Tôi ở Canada đã mấy chục năm mà chưa năm nào giống năm nay. Mở đài thì toàn tin ở Mỹ, tin Cô Vít, tin bầu cử, tin cháy rừng ở Cali và tin mưa bão ở Texas, tin bão lụt ở Tàu Cộng…Ngấy qúa.

Ai cũng bảo nếu không có miền Quebec nói tiếng Pháp thì Canada giống hệt như Hoa Kỳ. Mấy chục năm trước thì Canada sợ Quebec ly khai, nay chuyện này không sợ nữa vì các di dân mới đến đều nhất định không ly khai. Bây giờ dân Quebec gốc Pháp mỗi ngày mỗi nhỏ lại, họ chỉ sợ sẽ có ngày trưng cầu dân ý rồi nhập vào Hoa Kỳ, tức là toàn khối Bắc Mỹ này sẽ là một nước Đại Hoa Kỳ. Việc này làm cho không những dân da trắng Quebecois sợ mà cả anh Trung Cộng cũng sợ luôn. Tôi nghĩ đây là điều Vua Trump đã có trong đầu mà chưa dám nói ra lúc này.Đa số giới truyền thông Canada có vẻ phò Vua Trump. Vua không giống bất cứ 44 tổng thống nào trong gần 300 năm lập quốc. Xưa nay tổng thống nào cũng sợ giới truyền thông, Vua Trump thì không, vua gọi đó là bọn ‘4 T’, bọn truyền thông thổ tả. Đáng nể quá. Vua Tập Cận Bình hiện cũng đang rất lo về việc Vua Trump tái đắc cử, vì Vua Trump sẽ hủy diệt cái mộng chiếm nước Hoa Kỳ của Trung Cộng. Tôi nói như vậy là vì mới được đọc trên mạng lời tuyên bố vừa bị lộ của một nhân viên cao cấp TC. Đó là lời của Tướng Trì Hạo Điền cánh tay mặt của Tập Cận Bình. Ngày15-4-2009 ông ta nói rằng: Ta đánh Mỹ theo quy ước cũ thì sẽ thua, đánh theo nguyên tử thì cũng sẽ thua, chỉ có đánh bằng khí giới hóa học thì sẽ thắng, thắng rồi ta sẽ đưa quân ta sang chiếm nước Mỹ. Thì ra chuyện con Virus Vũ Hán này đã có trong đầu của Tàu Cộng ít là từ 2009. Viết đến đây thì tôi nhận được bài viết của nhân sĩ Bằng Phong Đặng Văn Âu bàn về cuộc bầu cử sắp tới. Ngay lời mở bài ông đã viết rất rõ: Ngày 3 tháng 11 năm 2020 là ngày số phận nhân loại sẽ được quyết định. Hoặc thế giới sẽ trở nên huy hoàng hơn nếu Tổng thống Donald Trump và đảng Công Hòa chiến thắng, hoặc thế giới trở thành địa ngục trần gian nếu Joe Biden và đảng Dân Chủ chiến thắng. Đảng Dân Chủ lãnh đạo nước Mỹ ắt phải quỳ trước sân Tử Cấm Thành để triều kiến Hoàng đế Tập Cận Bình là điều chắc chắn… Nể ông Bằng Phong quá ! Lời ông sao hợp với lời GS Dương Đại Hải, và gần đây sao hợp với lời GS Nguyễn Tiến Hưng. GS Hưng là người được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gửi khẩn sang Mỹ cầu cứu đầu năm 1975. GS Hưng cho biết: một trong những người chống việc cứu VNCH và giúp dân tỵ nạn là ngài Bí Đen của Đảng Dân Chủ. Chúng ta phải nhớ việc đại ác này nha.

