Ký giả lão thành Sandro Magister vừa có bài nhận định “The ‘Fake News’ of Viganò and Company. Unmasked by a Cardinal” (‘Tin giả’ của Viganò và tập đoàn. Bị một vị Hồng Y lột mặt nạ).

Như báo chí đã đăng tải, càng ngày Tổng Giám Mục Viganò càng sa sâu hơn vào các sai lầm của ngài. Khởi đầu là chuyện tranh chấp quyền lực khi kêu gọi Đức Phanxicô từ chức, sau đó đụng tới tín lý, vốn là cốt lõi đời sống Giáo Hội. Ngài đi xa đến nỗi đã kết án toàn bộ Công Đồng Vatican II, coi nó như một ổ dị giáo, do đó, tốt nhất nên hủy bỏ nó một cách “in toto” (toàn diện) và quên hẳn nó đi.

Magister cho rằng luận điểm do Viganò đưa ra sau khi đọc một phân tích khác của Giám Mục Athanasius Schneider. Nhưng trong khi phê phán Công Đồng Vatican II, vị giám mục của Kazakhstan này chỉ muốn các điểm ngài cho là sai lầm của nó được sửa chữa, thì Tổng Giám Mục Viganò đã cực đoan đòi dẹp bỏ nó toàn diện.



Đối với Giám Mục Schneider, Đức Hồng Y Walter Brandmüller, một sử gia lỗi lạc của Giáo Hội, từng đứng đầu Ủy Ban Giáo Hội về Các Khoa Học Lịch Sử từ năm 1998 tới năm 2009, và từng là một trong bốn Hồng Y “hoài nghi” Đức Phanxicô, đã gửi tới một bản tóm tắt chỉ ra các điểm thiếu chính xác trong bài viết của ngài.

Riêng đối với Viganò, cho đến nay, cả Tòa Thánh lẫn Đức Hồng Y Brandmüller vẫn im lặng. Phải chăng Viganò bị coi như một thứ cùi hủi không ai muốn đụng tới?

Tuy nhiên, nhân cơ hội này, Magister có phổ biến một bài diễn văn của Đức Hồng Y Brandmüller tựa là “Công Đồng Vatican II: Các Khó Khăn Trong Việc Giải Thích Nó”, đọc trước Học Viện Ecclesia Mater hồi tháng 8 năm 2019. Bài diễn văn nhằm nói chung với những người coi Vatican II như dị giáo, nhưng gián tiếp nói với những người như Giám Mục Schneider và Tổng Giám Mục Viganò: lập trường của họ hoàn toàn sai lầm. (Xin xem nguyên bản tiếng Anh tại https://www.marcotosatti.com/2020/07/07/brandmuller-difficulties-of-interpretation-of-vat-ii/):

Sự kiện trong khi giải thích các văn kiện công đồng, việc đạt tới các ý kiến khác nhau chắc chắn không phải là một điều mới lạ đối với lịch sử của các công đồng. Việc phát biểu các chân lý đức tin có nghĩa phải phát biểu mầu nhiệm khôn tả của chân lý thần thiêng bằng ngôn ngữ nhân loại. Tuy nhiên, đó là và vẫn là một đảm trách táo bạo, một đảm trách mà Thánh Augustinô từng so sánh với việc một em bé cố gắng cát tạn nước biển bằng một chiếc chậu.

Và trong đảm trách này, ngay cả một công đồng cũng không thể làm hơn em bé đó.

Do đó, không có gì là lạ nếu cho dù những lời khẳng định tín lý bất khả ngộ của một công đồng hoặc của một vị giáo hoàng có thể định tín được chân lý mặc khải - và do đó giới hạn nó khỏi sai lầm - nhưng chúng vẫn không bao giờ nắm được trọn vẹn chân lý thần thiêng.

Đó là sự kiện thiết yếu mà chúng ta không được sao lãng khi đối diện với những khó khăn trong việc giải thích mà Công đồng Vatican II đã trình bày cho chúng ta. Để minh họa chúng, chúng ta sẽ giới hạn vào các bản văn công đồng đã được các giới gọi là duy truyền thống tri nhận như khó hiểu một cách đặc biệt.

Tuy nhiên, trước hết, chúng ta nên xem xét những đặc điểm phân biệt Công đồng Vatican II với các công đồng trước đó.

