Môi trường Việt Nam dưới nhãn quan Laudato Sí : Không Một Loài Nào Bị Lãng Quên
Dẫn nhập: Trên “thân thể của “một người chị đang khóc”
Ngay dòng đầu tiên của số 2 Thông điệp Laudato Sí, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vẽ lên một hình ảnh trái đất khá đau thương: “Người chị nầy giờ đây đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng”. (LS 2).
Trong khi đó, nhà văn Mạc Ngôn (Trung quốc) đã mô tả “dung nhan người chị nầy” chi tiết hơn như sau: “Chúng ta khoan vào trái đất trăm ngàn lỗ thủng, chúng ta làm ô nhiễm các dòng sông, đại dương và không khí, chúng ta tập trung lại một chỗ, dùng sắt thép và xi măng xây nên những công trình kiến trúc kỳ quái, đặt cho nó cái tên mỹ miều là “Thành phố”, chúng ta ở trong thành phố nầy thoải mái phóng túng những dục vọng của mình, tạo ra những thứ rác rưởi vĩnh viễn khó mà tiêu huỷ được… Địa cầu bốn bề lửa khói, toàn thân run rẩy, biển cả kêu gào, cát bụi bay khắp nơi, hạn hán lũ lụt, bệnh tật lan tràn… đều liên quan đến sự phát triển bệnh hoạn của khoa học kỹ thuật dưới sự kích thích bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển”.[1]
Việt Nam là một trong những “nước phát triển” đó. Vậy chúng ta thấy gì?
Nếu tôi không lầm, vào khoảng tháng 4, năm 2016, cộng đồng cư dân mạng xôn xao bàn tán bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam[2]. Xin được trích mấy câu:
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Chắc chắn, với 4 câu thơ trên, cô giáo Lam đã muốn khắc hoạ một “bức tranh môi trường đầy ảm đạm” qua đại “thảm hoạ Formosa 2016” mà đồng bào duyên hải các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên đang oằn mình gánh chịu.
Trong khi đó, tác giả Trần Văn Chánh đã nhận định rằng: “Hiện trạng làm dự án gây hậu quả nghiêm trọng khủng khiếp về nhiều mặt nên có nhà thơ nào đó đã cảm khái vô hạn làm ra mấy câu thơ đang được một số người truyền khẩu:
Bây giờ ruộng đổ bê tông,
Cây đa đã cụt, dòng sông đã què
…
Heo may thổi dọc triền đê,
Nghe câu dự án mà tê tái lòng…[3]
Thế nhưng, “Đất nước mình” không chỉ “rừng đã hết và biển thì đang chết”, “cây đa đã cụt, dòng sông đã què”… mà theo đánh giá khả tín của các nhà chuyên môn “trong luồng” lẫn “ngoài luồng”, thì Việt Nam ta, gần như “cả nước bị ô nhiễm”, và đang trong “tình trạng báo động”.[4] Không chỉ dừng lại ở “tình trạng báo động”, mức độ ô nhiễm xem ra còn tồi tệ hơn thế nữa ! Riêng tác giả Trần Văn Chánh, sau một loạt nghiên cứu các sự cố “thảm hoạ môi trường” nổi cộm tại Việt Nam trong mấy năm gần đây như: Vedan và sông Thị Vãi, Thuỷ điện Đồng Nai và vườn quốc gia Cát Tiên, Bô-xít Tây nguyên[5]… đã nhắc lại nhận định của Giáo sư Võ Quý về tình trạng phá huỷ môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam là “đang tiến đến chỗ không kiểm soát nổi”, và những thiên tai liên tiếp vừa qua ở Việt Nam như lũ quét, các trận ngập lụt lịch sử…không thể gọi là thiên tai mà chính là nhân tai, “lấp hết hồ ao, lấn sông lấn ngòi thì nước thoát vào đâu mà không ngập úng. Chặt hết cây rừng, thì lấy gì giữ nước mà không lũ quét…” (Xem báo Tuổi Trẻ, 26.11.2008)[6]
Nhưng cũng có người sẽ lý luận: Nói cho hung chứ có gì nghiêm trọng đâu. Việt nam xử lý tốt mà. Bằng chứng là việc “đối phó và xử lý thành công với dịch cúm Vũ Hán” ! Thật ra, dưới góc độ khoa học và chứng minh thực tế, ô nhiễm môi trường còn nguy hại hơn con Covid-19 nhiều. Mời đọc một phân tích và nhận định sau đây: “Các chuyên gia cảnh báo rằng không khí bẩn còn nguy hiểm hơn con virus corona đang làm cả thế giới phải hoảng sợ vì thực tế cho thấy ô nhiễm không khí khiến số người chết gấp 19 lần so với sốt rét, gấp 16 lần so với bạo lực, gấp 9 lần so với HIV/Aids, gấp 45 lần so với nghiện rượu và gấp 60 lần so với lạm dụng ma túy.”[7]
Mà đó chỉ mới nói đến “ô nhiễm không khí”; nếu tính chung các thảm hoạ môi trường, thì người ta không ngần ngại dự báo một “ngày huỷ diệt”, ngày tận thế” của địa cầu không còn xa: “Ngày nay, ngày càng có nhiều người và nhiều dân tộc ý thức được rằng, nếu đứng trên quan điểm khủng hoảng sinh thái, khả năng huỷ diệt nhân loại bắt nguồn từ sự huỷ diệt môi trường dẫn tới biến đổi khí hậu là một điều hoàn toàn có thể xảy ra…”[8]
Nhiều nhà nghiên cứu về “môi trường” (Trung Quốc) đã không ngần ngại ví von “thảm họa về môi trường” hiện nay chẳng khác nào “thanh gươm Đamôclét đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta”[9], trong đó phải kể đến đập Tam Hiệp, một công trình thuỷ điện “tồn tại các vấn đề về sinh thái, địa chất..., chứng tỏ các “vấn đề” đó đã trở nên vô cùng nghiêm trọng”[10].
Riêng Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, dưới cái nhìn của một chuyên viên về Học thuyết xã hội Công Giáo, cũng có một nhận định tương tự về tình trạng bi đát trên mà nguyên nhân lại chính là con người: “Rất tiếc trong mấy thế kỷ vừa qua con người không những không tôn trọng những nguyên tắc nền tảng nói trên, mà trái lại đã khai thác thiên nhiên một cách tùy tiện, ích kỷ và tàn bạo. Hậu quả bi thảm là đã phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa con người với môi trường sinh thái và đẩy trái đất đến bờ vực thẳm của diệt vong!”[11]
Đứng trước tình trạng môi trường bi đát như thế, thì Giáo Hội, những người Kitô hữu, đặc biệt người Công Giáo Việt Nam cần phải làm gì? “Một lời kêu gọi mang tính luân lý” hay “tự mãn” của “kẻ dạy đời” mà không đưa ra một định hướng và chứng tỏ bằng hành động nào; hay, “Lòng can đảm dám hy vọng phải được kết hợp với việc tìm tòi nghiên cứu và sẵn sàng hành động.” ! (Xem tài liệu DOCAT)[12].
Để trả lời cho vấn nạn trên, và đề nghị một nền “mục vụ môi trường” tại Việt Nam trong viễn tượng và dưới ánh sáng của Thông điệp Laudato Sí, xin được tập trung vào các chủ điểm sau đây:
- CHÚNG TA THẤY GÌ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM HÔM NAY (XEM – NHẬN DIỆN)
- CHÚNG TA BIẾT GÌ NHỮNG NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LỤY (XÉT – GIẢI THÍCH)
- CHÚNG TA ĐÓNG GÓP ĐƯỢC GÌ ĐỂ CHUNG TAY KHẮC PHỤC (LÀM – LỰA CHỌN)
I. CHÚNG TA THẤY GÌ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM HÔM NAY (XEM – NHẬN DIỆN)
Nếu toàn Thông điệp Laudato Sí có tất cả 6 Chương, thì gần như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành Chương Một để “XEM – NHẬN RA” hiện trạng môi trường trên thế giới, như tiêu đề ghi rõ “ĐIỀU ĐANG XẢY RA CHO NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA” cùng với những xác nhận tiếp liền sau đó: “Vì thế, trước khi bàn đến những sáng kiến và đòi hỏi trong tương quan với thế giới mà niềm tin mang lại, tôi sẽ nói một cách vắn tắt đến những gì đang diễn ra với ngôi nhà chung của chúng ta.” (LS 17)
Cũng trên chiều hướng đó, chúng ta thử quan sát hiện trạng môi trường tại Việt Nam; dĩ nhiên, như Đức Thánh Cha lưu ý, đây không là chuyện “thu thập thông tin” để “thỏa mãn trí tò mò”, nhưng là con đường dẫn tới hành động mục vụ hiệu quả và khả thi: “Mục tiêu của chúng ta không phải để thu thập thông tin hoặc làm thoả mãn trí tò mò, nhưng để nhận thức và can đảm chuyển điều đang diễn ra cho thế giới thành nỗi đau của cá nhân và khám phá điều mỗi người chúng ta có thể làm được cho thế giới.” (LS 19)
Dưới cái nhìn của Laudato Sí, môi trường thế giới được khảo sát (xem – Nhận diện) tập chú vào 5 nội dung chính:
- Ô nhiễm môi trường.
- Biến đổi khí hậu.
- Vấn đề nước.
- Đánh mất sự đa dạng sinh học.
- Suy giảm phẩm chất đời sống con người và suy thoái xã hội.
Đây cũng chính là những “đánh giá tổng quan” trong tác phẩm chuyên đề về hiện trạng môi trường tại Việt Nam: CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC ÂU CHÂU VÀ GỢI MỞ CHO VIỆT NAM: “Đứng trên góc độ an toàn của môi trường, Việt Nam nằm ở nửa cuối của các nước ASEAN… Môi trường không khí, đất, nước bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng; hệ sinh thái tự nhiên bị tàn phá; đa dạng sinh học ngày càng suy giảm; biểu hiện biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét…”[13]
Ở đây, trong phạm vi của một cuộc “Thường huấn”, bàn về “môi trường Việt Nam chẳng qua chỉ là một cuộc “cởi ngựa xem hoa”. Vì thế, trong phần “XEM” nầy, chỉ xin giới hạn trong ba mục chính: Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VẬT CHẤT (Không khí, Đất, Nước), TÀN PHÁ SINH THÁI VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (Rừng, biển), Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG “PHI VẬT CHẤT” VÀ SUY THOÁI CUỘC SỐNG.
1. Ô nhiễm môi trường vật chất:
1.1. Cái nhìn tổng quan:
Theo quan niệm chung, “ô nhiễm môi trường” được định nghĩa như sau: “đưa thêm vào môi trường những chất liệu hay năng lượng nào đó có thể làm suy thoái môi trường sống của con người và các sinh vật khác”[14]. Những “chất liệu và năng lượng” đó thường đến từ hai nguồn: hoặc do thiên nhiên (mà con người không chế ngự được) như “từ núi lửa phun ra bụi bặm, từ gió xâm thực và các khí khí thoát ra từ sự phân huỷ cây cối và động vật đã chết…”; hoặc đến từ con người như “khí thải của ô tô, mùi vị của các hoá chất, khói từ xí nghiệp và các chất tương tự…”[15]. Còn về tác hại, thì kinh khiếp, hơn cả chiến tranh, dịch bệnh.[16]
Riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành hai số 20 và 21 của Thông điệp Laudato Sí để “khái quát hoá” hiện trạng “ô nhiễm môi trường” và những tác hại cùng nguyên nhân của nó: “Con người trải nghiệm hằng ngày một số loại ô nhiễm. Tiếp xúc với những chất ô nhiễm trong khí quyển tạo ra một loạt các nguy hại về sức khoẻ, đặc biệt là với người nghèo, và tạo nên hàng triệu cái chết sớm…” (LS 20).
Về hiện trạng của “ô nhiễm môi trường” tại Việt Nam, chúng ta thử theo dõi cách đánh giá đầy tính khoa học của đại học Yale tại Mỹ dựa trên 5 tiêu chí “nước và điều kiện vệ sinh, chất lượng không khí, sức khoẻ, nông nghiệp, đa dạng sinh học và môi trường sống”, như sau: “Theo nghiên cứu mới nhất công bố đầu năm 2016, tính tổng quát năm vấn đề được đánh giá, Việt Nam xếp hạng thứ 131 trên thế giới, thấp hơn Trung Quốc ở vị trí số 109, Syria xếp thứ 101, Mỹ xếp thứ 26, đứng đầu bảng xếp hạng là quốc gia Bắc Âu- Phần Lan. Trong đó, với xử lý nước thải, Việt Nam đạt số điểm 19,8/100, xếp hạng 124/139 quốc gia. Về mật độ che phủ rừng, Việt Nam đạt điểm 23,97/100, xếp hạng 100/116 quốc gia. Khí hậu và Năng lượng, Việt Nam đứng gần đáy 105/113 quốc gia. Về chỉ số ảnh hưởng tới sức khỏe, Việt Nam đạt điểm 69,61/100 và đứng thứ 93. Số điểm này được đo bởi chỉ số Mức độ Rủi ro do tiếp xúc với Môi trường (ERE), dùng để đánh giá các mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người gây ra bởi 5 yếu tố môi trường gồm nguồn nước, vệ sinh, ô nhiễm chất dạng hạt, ô nhiễm không khí trong gia đình và ô nhiễm ozon. Điều này cho thấy, Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe từ môi trường. Đáng chú ý nhất trong số 5 vấn đề được đánh giá, xếp hạng thì chất lượng không khí ở Việt Nam đứng thứ 170/180 quốc gia được đánh giá, xếp hạng với điểm số đạt 54,76/100. Trước đó, nghiên cứu của Forbes Việt Nam cũng cho thấy, chất lượng không khí ở Việt Nam rất thấp khi gam màu đỏ đậm, đỏ, vàng bao trùm khắp cả nước. Trong đó miền Bắc ô nhiễm nặng hơn miền Nam.”[17]
1.2. Ô nhiễm không khí:
Laudato Sí đã nhận định về ô nhiễm không khí như sau: “Tiếp xúc với những chất ô nhiễm trong khí quyển tạo ra một loạt các nguy hại về sức khoẻ, đặc biệt là với người nghèo” (LS 20). Đây cũng là một loại ô nhiễm mang tính phổ cập nhất và gây tác hại kinh khủng và toàn diện mà thế giới không ngừng cảnh báo như “một kẻ giết người vô hình và thầm lặng”.[18]
Trong khí đó, tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt nam được đánh giá như sau: “Ở Việt Nam, hệ thống quan trắc môi trường không khí cực kỳ ít ỏi. Tuy vậy, với những số liệu ít ỏi có được, bức tranh ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng không sáng sủa. Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia về môi trường không khí (phát hành năm 2014, mỗi báo cáo có giá trị trong 5 năm-PV) thì không khí ở các đô thị lớn có dấu hiệu ô nhiễm bụi, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 và ô nhiễm ozon tăng mạnh. Mới đây, công bố từ các chuyên gia Chính phủ Đức qua khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại TPHCM cho thấy, bụi mịn PM2,5 tăng cao, nhiều hơn gấp 23 lần so với các thành phố tại Đức.”[19]
Là một đất nước đang phát triển, Việt Nam không thể không hình thành “mạng lưới công nghiệp” để phục vụ kinh tế và mọi sinh hoạt khác của xã hội như: công nghiệp điện năng (điện nước, điện than…), công nghiệp hoá chất, công nghiệp luyện kim, công nghiệp vật liệu xây dựng (xi măng…), công nghiệp nung đốt…; hầu hết các loại hình công nghiệp nầy đều xả thải các loại khí gây ô nhiễm trực tiếp cho môi trường không khí (CO (Carbon monoxide), CO2 (Carbon dioxide), CyHx (Hợp chất hoá học Hydrocarbon…), Sox (Lưu huỳnh điôxit), NH3 (amoniac- loại hợp chất vô cơ) và bụi…).[20]
1.3. Ô nhiễm tài nguyên (đất, nước…):
Về phương diện ô nhiễm “đất, nước…”, tác giả Thanh Lam “khái quát những ô nhiễm và tác hại” kèm theo nhân sự kiện cháy nỗ nhà máy phích nước Rạng Đông tại Hà Nội đêm 28/8/2019: “Vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông, do vậy là một "thảm họa môi trường", và nó khiến người Thủ đô hoảng loạn vì hai chữ "thủy ngân". Một tin không mới, là trong nước xả thải cũng có lượng thủy ngân cao, có cả arsen, chì và các kim loại nặng. Khi vượt qua ngưỡng an toàn, chúng gây nhiễm độc mãn tính, ung thư, dị tật bẩm sinh, đẻ non. Và sông Tô Lịch chỉ là một biểu tượng cho những gì đang diễn ra với những dòng chảy khắp thủ đô. Ở bất kỳ đâu, người ta cũng sẽ bắt gặp những dòng nước đen ngòm như thế. Và ở ngoại thành, như Song Phương, sẽ có thêm cả xác chó, xác gà, xác lợn. Sông và đất Việt Nam mỗi năm ngấm 70 nghìn kg và hơn 40 nghìn lít thuốc trừ sâu. Những hợp chất này đều gây nhiễm độc mãn tính, ung thư gan, bàng quang, phổi, dạ dày…”[21] (x. THU HẰNG & MỸ HÀ: Bàn tay con người trong hàng loạt thảm hoạ môi trường năm 2019)[22]
1.4. Ô nhiễm thực phẩm:
Từ các tác hại do ô nhiễm không khí, đất, nước (và nhiều nguồn khác nữa) đương nhiên sẽ dẫn tới ô nhiễm thực phẩm. Sau đây là vài con số thống kê liên quan: “Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011- 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.”[23]
Còn về nguyên nhân thì cả thế giới gần như giống nhau, như Laudato Sí vạch rõ: do ô nhiễm môi trường nói chung: nước, không khí, các chất độc hại (thuốc trừ sâu, thuốc cỏ…), công nghệ chế biến, chất thải công nghiệp và tiêu dùng, sản phẩm hoá học…(LS số 20-21).
