Tạp chí First Things vừa cho đăng tải hồi ký của Đức Hồng Y George Pell về thời gian ngài ở trong tù (https://www.firstthings.com/article/2020/08/my-time-in-prison) với nội dung như sau:



Có rất nhiều điều tốt đẹp trong các nhà tù. Đôi khi, tôi chắc thế, nhà tù có thể là địa ngục trần gian. Tôi may mắn được giữ an toàn và đối xử tốt. Tôi có ấn tượng trước tính chuyên nghiệp của các cai tù, đức tin của các tù nhân và sự hiện hữu của một cảm thức đạo đức ngay ở những nơi tối tăm nhất.

Tôi bị biệt giam trong mười ba tháng, mười tháng tại Nhà tù Lượng giá Melbourne và ba tháng tại Nhà tù Barwon. Ở Melbourne, đồng phục nhà tù là một bộ đồ thể thao màu xanh lá cây, nhưng ở Barwon, tôi được phát đồ màu đỏ tươi của một Hồng Y. Tôi đã bị kết án hồi tháng 12 năm 2018 về các tội xâm phạm tình dục đã lâu đối với trẻ em, dù tôi vô tội và bất chấp sự bất nhất trong lý lẽ của Công tố viên chống đối tôi. Cuối cùng (vào tháng Tư năm nay) Tòa án Tối cao Úc đã hủy bỏ các bản án của tôi trong một phán quyết nhất trí. Giữa lúc tôi bắt đầu thi hành bản án sáu năm.

Ở Melbourne, tôi sống ở Phòng 11, Đơn vị 8, trên lầu năm. Phòng giam của tôi dài bảy hoặc tám mét và rộng khoảng hai mét, vừa đủ cho chiếc giường của tôi, một chiếc giường có chân đế vững chắc, một chiếc nệm không quá dày và hai chiếc chăn. Ở bên trái khi bạn bước vào là các kệ thấp với ấm đun nước, tivi và chỗ ăn uống. Bên kia lối đi hẹp là chậu rửa mặt có nước nóng và nước lạnh và vòi sen tắm với nước nóng tốt. Không giống như ở nhiều khách sạn sang trọng, một chiếc đèn đọc sách hữu hiệu đặt ở bức tường phía trên giường. Vì cả hai đầu gối của tôi đã được giải phẫu thay thế một vài tháng trước khi vào tù, nên thoạt đầu, tôi phải sử dụng một chiếc gậy đi bộ và được dành một chiếc ghế bệnh viện cao hơn, đó là một ơn phước. Các quy định về sức khỏe đòi mỗi tù nhân phải có một giờ mỗi ngày ở bên ngoài, và vì vậy tôi được dành cho hai tiếng rưỡi lúc ở Melbourne. Không ở đâu trong Đơn vị 8 có kính trong suốt, vì vậy tôi có thể phân biệt ngày và đêm, nhưng không nhiều lắm, từ phòng giam của tôi. Tôi chưa bao giờ thấy mười một tù nhân khác.

Tôi chắc chắn đã nghe họ nói. Đơn vị 8 có mười hai phòng giam nhỏ dọc theo một bức tường bên ngoài, với những tù nhân “ồn ào” ở cuối dẫy. Tôi nằm cuối dẫy “Toorak”, đặt tên theo vùng ngoại ô giàu có ở Melbourne, giống hệt như dẫy ồn ào nhưng nói chung không có tiếng đập và tiếng la hét, không có những người buồn bực và giận dữ, những người thường bị phá hủy bởi ma túy, đặc biệt là meth trong như pha lê. Tôi thường tự hỏi không biết họ có thể đập tay trong bao lâu, nhưng một người cai tù giải thích rằng họ đá bằng chân như ngựa. Một số đổ nước tràn cả các phòng hoặc làm chúng ra dơ bẩn. Thỉnh thoảng, đội chó được gọi tới, hoặc ai đó bị xịt hơi. Trong đêm đầu tiên, tôi nghĩ tôi đã nghe thấy một phụ nữ khóc; một tù nhân khác đang kêu xin gặp mẹ mình.