Về phương diện này, có một tiền đề cần được nêu rõ: đối với sử gia của công đồng, Vatican II, về nhiều khía cạnh, trước hết, là một công đồng của những cái nhất (superlatives). Chúng ta bắt đầu với nhận xét rằng trong lịch sử của Giáo hội, không có công đồng nào khác được chuẩn bị kỹ càng bằng Công đồng Vatican II. Đúng vậy, công đồng trước nó cũng đã được chuẩn bị rất kỹ trước khi khai mạc vào ngày 8 tháng 12 năm 1869. Có lẽ phẩm chất thần học của các lược đồ chuẩn bị thậm chí có khi còn vượt trội hơn so với công đồng theo sau nó. Tuy nhiên, không thể bỏ qua điều này: số lượng các ý tưởng và đề nghị được gửi tới từ khắp nơi trên thế giới, cũng như cách chúng được khai triển chi tiết, nhiều hơn tất cả những gì đã được thấy [trong lịch sử của các công đồng] cho đến lúc đó.

Sự kiện Công đồng Vatican II là một công đồng của những cái nhất xuất hiện rõ ràng hơn vào ngày 11 tháng 10 năm 1962, khi một số lượng lớn các giám mục - hai nghìn bốn trăm bốn mươi vị - diễn hành tiến vào Vương cung thánh đường Thánh Phêrô. Nếu Công đồng Vatican I, với khoảng 642 Nghị phụ, tìm đủ chỗ ngồi ở cánh phải của Vương cung thánh đường, thì giờ đây toàn bộ gian giữa đã được biến thành Phòng Họp Công Đồng. Trong khoảng cách một trăm năm giữa hai công đồng, Giáo hội, như giờ đây hiển hiện một cách hết sức ấn tượng, đã trở thành một Giáo hội phổ quát không những trên danh nghĩa mà còn trên thực tế nữa. Thực tại này nay được phản ảnh trong con số 2, 440 Nghị phụ và các quốc gia xuất xứ của họ. Ngoài ra, lần đầu tiên trong lịch sử, một công đồng có thể bỏ phiếu với sự trợ giúp của kỹ thuật điện tử, và các vấn đề về âm thanh (acoustical) từng làm phiền các vị tham gia Vatican I thậm chí không còn được đề cập đến nữa.



Còn nói về các phương tiện truyền thông hiện đại: trước đó chưa bao giờ xảy ra, như đã xảy ra vào năm 1962, là khoảng một nghìn nhà báo từ khắp nơi trên thế giới đã được công nhận theo dõi công đồng. Điều này làm cho Công đồng Vatican II trở thành công đồng được biết đến nhiều nhất trong mọi thời đại, một biến cố truyền thông bậc nhất.

Tuy nhiên, nó cũng là một công đồng của những cái nhất một cách rất đặc biệt về phương diện kết quả của nó. Trong số 1, 135 trang thu thập ấn bản các sắc lệnh của mọi công đồng vẫn thường được coi là công đồng chung, tổng cộng lên tới 21 Công Đồng, riêng một mình Vatican II đã chiếm 315 trang, tức hơn một phần tư tổng số. Do đó, nó chắc chắn chiếm một vị trí đặc biệt trong loạt mọi công đồng chung, dù chúng ta mới chỉ sử dụng các tiêu chuẩn vật chất và bên ngoài của nó mà thôi.

Ngoài tất cả những điều trên, còn có những đặc điểm khác phân biệt Công đồng Vatican II với các công đồng trước nó, chẳng hạn, về các chức năng của một công đồng chung. Các công đồng là những thầy dậy tối cao, các nhà lập pháp tối cao, các thẩm phán tối cao, dưới và với Đức Giáo Hoàng, người mà những vai trò này vốn thuộc về ngay cả khi không có công đồng. Nhưng không phải công đồng nào cũng thực hiện chức năng này.

Chẳng hạn, nếu Công đồng Lyons thứ nhất, vào năm 1245, bằng vạ tuyệt thông và phế truất Hoàng đế Frederick II, đã đóng vai trò như một tòa án và hơn thế còn thông qua các đạo luật, thì ngược lại, Vatican I đã không tổ chức các phiên xử cũng như không ban hành bất cứ đạo luật nào mà chỉ quyết định hoàn toàn về các vấn đề tín lý.

Thay vào đó, Công đồng Vienne các năm 1311-12 vừa thông qua phán quyết vừa ban hành các đạo luật, đồng thời quyết định các vấn đề tín lý.

Cùng một điều trên cũng diễn ra với Công đồng Constance năm 1414-18 và Công đồng Basel-Ferrara-Florence năm 1431-1439.