Trong khi đó Viện Dinh Dưỡng thuộc Bộ Y Tế Việt Nam cũng nhận định: “Tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai, nguồn nước và những sai sót trong thực hành nông nghiệp, chế biến, bảo quản làm ảnh hưởng đến mức độ an toàn thực phẩm cũng như sự gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư gan, dạ dày, thực quản, đại tràng…có liên quan đến thực phẩm ô nhiễm đã có nhiều nghiên cứu cảnh báo.”[24]
1.5. Ô nhiễm môi trường lao động:
Đã nghèo lại gặp cái eo. Người công nhân Việt Nam đang sống và làm việc trong một trường ô nhiễm trầm trọng. Sau đây là bức tranh thê thảm của hiệu quả bi đát nầy: “Một khảo sát mới đây về tình hình ô nhiễm môi trường lao động tại 1.000 cơ sở sản xuất của Viện Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật bảo hộ lao động cho thấy, có tới 68% phân xưởng sản xuất bị ô nhiễm nhiệt, 20% ô nhiễm bụi, 17% ô nhiễm hơi khí độc hại… Đặc biệt, có rất nhiều phân xưởng bị ô nhiễm đồng thời từ hai yếu tố trở lên. Công nhân làm việc trong các môi trường độc hại, không an toàn nêu trên dễ mắc các bệnh nghề nghiệp (BNN) như viêm phổi (40,26%), các bệnh đường tiêu hóa (14,35%), bệnh về cơ, xương, khớp (12%), viêm mũi, viêm xoang…”[25]
2. Tàn phá sinh thái và biến đổi khí hậu.
2.1. Khái quát về “hệ sinh thái và đa dạng sinh học”:
Theo cách hiểu chung, đa dạng các “hệ sinh thái” (ecosystem) chính là “tập họp các loài khác nhau, môi trường vật lý chúng sống và toàn bộ tương tác của chúng”. Nói cách khác, đó là sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau của các cộng đồng sinh vật (người, động vật, thực vật…) với thế giới vật chất thiên nhiên khác (đất, không khí, nước, ánh sáng…). Thuật ngữ “Sinh thái học” (Ecology) xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm General Morphology (1986) của Ernst Haeckel (1834-1919)[26].
Trong khi đó “Đa dạng sinh học” (Biodiversity hay Biological Diversity) sự phong phú đa dạng của các loài sinh vật cùng sự tồn tại, phát triển, di truyền và ảnh hưởng tương tác giữa các loài và hệ sinh thái. Nội hàm này được nhà thực vật học và sinh trắc học người Mỹ là James Arthur Harris (1880-1930) sử dụng đầu tiên trong tác phẩm "The Variable Desert" (sa mạc biến đổi), mà ông gọi đầy đủ là biological diversity (tính đa dạng sinh vật học)[27]. (x. VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học).[28]
Đây là chủ đề khá quan trọng ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường nói chung. Riêng Laudato Sí đã dành nguyên 11 số để “xem xét” vấn đề nầy. Trong khi đó, trên cấp quốc tế, đã có một “Công ước” chuyên đề về “Đa dạng sinh học”: “Công ước bảo vệ đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity (29/12/1993) được 157 chính phủ ký kết ở hội nghị thượng đỉnh Rio vào tháng 6 năm 1992 và có hiệu lực vào cuối năm 1993 và hiện nay đã được 127 nước phê chuẩn, trong đó có nước Việt nam”[29] (x. LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3)[30]
2.2. Tàn phá sinh thái “rừng”:
Trước hết, chúng ta dừng lại “sinh thái rừng”: “Việt Nam có tổng số diện tích rừng đứng hàng 45/192 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới với tổng diện tích rừng là 123.000 cây số vuông. Rừng Việt Nam được xếp loại rừng có hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt. Mặc dù rừng cây ở Việt Nam bị khai thác một cách bừa bãi, nó vẫn nằm ở vị trí 1/3 các quốc gia đứng đầu về diện tích rừng. Bởi vậy, xét về mặt diện tích rừng cây, Việt Nam không phải là kém”.[31]
2.2.1. Rừng và đa dạng sinh học thực vật:
Nhà “môi sinh học” Võ Quý”, trong tác phẩm “MÔI TRƯỜNG VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC” đã cho biết: “Tài nguyên sinh vật của nước ta hết sức đa dạng và phong phú…theo dự đoán của các nhà thực vật học số loài ít nhất lên đến 12000 loài, trong đó có 2300 loài đã được dùng làm nguồn lương thực, thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc, lấy gỗ, tinh dầu và nhiều nguyên liệu khác…”[32].
Nhưng đây là hiện trạng: “Những rừng tự nhiên của Việt nam hiện nay đang tiếp tục bị suy thoái và biến đổi bởi con người, mà trước hết là những vùng ven biển, vùng đất thấp và nặng nề hơn nữa là trên các đồi núi. Quá trình này lại càng được tăng cường do sự phá hoại của chiến tranh và sự gia tăng dân số. Năm 1943, diện tích rừng che phủ là 40,7%, đến 1975-1976 giảm xuống còn 28,6% và năm 1983 chỉ còn 23,6%. (…). Hàng năm nước ta mất đi khoảng 200.000 ha rừng, trong đó khoảng 50.000 ha là do khai hoang để lấy đất làm nông nghiệp, 50.000 ha là do cháy rừng, phần còn lại là do khai thác rừng để lấy gỗ, củi…”[33]
Đó là “hiện trạng của thời bình”. Nếu kể thêm những tàn phá do chiến tranh thì thật kinh khủng: “72 triệu lít chất diệt cỏ…13 triệu tấn bom…làm mất đi 20 triệu mét khối gỗ, 300 triệu kg lương thực, 135 ngàn hecta rừng cao su, gây tổn hại lớn nguồn động vật rừng và nghề cá…”[34].
Và khi “sinh thái thực vật” bị tàn phá thì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến “đa dạng sinh học về động vật:
2.2.2. Rừng và đa dạng sinh học động vật:
Cũng theo nhà nghiên cứu, tiến sĩ Võ Quý, “Hệ động vật Việt nam cũng hết sức phong phú. Hiện đã thống kê được 310 loài thú, 840 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, 700 loài cá nước ngọt và hơn 2000 loài cá biển và thêm vào đó là hàng ngàn loài động vật không xương sống…”[35]. “Có rất nhiều loài động vật có giá trị thực tiển cao như: voi, tê giác, bò rừng, trâu rừng, hươu, nai, khỉ, công trĩ, gà rừng, trăn, tắc kè, rùa và nhiều loài rắn…. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên nầy đang bị giảm sút một cách nhanh chóng…do các khu vực cư trú của chúng bị phá hoại vì nạn phá rừng và nguồn nước bị ô nhiễm, nạn săn bắt bừa bãi…thậm chí một vài loài bị tiêu diệt hoàn toàn…”[36]. (x. VÕ QUÝ về nạn buôn bán động thực vật hoang dã).[37]
2.3. Tàn phá sinh thái biển:
Việt Nam đứng hàng thứ 33/154 quốc gia có bề dài duyên hải dài nhất thế giới với chiều dài duyên hải 3444 cây số. Nên biết rằng, có 47 quốc gia trên thế giới hoàn toàn nằm trong lục địa (không tiếp diện với biển) và 35 quốc gia có chiều dài duyên hải chưa đến 100 cây số. Bởi vậy, xét về mặt bề dài duyên hải, Việt Nam không phải là kém.[38] Riêng vùng lãnh hải, Việt nam có “khoảng 226.000 km2 với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rặng san hô phong phú là nơi sinh sống của hàng ngàn loài động vật và thực vật có giá trị”[39].
Nói đến biển là nói đến mạng lưới khai thác đánh bắt hải sản vô tội vạ, triệt phá nhiều vùng có rạn san hô, dùng thuốc nổ, lưới giã cào, nuôi trồng hải sản bất kể…; trong khi đó, các nhà máy (nhiệt điện, chế biến, các khu công nghiệp…) hằng ngày xả thải…
Riêng hệ sinh thái “rừng ngập mặn” ven biển và tại các đầm, hồ (trong đó có rừng cây mắm ở Thị Nại) thì nạn nuôi tôm, nuôi cá đã tàn phá không thương tiếc[40]. Đúng là “Rừng đã hết và biển thì đang chết” ! (x. BRIAN EYLER, Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ)[41].
2.4. Biến đổi khí hậu:
Laudato Sí đã nhận định về “Biến đổi khí hậu” như sau: “Biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính toàn cầu với những hệ quả nghiêm trọng đến môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị … Nó đại diện cho một trong những thách đố chính mà nhân loại ngày nay đang đối diện” (LS 25).
Quả vậy, từ khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước (1980), hình như diễn đàn “biến đổi khí hậu” được thế giới quan tâm và tốn nhiều giấy mực. Kể từ “bản báo cáo của tổ chức liên chính phủ về biến đổi khí hậu năm 1990 (Intergovernmental Panel on climate change – IPCC), nhiều thoả thuận và hiệp ước liên quan đến chuyên đề nầy ra đời:
- Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change, UNFCCC hoặc FCCC), một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất diễn ra tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14 tháng 6 năm 1992.[42]
- Nghị định thư Kyoto là một nghị định với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được ký kết vào ngày 11 tháng 12 năm 1997 tại Hội nghị các bên tham gia lần thứ ba (COP3) khi các bên tham gia họp nhóm tại Kyoto, và chính thức có hiệu lực vào ngày 16 tháng 2 năm 2005.[43]
- Thoả thuận chung Paris một thoả thuận lịch sử trong cuộc họp COP 21 về biến đổi khí hậu của 200 quốc gia được thông qua ngày 13/12/2015 và chính thức có hiệu lực vào 22/4/2016. (Đây cũng là hiệp ước mà nước Mỹ bị Tổng thống Mỹ D. Trump rút tên vào năm 2017).[44]
Riêng tại Việt Nam, theo đánh giá của cơ quan chuyên trách về môi trường của Liên Hiệp Quốc thì: “Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 - 0,70C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm.. Biến đổi khí hậu đã làm cho những thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng – hệ quả của biến đổi khí hậu.”[45] (x. Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp)[46]
Có nhiều nguyên nhân làm “biến đổi khí hậu”, nhưng tác nhân chính gần như do “khí thải” gây nên “hiệu ứng nhà kính”[47] đã làm cho trái đất nóng lên, sinh quyển xáo trộn, đại dương và các vùng băng cực biến động, các loài vi sinh vi khuẩn độc hại phát triển, khan hiếm nguồn nước, lũ lụt, hạn hán thường xuyên…(x. Hậu quả của biến đổi khí hậu)[48]
Bàn về đa dạng sinh thái và biến đổi khí hậu và những tác động an nguy liên quan không thể nói hết ở đây. Riêng Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành nguyên 11 số trong Laudato Sí để “xem xét” vấn đề nghiêm trọng nầy; và định hướng cơ bản để giải quyết, cuối cùng, vẫn là “dưới ánh sáng của đức tin”: “Tất cả các loài thụ tạo đều có liên hệ với nhau, mỗi loài phải được nuôi dưỡng bằng tình yêu và sự tôn trọng, vì tất cả chúng ta là những sinh vật sống lệ thuộc vào nhau. Mỗi vùng chịu trách nhiệm chăm sóc cho gia đình này. Cần có trách nhiệm khám phá cẩn trọng các chủng loại trong mỗi vùng đất, với tầm nhìn phát triển những chương trình và chiến lược bảo vệ và chăm sóc đặc biệt cho các chủng loại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.” (LS 42).
3. Ô nhiễm “môi trường phi vật chất” và suy thoái cuộc sống:
Về chuyên đề nầy, Laudato Sí lưu ý: “Con người cũng là những thụ tạo của thế giới này, vui hưởng quyền được sống và hạnh phúc, được ban tặng một phẩm giá độc nhất. Vì thế chúng ta không thể không nhìn nhận những tác động của suy thoái môi trường lên đời sống con người, những khuôn mẫu phát triển hiện tại và nền văn hoá loại bỏ.” (LS 43).
Sau đây, xin “điểm danh” vài “chỉ dấu” của “ô nhiễm môi trường phi vật chất”, tức đời sống văn hoá, xã hội, đạo đức…của con người.
3.1. Ô nhiễm môi trường văn hoá, xã hội.
Thử nghe cách phân tích của nhà văn Hân Phan trong bài “NGƯỜI VIỆT NAM HÈN HẠ”: “Một xã hội mà người ta đang sẵn lòng thuốc chết nhau đi từng ngày bởi tiền bạc bất kể lương tri. Làm quan thì chỉ lo vơ vét, tham nhũng, quỳ gối trước ngoại bang để duy trì sự thống trị trước nhân dân. Gần 40 năm thống nhất, việt nam có hơn gì thời chiến ngoài đống xe máy chạy đầy đường... trong túi ai cũng có một cái điện thoại di động? Dù nhà ở không có, đất đai không có, bảo hiểm không có, tương lai cho con cái không có,... nhưng bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu. Người ta được ru giấc suốt 40 năm bằng niềm ước mơ cháy bỏng “cơm no, áo ấm.” Hạnh phúc chỉ thế thôi! Muốn hạnh phúc hơn thì hãy làm giàu, làm giàu, làm giàu! “Doanh nhân là chiến sĩ thời bình.” Cứt! Tôi ỉa vào cái khẩu hiệu sặc mùi con buôn, đầy phân chợ trời đó! …”[49](x. HÀNH VI CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI)[50]
Nếu đi sâu vào các lãnh vực như y tế, giáo dục, hành chánh, kinh doanh… chúng ta sẽ còn phát hiện nhiều “hiện thực ô nhiễm” như một thứ virus đang lây lan: sự dối trá, giả mạo, vô trách nhiệm, vô cảm, ích kỷ, tham lam, nhũng lạm, duy lợi nhuận….