Tôi đã bị cô lập để bảo vệ chính tôi, vì những người bị kết án lạm dụng tình dục trẻ em, đặc biệt là giáo sĩ, dễ bị tấn công và lạm dụng thể lý ở trong tù. Tôi bị đe dọa cách này chỉ một lần, khi tôi đang ở một trong hai khu vực tập thể dục liền kề cách nhau bởi một bức tường cao, với một chỗ trống cao bằng đầu. Khi đang đi vòng quanh vành đai, ai đó nhổ nước bọt vào tôi qua lưới ruồi ở chỗ trống và bắt đầu lên án tôi. Quả là một sự ngạc nhiên hoàn toàn, vì vậy tôi giận dữ trở lại chỗ trống để đối đầu với kẻ tấn công và quở trách anh ta. Anh ta chạy trốn khỏi tầm mắt tôi nhưng vẫn tiếp tục lên án tôi, ví tôi như “con nhện đen” và các chữ khác khá khiếm nhã. Sau cuộc phản công ban đầu ấy, tôi giữ im lặng, mặc dù sau đó, tôi có khiếu nại rằng tôi sẽ không ra ngoài tập thể dục nếu người đó ở bên cạnh. Một ngày sau hay gần như thế, người giám thị đơn vị nói với tôi rằng người phạm tội trẻ tuổi đã bị đổi đi chỗ khác, vì anh ta đã làm một điều “còn tệ hơn nữa” với một tù nhân khác.

Trong một vài dịp khác lúc bị cấm cửa (lockdown) lâu dài từ 4 giờ 30 chiều đến 7 giờ 15 sáng, tôi đã bị các tù nhân khác trong Đơn vị 8 lăng mạ và xỉ vả. Một tối kia, tôi tình cờ nghe thấy một cuộc cãi vã gay gắt về tội trạng của tôi. Một người bênh vực tuyên bố anh ta sẵn sàng bênh vực người đã được hai thủ tướng ủng hộ công khai. Ý kiến về sự vô tội hoặc tội lỗi của tôi đã bị chia rẽ giữa các tù nhân, như trong hầu hết các khu vực khác của xã hội Úc, mặc dù các phương tiện truyền thông với một số ngoại lệ rất ít là thù địch cay đắng. Một phóng viên từng ngồi tù nhiều thập niên viết rằng tôi là linh mục bị kết án đầu tiên mà ông ta nghe nói được sự hỗ trợ nơi các tù nhân. Và tôi chỉ nhận được lòng tốt và tình bạn từ ba bạn tù của tôi ở Đơn vị 3 tại Barwon. Hầu hết những người cai tù ở cả hai nhà tù đều công nhận tôi vô tội.

Sự ác cảm giữa các tù nhân đối với thủ phạm lạm dụng tình dục vị thành niên là phổ biến trong thế giới nói tiếng Anh, một điển hình đáng lưu ý của luật tự nhiên xuất hiện trong đêm tối. Tất cả chúng ta đều bị cám dỗ trong việc coi khinh những người mà chúng ta định nghĩa là tồi tệ hơn chính mình. Ngay những kẻ giết người cũng có chung sự khinh bỉ đối với những kẻ xâm phạm trẻ em. Bất kể nghịch lý bao nhiêu, sự khinh bỉ này không hề là xấu, vì nó nói lên niềm tin vào sự hiện hữu của điều đúng và điều sai, điều thiện và điều ác, thường xuất hiện trong các nhà tù theo những cách đáng ngạc nhiên.

Ở Đơn vị 8, nhiều buổi sáng tôi có thể nghe thấy tiếng đọc kinh cầu nguyện của người Hồi giáo. Vào những buổi sáng khác, người Hồi giáo có chút bê trễ và không đọc kinh, mặc dù có thể họ đang cầu nguyện một cách thầm lặng. Ngôn ngữ trong nhà tù thường lỗ mãng và lặp đi lặp lại, nhưng ít khi tôi nghe thấy tiếng chửi thề hoặc phạm thượng. Người tù mà tôi tham khảo nghĩ rằng sự kiện này là dấu hiệu của niềm tin, chứ không phải dấu chỉ sự vắng mặt của Thiên Chúa. Tôi nghi ngờ các tù nhân Hồi giáo, về phần họ, không dung thứ tội phạm thượng.

Các tù nhân từ nhiều nhà tù đã viết thư cho tôi, một số viết thường xuyên. Một trong số đó là người đã lập bàn thờ để tôi cử hành Thánh lễ Giáng sinh cuối cùng tại nhà tù Pentridge năm 1996, trước khi nó đóng cửa. Một người khác tuyên bố đơn giản rằng anh ta đã sai lạc và hiện sống trong bóng đêm. Liệu tôi có thể đề nghị một cuốn sách hay không? Tôi đề nghị anh ấy đọc Tin Mừng Thánh Luca và bắt đầu với thư thứ nhất của Thánh Gioan. Một người khác là một người có đức tin sâu sắc và là người sùng mộ Cha Pio thành Pietrelcina. Anh ấy uớc mơ tôi được thả tự do. Mơ ước ấy được chứng minh là hơi sớm. Một người khác nói với tôi rằng có sự đồng thuận giữa các tội phạm chuyên nghiệp là tôi vô tội và đã bị “thêu dệt”; anh nói thêm rằng điều kỳ lạ là bọn tội phạm có thể nhận ra sự thật, chứ không phải các thẩm phán.