Làng An Lạc của tôi, mỗi lần họp làng, bao giờ cũng nói chuyện thời sự, mà không phải thời sự Canada mà toàn thời sự Hoa Kỳ, toàn chuyện Vua Trump sẽ chiến thắng và chuyện Ngài Bí Đen sẽ thua. Nghe hoài nên ai cũng ngấy, nên thường chuyển sang chuyện khác vui hơn. Tuần qua chuyện vui là chuyện mánh lới của mấy quan CSVN tham nhũng. Gần đây ở VN có hiện tượng các thành phố đua nhau xây đài, hết đài bác Hồ rồi đến đài chiến sĩ. Đây là cách các cán bộ CSVN thường dùng để ăn cắp tiền bỏ túi dễ nhất, vì xưa nay không hề có ai dám mở miệng chống việc xây đài. Anh mà chống tức là anh không yêu Bác, không yêu đảng. Nếu việc xây chỉ tốn một tỷ thì bao giờ dự án cũng sẽ là 3 tỷ, 2 tỷ còn lại là chạy vào túi các quan, xây cất mà, rõ ràng các quan vừa xây đài vừa cất tiền vào túi. À, lại còn chuyện buồn cười này nữa: Các cụ có quan sát việc các quan VC đọc diễn văn không? Buồn cười lắm các cụ ạ. Quan CSVN vừa đọc xong thì quan ấy tự vỗ tay. Xưa nay tôi chưa từng thấy có diễn giả ở nước nào mà nói xong rồi tự mình vỗ tay ngay như vậy.

Chị Ba Biên Hòa lên tiếng hỏi: Vậy chả lẽ những người theo CS đều đáng chê đáng ghét hết sao? Ông ODP lên tiếng đáp: Tôi không biết nhiều nhưng những nhân vật đã theo CS ban đầu mà cuối đời tỉnh ngộ thì tôi thấy có nhà thơ Nguyễn Bính và nhạc sĩ Tô Hải. Nguyễn Bính với bài thơ ‘Lỡ Bước Sang Ngang’ nổi tiếng ai cũng biết, hai tiếng Lỡ Bước này hình như nó ám ảnh và chi phối cả đời ông

… Năm ấy sang sông lỡ chuyến đò

Đò đầy, sông lớn, nước sông to

Mười hai bến nước, xa lăng lắc

Lầm tự ngày xưa, lỡ đến giờ…

Nguyễn Bính chỉ thọ có 48 tuổi. Bạn với ông thời đó là nhạc sĩ Tô Hải. Hai người giao tiếp với nhau thường xuyên. Ban đầu Tô Hải viết bài Nụ Cười Sơn Cước, sáng tác trong rừng Việt Bắc trước 1945, nổi tiếng ngang với những bài nổi tiếng lúc bấy giờ, như bài Suối Mơ, Thiên Thai, Đêm Đông. Những dòng nhạc này không hề mang tính chất CS. Sau một thời gian dài sống với CS, Tô Hải vỡ mộng, Tô Hải phản tỉnh, thấy mình theo CS là lầm đường, thấy mình chỉ vì để sống sót mà đã ca ngợi đảng, đã viết những gì mình không nghĩ và không tin. Cuối đời ông không còn sợ CS nữa. Ông đã viết cuốn ‘Hồi Ký Của Một Thằng Hèn’, tư nhận mình là một thằng hèn. Ông đã gửi bản thảo cuốn này sang Hoa Kỳ, và tập hồi ký này đã được Nhà Xuất Bản Tiếng Quê Hương ở Virginia in năm 2009. Các nhà sách lớn đều có bán cuốn này. Hiện nay du sinh từ VN sang Mỹ học rất đông. Nhiều em còn rất thơ ngây vì đã bị CSVN bịt mắt. Cụ nào có dịp xin mách cho các em tìm đọc cuốn này nha.