Đó là chưa kể có một loại “ô nhiễm cuộc sống” rất phổ thông: “ô nhiễm tiếng ồn”. Ngoài đường là xe cộ, đường phố xóm làng là “loa kẹo kéo”, những “sân khấu karaoke tự biên tự diễn thâu đêm suốt sáng, những âm thanh đinh tai nhức óc của máy móc xây dựng công trình…; tất cả đã góp phần không nhỏ làm “suy thoái cuộc sống”.[51]
3.2. Môi trường tín ngưỡng, tôn giáo:
Từ một nền văn hoá đặt nền tảng trên lý thuyết “duy vật vô thần”, nên môi trường tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là các tín ngưỡng tôn giáo bình dân) đã biến thái trầm trọng: đền chùa, miếu mạo, các lễ hội (Chùa Hương, Đền Trần…) trở thành nơi để “cầu lộc, cầu tài, cầu chức tước và hạnh thông trong sinh mệnh chính trị…: “Không thể không nói đến tôn giáo khi đất nước ta có một lượng người tín ngưỡng rất lớn. Mục đích của tôn giáo hiển nhiên là giáo dục điều thiện. Nhưng tôn giáo lại tha hóa đến mức biến tín đồ thành kẻ cầu quan, cầu tài, cầu lộc, kể cả cầu bẻ cổ địch thủ thì chỉ làm gia tăng cái ác. Người lớn tin vào điều ác mà nhầm tưởng điều thiện là sự vô minh đã đến tột cùng, trách chi trẻ em tin vào Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền?”[52]
Trong một xã hội như thế, việc giáo dục niềm tin cho Dân Chúa trong những thực hành đạo đức bình dân hay các phong trào sùng kính (Đặc sủng Thánh Linh, Lòng Chúa thương xót, hành hương và các trung tâm hành hương…) không thể xem thường, nhất là các biểu hiện “tục hoá đời sống đức tin”, một khía cạnh có thể nói được là một loại “ô nhiễm môi trường tinh thần”.[53]
3.3. Mạng xã hội và ô nhiễm luân lý, đạo đức:
Kể từ khi inernet được phổ cập trong mọi ngõ ngách đời sống, điện thoại thông minh trở thành dụng cụ cá nhân phổ thông, có thể nói được, xã hội mặc nhiên hình thành một thứ “văn hoá zapping”[54]; để từ đó nền “văn hoá đồi truỵ” (khiêu dâm, kích dục, bạo lực…) theo chân và trở thành một yếu tố rất mạnh mẽ tác động tiêu cực lên “môi trường xã hội, văn hoá”, làm ô nhiễm “bầu khí tinh thần”, ảnh hưởng không nhỏ đến nền đạo đức luân thường của nhân loại nói chung, trong đó có Việt nam.
Sau đây là một chút “khái quát” về hiện tượng nầy của BS. Trần Như Ý Lan, một tu sĩ thuộc Dòng Đức Bà: “Theo UNICEF, trung bình mỗi ngày có khoảng 720.000 hình ảnh mang tính khiêu dâm, bạo lực... được đưa lên internet. Tại Việt Nam, từ 2011 đến 2015, có 9.920 trẻ em bị xâm hại bởi các chiêu thức dụ dỗ qua mạng xã hội, Internet, trong đó 65% là xâm hại tình dục. Các con số này báo động về nguy cơ xâm hại tình dục ở trẻ em phát sinh từ mạng internet. Phó Giám đốc Ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF, Cornelius William cho rằng: “Internet và điện thoại di động đã tạo ra một cuộc cách mạng và thay đổi việc tiếp cận thông tin của giới trẻ. Nhưng kết quả thăm dò cho thấy nguy cơ bị xâm hại trực tuyến đối với các trẻ em gái và trẻ em trai là có thật”.[55]
II. CHÚNG TA BIẾT GÌ NHỮNG NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LỤY (XÉT – GIẢI THÍCH)
Có thể nói được, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành riêng hai Chương 3,4 của Laudato Sí để “XÉT” (GIẢI THÍCH) về nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ môi trường; đặc biệt ngài nhấn mạnh đến ba nguyên nhân chính: “Công nghệ: sự sáng tạo và sức mạnh” (số 102-105), “Toàn cầu hoá mô hình kĩ trị” (Số 106-114), “chủ thuyết quy nhân” (Anthropocentism) (Số 115-136). Cùng với ba nguyên nhân chính đó, Laudato Sí (Chương 4) bổ túc về nguyên nhân và như một gợi ý để có giải pháp đúng: Phải có một nền “Sinh thái học toàn diện”.
Qua những gợi ý đó, chúng ta thử xét xem đâu là những nguyên nhân chính của thảm hoạ môi trường tại Việt Nam.
1. Từ “duy vật” tới “duy lợi”, “duy hưởng thụ”:
Với những quốc gia chọn chủ thuyết duy vật “Mác-Lê” làm nền tảng để thiết chế hệ thống chính trị và xã hội hay những xã hội “tư bản rừng rú” đều có chung một thứ “tội nguyên tổ”: hám lợi (hay duy lợi). Điều đó muốn nói là trong những xã hội nầy, đất nước nầy, chuyện “làm bất cứ gì miễn có lợi” đều được cho phép. (x. Thông điệp về Chúa Thánh Thần của Dức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Dominum et Vivicantem – 28.5.1986)[56].
Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ, trên toàn bộ đất nước Việt nam nầy, người ta đua nhau khai thác từ trên rừng xuống biển sâu, từ sông ngòi tới thảo nguyên đồng ruộng…; bất kỳ chỗ nào, nơi nào khai thác được, đem lại lợi nhuận, có tiền… đều “được cấp phép”, miễn có “quà lót tay” ! Người giàu, kẻ quyền thế thì khai thác, hưởng thụ trên bình diện lớn (Boxit Tây nguyên, Formosa Hà Tĩnh, dời núi lấp sông làm thuỷ điện, chặt phá rừng xây sân golf, khu công nghiệp, resorts, chung cư cao cấp…); kẻ cùng đinh mạt hạng thì châm điện bắt cá, vây lưới bắt chim, đốt rừng phá rẫy trồng keo, trồng mì…). Vì thế, hiệu quả tất yếu là “thảm hoạ môi trường”, như nhận xét của tác giả Lục Phong: “Họ chẳng muốn gì cả ngoài việc hưởng thụ những gì đang có. Tài nguyên chúng ta bán, cây rừng chúng ta cưa, voi rừng chúng ta giết, thú rừng chúng ta ăn, chả còn gì mà chúng ta “tha” cả. Khai thác triệt để cho thế hệ này tận hưởng, có thể đoán là trong vòng 10 năm tới sẽ cạn sạch. Nhưng mọi người thì cứ thờ ơ để mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Miễn là họ không ở những vùng hiểm trở, thiên tai; miễn là họ không bị gì hết. Càng ngày, người ta càng rút về thành thị, co cụm, bạn thấy không? Cả đám ăn chơi phè phỡn với nhau, rồi chuốc độc nhau trong từng thớ thịt, dĩa cơm… Có khi nào chúng ta thấy nhục nhã, chẳng cần gì cao siêu, mà chỉ bởi vì chúng ta vừa quăng một cục rác xuống đường. Ai đó nhắc nhở, và chúng ta phản bác: TRƯỚC SAU CŨNG CÓ NGƯỜI QUÉT THÔI. Liệu có bao giờ chúng ta thấy nhục mặt vì cái độ lười nó ghê tởm đến nỗi những con chó thông minh, biết đi ị đúng chỗ cũng phải khinh thường?”[57] (x. KHỦNG HOẢNG MÔI TRƯỜNG)[58]
2. Từ “vô thần” tới “vô cảm” “bất nhân”:
Laudato Sí khẳng định: Một khi “con người muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa và khước từ nhìn nhận những giới hạn của mình…”, tất yếu sẽ dẫn đến “bỏ rơi những người yếu đuối và tấn công vào thiên nhiên” (LS 66). Vâng, não trạng vô thần sẽ dẫn tới vô cảm và trách nhiệm với con người và với thiên nhiên. Đây, ta nghe chính người Việt nam nói về mình trong bài viết “Người việt nam hèn hạ” của tác giả Hân Phan: “Chính sự vô thần vô thánh, không thừa nhận đức tin mà cộng sản triệt để nhồi nhét từ khi họ nắm được dân tộc này đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ,...Vì những người này họ không sợ, hoặc họ tin rằng họ sẽ tránh được sự trừng trị của pháp luật. Khi pháp luật không trị được mà người ta không sợ luân hồi, không sợ quả báo, không sợ bị đày xuống địa ngục,... thì họ còn sợ gì nữa? Việc gì mà họ không dám làm? …[59]
3. Con người chính là “thủ phạm”:
Sau khi “định chuẩn” lại cách hiểu về mạc khải Thánh Kinh trong chủ đề “Sáng tạo”, nhất là trong mối tương quan giữa con người với thế giới, Laudato Sí khẳng quyết: “Một nền linh đạo lãng quên Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Đấng Tạo Hóa thì không thể chấp nhận được. Kết cục của nó sẽ là tôn thờ các quyền lực trần thế, hay chính bản thân chúng ta chiếm đoạt vị thế của Thiên Chúa, thậm chí đến mức công bố một quyền vô hạn để chà đạp lên công trình tạo dựng của Ngài.” (LS 75).
Vâng, con người chính là “thủ phạm” gây ra những “thảm họa môi trường” hiện nay của trái đất, khi đối xử với trái đất cách tuỳ tiện như một “chủ nhân ông”. Điều nầy đã từng được diễn tả nơi một phát ngôn khá nổi tiếng của Citting Bull, câu nói được chọn làm chủ đề của một cuốn phim tài liệu dài 90 phút về môi trường[60]: “La terre n’appartient pas à l’homme; c’est l’homme qui appartient à la terre” (Trái đất không thuộc về con người; chính con người mới thuộc về trái đất). Và ý tưởng nầy thật ra không xa lạ gì với “Huấn quyền” Hội Thánh, nhất là giáo huấn của các Giáo Hoàng đương đại: “Con người….sử dụng trái đất cách tuỳ tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách không giới hạn…., thay vì thi hành vai trò của người cọng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, sẽ tự đặt mình thay thế Chúa và rốt cuộc làm cho thiên nhiên phải phản lại, vì đã hành hạ thay vì cai trị thiên nhiên”[61]. (x. Evangelium Vitae, 42).
III. CHÚNG TA ĐÓNG GÓP ĐƯỢC GÌ ĐỂ CHUNG TAY KHẮC PHỤC (LÀM – LỰA CHỌN)
1. Những nỗ lực và kinh nghiệm của thế giới:
Ngoài những định hướng mang tầm vóc quốc tế thông qua những hiệp ước, nghị định, tuyên bố được đồng thuận và áp dụng[62], khắp thế giới trong những năm gần đây đều có những nỗ lực và hành động cụ thể của các phong trào, tổ chức, hiệp hội, đoàn thể…hoặc của chính phủ hoặc phi chính phủ, chung tay góp sức, đẩy lùi những tác hại về môi trường trên mọi lãnh vực, đồng thời đề xuất các chính sách “phát triển bền vững” (Cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường…)[63].
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: “mạng lưới bảo vệ môi trường” trên khắp thế giới ngày nay rất phức tạp; nhất là nhiều tổ chức, hiệp hội (như “Hoà Bình Xanh” – Green Peace) đang bị “chính trị hoá”, nhất là sự lợi dụng đầy quỷ quyệt của các nhóm “cực tả”[64].
2. Những kinh nghiệm “bảo vệ môi trường” tại Việt nam:
Việt Nam có một bộ luật hẳn hoi về môi trường: Luật bảo vệ môi trường – Số 55/2014/QH13 ngày 23-6-2014 của Quốc Hội, bao gồm 20 Chương và 170 Điều,[65] và một “rừng” các “văn bản dưới luật” khác.[66]
Không phải chỉ lãnh vực môi trường, ở Việt Nam, bất cứ lãnh vực nào cũng đều có một “rừng luật”, nhưng chủ yếu mọi người đều hành xử theo “luật rừng”. Cũng chính vì thế “Rừng đã hết và biển thì đang chết” !
Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận đây đó vẫn có những nỗ lực và cố gắng nhất định của những nhóm, những con người ưu tư, hành động chăm sóc “môi trường Việt nam; đại để như các phong trào “trồng cây xanh”, “nhặt rác ven biển”, “Tiêu dùng xanh”, “Nào ta cùng buýt”, “Đi chung”, các chương trình ngoại khoá “Vì màu xanh trái đất”[67]…; cũng có những sáng kiến rất đáng học hỏi như: Vũ điệu thiên nhiên dành cho trẻ em (Dance Nature) ở Đà Nẵng: một trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên miễn phí; Trung tâm Lá Library ở Nho Quan Ninh Bình: xây dựng cộng đồng sống hài hoà với thiên nhiên bằng vật liệu thân thuộc: đất; Nhóm Chân đất trong rừng (BITW- Barefoot in the Woods): tổ chức những buổi trị liệu thiên nhiên được truyền cảm hứng từ phương pháp “tắm rừng” (Shinrin-yoku) của Nhật…[68]
3. Những hành động của Giáo Hội hoàn vũ:
Như đã nêu bật ngay từ đầu về mục tiêu của Giáo Hội đó là: “Các Kitô hữu thực hiện một đóng góp có giá trị cho việc bảo tồn hệ sinh thái khi họ chăm sóc vạn vật thay vì tỏ ra thất vọng về môi trường. Lòng can đảm dám hy vọng phải được kết hợp với việc tìm tòi nghiên cứu và sẵn sàng hành động.”[69]. Trong khi đó, Laudato Sí lại hy vọng “không chỉ có một con đường đi đến giải pháp. Điều này làm cho một loạt các đề xuất khác nhau nên khả thi, tất cả đều có thể đi vào một cuộc đối thoại với ước muốn đưa ra những giải pháp phát triển toàn diện.” (LS 60).
Toà Thánh Vatican, sau 5 năm ban hành thông điệp về môi trường – Laudato Sí, đã có những nỗ lực và cam kết cụ thể như: “Có bốn lĩnh vực hoạt động mà các hướng dẫn của Laudato si’ được áp dụng: bảo vệ môi trường (ví dụ, với việc thu gom rác thải khác nhau được khởi xướng ở tất cả các văn phòng); bảo vệ nguồn nước (có mạch kín lấy nước từ đài phun); duy trì không gian xanh (giảm dần các sản phẩm kiểm dịch thực vật có hại); tiêu thụ tài nguyên năng lượng bền vững (Các hệ thống chiếu sáng mới tiết kiệm năng lượng ở Nhà nguyện Sistine, Quảng trường và Vương cung thánh đường Thánh Phêrô được báo cáo là đã giảm chi phí 60, 70 và 80%.)”[70]
Riêng Tổng Giáo phận Washington Hoa Kỳ đã soạn sẵn một tài liệu hướng dẫn học hỏi thông điệp Laudato Sí (A Study Guide on the Encyclical of by Pope Francis) khá đầy đủ, bao gồm ba phần: Phần Kinh nguyện, Phần Lectio Divina và Phần học hỏi Thông điệp (8 chủ đề).[71]
4. Đề nghị một nền “mục vụ sinh thái”
4.1. Hoán cải mục vụ theo chiều kích “hoán cải sinh thái”.
Trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui của Tin Mừng), Đức Phanxicô mời gọi toàn thể Hội Thánh cần “Hoán cải mục vụ” để Giáo Hội mang tính truyền giáo hơn, bao gồm hơn và dấn thân hơn[72]; và trong chương trình “hoán cải mục vụ” đó, tất yếu phải có “hoán cải sinh thái”, một chủ đề quan trọng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bày trong Chương Sáu của thông điệp Laudato Sí:
- Hoán cải sinh thái cũng chính là hoán cải nội tâm: “cuộc khủng hoảng sinh thái đòi hỏi sự hoán cải nội tâm sâu sắc… ” (LS 217).
- Hoán cải sinh thái chính là canh tân cuộc gặp gỡ Đức Kitô để nhờ đó canh tân các mối tương quan với con người và thế giới: “Điều mà tất cả họ cần là “sự hoán cải sinh thái”, nhờ đó hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu Kitô trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh.” (LS 217).
- Hoán cải sinh thái chính là khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi và thiếu sót đối với thiên nhiên: “Để đạt được sự hoà giải như thế, chúng ta phải xét lại đời sống và chân nhận những gì chúng ta gây thiệt hại đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa ngang qua những hoạt động của chúng ta và cả những hành động cần làm mà chúng ta bỏ qua”. Chúng ta cần phải hoán cải, phải thay đổi tâm hồn” (LS 218).
- Hoán cải sinh thái luôn là hành vi của cả cộng đoàn: “Hoán cải sinh thái cần thiết cho một sự thay đổi dài lâu cũng là một sự hoán cải cộng đồng.” (LS 219).
