Beirut (Agenzia Fides) - Hơn 300.000 người đã phải di dời khỏi nơi ở của họ, hàng nghìn người bị thương và hàng trăm người thiệt mạng: đây là số tổng kết tạm thời do vụ nổ xảy ra vào thứ Ba, ngày 4 tháng 8 tại cảng Beirut (xem Fides, 5/8/2020). "Đó là một tình huống khủng khiếp và thảm khốc và cho đến hôm nay chúng tôi vẫn còn bàng hoàng sửng sốt", theo báo cáo của bà Rita Rhayem, giám đốc Caritas Liban, cho cơ quan Caritas quốc tế. Bà cho biết ban điều hành Cariatas Liban đã ngay lập tức hành động để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi vụ nổ.

Bà Rita Rhayem nhấn mạnh: "Tình hình rất nguy cấp và đây là lần đầu tiên chúng tôi phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp như thế này, nhưng chúng tôi sẽ không buông tay và sẽ tiếp tục giúp đỡ tất cả những người gặp khó khăn". "Nhiều người đã chết và bị thương, và theo quan điểm y tế, tình hình có thể sẽ xấu đi nhanh chóng do ảnh hưởng của khí độc. Caritas Liban đang chuẩn bị cho tình huống tồi tệ này, nhưng các trung tâm y tế của chúng tôi không có biện pháp nào để đối phó với tình huống đó và các hoạt động cứu thương cho các nạn nhân càng khó khăn hơn do thiếu điện ".

Thông báo gửi tới Hãng thông tấn Fides cho biết trụ sở Caritas Liban cũng đã bị hư hại nghiêm trọng do vụ nổ. Theo các nguồn tin địa phương, văn phòng đã đóng cửa ngay trước khi vụ nổ xảy ra và do đó không ai trong số các nhân viên bị thương.

Linh mục Michel Abboud, chủ tịch Caritas Liban, cho biết thêm: "Đất nước đã ngừng hoạt động và chúng tôi đang trải qua một cơn ác mộng. Chúng tôi hoàn toàn trắng tay không có gì để giúp đỡ người dân. Beirut bị tàn phá và chúng tôi hoàn toàn bị bó tay „lực bất tòng tâm“ trước quy mô của các biến cố này".

"Các tình nguyện viên của chúng tôi ngay lập tức được huy động để xác định vị trí và hỗ trợ những người bị thương, nhưng thật xui xẻo, vì có quá nhiều nạn nhân nên các trung tâm chăm sóc chính của chúng tôi cũng như bệnh viện đều quá tải. Mọi thứ đều thiếu, bao gồm cả thực phẩm để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng", Bà Rita Rhayem nhấn mạnh.

Ông Aloysius John, tổng thư ký Caritas Internationalis nhấn mạnh: "Các vụ nổ gây thêm thiệt hại cho một Liban đã ngã quỵ do khủng hoảng kinh tế và chính trị, bạo lực, đại dịch Covid-19 và hậu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Syria". Chúng ta không được quên hậu quả của các lệnh trừng phạt kinh tế và bạo lực đã làm suy yếu đất nước này và đang đè nặng lên Liban, quốc gia ngày nay cũng phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng ". Ông John kêu gọi " cộng đồng quốc tế can thiệp khẩn cấp và vô điều kiện để giúp đỡ người dân, để có hành động dứt khoát nhằm giảm bớt sự đau khổ của người Liban, bằng cách dỡ bỏ ngay các lệnh trừng phạt kinh tế ". (AP) (Agenzia Fides, 6/8/2020)


Source:Fides