1. Bất chấp các phản đối của dư luận quốc tế, Thổ Nhĩ Kỳ lại biến một nhà thờ Công Giáo thành một đền thờ Hồi Giáo

Một tháng sau khi đền thờ Hagia Sophia được chuyển đổi từ bảo tàng thành đền thờ Hồi Giáo, một nhà thờ Công Giáo khác ở Istanbul, nổi tiếng với những bức tranh khảm Byzantine tinh tế, cũng bị biến thành đền thờ Hồi Giáo.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, hôm thứ Sáu đã ra lệnh rằng đền thờ Công Giáo ở quận Chora với niên đại 700 năm - hiện là Bảo tàng Kariye - phải được biến thành một đền thờ Hồi Giáo với các hoạt động đầy đủ.

Lịch sử của đền thờ Công Giáo này phản ánh lịch sử của đền thờ Hagia Sophia.

Đền thờ Công Giáo mới bị biến thành đền thờ Hồi Giáo, được xây vào thế kỷ thứ tư và được đặt tên là nhà thờ Đấng Cứu Chuộc. Ngôi nhà thờ toạ lạc tại vùng đất ngày nay gọi là quận Chora của thủ đô Istanbul. Ban đầu ngôi nhà thờ này là một phần của một tu viện kế bên.

Hình thức như hiện tại của nhà thờ có từ đầu thế kỷ 14 và được đánh giá cao nhờ những bức tranh khảm và bích họa tuyệt tác.

Sau khi Đế quốc Ottoman chinh phục Istanbul vào năm 1453, nhà thờ đã được lấy làm nơi thờ phượng của người Hồi giáo, và các bức tranh và đồ khảm trên tường được phủ bằng thuốc nhuộm và vôi.

Năm 1945, nước cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ thế tục tuyên bố tòa nhà là một di tích quốc gia, và công việc bảo tồn và trùng tu mở rộng đã được thực hiện trên các tác phẩm nghệ thuật của nhà thờ cũ trước khi được mở cửa như một bảo tàng viện vào năm 1958.

Giống như Hagia Sophia, tòa nhà được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Vào tháng 11 năm 2019, tòa án cao nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, gọi là Hội đồng Nhà nước, đã ra phán quyết rằng công trình kiến trúc này nên được sử dụng trở lại sử dụng như một đền thờ Hồi Giáo.

Phán quyết này được sử dụng làm tiền lệ cho quyết định gây tranh cãi vào tháng 7 của tòa án nhằm chuyển đổi nhà thờ cũ Hagia Sophia từ bảo tàng trở lại thành đền thờ Hồi Giáo.

Erdoğan ra lệnh vào ngày 21 tháng 8 rằng Nhà thờ Chora, một địa điểm được nhiều người đến thăm ở khu vực Fatih của Istanbul, phải được biến thành một nhà thờ Hồi giáo và mở cửa cho người Hồi giáo thờ phượng.

Các nhà thờ khác ở Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm các Hagia Sophia ở các thành phố İznik và Trabzon, cũng đã được chuyển đổi trở lại thành đền thờ Hồi Giáo trong những năm gần đây.

Nhà sử học Fabrice Monnier nói với tờ Le Figaro của Pháp rằng ông tin rằng tình hình tại Nhà thờ Chora khác với tình hình ở các nhà thờ khác, vì kích thước của các bức tranh và đồ khảm ở đó.

Ông nói: “Những bức tranh khảm và bích họa tuyệt đẹp của nó bao phủ gần như tất cả các bức tường và mái vòm của nhà thờ. Thật khó để tưởng tượng làm sao người ta có thể che phủ hoàn toàn chúng để biến thành một đền thờ Hồi Giáo.”

Quyết định liên quan đến Hagia Sophia và Chora được cho là một nỗ lực của Erdoğan nhằm thu hút các cử tri Hồi giáo sau khi đảng AK của tổng thống thất bại trong cuộc bầu cử thị trưởng Istanbul vào năm 2019.

2. Thủ tướng Iraq khích lệ các Kitô hữu quay về cố hương

Thủ tướng Mustafa Al-Kazemi đã lên tiếng kêu gọi các tín hữu Kitô là những người ông gọi là “những đứa con nguyên thủy của đất nước” hãy quay về cố hương và cam kết hỗ trợ.

Ông Al-Kazemi khuyến khích các tín hữu Kitô đã rời Iraq trong những năm gần đây trở về quê hương, Vatican News cho biết như tr6n, trích dẫn một báo cáo của Hãng thông tấn Quốc tế Assyria, gọi tắt là AINA.

Ông Al-Kazemi đã có cuộc gặp gỡ với Đức Hồng Y Louis Raphael I Sako, Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Chanđê, và một số giám mục khác ở Baghdad. Theo Đức Hồng Y, có một số lượng lớn các Kitô hữu muốn trở lại.

“Giáo hội ủng hộ các sáng kiến của thủ tướng Al-Kazemi nhằm đạt được an ninh và ổn định trên khắp Iraq, ” Đức Thượng Phụ Sako nói. “Những người theo đạo Thiên chúa tự hào về căn tính Iraq của họ và họ cảm thấy yên tâm hơn, trước việc chính quyền Al-Kazemi xử lý nghiêm minh trước các hình thức bách hại Kitô hữu”.

Theo một tuyên bố của chính phủ, thủ tướng nói rằng “Iraq là đất nước của tất cả mọi người, và những người theo đạo Thiên chúa là những người con nguyên thủy của đất nước này, và không có sự khác biệt giữa người dân trong cùng một đất nước, vì mọi người đều là những đối tác trong việc xây dựng. tương lai của Iraq.”

Thông tấn xã AINA báo cáo rằng thủ tướng nói rằng ông ấy rất nghiêm túc trong việc hỗ trợ các gia đình Kitô hữu và giải quyết các vấn đề của họ.

“Chúng tôi rất vui vì những người theo đạo Thiên chúa sẽ trở lại Iraq và đóng góp vào công cuộc tái thiết đất nước. Người dân Iraq thuộc tất cả các giáo phái đang khao khát một Iraq mới tin tưởng vào hòa bình và bác bỏ bạo lực”, vị Thủ tướng vừa nhậm chức hôm 7 tháng 5 cho biết.

Cộng đồng Kitô hữu ở Iraq đã phải chịu áp lực trong nhiều năm, nhưng cuộc xâm lược của bọn khủng bố Hồi Giáo IS vào năm 2014 khiến mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn.

Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ vừa đưa ra một báo cáo cảnh báo rằng dân số kitô có thể giảm xuống chỉ còn 23, 000 người trong 4 năm tới. Nhiều người lo sợ rằng ISIS đang có kế hoạch trở lại và do dự khi trở về nhà của họ.

Trước thềm cuộc xâm lược của Hoa Kỳ vào năm 2003, Kitô hữu có khoảng 1.5 triệu người. Ngày nay, chỉ còn lại 1/6 con số này.