- Hoán cải sinh thái chính là con đường hoàn thiện: “sự hoán cải sinh thái có thể thúc đẩy chúng ta sáng tạo và nhiệt thành hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới và trong việc hiến dâng chính bản thân chúng ta lên Thiên Chúa “như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Người” (Rm 12,1). (LS 220).
4.2. Mục vụ sinh thái khởi đầu bằng “giáo dục sinh thái”:
Nếu yếu tố “con người” là cốt lõi trong tác động môi trường, thì có thể nói được rằng, giải pháp cốt lõi nhất cho vấn đề môi trường muôn nơi muôn thuở đó chính là: thế giới cần có những “công dân sinh thái” (LS 211). Vì thế, mục vụ sinh thái luôn phải đi kèm với “mục vụ giáo dục sinh thái”, một chương trình “giáo lý sinh thái” thường xuyên và dài lâu, đặc biệt là vai trò giáo dục của “gia đình”: “Việc giáo dục sinh thái có thể diễn ra ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: ở trường học, trong gia đình, trên truyền thông, trong bài giáo lý hay bất cứ nơi nào. Nền giáo dục tốt khi còn trẻ sẽ gieo những hạt giống và tiếp tục sinh hoa trái trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng lớn lao của gia đình, là “nơi sự sống - quà tặng của Thiên Chúa – được đón nhận trọn vẹn, được bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công, và có thể phát triển phù hợp với sự trưởng thành đích thực của con người. Trái ngược với cái gọi là nền văn hoá sự chết, gia đình là trái tim của nền văn hoá sự sống” (LS 213). (x. Giáo dục sinh thái trong Laudato Sí của tác giả Lm. Joshtrom Isaac Kureethadam, SDB)[73]
4.3. Mục vụ sinh thái mang tính “hiệp hành”.
“Hiệp hành” (Synodality) là con đường mà Hội Thánh phải đi trong thiên niên kỷ nầy: “Hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa muốn Giáo hội bước đi trong thiên niên kỷ thứ ba: Đây là chương trình đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập cơ cấu Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, thực ra, tính hiệp hành là “một chiều kích thiết yếu của Giáo hội”[74].
Trong “mục vụ sinh thái”, chiều kích “hiệp hành” đòi hỏi một kế hoạch chung, có phối hợp nhịp nhàng và động viên được sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa. Trong “định hướng” của Laudato Sí, hiệp hành chính là “kế hoạch chung”, là “sự đồng thuận”…: “Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải suy nghĩ về một thế giới với một kế hoạch chung.(…). Cần có sự đồng thuận toàn cầu mới có thể giải quyết những vấn đề sâu xa hơn, chứ không thể giải quyết bằng những hành động đơn phương của các quốc gia riêng lẻ…” (LS 164).
4.4. Mục vụ sinh thái và người trẻ hôm nay.
Trong năm mục vụ “đồng hành với người trẻ hướng tới trưởng thành toàn diện” nầy, việc giáo dục về môi trường không thể không tính đến, như lưu ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống): “Thiên nhiên đặc biệt hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ thanh thiếu niên. Họ muốn tiếp xúc với thiên nhiên và nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường. Đó chính là trường hợp của phong trào hướng đạo và một số nhóm khác đang tổ chức những ngày sống giữa thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, thám hiểm, và các chiến dịch cải thiện môi trường. Trong tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, những kinh nghiệm này có thể khởi xướng một lộ trình huấn luyện sống tình huynh đệ phổ quát và cầu nguyện chiêm niệm.” (CV 228); đây cũng là tiêu điểm về giáo dục giới trẻ ngày nay của toàn thế giới, thông qua chính chủ trương của Liên Hiệp Quốc.[75]
Kết: Không để loài nào bị lãng quên.
Trong “Vườn Nho của Chúa”, không ai được mang mặc cảm mình chỉ là “người công nhân đến trễ” (Mt 20,1-16) để rồi tiêu cực, buông xuôi. Trong “vườn nho môi trường” hôm nay cũng thế, không người Kitô hữu nào được phép “khoanh tay đứng nhìn” như một kẻ ngoại cuộc, như một khách bàng quan. Phải xăn tay áo, dấn thân nhận lãnh trách nhiệm, như tiếng kêu mời của Đức Kitô 2000 năm trước “Hãy đi vào vườn nho” (Mt 20,7); hay như những lời răn dạy của Hội Thánh cách đây hơn nửa thế kỷ qua Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng: “Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục Trái đất cùng với tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng, để rồi, khi nhìn nhận Thiên Chúa như Tạo Hóa của mọi loài, họ quy hướng về Người chính bản thân cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục vạn sự thì danh của Thiên Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (GS 34).
Đứng trước một đất nước Việt Nam mà hiện trạng môi trường, như cách mô tả của Đức Phanxicô, là một “người chị…đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tùy ý…” (LS 2), người Kitô hữu Việt Nam, trong tinh thần “hoán cải sinh thái”, góp phần, từ mỗi phận vụ và vị trí, bảo vệ và kiến thiết môi trường sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn, cho dù bằng những việc làm nhỏ nhất.
Người xưa có câu tục ngữ: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (Người ta không chịu nghĩ xa thì tất phải có cái lo gần). Riêng trong lãnh vực “mục vụ môi trường” thì không còn là chuyện “nghĩ xa” mà thật sự đang là cái “lo gần” phải “tính gấp”; vì nếu không bắt đầu ngay hôm nay, e rằng thế giới sẽ không còn đẹp như xưa nữa như cảm nhận của Rock Ronald Rozario: “Một ngày nào đó đại dịch virus corona sẽ kết thúc. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có trở lại với cuộc sống bình thường với tư cách là những con người đã được thay đổi và có tình yêu đối với thiên nhiên và động vật hoang dã. Nếu không, con sứa của Venice sẽ chết đi và cây hoa muống rực rỡ buổi sáng trên bãi biển của Cox’s Bazar sẽ lại biến mất.”[76]
Riêng Việt nam chúng ta cũng vậy, nếu không hành động ngay từ hôm nay thì “ngày tàn” của đất nước, của biển, của rừng, của sông… đang đến, như cách cảm nhận về dòng sông Mekong, một biểu tượng sinh động về môi trường Việt Nam, của tác giả Brian Eyler: “Nếu chúng ta không bắt đầu ngay hôm nay, xem dòng sông và cảnh quan xung quanh như một hệ thống kết nối và cùng nhau hành động để bảo tồn, ngày tàn của dòng Mekong hùng vĩ đã đến”[77].
Nếu không muốn để lại cho thế hệ tương lai một “thế giới lụi tàn” thì ngay hôm nay, chúng ta đừng để cho “một loài thụ nào trên trái đất bị lãng quên”. Vì thế, cũng như bao hành vi đức tin khác, công cuộc “mục vụ môi trường” là cuộc chiến đấu liên lỷ mỗi ngày cùng với lòng khiêm hạ kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa như chính lời cầu xin mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi ý cho chúng ta trong thông điệp Laudato Sí:
Lạy Thiên Chúa tình yêu,
xin cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế giới này
như là những dòng kênh chuyển trao tình yêu của Ngài
cho tất cả mọi loài thụ tạo trên trái đất,
vì không một loài nào bị lãng quên
trong ánh mắt của Ngài. (Laudato Sí: Lời cầu nguyện của người Kitô hữu trong sự hiệp nhất với thụ tạo).
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn kiện Giáo Hội:
1.1. Công Đồng:
- VATICAN II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes)
1.2. Giáo Hoàng:
- GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên - 01/05/1991)
- GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium Vitae (Tin mừng sự sống - 25/03/1995)
- PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Sí (24/5/2015) (Bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas thuộc HĐGM-VN, NXB Tôn giáo 2015).
- PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng) (24/11/2013)
- PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống). Chuyển ngữ: Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn và nhóm hiệu đính HĐGMVN, nxb Tôn giáo 2019.
1.3. Cơ quan Tòa Thánh:
- HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội (2004) (Bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas thuộc HĐGMVN, NXB Tôn giáo, 2007).
- DOCAT Phải làm gì? ( Bản dịch của Ủy Ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN, NXB Tôn Giáo 2017)
2. Sách:
- GM PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP OP, Một cái nhìn về Giáo Huấn Xã Hội, NXB Phương Đông 2013.
- LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG, Đạo đức sinh học, tập 3 MÔI TRƯỜNG & ĐỘNG VẬT, NXB Phương Đông 2017.
- ELDON D. ENGER, BRADLEY F. SMITH, Tìm hiểu môi trường/Cẩm nang thiết yếu cho khoa học môi trường. Biên dịch: Chương Ngọc. NXB Lao Động Xã Hội, 2008.
- TRẦN VĂN CHÁNH, Thảm họa môi trường tại Việt Nam, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2020.
- BRIAN EYLER, (DỊCH GIẢ: NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH), Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, NXB Phụ nữ Việt Nam 2020.
- VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội 2018.
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM – VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU (NGUYỄN THỊ NGỌC CHỦ BIÊN), Chính sách bảo vệ môi trường của một số nước Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam, NXB Khoa học xã hội 2019.
- PGS.TS. NGUYỄN HỒI LOAN – TS. TRẦN THU HƯƠNG, Hành vi con người và môi trường xã hội. NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội 2019.
- VŨ TƯƠI (Hệ thống), Luật bảo vệ môi trường, NXB Lao Động 2019.
- UNESCO & UNEP (TỔ CHỨC GIÁO DỤC KHOA HỌC VĂN HOÁ LIÊN HIỆP QUỐC & CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG LIÊN HIỆP QUỐC). Bộ sách Hướng dẫn YouthXChange về phong cách sống và biến đổi khí hậu. Bản dịch của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và môi trường (C&E). Bản PDF.
3. Tạp chí:
- Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 108.
- Tạp chí Heritage Fashion, Vietnamairlines, HF 166/2020.
4. Internet:
- Trang HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: www.hdgmvietnam.com
- Trang GIÁO PHẬN QUI NHƠN: www.gpquinhon.org/q/than-hoc/giao-duc-sinh-thai-trong-laudato-si-3447.html
- Trang CẨM NANG GIÁO DỤC & SỨC KHOẺ: www.jes.edu.vn/o-nhiem-moi-truong-la-gi-co-may-loai-o-nhiem-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc
- Trang mạng: THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: www.moitruong.com.vn/moi-truong-cong-luan/trao-doi-binh-luan/nhin-tu-dai-dich-covid-19-khong-khi-ban-nguy-hiem-hon-virus-21144.htm
- Trang BÁO PHÁP LUẬT: www.plo.vn/quoc-te/nguy-co-vo-dap-tam-hiep-thong-tin-dang-so-tu-chuyen-gia-921178.html
- Trang báo điện tử VNEXPRESS: www.vnexpress.net/tham-hoa-moi-truong-3989261.html
- Trang mạng ZING NEWS, TRI THỨC TRỰC TUYẾN: www.zingnews.vn/ban-tay-con-nguoi-trong-hang-loat-tham-hoa-moi-truong-nam-2019-post1026998.html
- Trang mạng CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM: www.vietq.vn/bao-dong-o-nhiem-doc-hai-trong-thuc-pham-anh-huong-den-suc-khoe-con-nguoi-d143077.html
- Trang SỨC KHOẺ VÀ ĐỜI SỐNG: www.suckhoedoisong.vn/moi-truong-lao-dong-o-nhiem-benh-nghe-nghiep-gia-tang-n15398.html
- Trang CỬU BÌNH CỌNG SẢN ĐẢNG: www.9binh.com/cat/ma-quy-dang-thong-tri-the-gioi-cua-chung-ta
- www.www.youtube.com/watch?v=beSlOZY3Qqk
- Một số các trang mạng khác…
[1] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 4.
[2] Cô giáo Trần Thị Lam sinh năm 1973, là giáo viên chuyên văn của Trường chuyên THPT Hà Tĩnh. Được biết, bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” vừa được tác giả đưa lên trang facebook của mình ngày 25.4.2016 liền có 2.000 lượt chia sẻ trong một ngày đó. Sau đó, công an buộc cô gở bài thơ xuống và không được phát tán.
[3] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 91.
[4] CẨM NANG GIÁO DỤC & SỨC KHOẺ (JES.EDU.VN). Bài viết: Ô nhiễm môi trường là gì? Có mấy loại ô nhiễm? Nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Người đưa: Yes. Ngày: 20.3.2020: “Hiện nay vấn đề ô nhiễm ở nước ta đang ở tình trạng báo động. Dường như nó xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành…”
Nguồn: https://jes.edu.vn/o-nhiem-moi-truong-la-gi-co-may-loai-o-nhiem-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc
[5] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 61-112.
[6] Ibid., tr. 113.
[7] ANH QUÂN (moitruong.com.vn/TH theo Sputniknews/Saigongiaiphong). Nhìn từ đại dịch Covid-19: Không khí bẩn nguy hiểm hơn virus. Trang mạng: THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG. Link: https://moitruong.com.vn/moi-truong-cong-luan/trao-doi-binh-luan/nhin-tu-dai-dich-covid-19-khong-khi-ban-nguy-hiem-hon-virus-21144.htm
[8] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 15.
[9] LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3, Môi trường & Động vật. NXB Phương Đông 2017, tr. 25: Tác giả bài “Dự báo về môi trường” trong tập Dự báo thế kỷ XXI viết: “Ngày nay… khi chúng ta cất cao tiếng hát chiến thắng hướng tới tương lai càng thêm tươi sáng hơn thì bỗng nhiên chúng ta phát hiện thấy “thanh gươm Đamôclét” đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta: đó là nhân khẩu tăng nhanh, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, nhiều giống loại bị tuyệt diệt, thiên tai ngày càng nhiều, xã hội càng rối ren…”.
[10] ĐĂNG KHOA, Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp: thông tin đáng sợ từ chuyên gia. Nguồn: Trang BÁO PHÁP LUẬT: https://plo.vn/quoc-te/nguy-co-vo-dap-tam-hiep-thong-tin-dang-so-tu-chuyen-gia-921178.html
[11] GM. PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP, OP. Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công Giáo. NXB Phương Đông 2013. PHẦN III. Chương 22: Môi trường sinh thái. Tr. 452.
[12] ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN/HĐGMVN.(Bản dịch): DOCAT Phải làm gì. NXB Tôn Giáo 2017. Chương 10. Bảo tồn vạn vật – Môi trường. Số 256. Các Kitô hữu có thể đóng góp gì cho một môi trường nhân văn: “Các Kitô hữu không phải là các nhà môi trường nếu sự dấn thân của họ chỉ giới hạn trong những lời kêu gọi người khác mang tính luân lý. Cũng vô ích như thế nếu cứ nói thường xuyên về các vấn đề toàn cầu thay vì chú ý đến môi trường của chính mình và đến những tiềm năng có ở đó. Vì vậy, nền đạo đức môi trường Kitô giáo không được xây dưng trên những lời kêu gọi tự mãn. Thay vào đó, nền đạo đức nầy cố gắng đưa ra những định hướng liên quan đến các xung đột cá nhân và xã hội cần phải giải quyết. Với mục đích nầy, trước tiên phải có một bản phân tích chính xác các mối liên hệ nhân quả, các nguy cơ và triển vọng. Chỉ khi đó các nguyên tắc hướng dẫn mới phát huy hiệu quả. Các Kitô hữu thực hiện một đóng góp có giá trị cho việc bảo tồn hệ sinh thái khi họ chăm sóc vạn vật thay vì tỏ ra thất vọng về môi trường. Lòng can đảm dám hy vọng phải được kết hợp với việc tìm tòi nghiên cứu và sẵn sàng hành động.”
[13] VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM – VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU. NGUYỄN THỊ NGỌC (Chủ biên). Chính sách bảo vệ môi trường của một số nước Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hôi 2019, tr. 385.
[14] ELDON D. ENGER, BRADLEY F. SMITH, Tìm hiểu môi trường/Cẩm nang thiết yếu cho khoa học môi trường. Biên dịch: Chương Ngọc. NXB Lao Động Xã Hội, 2008. Tr. 304.
[15] Ibid. Tr. 469.
