phải chăm chú theo dõi để toàn thân của Hội Thánh có thể được phát triển toàn bộ, trong sự hiệp nhất yêu thương về các mặt giáo phận, quốc gia và toàn cầu.

“[23.] Các tín hữu “phải gắn bó với Giám Mục như Hội Thánh gắn bó với Chúa Giêsu-Kitô và như Chúa Giêsu-Kitô gắn bó với Chúa Cha, để mọi sự đều hòa hợp trong sự hiệp nhất và trở nên phong phú cho vinh quang Thiên Chúa”. Tất cả, kể cả các thành viên của các Hội Dòng thánh hiến và Tu Hội tông đồ, cũng như các đoàn thể và các phong trào thuộc Hội Thánh, phải phục tùng quyền của Giám Mục giáo phận về tất cả những gì liên quan đến Phụng Vụ, ngoại trừ những quyền đã được nhượng cho họ một cách hợp pháp. Như vậy, Giám Mục giáo phận có quyền và có bổn phận quan tâm giám sát về mặt phụng vụ, và, với danh nghĩa này, ngài viếng thăm các nhà thờ và nhà nguyện nằm trên lãnh thổ của ngài, kể cả những nhà thờ, nhà nguyện được xây dựng và điều khiển bởi các thành viên của các hội nói trên, nếu các tín hữu thường ngày lui tới.

“[24.] Về phần mình, dân Kitô-giáo có quyền đòi hỏi Giám Mục giáo phận chăm chú theo dõi các lạm dụng len lỏi vào kỷ luật Hội Thánh, nhất là về những gì liên quan đến tác vụ Lời Chúa, đến việc cử hành các bí tích và á-bí-tích, đến việc phụng thờ Thiên Chúa và tôn kính các thánh.

“[25.] Các uỷ ban, các hội đồng hay các ban được Giám Mục thành lập nhằm mục đích “xúc tiến hoạt động phụng vụ, cũng như âm nhạc và nghệ thuật thán trong giáo phận của ngài”, phải hành động hợp với tư tưởng và quy tắc của Giám Mục, và họ phải dựa vào uy quyền và sự phê chuẩn của ngài mà thi hành cách đúng đắn các chức năng riêng biệt của mình, và để đảm bảo uy quyền bính đích thực của Giám Mục trong giáo phận của ngài. Về vấn đề của tất cả những nhóm này, của những hội dòng khác, và của tất cả những ai, cách chung, có những sáng kiến trong lãnh vực phụng vụ, các Giám Mục phải khẩn trương tìm hiểu xem các sinh hoạt của họ, đến bây giờ, đã có hiệu quả hay không; và phải quan tâm phân nhận được những gì phải sửa chữa hay phải cải thiện trong các cấu trúc và sinh hoạt của họ, để đạt được một sức mạnh mới. Luôn luôn phải nhớ rằng các chuyên viên phải được tuyển chọn trong số những người chứng tỏ sự vững vàng trong đức tin Công Giáo và được chuẩn bị kỹ càng trong những lãnh vực thần học và văn hoá.”

Sau đó, chương VIII của Huấn thị là “CÁC PHƯƠNG DƯỢC” minh hoạ cách thức Giám mục giải quyết các lạm dụng:

“4. GIÁM MỤC GIÁO PHẬN

“[176.] Giám Mục giáo phận, “vì là người phân phát chính yếu mọi mầu nhiệm của Thiên Chúa, ngài hãy hoạt động không ngừng để mọi tín hữu đã được giao phó cho ngài săn sóc, được tăng trưởng trong ơn thánh nhờ việc cử hành các bí tích, và để cho họ nhận biết và sống mầu nhiệm vượt qua”. Vậy, ngài có quyền, “trong giới hạn thẩm quyền của ngài, ban hành các quy luật về phụng vụ, buộc mọi người phải giữ”.

