TÀI NĂNG MỆNH YỂU

-Dụng tài chưa trọn vẹn,

Sự nghiệp bỏ dở dang,

Tài năng thường mệnh yểu,

Trả lại cho trần gian !


*Vùng tối lan mau. Những cây thập tự trắng nổi bật trong ánh nắng chiều tàn. Con chó trắng vội trốn qua hàng rào nghĩa trang khi thấy có người đến…

Nó đứng lặng trước mộ đứa em không thốt lên lời. Vai nó rung chuyển như lòng đất đang chuyển động dưới chân. Tiếng thằng bạn trầm và nhỏ dần như lời kinh xám hối. Hàng chữ trắng nổi dưới tấm hình: Đinh…23 tuổi và tên người yêu của nó trên tấm khăn tang vòng quanh cây Thập tự, bên dưới là bó hoa đã héo tàn. Nó nhìn mãi cho đến khi những dòng chữ mờ dần trong bóng đêm và ngấn lệ.

-Thằng mệnh yểu quá ! Sự nghiệp mới bắt đầu nhúm lên !

Tiếng than của người bạn thân khiến nó lịm vào trong vùng suy tư quá vãng.

Chiến tranh trên Quê hương đã khóet sâu đau thương tận đáy lòng, làm nó chợt nhớ đến câu thơ của Hữu Loan trong bài Màu hoa xim tím: ‘Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người em ở hậu phương’. (*)

*Con đường nhỏ xóm đạo chạy dài hai bờ sông, gió đồng thổi vuốt ve, ánh trăng soi loãng một vùng vắng lạnh, ếch nhái hòa ca. Tháp giáo đường vút nhọn trời cao mời gọi thế trần. Ánh đèn của người đi bẳt ếch lập lòe càng tăng vẻ buồn cô quạnh. Hai anh em đi bên nhau tâm tình rộng mở:

-Bao giờ anh vào Thủ Đức?

-Chắc khóa tới rồi.

-Anh có ý định xin đi ngành gì không?

-Ngành gì? Tao sẽ tình nguyện sang Lực Lượng Đặc biệt.

Thấy em im lặng, biết nó lo cho mình nhưng không có quyền phản đối.

-Còn mày sẽ làm gì khi tao vào lính?

-Còn vài năm nữa trước khi vào quân đội, em sẽ thi Sư phạm hay Quốc gia âm nhạc.

-Mày chưa cần vội như tao. Phải tiến thêm chút nữa ! Không phải xướng ca là vô loại, nhưng trên đất nước này nghệ sĩ thì nghèo lắm, nghèo cho tới khi chết. Mày đọc Sans Famille của Hector Malot chưa?

Cảnh sống khổ cực của ông già và thằng con nuôi với con khỉ thật là thương tâm. Buổi trình diễn dưới làn mưa tuyết, khán giả duy nhất chỉ có hai vợ chồng già vô tình đi qua dừng lại ít phút nghỉ chân. Hai ông cháu thay nhau thổi kèn kéo đàn và con khỉ nhảy múa cho đến khi đói lả mà cũng không kiếm được tiền cho bữa ăn đêm. Vì thế tao thà thấy mày trở thành ông giáo làng còn hơn một nghệ sĩ lang thang suốt đời. Hay mày muốn trở thành Dũng như trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, để rồi mỗi độ xuân về nghe tiếng pháo nổ mà tâm hồn cô quạnh nhớ đến gia đình xa cách. Tao nghĩ mày đi dạy học vẫn có thì giờ để vui văn nghệ. Tao đã sống qua bao mùa xuân với những đêm dài trằn trọc và mai ngày trên đường binh nghiệp chắc cũng như thế. À từ ngày bỏ quê hương đã mười mấy xuân qua rồi thế nhỉ ! Ôi những mùa xuân nghe tiếng súng nhiều hơn tiếng pháo ! Quê hương Miền Bắc giờ ra sao dưới gông cùm Cộng Sản? Còn thảm lúa vàng trải rộng trên cánh đồng khi mùa lúa chin, còn cánh diều vi vu uốn lượn trên bầu trời xanh, còn tiếng chuông giáo đường mời gọi 2 anh em mình theo mẹ đến buổi kinh chiều… Nhớ bao kỷ niệm thân thương không thể phai mờ !