[16] THANH THẢO: Những hậu quả thấy rõ của ô nhiễm môi trường: "Ô nhiễm môi trường đang giết chết con người nhiều gấp 15 lần chiến tranh. Đây là con số do các nhà khoa học thuộc Ủy ban Tạp chí khoa học Lancet về các vấn đề ô nhiễm và sức khoẻ đưa ra", trang Sputnik của Nga thông tin. Kết quả nghiên cứu được công bố trên trang web của tạp chí Lancet cho biết trong năm 2015, những căn bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên đã cướp đi sinh mạng của gần 9 triệu người trên toàn thế giới, tương đương 16% tổng số các trường hợp tử vong – theo Sputnik. Các nhà khoa học khẳng định con số này lớn gấp 3 lần so với số người chết do AIDS, lao và sốt rét cộng lại; gấp 15 lần so với do chiến tranh và các hình thức bạo lực khác. Cũng theo các nhà nghiên cứu, chất lượng sinh thái tồi tệ giết nhiều người hơn thuốc lá, nghèo đói và thiên tai. Ô nhiễm trầm trọng là nguyên nhân 1/4 các trường hợp tử vong ở một số nước.” Nguồn: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/tham-hoa-moi-truong/nhung-hau-qua-thay-ro-cua-o-nhiem-moi-truong-18416.htm
[17] Nguồn: BÁO TIỀN PHONG, đăng trên trang THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ngày: 9/8/2016. Nguồn: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/bao-dong-ve-o-nhiem-bui-o-viet-nam-16920.htm
[18] Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ ĐANG DẦN TRỞ THÀNH MỘT THẢM HOẠ TOÀN CẦU, Đăng vào ngày 6.1.2020, trang mạng Thông tin bảo vệ môi trường (MTX): “Ô nhiễm không khí trở thành đề tài “nóng” hơn bao giờ hết khi đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng tới gần như tất cả các khu vực trên thế giới. Ô nhiễm không khí được coi là một kẻ giết người vô hình và thầm lặng. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng ô nhiễm không khí là “thủ phạm” gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Không khí ô nhiễm tồn tại xung quanh chúng ta và rất khó để tránh khỏi. Nồng độ khói bụi nhìn thấy được trong không khí không thể phản ánh được mức độ trong lành của môi trường sống. Trên khắp thế giới, môi trường ở cả thành phố hay vùng quê đều có các chất ô nhiễm độc hại trong không khí vượt quá giá trị chất lượng không khí trung bình WHO khuyến nghị là tối đa 25 microgam/m3. Ước tính, 91% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những nơi có không khí ô nhiễm”. Nguồn: BÁO QUỐC TẾ: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/tham-hoa-moi-truong/o-nhiem-khong-khi-dang-dan-tro-thanh-mot-tham-hoa-toan-cau-20689. (Xem thêm: htm. ANH QUÂN. Hậu quả ô nhiễm không khi: hại người, thiệt kinh tế: Nguồn: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/hau-qua-cua-o-nhiem-khong-khi-hai-nguoi-thiet-kinh-te-21365.htm
[19] Nguồn: BÁO TIỀN PHONG, đăng trên trang THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ngày: 9/8/2016. Nguồn: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/bao-dong-ve-o-nhiem-bui-o-viet-nam-16920.htm
[20] THANH THẢO. TRANG THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: Tổng quan về các nguồn gây ô nhiễm không khí từ các ngành công nghiệp.
Nguồn: https://moitruong.com.vn/tai-lieu/tong-quan-ve-nguon-gay-o-nhiem-khong-khi-tu-cac-nganh-cong-nghiep-20154.htm
[21] THANH LAM, Thảm hoạ môi trường. Nguồn: https://vnexpress.net/tham-hoa-moi-truong-3989261.html
[22] THU HẰNG & MỸ HÀ: Bàn tay con người trong hàng loạt thảm hoạ môi trường năm 2019. Nguồn: Trang mạng ZING NEWS, TRI THỨC TRỰC TUYẾN.
https://zingnews.vn/ban-tay-con-nguoi-trong-hang-loat-tham-hoa-moi-truong-nam-2019-post1026998.html
[23] HÙNG CƯỜNG, Ô nhiễm thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nguồn: Trang mạng CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM: http://vietq.vn/bao-dong-o-nhiem-doc-hai-trong-thuc-pham-anh-huong-den-suc-khoe-con-nguoi-d143077.html
[24] Nguồn: http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tuoi-gia/thuc-trang-kiem-soat-nguy-co-o-nhiem-thuc-pham-va-khac-phuc-su-co-ve-an-toan-thuc-pham.html
[25] KIM VŨ, Môi trường ô nhiễm, bệnh nghệ nghiệp gia tăng. Nguồn: Trang SỨC KHOẺ VÀ ĐỜI SỐNG: https://suckhoedoisong.vn/moi-truong-lao-dong-o-nhiem-benh-nghe-nghiep-gia-tang-n15398.html
[26]LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3, Môi trường & Động vật. NXB Phương Đông 2017, tiểu mục: Gia đình các thụ tạo (các hệ sinh thái). Tr. 136-138: “Nhà sinh thái học nhìn thấy toàn bộ như một mạng lưới năng lượng và vật chất, liên tục chảy vào cộng đồng từ môi trường vật lý xung quanh, rồi trở ngược về và sau đó ra xung quanh” (Edward Wilson).
[27] Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư mở (WIKIPEDIA). https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90a_d%E1%BA%A1ng_sinh_h%E1%BB%8Dc
[28] VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học, nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội 2018, Bài 19: Bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam. tr. 223: “Đa dạng sinh học là mức độ phong phú của thiên nhiên, là toàn bộ tài nguyên thiên nhiên tạo nên do tất cả các dạng sống trên trái đất. Đa dạng sinh học bao gồm ba cấp khác nhau: 1. đa dạng di truyền còn gọi là đa dạng gen; 2. đa dạng loài; 3. đa dạng sinh thái”.
[29] Ibid. Tr. 223.
[30] LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3, Môi trường & Động vật. NXB Phương Đông 2017, tr. 29-30.
[31] Sưu tầm trên facebook. Trang NGUYỄN HOÀNG TUÂN.
[32] VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học, nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội 2018, tr. 53. (x. tr. 292)
[33] Ibid. Tr. 51-52.
[34] Ibid. Tr. 57.
[35] Ibid. Tr. 292.
[36] Ibid. Tr. 56.
[37] Ibid. Tr 295: “Theo số liệu của cụ kiểm lâm, từ năm 1997 đến 2000, cả nước đã xảy ra 181.253 vụ khai thác, vận chuyển ĐTVHD (động thực vật hoang dã) trái phép đã được lập biên bản, với khối lượng khoảng 250 tấn ĐTVHD các loại…”. Theo Sách Đỏ Việt nam 1992 (được chỉnh lại) có khoảng 417 động vật và 558 thực vật có nguy cơ bị tiêu diệt.
[38] Sưu tầm trên facebook. Trang NGUYỄN HOÀNG TUÂN.
[39] VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học, nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội 2018, tr. 293.
[40] Ibid. Tr. 228.
[41] BRIAN EYLER, (DỊCH GIẢ: NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH), Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, NXB Phụ nữ Việt Nam 2020. Tr. 406: “Không may, hiện nay người nuôi tôm đã chặt sạch rừng đước lấy chỗ làm ao tôm… Rừng đước rất quan trọng đối với đa dạng sinh học vì nhiều loài động vật có vú, chim và bò sát được biết thường làm tổ ở những phần cây rậm trên mặt nước. Cá và các loài thuỷ sinh khác tìm thấy môi trường sống và dinh dưỡng trong hệ thống rễ chìm dưới nước…”.
[42] BÁCH KHOA TOÀN THƯ MỞ (WIKIPEDIA).
[43] Ibid.
[44] Ibid.
[45] UNESCO & UNEP (TỔ CHỨC GIÁO DỤC KHOA HỌC VĂN HOÁ LIÊN HIỆP QUỐC & CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG LIÊN HIỆP QUỐC). Bộ sách Hướng dẫn YouthXChange về phong cách sống và biến đổi khí hậu. Bản dịch của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và môi trường (C&E). Bản PDF. Tr. 16.
[46] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp tr. 269-271.
[47] LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3, Môi trường & Động vật. NXB Phương Đông 2017, tr. 244. Ghi chú 569: “Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt trái đất, gây nên hiệu ứng nhà kính. Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC… Khí nhà kính ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiệt độ của trái đất, nếu không có chúng nhiệt độ bề mặt trái đất trung bình sẽ lạnh hơn hiện tại khoảng 33 độ C”.
[48] Ibid. Chương 6. Những trường hợp đặc biệt. 1.2: Hiệu quả của biến đổi khí hậu. Tr. 246.
[49] HÂN PHAN, "Người việt nam hèn hạ". Nguồn: (Sưu tầm)
https://www.facebook.com/vietnamthoisu/posts/10156139253962489/
[50] PGS.TS. NGUYỄN HỒI LOAN – TS. TRẦN THU HƯƠNG, Hành vi con người và môi trường xã hội. Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội 2019. Tr. 52-53: “Nói đến môi trường, người ta thường hiểu đó là môi trường tự nhiên. Nhưng khi phân tích ảnh hưởng của môi trường đến đời sống của con người như: cá nhân, nhóm, cộng đồng, đặc biệt khi gắn với các đặc trưng xã hội và nhân cách, người ta lại thấy thiếu hụt nếu không coi toàn bộ đời sống xã hội phong phú và phức tạp bên ngoài (các chủ thể đó) như là môi trường có ảnh hưởng và thường xuyên quy định, thậm chí quyết định diện mạo của mỗi chủ thể”.
[51] NGUYỆT MINH, Ô nhiễm tiếng ồn: kẻ sát nhân giấu mặt. Nguồn:
http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=%C3%94-nhi%E1%BB%85m-ti%E1%BA%BFng-%E1%BB%93n---K%E1%BA%BB-s%C3%A1t-nh%C3%A2n-gi%E1%BA%A5u-m%E1%BA%B7t-46567
[52] CHU MỘNG LONG, Hiện tượng Khá Bảnh: Cần chấn hưng giáo dục đổi mới với giới trẻ hay giáo dục nên tự nhìn lại chính mình? Nguồn: BÁO TIÊNG DÂN: https://baotiengdan.com/…/hien-tuong-kha-banh-can-chan-hun…/
[53] GHI CHÚ RIÊNG: “Ô nhiễm môi trường tinh thần” trong viễn tượng đức tin có thể hiểu đó là sự “Tục Hoá”; và đây là một chủ đề được Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý mạnh mẽ trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium). Ngài đặc biệt nhấn mạnh các khía cạnh tục hoá sau:
- Tục hoá khi cộng đoàn đức tin thiếu vắng sự hiện diện của Đức Kitô: “Tính thế tục cũng có thể được biểu hiện bằng việc muốn được người khác để ý tới, xuất hiện với đủ vẻ sang trọng trong đời sống xã hội, trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng và tiếp tân. Nó cũng có thể dẫn tới một não trạng doanh nghiệp, luôn bận bịu với các công việc quản lý, các vấn đề thống kê, kế hoạch và đánh giá mà lợi ích chính không phải là Dân Chúa mà là Giáo Hội được nhìn như là một tổ chức. Không hề có dấu ấn của Đức Kitô nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh” (EG 95).
- Tục hoá khi cộng đoàn thiếu bác ái, chia rẽ…: “Tính thế tục thiêng liêng khiến người Kitô hữu gây chiến với những người Kitô hữu khác cản trở con đường tìm kiếm quyền lực, uy tín, thú vui và an toàn kinh tế. Một số thậm chí không còn bằng lòng sống như một phần tử của cộng đồng Hội Thánh rộng lớn hơn nhưng phát triển một tinh thần loại trừ, tạo ra một “phe nhóm nội bộ”. (EG 98).
- Tục hoá khi biến “không gian thánh” (Phụng Vụ) trở thành “phàm tục”: Hội Thánh thành “Trạm thu phí”: “Nhưng Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ.” (EG 47); Toà Giải tội thành “buồng tra tấn”: “Tôi muốn nhắc nhớ các linh mục rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình.” (EG 44); Bài giảng trở thành “phương tiện giải trí”, “diễn văn”, “thuyết trình”…: “Bài giảng không thể mang một hình thức giải trí giống như những bài giảng trên các phương tiện đại chúng, nhưng bài giảng phải ban sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành.” (EG 138); Biến Toà Giảng Lời Chúa thành nơi phê bình, chỉ trích và vạch ra những tiêu cực…: “Tích cực là một đặc trưng nữa của một bài giảng tốt. Bài giảng tốt không quan tâm nhiều tới việc nói ra điều gì không được làm, nhưng gợi ý chúng ta có thể làm gì tốt hơn. Bất luận thế nào, nếu kêu gọi chú ý tới một điều gì tiêu cực, nó cũng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nếu không nó sẽ bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc.” (EG 159).
[54] Xem: Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền: Văn hoá “Zapping” ảnh hưởng tới hôn nhân: “Phải chăng cuộc khủng hoảng này cũng liên hệ đến một thứ văn hóa mới mà người ta gọi là văn hóa “zapping”. Văn hóa Zapping nghĩa là việc hay thay đổi các kênh truyền hình bằng điều khiển từ xa. Văn hóa này nói về hiện tượng đa số chúng ta mỗi lần đến quảng cáo là liền remos qua chương trình khác ngay, hoặc một chương trình nhàm chán là họ chuyển kênh ngay. Văn hóa Zapping cũng là một thói quen lướt web trên điện thoại hay Ipad được ghi nhận là nhiều người trở thành con nghiện Internet.” Nguồn: Trang mạng giáo phận Xuân Lộc: http://giaophanxuanloc.net/dac-biet/van-hoa-zapping-anh-huong-toi-hon-nhan-4413.html
[55] BS. TRẦN NHƯ Ý LAN, DÒNG ĐỨC BÀ. Giới trẻ và văn hoá khiêu dâm – tình dục qua mạng internet: Một nhận định trên phương diện xã hội và luân lý Công Giáo. Nguồn: Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN Số 108 (tháng 9 & 10, năm 2018)
[56] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng Ban sự sống (Dominum et Vivicantem), ban hành ngày 28.5.1986. Khi đề cập đến việc “phán kháng chống lại Chúa Thánh Thần”, Đức Thánh Cha nói nơi Số 56: “Cách biểu lộ quan trọng nhất của sự phản kháng ấy là chủ nghĩa duy vật, cả dưới hình thức lý thuyết như một hệ thống tư duy, lẫn dưới hình thức thực hành như là một phương pháp nhận định và đánh giá các sự kiện và đồng thời như một chương trình hành động để có những cách ứng xử tương xứng. Hình thức tư duy ấy, hình thức ý thức hệ và chương trình hành động ấy, đã được một hệ thống làm cho phát triển cực độ cũng như tạo nên những hậu quả hết sức cực đoan trên bình diện hành động, hệ thống đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử; chủ nghĩa nầy vẫn còn được công nhận như là cốt lõi của thuyết Mác-xít”.
[57] LỤC PHONG, Đất nước của những kẻ lười biếng. Nguồn: https://chauxuannguyen2019.wordpress.com/2015/01/03/dat-nuoc-cua-nhung-ke-luoi-bieng/
[58] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 102-103; tr. 275: “Lợi nhuận là một động lực khiến người ta quên hết mọi thứ và dám làm cả những việc gây tác hại cho cộng đồng…”
[59] HÂN PHAN, "Người việt nam hèn hạ". Nguồn: (Sưu tầm): http://www.baothamnhung.com/20…/…/nguoi-viet-nam-hen-ha.html
[60] Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=beSlOZY3Qqk
[61] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centensimus Annus (Bách Chu Niên), số 37.
[62] Xem các GHI CHÚ 42,43,44 ở trên.
[63] VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM – VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU. NGUYỄN THỊ NGỌC (Chủ biên). Chính sách bảo vệ môi trường của một số nước Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hôi 2019, tr. 52.