Nhưng, Vatican II đã không tuyên bố bất cứ phán quyết nào, không thực sự ban hành bất cứ luật lệ nào, và thậm chí không đưa ra bất cứ quyết định định tín nào về các vấn đề đức tin.

Đúng hơn, trên thực tế, nó đã lên khuôn cho một loại công đồng mới, có ý định trở thành một công đồng mục vụ, do đó quan tâm đến việc chăm sóc các linh hồn, nhằm làm cho thế giới thời đó biết đến giáo huấn và chỉ thị của Tin Mừng một cách lôi cuốn hơn và một cách có định hướng. Đặc biệt, nó không công bố bất cứ sự lên án tín lý nào. Đức Gioan XXIII, trong diễn văn long trọng khai mạc công đồng, đã nói rõ: “Không có thời nào trong đó Giáo hội không phản đối những sai sót này; Giáo Hội thường lên án chúng, đôi khi một cách nghiêm khắc nhất. Đối với thời điểm hiện tại, […] Giáo Hội thích sử dụng thuốc thương xót hơn […]; Giáo Hội nghĩ mình nên ra đi để đáp ứng nhu cầu của ngày hôm nay, phát biểu rõ ràng hơn giá trị giáo huấn của mình hơn là lên án”. Tuy nhiên, như chúng ta biết năm mươi năm sau khi nó kết thúc, công đồng đáng lẽ đã viết được trang sử huy hoàng nếu, theo bước chân của Đức Piô XII, nó có đủ can đảm để lên án chủ nghĩa cộng sản một cách minh nhiên rõ ràng và lặp đi lặp lại.

Thay vào đó, nỗi sợ hãi phải tuyên bố các lời kết án lý thuyết và các định nghĩa tín điều, khiến vào cuối công đồng, người ta có ấn tượng rằng một số khẳng định của công đồng có mức độ chân chính cao hơn, và do đó, có tính chất ràng buộc hoàn toàn khác. Do đó, như Hiến chế Lumen Gentium về Giáo hội và Hiến chế Dei Verbum về Mặc Khải Thiên Chúa, chẳng hạn, chắc chắn có bản chất và đặc tính ràng buộc của các giáo huấn tín lý chân chính - mặc dù ở đây không có gì được định nghĩa một cách ràng buộc theo nghĩa chặt chẽ - trong khi, như Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo Dignitatis Humanae chẳng hạn, theo [nhà thần học người Đức] Klaus Mörsdorf [1909-1989], “tuy đưa ra một lập trường về các vấn đề của thời đại nhưng không có nội dung quy phạm rõ ràng”. Thực thế, lập trường này có giá trị cho các văn kiện kỷ luật, quy định việc thực hành mục vụ. Rõ ràng, đặc tính ràng buộc của các bản văn công đồng có các mức độ khác nhau.

Tiến thêm một bước nữa, thì ta phải đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa Công đồng Vatican II và toàn bộ Truyền thống của Giáo hội. Chúng ta có thể tìm ra câu trả lời bằng cách phân tích xem các bản văn công đồng đã rút tỉa nhiều hay ít ra sao từ Truyền thống. Theo chiều hướng này, thí dụ, chỉ cần khảo sát Hiến chế Lumen Gentium cũng đủ. Ta chỉ cần lướt qua các ghi chú của bản văn. Nhờ thế, ta có thể thấy mười công đồng trước đã được văn kiện trích dẫn. Trong số này, Vatican I được tham chiếu đến 12 lần, và Trent 16 lần. Do đó, điều rõ ràng là ta có thể tuyệt đối loại bỏ bất cứ ý tưởng nào về việc “tách rời khỏi công đồng Trent”.

Mối liên hệ với Truyền thống thậm chí càng gần gũi hơn nữa nếu chúng ta nghĩ tới cung cách, trong số các giáo hoàng, Đức Piô XII được trích dẫn 55 lần, Đức Lêô XIII 17 lần, và Đức Piô XI 12 lần. Thêm vào đó còn có Đức Bênêđíctô XIV, Đức Bênêđíctô XV, Đức Piô IX, Đức Piô X, Đức Innocentê I và Đức Gelasiô.

Tuy nhiên, khía cạnh gây ấn tượng nhất là sự hiện diện của các Giáo phụ trong các bản văn của Lumen Gentium. Công đồng tham chiếu giáo huấn của các Giáo phụ trọn vẹn 44 lần, bao gồm các thánh Augustinô, Ignaxiô thành Antiokia, Cyprianô, Gioan Kim Khẩu và Irenê.

