1. Ðức Tổng giám mục Schick lên án vụ cấm Ðức Tổng giám mục Belarus về nước.

Ðức cha Ludwig Schick, Tổng giám mục giáo phận Bamberg, Chủ tịch Ủy ban giám mục Ðức về Giáo hội hoàn vũ, lên án vụ nhà nước Belarus không cho Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz về nước là một điều “không thể chấp nhận được”.

Vụ này cũng là một dấu hiệu chứng tỏ chính phủ Belarus cảm thấy bị đe dọa vì những cuộc phản đối ôn hòa trong những tuần qua.

Ðức Tổng giám mục Schick tuyên bố như trên, hôm Chúa nhật 6 tháng 9 năm 2020, tại thành phố Bonn. Ngài cũng nhận xét rằng đứng trước những xáo trộn chính trị tại Belarus, Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz nhiều lần kêu gọi bất bạo động và cầu nguyện. Ngài ủng hộ một cuộc thảo luận bàn tròn, với sự tham dự của mọi giai tầng trong xã hội để vượt thắng cuộc khủng hoảng. Ðức Tổng giám mục là một người ôn hòa và quân bình, đúng là người đang cần có tại thành phố Minsk.

Ðức Tổng giám mục Ludwig Schick xác tín rằng chỉ nhờ đối thoại và thỏa thuận giữa chính phủ và phe đối lập, mới có thể vượt thắng tình trạng ngày càng căng thẳng và có thể tìm ra một giải pháp đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Belarus. Ðức Tổng giám mục Kondrusiewicz là người được thỉnh cầu như một trung gian, và với tư cách là một tiếng nói của Công Giáo thiểu số ở miền tây Belarus. Người ta hy vọng Ðức Tổng giám mục được trở về nước ngay và tiếp tục nhiệm vụ mục tử tại nước này.

Hôm Chúa nhật 30 tháng 8 năm 2020, sau khi tham dự lễ kính Ðức Mẹ Czestochowa, theo lời mời của Hội đồng Giám mục Ba Lan, và về đến biên giới giữa hai nước, Ðức Tổng giám mục bị lính biên giới Belarus cấm cản không cho về nước, dù ngài là công dân nước này. Chính tổng thống Lukaschenko xác nhận ông đã ra lệnh cấm như thế.

2. Ðài phát thanh Belarus ngưng phát thanh Thánh lễ Công Giáo.

Giữa bối cảnh biến động chính trị sau cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi, Thánh lễ sáng Chúa Nhật được truyền thanh trực tiếp từ Nhà thờ chánh tòa Thánh Danh Mẹ Maria ở thủ đô Minsk trên kênh radio lớn nhất quốc gia cho các tín hữu Công Giáo khắp nước Belarus đã không còn được phát sóng nữa.

Cha Anthony Klimantovich, cha sở nhà thờ chính tòa, cho biết Thánh lễ không được phát trên chương trình radio tháng 9 năm 2020. Cha nói sự việc này không phải là do lỗi của Giáo hội hay vì lý do kỹ thuật. Cha giải thích: “Thánh lễ vẫn được cử hành vào lúc 8:15 sáng mỗi Chúa Nhật, thiết bị hoạt động bình thường và tín hiệu phát đi, nhưng không có phát sóng.”

Trang web của Giáo Hội Công Giáo ở Belarus lưu ý rằng các tín hữu Công Giáo, đặc biệt người già và người bệnh, được tham dự Thánh lễ nhờ việc phát sóng này. Trang web kêu gọi các tín hữu liên lạc với kênh radio để biết lý do việc cắt chương trình phát thanh Thánh lễ.

Trong một cuộc phỏng vấn hôm 1 tháng 9 năm 2020, Ðức cha Yuri Kasabutsky, Giám Mục Phụ Tá tổng giáo phận Minks-Mohilev, nói rằng việc ngưng phát thanh Thánh lễ chứng tỏ chính quyền đang cố gây áp lực lên Giáo Hội Công Giáo.

Ngày trước đó, 31 tháng 8 năm 2020, Ðức tổng giám mục Tadeusz Kondrusiewicz của giáo phận Minks-Mohilev đã bị cảnh sát biên giới chặn không cho nhập cảnh Belarus sau khi viếng thăm Ba Lan.

Ðức cha Kondrusiewicz là công dân Belarus và là Chủ tịch Hội đồng giám mục Belarus. Ngài không đưa ra lời giải thích về quyết định của cảnh sát Belarus. Ngài đã lên tiếng bảo vệ những người biểu tình sau cuộc bầu cử ngày 9 tháng 8 năm 2020 đòi kiểm phiếu lại sau khi tổng thống đương nhiệm Alexander Lukasheno tuyên bố chiến thắng với 80% phiếu bầu. Cảnh sát đã bắt hàng ngàn người biểu tình. Dù bị đàn áp nghiêm trọng, các cuộc biểu tình vẫn tiếp tục trên khắp đất nước.

3. Các vụ tấn công các nhà thờ ở Pháp gia tăng trở lại sau thời gian cách ly.

Theo nhóm Protège ton église - Bảo vệ nhà thờ của bạn, một tổ chức do giới trẻ Công Giáo lãnh đạo, các cuộc tấn công vào các nhà thờ ở Pháp gia tăng trở lại mức “bình thường” sau thời gian cách ly toàn quốc.

Ngày 6 tháng 9 năm 2020, nhóm này nói với hãng tin CNA: “Rõ ràng là đại dịch đã làm giảm các cuộc tấn công chống lại các nhà thờ, ít nhất là trong thời gian bị cách ly.”