Cụ B.95 nghe chuyện VC thì bao giờ cũng nhức đầu và lên tiếng xin thôi. Hôm nay cụ chưa kịp lên tiếng thì phe các bà đang nấu ăn trong bếp cười rú lên, phe các nhà quân tử chúng tôi tưởng là phe các bà cười chuyện cán bộ diễn thuyết xong rồi tự vỗ tay, nhưng không phải. Ông H.O. chạy xuống bếp điều tra việc cười rộ này, và ông chạy lên bá cáo: các bà cười chuyện khác chứ không phải chuyện diễn giả VC tự vỗ tay. Ông bảo phe các bà phá ra cười khi bàn về mùa bầu cử đang diễn ra bên Mỹ. Chị Ba Biên Hòa kể rằng trong sở chị làm có một ông Nhật Bản. Bữa đó giờ ăn trưa ai cũng nói tới cuộc election bên Mỹ, cứ 4 năm thì dân Mỹ có election một lần. Người Nhật xưa nay thường phát âm chữ R lẫn với chữ L, nên ông Nhật rất ngạc nhiên nên nói: lạ nhỉ, sao người Mỹ yếu thế, những 4 năm cơ à, chứ người Nhật chúng tôi có hằng đêm mà…

Cụ Chánh tiên chỉ làng có cười hà hà về chuyện này nhưng sợ các chuyện sẽ đi về hướng phát âm của người Nhật, election với erection, nên cụ tự động mở đài truyền hình. Các cụ có biết cụ Chánh của chúng tôi xem đài gì không? Thưa đài đấu võ boxing. Cụ bảo mỗi khi bị thần kinh căng thẳng thì cụ mở đài này để xem Mike Tyson và Bruce Lee đấu võ. Ôi hai cái anh Mỹ đa đen và da vàng này tài nghệ thật là siêu đẳng. Đa số các đối thủ đều là vô địch quốc tế, to lớn kềnh càng, thế mà hai cái anh võ sĩ da màu này đã hạ đo ván nhiều đối thủ, Ôi những cú đấm, cú đá sao mà sấm sét làm vậy. Thế là cả làng bị cụ Chánh bỏ bùa, môn boxing này đã thu hút cả làng, không phải một trận mà rất nhiều trận đấu liên tục. Sướng con mắt quá các cụ ơi.

Rồi cả làng được mấy cô Huế đãi món bún bò Huế. Sao mà ngon thế. Đêm đó về nhà ai cũng ngủ rất ngon.

Và chỉ một tuần sau, cả làng lại nhớ nhau quá. Chúng tôi tụ họp nữa, lần này tại nhà cụ Chánh. Cụ giao hẹn ngay từ đầu: bữa nay không ai được nói chuyện thời sự, mà chỉ được nói về những chuyện vui mà thôi. Xin vâng lời ngay. Chúng tôi đã nói bao nhiêu chuyện cười và đặc biệt đã xem lại hình ảnh chuyến đi chơi Alaska năm ngoái trước lúc có nạn dịch. Hình như tôi chưa kể hầu các cụ chuyện này. Vậy bữa nay xin kể lại, coi như mời các cụ cùng chúng tôi đi thăm Alaska, tiểu bang thứ 49 của Hoa Kỳ, sát ngay biên giới Canada nha.

Chúng tôi tới Alaska bằng máy bay. Có tới tận nơi mới thấy cái vĩ đại của tiểu bang thứ 49 này, diện tích bằng 1/5 nước Mỹ, nó lớn hơn nước VN của chúng ta những 5 lần. Alaska có 3.000 con sông và hơn 3 triệu cái hồ lớn nhỏ. Alaska là tiếng Da Đỏ có nghĩa là miền đất vĩ đại. Nơi miền Barrow cực bắc, mỗi năm mặt trời mọc cả ngày cả đêm trong 4 tháng, và 2 tháng mặt trờ ngủ, nghĩa là ta không thấy mặt trời.

Xưa Alaska thuộc Nga. Người Nga tới đây bẫy thú và săn bắn, xây các đồn lũy và các thương điếm. Rồi về sau người Mỹ cũng đến, và Nga Mỹ đã tranh chấp với nhau. Cuối cùng thì năm 1867 Nga đã bán Alaska cho Mỹ với giá 7 triệu đô la, tính ra mỗi mẫu đất giá chỉ có 2 xu. Rồi sau đó Mỹ và Canada cũng tranh chấp với nhau về biên giới. Có một điều đáng ngạc nhiên là thủ đô của Alaska mang tên một người Canada, đó là ông Joseph Juneau, người đầu tiên tìm thấy vàng ở đây. Nhờ ông mà hàng hàng lớp lớp người đã đổ xô lên đây tìm vàng.