Bỗng thằng em nhẹ nhàng cắt ngang dòng suy tư:

-Vậy anh có chia sẻ ý kiến với chị không?

-Đã lâu rồi anh tự mình quyết định cho cuộc sống em ạ !

Vầng trăng lên cao, trời đã về khuya, anh em lặng lẽ trở về với bao ý nghĩ trào dâng…

*Cha mẹ sớm mất khi đứa em út chưa tròn 8 tuổi.

Người chị cả lập gia đình năm 18. Chị kế 16 tuổi theo các bà bạn của mẹ buôn bán ngược xuôi gánh vác gia đình khi 3 em còn nhỏ.

Hoàn cảnh nghèo khổ nên đứa em út khôn lanh trước tuổi. Năm 1954 chia đôi Đất nước chị em lại vỡ đàn tan nghé. Tôi được một Linh mục nuôi dưỡng cho theo con tàu Pháp quốc đưa các Linh mục Tu sĩ xuôi Nam.

Đứa em 8 tuổi tách rời 2 chị len lỏi theo dòng người xứ đạo vào Nam và gần năm sau chị em lại đoàn tụ cùng chị cả nơi trại gia binh, vì chồng chị theo quân đội vào để ủng hộ Thủ tướng Ngô đình Diệm mới từ nước ngoài về chấp chánh…

Mấy năm sau tôi được giới thiệu kèm học thêm buổi chiều cho 4 em một gia đình cha người Pháp mẹ Việt. Tiền kèm trẻ phải tiết kiệm để thuê gác trọ sát mái tôn, mùa hè nóng bức hai anh em phải vào sở thú học. Hai buổi sáng chiều ăn tại quán cơm bình dân hỗ trợ cho sinh viên học sinh nghèo và người lao động, cũng có 3 món canh, kho, xào, còn cơm không giới hạn, nên 2 anh em chỉ ăn chung 1 phần cho đỡ tốn tiền.

Những tháng năm lăn lộn trôi qua, tôi đi dạy học rồi vào quân đội.

Em nghe lời tôi, thi đỗ cả 2 trường Sư phạm và Âm nhạc, nhưng em đã chọn học Sư phạm. Ra trường về dạy nhạc tại một trường Trung học Miền Tây. Tôi cũng hơi ngạc nhiên nghĩ em sẽ dạy Việt văn, vì khi còn đi học em cũng ham viết lách trong nhóm học sinh do nhà văn Duyên Anh đỡ đầu hướng dẫn. Thằng này thật diệu kế vừa nghe theo lời anh, vừa không bỏ được ham muốn của mình cả Văn và Nhạc.

*Vào một chiều khi ánh nắng chỉ còn vương trên ngọn đồi phía xa, Các Trung đội Biệt Cách Dù chúng tôi được trực thăng thả xuống chung quanh ven rừng, truy tìm dấu vết địch. Qua mấy tiếng lầm lũi băng rừng, rồi vượt qua ngọn đồi phía trước, bỗng tiếng súng nổ vang tứ phía mở đầu cuộc tao ngộ chiến. Chúng tôi đã bị bao vây. Địch tràn lên tấn công biển người cùng tiếng kèn và tiếng hô xung phong. Nghe tiếng súng đáp trả, địch biết chúng tôi ít, nên cố tình bắt sống để khai thác hơn là tiêu diệt.

Chúng tôi cố thủ sau những mô đất, tảng đá và gọi về Bộ chỉ huy xin yểm trợ. Màn đêm đã chụp xuống khu núi rừng. Đoàn trực thăng ầm ầm bay lên tiếp cứu, bắn hỏa châu sáng rực trời đêm, đan vòng đai lửa quanh chân đồi ngăn không cho địch tràn lên. Pháo Việt cộng chung quanh ì ầm rót xuống đồi. Chúng tôi trong một thế kẹp gọng kìm tiến thoái lưỡng nan, phía dưới là địch phía trên đạn pháo.