Xu hướng tấn công đang trở lại mức độ bình thường

Nhóm lưu ý rằng các cuộc tấn công đã tiếp tục ở quy mô nhỏ hơn, mặc dù các công dân chỉ được phép rời khỏi nhà của họ vì một số lý do nhất định, bao gồm việc tập thể dục và mua sắm. Tổ chức cho biết: “Nhưng sự tạm lắng này chỉ là tạm thời. Chúng tôi tiếc là xu hướng không tốt này đang trở lại mức độ bình thường.”

Nhóm cũng nhấn mạnh đến đám cháy ở nhà thờ chính tòa Nantes vào ngày 18 tháng 7 năm 2020, sau khi nhà thờ Ðức Bà Paris bị cháy vào tháng 4 năm 2019, và nói: “Hai nhà thờ chính tòa cháy trong hai năm: điều này bắt đầu bắt nước Pháp trả giá đắt.”

Từ năm 2017, tổ chức quan sát việc bài Kitô hữu đã ghi nhận các vụ chống Kitô giáo ở Pháp từng tháng trên các bản đồ tương tác. Trong tháng 8 năm 2020 có 11 sự cố, bao gồm 6 hành vi phá hoại và 5 vụ trộm trong khi trong tháng 8 năm 2019 chỉ có 9 vụ quấy động.

Nhóm “Bảo vệ nhà thờ của bạn” được hai người bạn thành lập vào năm 2019 để đối phó với làn sóng các vụ xúc phạm các nhà thờ trên khắp nước Pháp. Bộ nội vụ Pháp ghi nhận 996 vụ chống Công Giáo vào năm 2019, trung bình 3 vụ một ngày.

Các thành viên của nhóm tổ chức các buổi canh thức ôn hòa bên ngoài các nhà thờ để ngăn chặn những kẻ có thể tấn công. Các thành viên của nhóm là những người trẻ, théo nhóm, điều này có nghĩa là “người trẻ đã hiểu rằng họ có thể thay đổi mọi thứ, rằng họ cảm thấy sức nặng thực sự trước những tác hại đang gây ra đối với di sản mà cha mẹ và ông bà chúng ta đã biết.” Nhóm cũng được những người lớn tuổi ủng hộ bằng lời cầu nguyện, đóng góp và thông tin.

Từ khi được thành lập, nhóm đã lan rộng khắp nước Pháp. Ðể tránh trở thành nạn nhân khi tố cáo hiện tượng bài Kitô giáo tại Pháp, các thành viên thường không tiết lộ danh tính cũng như hình ảnh của họ.

4. Tình trạng Amazon trầm trọng hơn.

10 tháng sau Thượng Hội đồng Giám mục về miền này, tình trạng miền Amazon ở Nam Mỹ trở nên trầm trọng hơn: các vấn đề mà Thượng Hội Đồng Amazon tố giác, như nạn bạo lực và nạn lấn đất của thổ dân, đốt rừng và khai thác quặng mỏ làm ô nhiễm, ngày càng trầm trọng hơn.

Trên đây là nhận định của ông Mauricio Lopez, Tổng thư ký điều hành Liên mạng các Giáo hội chín nước miền Amazon, gọi tắt là REPAM, trong cuộc phỏng vấn dành cho Ðài Vatican, truyền đi hôm 8 tháng 9 năm 2020.

Ông Mauricio Lopez nói: ngoài những hậu quả rộng lớn của đại dịch Covid-19 đối với con người, cả những hậu quả về xã hội và kinh tế cũng trở nên nặng nề hơn. Tại miền Amazon, có hơn một triệu người chính thức bị lây nhiễm coronavirus, trong thực tế các ca nhiễm, nhất là nơi các thổ dân, còn cao hơn con số chính thức.

Tổng thư ký tổ chức REPAM cũng than phiền rằng tất cả những vấn đề được nói đến trong Thượng Hội đồng Giám mục hồi tháng Mười năm ngoái, và Ðức Thánh Cha cũng nói đến trong Tông huấn “Querida Amazonia” nay càng trở nên cấp thiết hơn. Tại miền này, “ngày càng gia tăng bạo lực, giết người, bách hại cũng như kỳ thị lên án những người đại diện và bênh vực các lãnh thổ của thổ dân”. Nông nghiệp và chăn nuôi ngày càng bành trướng, và cả các đám cháy càng lớn hơn so với năm ngoái.

Ông Mauricio Lopez tố giác thêm rằng: nhất là các thổ dân bản xứ không những bị thương tổn vì sự bành trướng của coronavirus, họ tiếp tục bị giao nạp cho sự ham hố của nền kinh tế. Chính sách của chính phủ hệ tại “sự đồng lõa với điều mà các thổ dân gọi là cuộc diệt chủng và phá hoại môi sinh”. Vì thế, sự hiện diện của Giáo hội tại miền Amazon và sự giúp đỡ cụ thể cho các thổ dân là điều đặc biệt quan trọng.

Hội đồng Giáo hội về miền Amazon, gọi tắt là CEA, là cơ quan duy nhất được thành lập cho đến nay, sau Thượng Hội đồng Giám mục năm ngoái. Hội đồng đã đề ra một số dự án, và đã được thực hiện, nhưng vì đại dịch hiện nay, các dự án đó vẫn không đủ. Hội đồng CEA qui tụ tất cả các vị chủ tịch của các hiệp hội quan trọng của Giáo hội trong vùng, và cũng có các đại diện của các thổ dân bản địa.