“[177.] “Xét vì ngài có nghĩa vụ bảo vệ sự duy nhất của Hội Thánh phổ quát, Giám Mục phải cổ võ kỷ luật chung của toàn thể Hội Thánh và vì thế phải thôi thúc việc tuân hành mọi luật lệ của Hội Thánh. Ngài phải đề phòng đừng để du nhập các lạm dụng kỷ luật trong Hội Thánh, nhất là về thừa tác vụ Lời Chúa, việc cử hành các bí tích và á bí tích, việc tôn kính Thiên Chúa và các thánh”.

“[178.] Vì thế, mỗi khi Đấng Bản Quyền sở tại hay của một Hội Dòng tu sĩ hoặc của một Tu Hội tông đồ biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, thì chính ngài hoặc nhờ một giáo sĩ khác xứng hợp, phải thận trọng điều tra, về các sự kiện, hoàn cảnh, cũng như về khả năng quy trách nhiệm của hành vi.

“[179.] Những tội phạm nghịch cùng đức tin, cũng như những graviora delicta (lỗi phạm nghiêm trọng) phạm khi cử hành Thánh Thể và các bí tích khác, phải được giao ngay cho Bộ Giáo Lý Đức Tin “xét xử và, cùng lúc, tuyên bố hay bắt chịu những hình phạt của giáo luật theo các quy tắc của luật chung hay luật riêng.”

[180.] Mặt khác, Đấng Bản Quyền phải tiến hành theo các quy tắc của giáo luật, bằng cách áp dụng, nếu có, những hình phạt theo giáo luật, và, đặc biệt, nhớ lại những quy định của điều 1326 của Bộ giáo luật. Nếu là những hành vi nặng, ngài phải thông báo cáo cho Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.” (Bản dịch Việt Ngữ của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.)

Từ những điều trên, rõ ràng việc chăm sóc phụng vụ là một trong các trách nhiệm chính của Giám mục. Ngài có thể làm việc thông qua một Ủy ban phụng vụ giáo phận, nhưng, như đã đề cập ở trên trong số 25, trách nhiệm cuối cùng thuộc về ngài.

Đúng là Hội đồng Giám mục có một số cơ quan lập pháp và hành chính cho cả nước. Huấn thị Redemptionis sacramentum trong Chương I quy định như sau về Hội đồng Giám mục:

“2. HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC

“[26.] Những gì khẳng định trước đây cũng có giá trị cho các uỷ ban phụng vụ, mà, theo lời yêu cầu của Công Đồng, đã được Hội Đồng Giám Mục thành lập. Các thành viên của các uỷ ban này phải là những vị Giám mục, phải được phân biệt rõ ràng với các chuyên viên đến hợp tác với các ngài. Trong trường hợp số các thành viên của Hội Đồng Giám Mục không đủ, và do đó việc thành lập uỷ ban phụng vụ trở nên khó khăn, phải chỉ định một hội đồng hay một nhóm chuyên viên luôn luôn phải được đặt dưới quyền chủ tịch của một Giám mục; tuy nhiên, trong khi làm tròn các tốt nhất trách nhiệm của mình, hội đồng này hay nhóm chuyên viên này phải tránh mang danh “Uỷ ban phụng vụ”.

“[27.] Từ năm 1970, Tông Toà đã cho biết tất cả những thí nghiệm phụng vụ liên quan đến việc cử hành Thánh Lễ phải chấm dứt, và Tông Toà đã lặp lại cấm chỉ này vào năm 1988. Do đó, mỗi Giám mục riêng biệt, cũng như các Hội Đồng Giám Mục, không còn có trường hợp nào mà có quyền cho phép các thí nghiệm liên quan đến các bản văn phụng vụ và những điều khác được ấn định trong các sách phụng vụ. Trong tương lai, để có thể làm những thí nghiệm loại này, cần thiết phải được Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho phép; Bộ này sẽ cho phép bằng văn bản, theo lời thỉnh cầu của các Hội Đồng Giám Mục. Một sự nhượng bộ như thế chỉ có thể chấp nhận cho một nguyên nhân nghiêm trọng. Còn những gì liên quan đến các dự án hội nhập văn hoá trong lãnh vực phụng vụ, phải tuân thủ một cách chặt chẽ và toàn bộ các quy tắc đặc biệt được thiết lập cho việc này.