Nơi đầu tiên hãng du lịch đưa làng tôi tới là miền Anchorage, thủ đô kinh tế và kỹ nghệ của Alaska. Chúng tôi tới thăm trung tâm người Da Đỏ. Nét mặt của họ giống y như nét mặt người Da Đỏ ở Canada. Họ cũng đội mũ lông chim, cũng đánh trống tùng tùng, cũng vừa ca hát vừa nhảy múa, giống y như hình ảnh trên trống đồng VN. Ông bồ chữ ODP bảo: rõ rang dân Da Đỏ có gốc VN. Theo các nhà nhân chủng học thì người Da Đỏ đã từ Á Châu theo eo biển Bering mà tới đây. Bering ngày xưa nối liền Siberia với Alaska, lúc đó nước biển chưa lấn vào. Bering là tên nhà thám hiểm Vitus Bering đã tới đây năm 1741.

Bering nổi tiếng vì là một con đường di dân lịch sử, nó còn nổi tiếng về cua biển. Cua Bering ngon có tiếng, nhưng trên thị trường thì họ quảng cáo là cua Alaska. Chúng tôi vào chợ và thấy những gian hàng bán cua Bering rất lớn. Chị Ba Biên Hòa đố chúng tôi con cua nào là con đực, cua nào là con cái. Cả làng chịu hết. Chị cười hi hi rồi bảo cái này quá dễ mà. Ta cứ lật ngược con cua lên, con nào mà cái yếm có hình như cái bút, đó là con đực, con nào cái yếm có hình tròn tròn thì đó là con cái. Chị nói với tấm lòng trong trắng, cụ nào nghĩ bậy thì có tội đấy nha.

Cua Alaska này mà làm món xúp nấu với bắp non thì ngon không chịu được. Rồi mấy ngày kế tiếp chúng tôi đi thăm thủ đô Juneau, rồi thị trấn Ketchikan, thủ đô cá hồi của thế giới, Ở đây người ta nuôi cá từ khi nó còn là một cái trứng, nuôi trong nước ngọt. Khi cá lớn thì được đem qua hồ nước mặn. Cứ thế cá lớn lên, sau 18 tháng thì cá lớn và nặng tới 10 ký lô. Ngoài cá hồi, ở đây còn có loại cá Tuna mà ta gọi là cá Ngừ, có loại cá Cod mà ta gọi là cá Thu. Chúng sống gần đáy biển Alaska nên có hương vị rất thơm, và dĩ nhiên là tinh khiết vô cùng…

Và những ngày cuối cùng hãng du lịch đưa chúng tôi lên một cái tàu rất lớn để đi xem mấy thành phố phía nam. Ôi cái tàu nó to như cái núi, mỗi người một phòng, cửa sổ quay ra biển. Trên tàu có đủ mọi thứ. Tôi là dân mê ăn nên thích nhất cái nhà hàng mang tên ‘ Buffet Restaurant’. Nó mở cửa 24/24. Ăn uống đủ thứ và thoải mái qúa sức. Có hôm có cả món cơm chiên lối Tàu. Cụ B.95 hỏi anh John chữ buffet nghĩa là gì. Anh này lây cái máu tiếu lâm của các nhà quân tử chúng tôi nên khi được cụ hỏi, anh liền cười ha ha rồi nói: Đây là chữ tiếng VN đấy cụ ạ, Buffet bởi chữ ‘phủ phê’ mà ra, ăn phủ phê là muốn ăn bao nhiêu cũng được. Trên tàu còn 3 nhà hàng khác nữa, nhưng họ có thực đơn chi tiết và khi tới ăn phải bận quần áo sang trọng, không thoải mái như loại nhà hàng phủ phê này.