[64] MA QUỶ ĐANG THỐNG TRỊ THẾ GIỚI CHÚNG TA, Nhóm biên tập sách “Cửu Bình”. Chương 16: Chủ nghĩa bảo vệ môi trường – Sự thao túng của Chủ nghĩa Cộng sản ở phía sau Chủ nghĩa bảo vệ môi trường: “Do chủ nghĩa bảo vệ môi trường thường bị chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản dẫn dắt, hơn nữa sau khi Liên-Xô và khối cộng sản Đông Âu bị giải thể, rất nhiều đảng viên cộng sản và lực lượng tàn dư của chủ nghĩa cộng sản trước kia bắt đầu tổ chức ra đảng xanh hoặc tham gia những đảng xanh đã hoạt động, khiến cho rất nhiều người trong đảng xanh đều bị lệch về phía tả trên hình thái ý thức, vì thế đã xuất hiện một từ gọi là “xanh tả” (Green Left).”. Nguồn: https://9binh.com/ma-quy-dang-thong-tri-the-gioi-cua-chung-ta/chuong-16-chu-nghia-bao-ve-moi-truong-su-thao-tung-cua-chu-nghia-cong-san-o-phia-sau-chu-nghia-bao-ve-moi-truong-phan-i.html
[65] VŨ TƯƠI (Hệ thống), Luật bảo vệ môi trường, nxb Lao Động 2019, tr. 5-63.
[66] Ibid. Tr. 64-390
[67] UNESCO & UNEP (TỔ CHỨC GIÁO DỤC KHOA HỌC VĂN HOÁ LIÊN HIỆP QUỐC & CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG LIÊN HIỆP QUỐC). Bộ sách Hướng dẫn YouthXChange về phong cách sống và biến đổi khí hậu. Bản dịch của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và môi trường (C&E). Bản PDF. Tr. 21-55.
[68] VIETNAMAILINES, Tạp chí Heritage Fashion, HF 166/2020. Tr. 84-86.
[69] ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN/HĐGMVN.(Bản dịch): DOCAT Phải làm gì. NXB Tôn Giáo 2017. Chương 10. Bảo tồn vạn vật – Môi trường. Số 256.
[70] ISABELLA PIRO, Cité du Vatican: Cinq ans après Laudato si’, le Vatican réaffirme son engagement pour l’écologie intégrale. Nguồn: https://www.guyane.catholique.fr/doyenne/actualites/296689-cinq-ans-apres-laudato-si-le-vatican-reaffirme-son-engagement-pour-lecologie-integrale/cropped-750-422-27/
[71] ARCHDIOCESE OF WASHINGTON, JUNE 2015, A Study Guide on the Encyclical of by Pope Francis. Bản PDF. Nguồn: http://adw.org/wp-content/uploads/2015/06/Laudato-Si-Study-Guide.pdf
[72] ĐGH PHANXICO, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Bản dịch tiếng Việt của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng/HĐGMVN 2013, số 27, tr. 29: “Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài.”
[73] LM. JOSHTROM ISAAC KUREETHADAM, SDB, Giáo dục sinh thái trong Laudato Sí. Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ. Nguồn: Trang GIÁO PHẬN QUI NHƠN: https://gpquinhon.org/q/than-hoc/giao-duc-sinh-thai-trong-laudato-si-3447.html
[74] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), TÍNH HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH (SYNODALITY IN THE LIFE AND MISSION OF THE CHURCH), 2018. Phần dẫn nhập (Instroduction). Số 1. Nguồn:
http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_en.html.
[75] UNESCO & UNEP (TỔ CHỨC GIÁO DỤC KHOA HỌC VĂN HOÁ LIÊN HIỆP QUỐC & CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG LIÊN HIỆP QUỐC). Bộ sách Hướng dẫn YouthXChange về phong cách sống và biến đổi khí hậu. Bản dịch của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và môi trường (C&E). phần GIỚI THIỆU: “Nhiều người trong số họ quan tâm tới biến đổi khí hậu và sẵn sàng hành động và tìm kiếm ý tưởng và hướng dẫn về cách thay đổi và điều chỉnh lối sống của họ bền vững. Thông tin và giáo dục là cốt lõi để họ có năng lực và để hiểu rõ hơn không chỉ là khoa học về biến đổi khí hậu và những gì đang bị đe dọa mà còn là phương thức để liên hệ đến cuộc sống hàng ngày của họ và môi trường địa phương, cũng như các lựa chọn của họ, đặc biệt với tư cách là người tiêu dùng. Hầu hết thanh niên đã nghe nói về biến đổi khí hậu, nhưng nhiều người trong số họ vẫn cảm nhận đây là một mối đe dọa trừu tượng, quá phức tạp và quá lớn trong khi trong thực tế, các hậu quả của nó cũng như các giải pháp và hành vi có thể được phát triển để thích ứng hoặc giảm nhẹ các hậu quả này lại rất cụ thể.”
[76] ROCK RONALD ROSARIO, Đại dịch và tội sinh thái của chúng ta. Nguồn: Trang web HĐGMVN: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dai-dich-va-toi-sinh-thai-cua-chung-ta-39931
[77] BRIAN EYLER, (DỊCH GIẢ: NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH), Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, NXB Phụ nữ Việt Nam 2020. Tr. 425.
Dẫn nhập: Trên “thân thể của “một người chị đang khóc”
Ngay dòng đầu tiên của số 2 Thông điệp Laudato Sí, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã vẽ lên một hình ảnh trái đất khá đau thương: “Người chị nầy giờ đây đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng”. (LS 2).
Trong khi đó, nhà văn Mạc Ngôn (Trung quốc) đã mô tả “dung nhan người chị nầy” chi tiết hơn như sau: “Chúng ta khoan vào trái đất trăm ngàn lỗ thủng, chúng ta làm ô nhiễm các dòng sông, đại dương và không khí, chúng ta tập trung lại một chỗ, dùng sắt thép và xi măng xây nên những công trình kiến trúc kỳ quái, đặt cho nó cái tên mỹ miều là “Thành phố”, chúng ta ở trong thành phố nầy thoải mái phóng túng những dục vọng của mình, tạo ra những thứ rác rưởi vĩnh viễn khó mà tiêu huỷ được… Địa cầu bốn bề lửa khói, toàn thân run rẩy, biển cả kêu gào, cát bụi bay khắp nơi, hạn hán lũ lụt, bệnh tật lan tràn… đều liên quan đến sự phát triển bệnh hoạn của khoa học kỹ thuật dưới sự kích thích bởi dục vọng tham lam của các nước phát triển”.[1]
Việt Nam là một trong những “nước phát triển” đó. Vậy chúng ta thấy gì?
Nếu tôi không lầm, vào khoảng tháng 4, năm 2016, cộng đồng cư dân mạng xôn xao bàn tán bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” của cô giáo Trần Thị Lam[2]. Xin được trích mấy câu:
Đất nước mình buồn quá phải không anh
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...
Chắc chắn, với 4 câu thơ trên, cô giáo Lam đã muốn khắc hoạ một “bức tranh môi trường đầy ảm đạm” qua đại “thảm hoạ Formosa 2016” mà đồng bào duyên hải các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thừa Thiên đang oằn mình gánh chịu.
Trong khi đó, tác giả Trần Văn Chánh đã nhận định rằng: “Hiện trạng làm dự án gây hậu quả nghiêm trọng khủng khiếp về nhiều mặt nên có nhà thơ nào đó đã cảm khái vô hạn làm ra mấy câu thơ đang được một số người truyền khẩu:
Bây giờ ruộng đổ bê tông,
Cây đa đã cụt, dòng sông đã què
…
Heo may thổi dọc triền đê,
Nghe câu dự án mà tê tái lòng…[3]
Thế nhưng, “Đất nước mình” không chỉ “rừng đã hết và biển thì đang chết”, “cây đa đã cụt, dòng sông đã què”… mà theo đánh giá khả tín của các nhà chuyên môn “trong luồng” lẫn “ngoài luồng”, thì Việt Nam ta, gần như “cả nước bị ô nhiễm”, và đang trong “tình trạng báo động”.[4] Không chỉ dừng lại ở “tình trạng báo động”, mức độ ô nhiễm xem ra còn tồi tệ hơn thế nữa ! Riêng tác giả Trần Văn Chánh, sau một loạt nghiên cứu các sự cố “thảm hoạ môi trường” nổi cộm tại Việt Nam trong mấy năm gần đây như: Vedan và sông Thị Vãi, Thuỷ điện Đồng Nai và vườn quốc gia Cát Tiên, Bô-xít Tây nguyên[5]… đã nhắc lại nhận định của Giáo sư Võ Quý về tình trạng phá huỷ môi trường nghiêm trọng ở Việt Nam là “đang tiến đến chỗ không kiểm soát nổi”, và những thiên tai liên tiếp vừa qua ở Việt Nam như lũ quét, các trận ngập lụt lịch sử…không thể gọi là thiên tai mà chính là nhân tai, “lấp hết hồ ao, lấn sông lấn ngòi thì nước thoát vào đâu mà không ngập úng. Chặt hết cây rừng, thì lấy gì giữ nước mà không lũ quét…” (Xem báo Tuổi Trẻ, 26.11.2008)[6]
Nhưng cũng có người sẽ lý luận: Nói cho hung chứ có gì nghiêm trọng đâu. Việt nam xử lý tốt mà. Bằng chứng là việc “đối phó và xử lý thành công với dịch cúm Vũ Hán” ! Thật ra, dưới góc độ khoa học và chứng minh thực tế, ô nhiễm môi trường còn nguy hại hơn con Covid-19 nhiều. Mời đọc một phân tích và nhận định sau đây: “Các chuyên gia cảnh báo rằng không khí bẩn còn nguy hiểm hơn con virus corona đang làm cả thế giới phải hoảng sợ vì thực tế cho thấy ô nhiễm không khí khiến số người chết gấp 19 lần so với sốt rét, gấp 16 lần so với bạo lực, gấp 9 lần so với HIV/Aids, gấp 45 lần so với nghiện rượu và gấp 60 lần so với lạm dụng ma túy.”[7]
Mà đó chỉ mới nói đến “ô nhiễm không khí”; nếu tính chung các thảm hoạ môi trường, thì người ta không ngần ngại dự báo một “ngày huỷ diệt”, ngày tận thế” của địa cầu không còn xa: “Ngày nay, ngày càng có nhiều người và nhiều dân tộc ý thức được rằng, nếu đứng trên quan điểm khủng hoảng sinh thái, khả năng huỷ diệt nhân loại bắt nguồn từ sự huỷ diệt môi trường dẫn tới biến đổi khí hậu là một điều hoàn toàn có thể xảy ra…”[8]
Nhiều nhà nghiên cứu về “môi trường” (Trung Quốc) đã không ngần ngại ví von “thảm họa về môi trường” hiện nay chẳng khác nào “thanh gươm Đamôclét đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta”[9], trong đó phải kể đến đập Tam Hiệp, một công trình thuỷ điện “tồn tại các vấn đề về sinh thái, địa chất..., chứng tỏ các “vấn đề” đó đã trở nên vô cùng nghiêm trọng”[10].
Riêng Đức Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, dưới cái nhìn của một chuyên viên về Học thuyết xã hội Công Giáo, cũng có một nhận định tương tự về tình trạng bi đát trên mà nguyên nhân lại chính là con người: “Rất tiếc trong mấy thế kỷ vừa qua con người không những không tôn trọng những nguyên tắc nền tảng nói trên, mà trái lại đã khai thác thiên nhiên một cách tùy tiện, ích kỷ và tàn bạo. Hậu quả bi thảm là đã phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa con người với môi trường sinh thái và đẩy trái đất đến bờ vực thẳm của diệt vong!”[11]
Đứng trước tình trạng môi trường bi đát như thế, thì Giáo Hội, những người Kitô hữu, đặc biệt người Công Giáo Việt Nam cần phải làm gì? “Một lời kêu gọi mang tính luân lý” hay “tự mãn” của “kẻ dạy đời” mà không đưa ra một định hướng và chứng tỏ bằng hành động nào; hay, “Lòng can đảm dám hy vọng phải được kết hợp với việc tìm tòi nghiên cứu và sẵn sàng hành động.” ! (Xem tài liệu DOCAT)[12].
Để trả lời cho vấn nạn trên, và đề nghị một nền “mục vụ môi trường” tại Việt Nam trong viễn tượng và dưới ánh sáng của Thông điệp Laudato Sí, xin được tập trung vào các chủ điểm sau đây:
- CHÚNG TA THẤY GÌ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM HÔM NAY (XEM – NHẬN DIỆN)
- CHÚNG TA BIẾT GÌ NHỮNG NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LỤY (XÉT – GIẢI THÍCH)
- CHÚNG TA ĐÓNG GÓP ĐƯỢC GÌ ĐỂ CHUNG TAY KHẮC PHỤC (LÀM – LỰA CHỌN)
I. CHÚNG TA THẤY GÌ MÔI TRƯỜNG VIỆT NAM HÔM NAY (XEM – NHẬN DIỆN)
Nếu toàn Thông điệp Laudato Sí có tất cả 6 Chương, thì gần như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành Chương Một để “XEM – NHẬN RA” hiện trạng môi trường trên thế giới, như tiêu đề ghi rõ “ĐIỀU ĐANG XẢY RA CHO NGÔI NHÀ CHUNG CỦA CHÚNG TA” cùng với những xác nhận tiếp liền sau đó: “Vì thế, trước khi bàn đến những sáng kiến và đòi hỏi trong tương quan với thế giới mà niềm tin mang lại, tôi sẽ nói một cách vắn tắt đến những gì đang diễn ra với ngôi nhà chung của chúng ta.” (LS 17)
Cũng trên chiều hướng đó, chúng ta thử quan sát hiện trạng môi trường tại Việt Nam; dĩ nhiên, như Đức Thánh Cha lưu ý, đây không là chuyện “thu thập thông tin” để “thỏa mãn trí tò mò”, nhưng là con đường dẫn tới hành động mục vụ hiệu quả và khả thi: “Mục tiêu của chúng ta không phải để thu thập thông tin hoặc làm thoả mãn trí tò mò, nhưng để nhận thức và can đảm chuyển điều đang diễn ra cho thế giới thành nỗi đau của cá nhân và khám phá điều mỗi người chúng ta có thể làm được cho thế giới.” (LS 19)
Dưới cái nhìn của Laudato Sí, môi trường thế giới được khảo sát (xem – Nhận diện) tập chú vào 5 nội dung chính:
- Ô nhiễm môi trường.
- Biến đổi khí hậu.
- Vấn đề nước.
- Đánh mất sự đa dạng sinh học.
- Suy giảm phẩm chất đời sống con người và suy thoái xã hội.
Đây cũng chính là những “đánh giá tổng quan” trong tác phẩm chuyên đề về hiện trạng môi trường tại Việt Nam: CHÍNH SÁCH BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG CỦA MỘT SỐ NƯỚC ÂU CHÂU VÀ GỢI MỞ CHO VIỆT NAM: “Đứng trên góc độ an toàn của môi trường, Việt Nam nằm ở nửa cuối của các nước ASEAN… Môi trường không khí, đất, nước bị ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng; hệ sinh thái tự nhiên bị tàn phá; đa dạng sinh học ngày càng suy giảm; biểu hiện biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét…”[13]
Ở đây, trong phạm vi của một cuộc “Thường huấn”, bàn về “môi trường Việt Nam chẳng qua chỉ là một cuộc “cởi ngựa xem hoa”. Vì thế, trong phần “XEM” nầy, chỉ xin giới hạn trong ba mục chính: Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG VẬT CHẤT (Không khí, Đất, Nước), TÀN PHÁ SINH THÁI VÀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU (Rừng, biển), Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG “PHI VẬT CHẤT” VÀ SUY THOÁI CUỘC SỐNG.
1. Ô nhiễm môi trường vật chất:
1.1. Cái nhìn tổng quan:
Theo quan niệm chung, “ô nhiễm môi trường” được định nghĩa như sau: “đưa thêm vào môi trường những chất liệu hay năng lượng nào đó có thể làm suy thoái môi trường sống của con người và các sinh vật khác”[14]. Những “chất liệu và năng lượng” đó thường đến từ hai nguồn: hoặc do thiên nhiên (mà con người không chế ngự được) như “từ núi lửa phun ra bụi bặm, từ gió xâm thực và các khí khí thoát ra từ sự phân huỷ cây cối và động vật đã chết…”; hoặc đến từ con người như “khí thải của ô tô, mùi vị của các hoá chất, khói từ xí nghiệp và các chất tương tự…”[15]. Còn về tác hại, thì kinh khiếp, hơn cả chiến tranh, dịch bệnh.[16]
Riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành hai số 20 và 21 của Thông điệp Laudato Sí để “khái quát hoá” hiện trạng “ô nhiễm môi trường” và những tác hại cùng nguyên nhân của nó: “Con người trải nghiệm hằng ngày một số loại ô nhiễm. Tiếp xúc với những chất ô nhiễm trong khí quyển tạo ra một loạt các nguy hại về sức khoẻ, đặc biệt là với người nghèo, và tạo nên hàng triệu cái chết sớm…” (LS 20).