“[28.] Tất cả những quy tắc liên quan đến phụng vụ, do một Hội Đồng Giám Mục thiết lập, theo những quy tắc của luật pháp, cho lãnh thổ riêng của mình, cần phải được trình lên Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích để phê chuẩn (recognitio), nếu không, chúng không có một tính cách bó buộc nào.” (Bản dịch, như trên)

Do đó, Hội đồng Giám mục và Hội đồng phụng vụ hoặc phượng tự có trách nhiệm nhất định đối với cả nước. Thí dụ, Hội đồng phải phê duyệt tất cả các bản dịch của các cuốn sách chính thức cũng như đề xuất các văn bản mới. Hội đồng có thể đề xuất điều chỉnh lịch cho đất nước. Hội đồng có thể đề xuất các chuẩn mực liên quan đến tư thế được các tín đồ chấp nhận, như khi nào quỳ hoặc đứng. Các loại quy định này đòi hỏi phải có sự chấp thuận của Tòa thánh.

Các yếu tố khác có thể được các Giám mục chấp thuận, mà không nhất thiết yêu cầu chúng phải có đủ sức mạnh pháp luật. Chẳng hạn, ở một số quốc gia, Uỷ ban phụng vụ phê chuẩn âm nhạc được sử dụng cho các phần thông thường của Thánh lễ (kinh Vinh Danh Gloria, Kinh Thánh Thánh Thánh Sanctus, v.v.). Một số uỷ ban cũng có một danh mục quốc gia được phê duyệt về các bài hát phụng vụ, mà mọi người nên biết, mặc dù mỗi Giám mục có thể phê duyệt các bài hát khác. Những Uỷ ban này cũng có thể đưa ra hướng dẫn về cách áp dụng luật phổ quát trong bối cảnh quốc gia.

Tuy nhiên, Hội đồng Giám mục thường không tham gia vào các vấn đề kỷ luật, vốn là lĩnh vực của Giám mục địa phương liên quan đến giáo phận của mình và, trong các trường hợp nghiêm trọng, trực tiếp giữa Giám mục và Tòa thánh.

Về các lạm dụng luật phụng vụ và hành động của Tòa thánh, Huấn thị Redemptionis sacramentum nói:

“CÁC PHƯƠNG DƯỢC

“[169.] Khi có một lạm dụng trong việc cử hành Phụng Vụ thánh, thì phải nhìn nhận đó là một sự làm sai đi thật sự phụng vụ Công Giáo. Thánh Tôma đã viết: “Ai thay mặt Hội Thánh hiến dâng cho Thiên Chúa một sự thờ phượng đi ngược với những hình thức, mà Hội Thánh tự quyền Thiên Chúa đã thiết lập và chính Hội Thánh này thực hành, thì mắc lỗi giả mạo”.

“[170.] Để sửa chữa các lạm dụng đó, “công việc khẩn cấp nhất là đào tạo dân Thiên Chúa, mục tử và tín hữu, về mặt kinh thánh và phụng vụ”, để đức tin và kỷ luật của Hội Thánh liên quan đến Phụng Vụ thánh, được trình bày và lĩnh hội một cách đúng đắn. Tuy nhiên, nơi nào mà các lạm dụng vẫn tồn tại, thì phải hành động theo các quy tắc của giáo luật, để bảo toàn di sản thiêng liêng và những quyền của Hội Thánh, nhờ vào tất cả phương tiện chính đáng.

“[171.] Trong những điều lạm dụng khác nhau, xét về mặt khách quan, có phần là những graviora delicta (những tội phạm nặng hơn), có phần là những chất thể nặng và những lạm dụng khác nữa phải được quan tâm xa tránh và sửa chữa cẩn thận. Ngoài tất cả những gì được đề cập chính yếu trong Chương I của Huấn Thị này, phải ân cần quan tâm đến những điều quy định sau đây. […]

[174.] Hơn nữa, các hành vi phạm đến những gì được nêu ở những đoạn khác của Huấn Thị này và trong những quy tắc được giáo luật thiết lập, không được xem là không đáng kể hơn, nhưng chúng phải được kể trong số những lạm dụng khác phải xa tránh và phải ân cần sửa chữa.