Và làng tôi đã sống sung sướng như thế trên tàu gần một tuần lễ, Suốt ngày cơm gà cá gỏi, suốt ngày cơm bưng nước rót, cái gì cũng có người hầu hạ. Sáng dậy, mở mắt ra là đã tụm năm tụm ba, cười nói hể hả suốt ngày, khi phòng ăn, khi rạp hát, khi boong tàu. Một hôm nhân bữa ăn có món khoai chiên, bồ chữ ODP mới đố cả làng tiếng Hán gọi món khoai tây là gì. Cả làng chịu. Cụ Chánh tiên chỉ làng tinh thông hán văn mà cũng không biết. Ông bồ chữ liền giảng: tên nó là Mã Linh Thự. Sở dĩ tôi nhớ cái tên này là bởi Cụ Phan Khôi mà ra. Thời thập niên 1950, cụ Phan Khôi đã chơi các quan cai thầu văn nghệ của VC ngoài Bắc một màn đẹp mắt vô cùng. Thời đó là thời chống Tây rất cao nên có lệnh rằng bao nhiêu tiếng có chữ ‘Tây’ là phải bỏ đi và phải dùng những tiếng khác thay thế, ví dụ thuốc tây thì phải gọi là thuốc u Mỹ, đường tây thì phải gọi là đường trắng…Lần đó các quan nhờ cụ dịch một tài liệu về thực phẩm trong đó có chữ ‘pomme de terre’. Cụ Phan Khôi đã dịch là ‘ khoai nhạc ngựa’. Các quan cai thầu chê Cụ Phan Khôi là lẩm cẩm, sao không dịch là khoai tây cho dễ hiểu. Cụ Phan Khôi bèn cười rồi trả lời: Lâu nay cái gì động tới chữ ‘tây’ là phải đổi, do đó tôi không dám dịch pomme de terre là khoai tây. Vì hiện nay ta đang ở dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc, cái gì ta cũng lấy Trung Quốc làm hải đăng. Tôi thấy tự điển Trung quốc dịch pomme de terre là ‘ mã linh thự ‘, mà mã linh thự nghĩa là cái nhạc đeo ở cổ con ngựa, do đó tôi dùng chữ ‘ khoai nhạc ngựa’là thế.

Các quan VC cai thầu văn nghệ đã cúi mặt, nín khe và dấu nhẹm chuyện này.

Làng tôi nghe xong đều vỗ tay ca ngợi sự thông thái của bồ chữ ODP. Riêng bà cụ B.95 thì tuy có vỗ tay chung với cả làng, nhưng mắt vẫn đăm đăm nhìn anh John thần tượng của Cụ. Mấy cô Huế thấy như vậy nên lên tiếng hỏi: Cụ ơi hôm nay chưa thấy Cụ nói gì với anh John hết, xin cụ lên tiếng đi. Được lời như mở tấm lòng, cụ nói ngay: Tôi thấy anh John nói được cả tiếng Bắc, cả tiếng Trung, vậy này anh John, anh tự xưng anh là người Việt nhưng là người miền nào? Anh John đáp ngay: Vợ cháu là người Nam nên cháu là người Nam ạ. Cả làng lại vỗ tay, mặt chị Ba Biên Hòa lại đỏ lên vì sung sướng. Cụ B.95 nói tiếp. Nếu là người Nam thì anh phải biết ca vọng cổ. Anh thử ca một câu coi. Anh John nghĩ một lúc rồi cười sung sướng: Cháu xin ca một câu trong tuồng Lan và Điệp nổi tiếng, và anh ca ngay thế này:

…Em Lan ơi, đời em như đóa hoa hồng thắm,

thân em như tấm lụa Giang Châu,

nhưng em ơi,

tại sao em phải …đọa… à …đầy.

Anh John vừa xuống giọng xề một cái thì cả làng tôi vỗ tay và la hét muốn xập nhà luôn.

Làng tôi vui quá, phải không cơ?

TRÀ LŨ