Về hiện trạng của “ô nhiễm môi trường” tại Việt Nam, chúng ta thử theo dõi cách đánh giá đầy tính khoa học của đại học Yale tại Mỹ dựa trên 5 tiêu chí “nước và điều kiện vệ sinh, chất lượng không khí, sức khoẻ, nông nghiệp, đa dạng sinh học và môi trường sống”, như sau: “Theo nghiên cứu mới nhất công bố đầu năm 2016, tính tổng quát năm vấn đề được đánh giá, Việt Nam xếp hạng thứ 131 trên thế giới, thấp hơn Trung Quốc ở vị trí số 109, Syria xếp thứ 101, Mỹ xếp thứ 26, đứng đầu bảng xếp hạng là quốc gia Bắc Âu- Phần Lan. Trong đó, với xử lý nước thải, Việt Nam đạt số điểm 19,8/100, xếp hạng 124/139 quốc gia. Về mật độ che phủ rừng, Việt Nam đạt điểm 23,97/100, xếp hạng 100/116 quốc gia. Khí hậu và Năng lượng, Việt Nam đứng gần đáy 105/113 quốc gia. Về chỉ số ảnh hưởng tới sức khỏe, Việt Nam đạt điểm 69,61/100 và đứng thứ 93. Số điểm này được đo bởi chỉ số Mức độ Rủi ro do tiếp xúc với Môi trường (ERE), dùng để đánh giá các mối nguy hiểm đối với sức khỏe con người gây ra bởi 5 yếu tố môi trường gồm nguồn nước, vệ sinh, ô nhiễm chất dạng hạt, ô nhiễm không khí trong gia đình và ô nhiễm ozon. Điều này cho thấy, Việt Nam phải đối mặt với nhiều rủi ro sức khỏe từ môi trường. Đáng chú ý nhất trong số 5 vấn đề được đánh giá, xếp hạng thì chất lượng không khí ở Việt Nam đứng thứ 170/180 quốc gia được đánh giá, xếp hạng với điểm số đạt 54,76/100. Trước đó, nghiên cứu của Forbes Việt Nam cũng cho thấy, chất lượng không khí ở Việt Nam rất thấp khi gam màu đỏ đậm, đỏ, vàng bao trùm khắp cả nước. Trong đó miền Bắc ô nhiễm nặng hơn miền Nam.”[17]
1.2. Ô nhiễm không khí:
Laudato Sí đã nhận định về ô nhiễm không khí như sau: “Tiếp xúc với những chất ô nhiễm trong khí quyển tạo ra một loạt các nguy hại về sức khoẻ, đặc biệt là với người nghèo” (LS 20). Đây cũng là một loại ô nhiễm mang tính phổ cập nhất và gây tác hại kinh khủng và toàn diện mà thế giới không ngừng cảnh báo như “một kẻ giết người vô hình và thầm lặng”.[18]
Trong khí đó, tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt nam được đánh giá như sau: “Ở Việt Nam, hệ thống quan trắc môi trường không khí cực kỳ ít ỏi. Tuy vậy, với những số liệu ít ỏi có được, bức tranh ô nhiễm không khí ở Việt Nam cũng không sáng sủa. Theo Báo cáo Môi trường Quốc gia về môi trường không khí (phát hành năm 2014, mỗi báo cáo có giá trị trong 5 năm-PV) thì không khí ở các đô thị lớn có dấu hiệu ô nhiễm bụi, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 và ô nhiễm ozon tăng mạnh. Mới đây, công bố từ các chuyên gia Chính phủ Đức qua khảo sát tình trạng ô nhiễm môi trường tại TPHCM cho thấy, bụi mịn PM2,5 tăng cao, nhiều hơn gấp 23 lần so với các thành phố tại Đức.”[19]
Là một đất nước đang phát triển, Việt Nam không thể không hình thành “mạng lưới công nghiệp” để phục vụ kinh tế và mọi sinh hoạt khác của xã hội như: công nghiệp điện năng (điện nước, điện than…), công nghiệp hoá chất, công nghiệp luyện kim, công nghiệp vật liệu xây dựng (xi măng…), công nghiệp nung đốt…; hầu hết các loại hình công nghiệp nầy đều xả thải các loại khí gây ô nhiễm trực tiếp cho môi trường không khí (CO (Carbon monoxide), CO2 (Carbon dioxide), CyHx (Hợp chất hoá học Hydrocarbon…), Sox (Lưu huỳnh điôxit), NH3 (amoniac- loại hợp chất vô cơ) và bụi…).[20]
1.3. Ô nhiễm tài nguyên (đất, nước…):
Về phương diện ô nhiễm “đất, nước…”, tác giả Thanh Lam “khái quát những ô nhiễm và tác hại” kèm theo nhân sự kiện cháy nỗ nhà máy phích nước Rạng Đông tại Hà Nội đêm 28/8/2019: “Vụ cháy nhà máy phích nước Rạng Đông, do vậy là một "thảm họa môi trường", và nó khiến người Thủ đô hoảng loạn vì hai chữ "thủy ngân". Một tin không mới, là trong nước xả thải cũng có lượng thủy ngân cao, có cả arsen, chì và các kim loại nặng. Khi vượt qua ngưỡng an toàn, chúng gây nhiễm độc mãn tính, ung thư, dị tật bẩm sinh, đẻ non. Và sông Tô Lịch chỉ là một biểu tượng cho những gì đang diễn ra với những dòng chảy khắp thủ đô. Ở bất kỳ đâu, người ta cũng sẽ bắt gặp những dòng nước đen ngòm như thế. Và ở ngoại thành, như Song Phương, sẽ có thêm cả xác chó, xác gà, xác lợn. Sông và đất Việt Nam mỗi năm ngấm 70 nghìn kg và hơn 40 nghìn lít thuốc trừ sâu. Những hợp chất này đều gây nhiễm độc mãn tính, ung thư gan, bàng quang, phổi, dạ dày…”[21] (x. THU HẰNG & MỸ HÀ: Bàn tay con người trong hàng loạt thảm hoạ môi trường năm 2019)[22]
1.4. Ô nhiễm thực phẩm:
Từ các tác hại do ô nhiễm không khí, đất, nước (và nhiều nguồn khác nữa) đương nhiên sẽ dẫn tới ô nhiễm thực phẩm. Sau đây là vài con số thống kê liên quan: “Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện ở Việt Nam, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm ở Việt Nam diễn ra khá nghiêm trọng. Trung bình mỗi năm có khoảng gần 170 vụ với hơn 5.000 người mắc và hơn 27 người chết do ngộ độc thực phẩm. Giai đoạn 2011- 2016 đã ghi nhận 7 bệnh truyền qua thực phẩm, làm hơn 4 triệu người mắc bệnh khiến 123 người chết. Bệnh ung thư mỗi năm khiến 70.000 người chết và hơn 200.000 ca phát hiện mới. Trong đó, có một phần nguyên nhân từ sử dụng thực phẩm không an toàn.”[23]
Còn về nguyên nhân thì cả thế giới gần như giống nhau, như Laudato Sí vạch rõ: do ô nhiễm môi trường nói chung: nước, không khí, các chất độc hại (thuốc trừ sâu, thuốc cỏ…), công nghệ chế biến, chất thải công nghiệp và tiêu dùng, sản phẩm hoá học…(LS số 20-21).
Trong khi đó Viện Dinh Dưỡng thuộc Bộ Y Tế Việt Nam cũng nhận định: “Tình trạng ô nhiễm môi trường, đất đai, nguồn nước và những sai sót trong thực hành nông nghiệp, chế biến, bảo quản làm ảnh hưởng đến mức độ an toàn thực phẩm cũng như sự gia tăng tỷ lệ bệnh ung thư gan, dạ dày, thực quản, đại tràng…có liên quan đến thực phẩm ô nhiễm đã có nhiều nghiên cứu cảnh báo.”[24]
1.5. Ô nhiễm môi trường lao động:
Đã nghèo lại gặp cái eo. Người công nhân Việt Nam đang sống và làm việc trong một trường ô nhiễm trầm trọng. Sau đây là bức tranh thê thảm của hiệu quả bi đát nầy: “Một khảo sát mới đây về tình hình ô nhiễm môi trường lao động tại 1.000 cơ sở sản xuất của Viện Nghiên cứu khoa học - kỹ thuật bảo hộ lao động cho thấy, có tới 68% phân xưởng sản xuất bị ô nhiễm nhiệt, 20% ô nhiễm bụi, 17% ô nhiễm hơi khí độc hại… Đặc biệt, có rất nhiều phân xưởng bị ô nhiễm đồng thời từ hai yếu tố trở lên. Công nhân làm việc trong các môi trường độc hại, không an toàn nêu trên dễ mắc các bệnh nghề nghiệp (BNN) như viêm phổi (40,26%), các bệnh đường tiêu hóa (14,35%), bệnh về cơ, xương, khớp (12%), viêm mũi, viêm xoang…”[25]
2. Tàn phá sinh thái và biến đổi khí hậu.
2.1. Khái quát về “hệ sinh thái và đa dạng sinh học”:
Theo cách hiểu chung, đa dạng các “hệ sinh thái” (ecosystem) chính là “tập họp các loài khác nhau, môi trường vật lý chúng sống và toàn bộ tương tác của chúng”. Nói cách khác, đó là sự tương tác và phụ thuộc lẫn nhau của các cộng đồng sinh vật (người, động vật, thực vật…) với thế giới vật chất thiên nhiên khác (đất, không khí, nước, ánh sáng…). Thuật ngữ “Sinh thái học” (Ecology) xuất hiện lần đầu tiên trong tác phẩm General Morphology (1986) của Ernst Haeckel (1834-1919)[26].
Trong khi đó “Đa dạng sinh học” (Biodiversity hay Biological Diversity) sự phong phú đa dạng của các loài sinh vật cùng sự tồn tại, phát triển, di truyền và ảnh hưởng tương tác giữa các loài và hệ sinh thái. Nội hàm này được nhà thực vật học và sinh trắc học người Mỹ là James Arthur Harris (1880-1930) sử dụng đầu tiên trong tác phẩm "The Variable Desert" (sa mạc biến đổi), mà ông gọi đầy đủ là biological diversity (tính đa dạng sinh vật học)[27]. (x. VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học).[28]
Đây là chủ đề khá quan trọng ảnh hưởng sâu rộng đến môi trường nói chung. Riêng Laudato Sí đã dành nguyên 11 số để “xem xét” vấn đề nầy. Trong khi đó, trên cấp quốc tế, đã có một “Công ước” chuyên đề về “Đa dạng sinh học”: “Công ước bảo vệ đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity (29/12/1993) được 157 chính phủ ký kết ở hội nghị thượng đỉnh Rio vào tháng 6 năm 1992 và có hiệu lực vào cuối năm 1993 và hiện nay đã được 127 nước phê chuẩn, trong đó có nước Việt nam”[29] (x. LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3)[30]
2.2. Tàn phá sinh thái “rừng”:
Trước hết, chúng ta dừng lại “sinh thái rừng”: “Việt Nam có tổng số diện tích rừng đứng hàng 45/192 quốc gia và lãnh thổ trên thế giới với tổng diện tích rừng là 123.000 cây số vuông. Rừng Việt Nam được xếp loại rừng có hệ sinh thái đa dạng và đặc biệt. Mặc dù rừng cây ở Việt Nam bị khai thác một cách bừa bãi, nó vẫn nằm ở vị trí 1/3 các quốc gia đứng đầu về diện tích rừng. Bởi vậy, xét về mặt diện tích rừng cây, Việt Nam không phải là kém”.[31]
2.2.1. Rừng và đa dạng sinh học thực vật:
Nhà “môi sinh học” Võ Quý”, trong tác phẩm “MÔI TRƯỜNG VÀ ĐA DẠNG SINH HỌC” đã cho biết: “Tài nguyên sinh vật của nước ta hết sức đa dạng và phong phú…theo dự đoán của các nhà thực vật học số loài ít nhất lên đến 12000 loài, trong đó có 2300 loài đã được dùng làm nguồn lương thực, thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh, thức ăn cho gia súc, lấy gỗ, tinh dầu và nhiều nguyên liệu khác…”[32].
Nhưng đây là hiện trạng: “Những rừng tự nhiên của Việt nam hiện nay đang tiếp tục bị suy thoái và biến đổi bởi con người, mà trước hết là những vùng ven biển, vùng đất thấp và nặng nề hơn nữa là trên các đồi núi. Quá trình này lại càng được tăng cường do sự phá hoại của chiến tranh và sự gia tăng dân số. Năm 1943, diện tích rừng che phủ là 40,7%, đến 1975-1976 giảm xuống còn 28,6% và năm 1983 chỉ còn 23,6%. (…). Hàng năm nước ta mất đi khoảng 200.000 ha rừng, trong đó khoảng 50.000 ha là do khai hoang để lấy đất làm nông nghiệp, 50.000 ha là do cháy rừng, phần còn lại là do khai thác rừng để lấy gỗ, củi…”[33]
Đó là “hiện trạng của thời bình”. Nếu kể thêm những tàn phá do chiến tranh thì thật kinh khủng: “72 triệu lít chất diệt cỏ…13 triệu tấn bom…làm mất đi 20 triệu mét khối gỗ, 300 triệu kg lương thực, 135 ngàn hecta rừng cao su, gây tổn hại lớn nguồn động vật rừng và nghề cá…”[34].
Và khi “sinh thái thực vật” bị tàn phá thì cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến “đa dạng sinh học về động vật:
2.2.2. Rừng và đa dạng sinh học động vật:
Cũng theo nhà nghiên cứu, tiến sĩ Võ Quý, “Hệ động vật Việt nam cũng hết sức phong phú. Hiện đã thống kê được 310 loài thú, 840 loài chim, 296 loài bò sát, 162 loài ếch nhái, 700 loài cá nước ngọt và hơn 2000 loài cá biển và thêm vào đó là hàng ngàn loài động vật không xương sống…”[35]. “Có rất nhiều loài động vật có giá trị thực tiển cao như: voi, tê giác, bò rừng, trâu rừng, hươu, nai, khỉ, công trĩ, gà rừng, trăn, tắc kè, rùa và nhiều loài rắn…. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên nầy đang bị giảm sút một cách nhanh chóng…do các khu vực cư trú của chúng bị phá hoại vì nạn phá rừng và nguồn nước bị ô nhiễm, nạn săn bắt bừa bãi…thậm chí một vài loài bị tiêu diệt hoàn toàn…”[36]. (x. VÕ QUÝ về nạn buôn bán động thực vật hoang dã).[37]
2.3. Tàn phá sinh thái biển:
Việt Nam đứng hàng thứ 33/154 quốc gia có bề dài duyên hải dài nhất thế giới với chiều dài duyên hải 3444 cây số. Nên biết rằng, có 47 quốc gia trên thế giới hoàn toàn nằm trong lục địa (không tiếp diện với biển) và 35 quốc gia có chiều dài duyên hải chưa đến 100 cây số. Bởi vậy, xét về mặt bề dài duyên hải, Việt Nam không phải là kém.[38] Riêng vùng lãnh hải, Việt nam có “khoảng 226.000 km2 với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ và nhiều rặng san hô phong phú là nơi sinh sống của hàng ngàn loài động vật và thực vật có giá trị”[39].
Nói đến biển là nói đến mạng lưới khai thác đánh bắt hải sản vô tội vạ, triệt phá nhiều vùng có rạn san hô, dùng thuốc nổ, lưới giã cào, nuôi trồng hải sản bất kể…; trong khi đó, các nhà máy (nhiệt điện, chế biến, các khu công nghiệp…) hằng ngày xả thải…
Riêng hệ sinh thái “rừng ngập mặn” ven biển và tại các đầm, hồ (trong đó có rừng cây mắm ở Thị Nại) thì nạn nuôi tôm, nuôi cá đã tàn phá không thương tiếc[40]. Đúng là “Rừng đã hết và biển thì đang chết” ! (x. BRIAN EYLER, Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ)[41].