Giống như hầu hết các linh mục, công việc của tôi đã đưa tôi tiếp xúc với rất nhiều người, vì vậy tôi không quá ngạc nhiên đối với các tù nhân. Những người cai tù mới là một bất ngờ và là một bất ngờ dễ chịu. Một số rất thân thiện, chỉ một hoặc hai người có khuynh hướng thù địch, nhưng tất cả đều chuyên nghiệp. Nếu họ kiên quyết im lặng, như các lính canh đã im lặng nhiều tháng khi Đức Hồng Y Thuận bị biệt giam ở Việt Nam, có lẽ cuộc sống sẽ khó khăn hơn nhiều. Nữ tu Mary O'Shannassy, vị tuyên úy Công Giáo lâu năm ở Melbourne với hai mươi lăm năm kinh nghiệm, người thực hiện một công việc rất tốt - có người đàn ông bị kết tội giết người nói với tôi rằng ông ta hơi sợ vị nữ tu này! – bà nhìn nhận rằng Đơn vị 8 rất tốt về nhân viên và điều hành rất tốt. Sau khi thua kháng cáo ở Tòa án tối cao Victoria, có lúc tôi đã xem xét việc không kháng cáo lên Tòa án tối cao Úc, với lý do là nếu các thẩm phán chỉ đơn giản thắt chặt hàng ngũ với nhau, thì tôi đâu cần phải hợp tác vào cuộc diễn hành đắt tiền này. Ông xếp nhà tù ở Melbourne, một người cao lớn hơn tôi và là một người nói thẳng, đã thúc giục tôi kiên trì. Tôi đã được khuyến khích và mãi biết ơn ông ấy.

Vào sáng ngày 7 tháng 4, truyền hình quốc gia đã chuyển tiếp thông báo về bản án của tôi từ Tòa án Tối cao. Tôi đã xem trong phòng giam của tôi trên Đài Số 7 khi một phóng viên trẻ đầy ngạc nhiên thông báo cho nước Úc biết việc tha bổng tôi và còn bối rối hơn nữa bởi sự nhất trí của bảy thẩm phán. Ba tù nhân khác trong đơn vị của tôi đã chúc mừng tôi, và không lâu sau đó, tôi đã được thả vào một thế giới bị khóa cửa vì coronavirus. Hành trình của tôi thật kỳ quái. Hai máy bay trực thăng báo chí theo tôi từ Barwon đến Tu viện Cát Minh ở Melbourne, và ngày hôm sau, hai chiếc xe báo chí tháp tùng tôi suốt 880 km đến Sydney.

Đối với nhiều người, thời gian trong tù là cơ hội để suy ngẫm và đối diện với những sự thật căn bản. Cuộc sống trong tù đã loại bỏ mọi lời bào chữa rằng mình quá bận đến không thể cầu nguyện, và lịch trình cầu nguyện thường xuyên đã nâng đỡ tôi. Ngay từ đêm đầu tiên, tôi đã luôn có sách nguyện (ngay cả khi đã hết mùa) và tôi đã được rước lễ mỗi tuần. Năm lần tôi được tham dự thánh lễ, dù tôi không được cử hành nó, một sự kiện tôi đặc biệt khiếu nại nhân lễ Giáng sinh và Phục sinh.

Đức tin Công Giáo của tôi đã nâng đỡ tôi, đặc biệt sự hiểu biết này: sự đau khổ của tôi không cần phải vô nghĩa nhưng có thể được kết hợp với sự đau khổ của Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị bỏ rơi, vì biết rằng Chúa luôn ở bên tôi, ngay cả khi tôi không hiểu Người muốn làm gì trong hầu hết mười ba tháng ròng. Trong nhiều năm, tôi vốn nói sự đau khổ và bối rối mà Con Thiên Chúa cũng đã có qua các thử thách trên trái đất này, và bây giờ chính tôi đã được an ủi bởi sự kiện này. Vì vậy, tôi đã cầu nguyện cho bạn bè và kẻ thù, cho những người ủng hộ và gia đình tôi, cho các nạn nhân của lạm dụng tình dục, và cho các bạn tù của tôi và những người cai tù.