“[175.] Rõ ràng là tất cả những gì đã được trình bày trong Huấn Thị này, không có liên quan đến tất cả những vi phạm đến Hội Thánh và đến kỷ luật của Hội Thánh, đã được xác định trong các điều của giáo luật, trong các luật phụng vụ và trong các quy tắc khác của Hội Thánh, theo giáo lý của Huấn Quyền hay theo truyền thống lành mạnh. Nơi nào có mắc bất cứ điều sai nào, thì điều sai đó phải được sửa chữa theo các quy tắc của giáo luật. […]

“5. TÔNG TOÀ

“[181.] Mỗi khi Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích biết được, ít nữa là có lẽ thực, về một tội phạm hay một lạm dụng phạm đến Phép Thánh Thể Chí Thánh, Bộ thông báo cho Đấng Bản Quyền hay, để vị này làm điều tra về sự việc. Nếu hành vi đang nói đến được xác nhận là nặng, Đấng Bản Quyền, càng sớm càng tốt, phải gởi về Bộ này một bản về các hành vi liên quan đến cuộc điều tra đã làm, và, có thể, đến hình phạt đã bắt chịu.

“[182.] Trong những trường hợp khó khăn nhất, vì lợi ích của Hội Thánh hoàn vũ, mà chính ngài cũng chia sẻ việc chăm sóc bằng việc ngài chịu chức thánh, Đấng Bản Quyền không được chểnh mảng giải quyết vấn đề, sau khi đã tham khảo ý kiến của Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích. Về phần mình, chính Thánh Bộ này, căn cứ vào những quyền hạn mà Đức Giáo Hoàng Rôma đã ban cho mình, phải giúp đỡ Đấng Bản Quyền, tuỳ trường hợp, bằng cách nhường cho ngài những miễn chuẩn cần thiết, hay thông báo cho ngài những huấn thị và những quy định mà ngài phải áp dụng cách chu đáo.

“6. NHỮNG KHIẾU NẠI LIÊN QUAN ĐẾN CÁC LẠM DỤNG VỀ PHỤNG VỤ

“[183.] Tuỳ theo khả năng của mỗi người, tất cả đều có bổn phận quan tâm đặc biệt để Phép Bí Tích Thánh Thể Chí Thánh được bảo vệ khỏi mọi bất kính và mọi biến dạng, và để mọi lạm dụng được hoàn toàn sửa chữa. Bổn phận này, bổn phận quan trọng nhất, được ủy thác cho mọi người và mỗi thành viên của Hội Thánh, phải được thực hiện mà không thiên vị ai.

“[184.] Mọi người Công Giáo, dù là linh mục, phó tế hay giáo dân, được nhìn nhận có quyền tố cáo một lạm dụng nào đó về phụng vụ, nơi Giám Mục giáo phận hay Đấng Bản Quyền có thẩm quyền được giáo luật nhìn nhận, hay nữa nơi Tông Toà vì tối thượng quyền của Đức Giáo Hoàng Rôma. Tuy nhiên, nên có hết sức trình bày trước cho Giám Mục giáo phận việc khiếu nại hay tố cáo ấy. Điều đó phải luôn luôn được thực hiện trong tinh thần chân lý và bác ái.” (bản dịch, như trên)

Tất nhiên, tất cả các thủ tục trên đây sẽ là không cần thiết, nếu tất cả những người tham gia phụng vụ tìm cách làm như vậy vì vinh quang của Thiên Chúa, và theo những gì đã được thiết lập hợp pháp trong các Sách phụng vụ của mỗi quốc gia. (Zenit.org 23-6-2020)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/responsibility-for-liturgical-laws/