Hơn nữa, các nhà thần học và tiến sĩ vĩ đại của Giáo hội cũng đã được trích dẫn: Thánh Tôma Aquinô trong 12 đoạn văn, cùng với bảy vị quan trọng khác.

Chỉ riêng bản liệt kê trên mà thôi cũng đủ để minh họa mức độ các Nghị phụ của Công đồng Vatican II cố ý tự đặt mình vào dòng Truyền thống, tự tích hợp mình vào tiến trình tiếp nhận và chuyển giao điều vốn là raison d’être (lý do hiện hữu) của Giáo hội ra sao: Thánh Tông đồ vốn nói “Tôi đã nhận được từ Chúa những gì tôi đã chuyển giao cho anh em”. Rõ ràng là cũng dưới khía cạnh này, chúng ta không thể nói tới một sự khởi đầu mới của Giáo Hội, hay tới một Lễ Hiện Xuống mới.

Điều trên dẫn đến những hậu quả quan trọng đối với việc giải thích Công đồng, và nói chính xác hơn, không hẳn giải thích về “biến cố công đồng” mà là về các bản văn của nó. Mối quan tâm hữu hình chính trong nhiều tuyên bố của Đức Bênêđíctô XVI là làm nổi bật mối liên hệ hữu cơ chặt chẽ giữa Công đồng Vatican II và Truyền thống Giáo hội nói chung, nhờ đó cho thấy nền giải thích nào tin rằng, trong Vatican II, mình nhìn thấy một đứt đoạn với Truyền thống là hoàn toàn sai lầm.

Nền “giải thích đứt đoạn” này được tạo ra bởi cả những người nhìn thấy ở Vatican II một sự xa rời đức tin chân chính, do đó một sai lầm hoặc thậm chí một dị giáo, lẫn bởi những người, bằng sự đứt đoạn như vậy với quá khứ, muốn trân tráo thực hiện một cuộc lên đường liều lĩnh hướng tới những bến bờ mới.

Tuy nhiên: suy đoán về một đứt đoạn trong giáo huấn và hành động bí tích của Giáo hội là điều bất khả, ngay cả chỉ vì những lý do thần học. Nếu chúng ta tin vào lời hứa của Chúa Giêsu Kitô sẽ ở với Giáo Hội của Người cho đến tận thế, sẽ sai Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ dẫn dắt chúng ta vào sự phong phú của chân lý, thì thật là vô lý khi nghĩ rằng giáo huấn của Giáo Hội, được thông truyền một cách chân chính, theo thời gian, lại có thể được chứng minh là sai lầm ở thời điểm này hay thời điểm khác, hoặc một sai lầm vốn luôn bị bác bỏ lại có thể, vào một thời điểm nào đó, được mặc khải là đúng. Bất cứ ai chủ trương rằng điều này có thể xảy ra sẽ là nạn nhân của thuyết tương đối, một thuyết vốn cho rằng sự thật, trong yếu tính, có thể thay đổi; nghĩa là, trong thực tế, sự thật hoàn toàn không hiện hữu.

Mọi công đồng đều đóng góp chuyên biệt vào Truyền thống này. Đương nhiên, việc đóng góp của một công đồng không thể hệ ở việc thêm nội dung mới vào kho tàng đức tin của Giáo hội. Và càng không có việc một công đồng có thể loại bỏ các giáo huấn đức tin được lưu truyền cho đến nay. Đúng hơn, những gì được hoàn thành ở đây là một tiến trình phát triển, làm sáng tỏ và biện phân, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần, một tiến trình dẫn dắt mỗi công đồng, với những tuyên bố định tín dứt khoát, nhập vào Truyền thống tổng thể của Giáo hội, như một phần cấu tạo ra nó. Từ quan điểm này, các công đồng luôn mở ra phía trước, hướng tới một tuyên bố tín lý đầy đủ, rõ ràng và hiện hành hơn; chúng không đi trở lui. Một công đồng sẽ không bao giờ mâu thuẫn với những công đồng đã đi trước nó, nhưng nó có thể tích hợp, chỉ rõ và tiếp tục.

Tuy nhiên, sự việc sẽ ra khác, nếu hiểu công đồng như một cơ quan lập pháp. Một công đồng như thế có thể - và chắc chắn phải – đương đầu với các nhu cầu cụ thể của một hoàn cảnh lịch sử cụ thể nhưng luôn luôn bên trong các giới hạn được đức tin chỉ định, và theo quan điểm này, trên nguyên tắc, công đồng này có thể thay đổi.

Còn 1 kỳ