Suốt một đêm dài cầm cự với tử thần trước mặt. Trời vừa sáng, các Đại đội Biệt Cách Dù và đơn vị bạn đổ quân tiếp ứng, giải vây mở đường máu để chúng tôi thoát ra mang theo chiến sĩ tử thương và bị thương. Trở về đơn vị, quân số đã hao hụt nhiều nên chúng tôi được nghỉ dưỡng sức chờ bổ sung. Tôi nhận được điện tín báo tin chú em bị bệnh đột ngột qua đời. Nhận giấy phép tôi vội vã theo chuyến bay đêm về Sài gòn.

Đứng trược mộ, nhìn ảnh đứa em thân thương trẻ trung tràn đầy sức sống, tôi nhỏ lệ nghẹn ngào không thốt lên lời. Xa xa tiếng bom đạn vang vọng như kêu gọi tôi trở về cùng đồng đội.

Về đơn vị chuẩn bị tiếp tục hành quân. Tôi thấy đau buồn nghĩ đến em mới mất và các đồng đội đã hy sinh. Tôi ghi lại chi tiết trận ác chiến vừa qua tựa đề ‘Ngọn đồi tử chiến’ và gởi về dự thi Phóng sự Chiến trường do Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị vừa phát động trong toàn quân đội và tôi đã nhận được giải thưởng.

Từ bãi xuất quân chuẩn bị xâm nhập, một chiếc trực thăng tiếp tế đem theo công điện kêu tôi về trình diện Bộ Tư Lệnh để nhận nhiệm vụ mới.

Bước lên trực thăng tôi giơ tay vẫy chào tạm biệt đồng đội đã hơn một năm vui buồn sống chết

bên nhau…

Nếu em tôi còn sống nó cũng an tâm phần nào khi thấy tôi đỡ nguy hiểm hơn và anh em lại có nhiều dịp gần gũi chia sẻ vui buồn. Than ôi phải chăng là số mệnh an bài !

*Đời tôi gặp nhiều phân ly chia cắt.

Tôi không được gặp mặt cha mẹ và chị em lần cuối để nói đôi lời vĩnh biệt.

Giờ đây chỉ còn lại một mình phiêu bạt nơi đất khách quê người.

Khi nghèo khổ quây quần bên nhau đùm bọc yêu thương.

Khi no đủ lại chia lìa tiếc thương.

Nhân sinh trôi nổi bồng bềnh,

Giai nhân tài tử mỏng manh cuộc đời !

Rồi một ngày mới đây con chị hai qua Mỹ thăm con và ghé thăm tôi ít ngày. Cháu trao tôi một kỷ vật mà chị giữ mãi trong ví hơn 50 năm cho đến khi qua đời. Đó là bài tôi viết sau khi em mất, đăng trong Nguyệt san Bốn Phương Lực Lượng Đặc Biệt, lúc tôi đang phụ trách tờ báo Binh chủng.

Tôi đã từng cảm động nhận qua email của một học trò xưa với những dòng lưu bút tôi viết cho em trước khi vào quân đội mà em còn trân quí giữ lại hơn nửa thế kỷ.

Nhưng tôi rất xúc động cầm trang giấy đã vàng úa, chữ in đã mờ nhạt, vì đây chính là kỷ niệm về người em thân thương và người chị quí mến mà tôi coi như bà mẹ thứ hai.

Kỷ niệm gọi về dâng đầy tâm hồn khiến tôi ghi lại những dòng viết này.

Thôi em ạ ! Hãy nghỉ yên nhé !

Rồi sẽ có một ngày anh em mình lại đoàn tụ bên cha mẹ và các chị nơi cõi Vĩnh Hằng không còn khổ đau chia lìa.

“ Requiem aeternam dona eis, Domine!

Et lux perpetua luceat eis.”

( Lạy Chúa ! xin cho linh hồn được nghỉ yên muôn đời,

Và được hưởng ánh sáng ngàn thu. ) (*)

Đinh Quân

(*) Trích đoạn mở đầu Thánh ca Cầu Hồn REQUIEM của nhạc sư Mozart. -- Nguyên văn 2 câu thơ của Hữu Loan: ‘Nhưng không chết người trai khói lửa, mà chết người ‘gái nhỏ’ hậu phương