2.4. Biến đổi khí hậu:
Laudato Sí đã nhận định về “Biến đổi khí hậu” như sau: “Biến đổi khí hậu là một vấn đề mang tính toàn cầu với những hệ quả nghiêm trọng đến môi trường, xã hội, kinh tế, chính trị … Nó đại diện cho một trong những thách đố chính mà nhân loại ngày nay đang đối diện” (LS 25).
Quả vậy, từ khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước (1980), hình như diễn đàn “biến đổi khí hậu” được thế giới quan tâm và tốn nhiều giấy mực. Kể từ “bản báo cáo của tổ chức liên chính phủ về biến đổi khí hậu năm 1990 (Intergovernmental Panel on climate change – IPCC), nhiều thoả thuận và hiệp ước liên quan đến chuyên đề nầy ra đời:
- Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (United Nations Framework Convention on Climate Change, UNFCCC hoặc FCCC), một hiệp ước quốc tế về môi trường được đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh Trái Đất diễn ra tại Rio de Janeiro từ ngày 3 đến 14 tháng 6 năm 1992.[42]
- Nghị định thư Kyoto là một nghị định với mục tiêu cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính được ký kết vào ngày 11 tháng 12 năm 1997 tại Hội nghị các bên tham gia lần thứ ba (COP3) khi các bên tham gia họp nhóm tại Kyoto, và chính thức có hiệu lực vào ngày 16 tháng 2 năm 2005.[43]
- Thoả thuận chung Paris một thoả thuận lịch sử trong cuộc họp COP 21 về biến đổi khí hậu của 200 quốc gia được thông qua ngày 13/12/2015 và chính thức có hiệu lực vào 22/4/2016. (Đây cũng là hiệp ước mà nước Mỹ bị Tổng thống Mỹ D. Trump rút tên vào năm 2017).[44]
Riêng tại Việt Nam, theo đánh giá của cơ quan chuyên trách về môi trường của Liên Hiệp Quốc thì: “Ở Việt Nam, trong vòng 50 năm qua nhiệt độ trung bình đã tăng khoảng 0,5 - 0,70C, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm.. Biến đổi khí hậu đã làm cho những thiên tai, đặc biệt là bão, lũ và hạn hán ngày càng khốc liệt. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long là một trong ba đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng – hệ quả của biến đổi khí hậu.”[45] (x. Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp)[46]
Có nhiều nguyên nhân làm “biến đổi khí hậu”, nhưng tác nhân chính gần như do “khí thải” gây nên “hiệu ứng nhà kính”[47] đã làm cho trái đất nóng lên, sinh quyển xáo trộn, đại dương và các vùng băng cực biến động, các loài vi sinh vi khuẩn độc hại phát triển, khan hiếm nguồn nước, lũ lụt, hạn hán thường xuyên…(x. Hậu quả của biến đổi khí hậu)[48]
Bàn về đa dạng sinh thái và biến đổi khí hậu và những tác động an nguy liên quan không thể nói hết ở đây. Riêng Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành nguyên 11 số trong Laudato Sí để “xem xét” vấn đề nghiêm trọng nầy; và định hướng cơ bản để giải quyết, cuối cùng, vẫn là “dưới ánh sáng của đức tin”: “Tất cả các loài thụ tạo đều có liên hệ với nhau, mỗi loài phải được nuôi dưỡng bằng tình yêu và sự tôn trọng, vì tất cả chúng ta là những sinh vật sống lệ thuộc vào nhau. Mỗi vùng chịu trách nhiệm chăm sóc cho gia đình này. Cần có trách nhiệm khám phá cẩn trọng các chủng loại trong mỗi vùng đất, với tầm nhìn phát triển những chương trình và chiến lược bảo vệ và chăm sóc đặc biệt cho các chủng loại đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.” (LS 42).
3. Ô nhiễm “môi trường phi vật chất” và suy thoái cuộc sống:
Về chuyên đề nầy, Laudato Sí lưu ý: “Con người cũng là những thụ tạo của thế giới này, vui hưởng quyền được sống và hạnh phúc, được ban tặng một phẩm giá độc nhất. Vì thế chúng ta không thể không nhìn nhận những tác động của suy thoái môi trường lên đời sống con người, những khuôn mẫu phát triển hiện tại và nền văn hoá loại bỏ.” (LS 43).
Sau đây, xin “điểm danh” vài “chỉ dấu” của “ô nhiễm môi trường phi vật chất”, tức đời sống văn hoá, xã hội, đạo đức…của con người.
3.1. Ô nhiễm môi trường văn hoá, xã hội.
Thử nghe cách phân tích của nhà văn Hân Phan trong bài “NGƯỜI VIỆT NAM HÈN HẠ”: “Một xã hội mà người ta đang sẵn lòng thuốc chết nhau đi từng ngày bởi tiền bạc bất kể lương tri. Làm quan thì chỉ lo vơ vét, tham nhũng, quỳ gối trước ngoại bang để duy trì sự thống trị trước nhân dân. Gần 40 năm thống nhất, việt nam có hơn gì thời chiến ngoài đống xe máy chạy đầy đường... trong túi ai cũng có một cái điện thoại di động? Dù nhà ở không có, đất đai không có, bảo hiểm không có, tương lai cho con cái không có,... nhưng bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu. Người ta được ru giấc suốt 40 năm bằng niềm ước mơ cháy bỏng “cơm no, áo ấm.” Hạnh phúc chỉ thế thôi! Muốn hạnh phúc hơn thì hãy làm giàu, làm giàu, làm giàu! “Doanh nhân là chiến sĩ thời bình.” Cứt! Tôi ỉa vào cái khẩu hiệu sặc mùi con buôn, đầy phân chợ trời đó! …”[49](x. HÀNH VI CON NGƯỜI VÀ MÔI TRƯỜNG XÃ HỘI)[50]
Nếu đi sâu vào các lãnh vực như y tế, giáo dục, hành chánh, kinh doanh… chúng ta sẽ còn phát hiện nhiều “hiện thực ô nhiễm” như một thứ virus đang lây lan: sự dối trá, giả mạo, vô trách nhiệm, vô cảm, ích kỷ, tham lam, nhũng lạm, duy lợi nhuận….
Đó là chưa kể có một loại “ô nhiễm cuộc sống” rất phổ thông: “ô nhiễm tiếng ồn”. Ngoài đường là xe cộ, đường phố xóm làng là “loa kẹo kéo”, những “sân khấu karaoke tự biên tự diễn thâu đêm suốt sáng, những âm thanh đinh tai nhức óc của máy móc xây dựng công trình…; tất cả đã góp phần không nhỏ làm “suy thoái cuộc sống”.[51]
3.2. Môi trường tín ngưỡng, tôn giáo:
Từ một nền văn hoá đặt nền tảng trên lý thuyết “duy vật vô thần”, nên môi trường tín ngưỡng, tôn giáo (nhất là các tín ngưỡng tôn giáo bình dân) đã biến thái trầm trọng: đền chùa, miếu mạo, các lễ hội (Chùa Hương, Đền Trần…) trở thành nơi để “cầu lộc, cầu tài, cầu chức tước và hạnh thông trong sinh mệnh chính trị…: “Không thể không nói đến tôn giáo khi đất nước ta có một lượng người tín ngưỡng rất lớn. Mục đích của tôn giáo hiển nhiên là giáo dục điều thiện. Nhưng tôn giáo lại tha hóa đến mức biến tín đồ thành kẻ cầu quan, cầu tài, cầu lộc, kể cả cầu bẻ cổ địch thủ thì chỉ làm gia tăng cái ác. Người lớn tin vào điều ác mà nhầm tưởng điều thiện là sự vô minh đã đến tột cùng, trách chi trẻ em tin vào Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền?”[52]
Trong một xã hội như thế, việc giáo dục niềm tin cho Dân Chúa trong những thực hành đạo đức bình dân hay các phong trào sùng kính (Đặc sủng Thánh Linh, Lòng Chúa thương xót, hành hương và các trung tâm hành hương…) không thể xem thường, nhất là các biểu hiện “tục hoá đời sống đức tin”, một khía cạnh có thể nói được là một loại “ô nhiễm môi trường tinh thần”.[53]
3.3. Mạng xã hội và ô nhiễm luân lý, đạo đức:
Kể từ khi inernet được phổ cập trong mọi ngõ ngách đời sống, điện thoại thông minh trở thành dụng cụ cá nhân phổ thông, có thể nói được, xã hội mặc nhiên hình thành một thứ “văn hoá zapping”[54]; để từ đó nền “văn hoá đồi truỵ” (khiêu dâm, kích dục, bạo lực…) theo chân và trở thành một yếu tố rất mạnh mẽ tác động tiêu cực lên “môi trường xã hội, văn hoá”, làm ô nhiễm “bầu khí tinh thần”, ảnh hưởng không nhỏ đến nền đạo đức luân thường của nhân loại nói chung, trong đó có Việt nam.
Sau đây là một chút “khái quát” về hiện tượng nầy của BS. Trần Như Ý Lan, một tu sĩ thuộc Dòng Đức Bà: “Theo UNICEF, trung bình mỗi ngày có khoảng 720.000 hình ảnh mang tính khiêu dâm, bạo lực... được đưa lên internet. Tại Việt Nam, từ 2011 đến 2015, có 9.920 trẻ em bị xâm hại bởi các chiêu thức dụ dỗ qua mạng xã hội, Internet, trong đó 65% là xâm hại tình dục. Các con số này báo động về nguy cơ xâm hại tình dục ở trẻ em phát sinh từ mạng internet. Phó Giám đốc Ban Bảo vệ trẻ em của UNICEF, Cornelius William cho rằng: “Internet và điện thoại di động đã tạo ra một cuộc cách mạng và thay đổi việc tiếp cận thông tin của giới trẻ. Nhưng kết quả thăm dò cho thấy nguy cơ bị xâm hại trực tuyến đối với các trẻ em gái và trẻ em trai là có thật”.[55]
II. CHÚNG TA BIẾT GÌ NHỮNG NGUYÊN NHÂN VÀ HỆ LỤY (XÉT – GIẢI THÍCH)
Có thể nói được, Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành riêng hai Chương 3,4 của Laudato Sí để “XÉT” (GIẢI THÍCH) về nguyên nhân dẫn đến thảm hoạ môi trường; đặc biệt ngài nhấn mạnh đến ba nguyên nhân chính: “Công nghệ: sự sáng tạo và sức mạnh” (số 102-105), “Toàn cầu hoá mô hình kĩ trị” (Số 106-114), “chủ thuyết quy nhân” (Anthropocentism) (Số 115-136). Cùng với ba nguyên nhân chính đó, Laudato Sí (Chương 4) bổ túc về nguyên nhân và như một gợi ý để có giải pháp đúng: Phải có một nền “Sinh thái học toàn diện”.
Qua những gợi ý đó, chúng ta thử xét xem đâu là những nguyên nhân chính của thảm hoạ môi trường tại Việt Nam.
1. Từ “duy vật” tới “duy lợi”, “duy hưởng thụ”:
Với những quốc gia chọn chủ thuyết duy vật “Mác-Lê” làm nền tảng để thiết chế hệ thống chính trị và xã hội hay những xã hội “tư bản rừng rú” đều có chung một thứ “tội nguyên tổ”: hám lợi (hay duy lợi). Điều đó muốn nói là trong những xã hội nầy, đất nước nầy, chuyện “làm bất cứ gì miễn có lợi” đều được cho phép. (x. Thông điệp về Chúa Thánh Thần của Dức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II – Dominum et Vivicantem – 28.5.1986)[56].
Vì thế, chúng ta không lấy làm lạ, trên toàn bộ đất nước Việt nam nầy, người ta đua nhau khai thác từ trên rừng xuống biển sâu, từ sông ngòi tới thảo nguyên đồng ruộng…; bất kỳ chỗ nào, nơi nào khai thác được, đem lại lợi nhuận, có tiền… đều “được cấp phép”, miễn có “quà lót tay” ! Người giàu, kẻ quyền thế thì khai thác, hưởng thụ trên bình diện lớn (Boxit Tây nguyên, Formosa Hà Tĩnh, dời núi lấp sông làm thuỷ điện, chặt phá rừng xây sân golf, khu công nghiệp, resorts, chung cư cao cấp…); kẻ cùng đinh mạt hạng thì châm điện bắt cá, vây lưới bắt chim, đốt rừng phá rẫy trồng keo, trồng mì…). Vì thế, hiệu quả tất yếu là “thảm hoạ môi trường”, như nhận xét của tác giả Lục Phong: “Họ chẳng muốn gì cả ngoài việc hưởng thụ những gì đang có. Tài nguyên chúng ta bán, cây rừng chúng ta cưa, voi rừng chúng ta giết, thú rừng chúng ta ăn, chả còn gì mà chúng ta “tha” cả. Khai thác triệt để cho thế hệ này tận hưởng, có thể đoán là trong vòng 10 năm tới sẽ cạn sạch. Nhưng mọi người thì cứ thờ ơ để mọi thứ ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Miễn là họ không ở những vùng hiểm trở, thiên tai; miễn là họ không bị gì hết. Càng ngày, người ta càng rút về thành thị, co cụm, bạn thấy không? Cả đám ăn chơi phè phỡn với nhau, rồi chuốc độc nhau trong từng thớ thịt, dĩa cơm… Có khi nào chúng ta thấy nhục nhã, chẳng cần gì cao siêu, mà chỉ bởi vì chúng ta vừa quăng một cục rác xuống đường. Ai đó nhắc nhở, và chúng ta phản bác: TRƯỚC SAU CŨNG CÓ NGƯỜI QUÉT THÔI. Liệu có bao giờ chúng ta thấy nhục mặt vì cái độ lười nó ghê tởm đến nỗi những con chó thông minh, biết đi ị đúng chỗ cũng phải khinh thường?”[57] (x. KHỦNG HOẢNG MÔI TRƯỜNG)[58]
2. Từ “vô thần” tới “vô cảm” “bất nhân”:
Laudato Sí khẳng định: Một khi “con người muốn chiếm lấy vị trí của Thiên Chúa và khước từ nhìn nhận những giới hạn của mình…”, tất yếu sẽ dẫn đến “bỏ rơi những người yếu đuối và tấn công vào thiên nhiên” (LS 66). Vâng, não trạng vô thần sẽ dẫn tới vô cảm và trách nhiệm với con người và với thiên nhiên. Đây, ta nghe chính người Việt nam nói về mình trong bài viết “Người việt nam hèn hạ” của tác giả Hân Phan: “Chính sự vô thần vô thánh, không thừa nhận đức tin mà cộng sản triệt để nhồi nhét từ khi họ nắm được dân tộc này đã hun đúc ra những con người sẵn sàng bán thịt thối cho người ta ăn, đút sữa độc vào miệng con nít, chém mẹ ruột, giết con đẻ,...Vì những người này họ không sợ, hoặc họ tin rằng họ sẽ tránh được sự trừng trị của pháp luật. Khi pháp luật không trị được mà người ta không sợ luân hồi, không sợ quả báo, không sợ bị đày xuống địa ngục,... thì họ còn sợ gì nữa? Việc gì mà họ không dám làm? …[59]
3. Con người chính là “thủ phạm”:
Sau khi “định chuẩn” lại cách hiểu về mạc khải Thánh Kinh trong chủ đề “Sáng tạo”, nhất là trong mối tương quan giữa con người với thế giới, Laudato Sí khẳng quyết: “Một nền linh đạo lãng quên Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Đấng Tạo Hóa thì không thể chấp nhận được. Kết cục của nó sẽ là tôn thờ các quyền lực trần thế, hay chính bản thân chúng ta chiếm đoạt vị thế của Thiên Chúa, thậm chí đến mức công bố một quyền vô hạn để chà đạp lên công trình tạo dựng của Ngài.” (LS 75).
Vâng, con người chính là “thủ phạm” gây ra những “thảm họa môi trường” hiện nay của trái đất, khi đối xử với trái đất cách tuỳ tiện như một “chủ nhân ông”. Điều nầy đã từng được diễn tả nơi một phát ngôn khá nổi tiếng của Citting Bull, câu nói được chọn làm chủ đề của một cuốn phim tài liệu dài 90 phút về môi trường[60]: “La terre n’appartient pas à l’homme; c’est l’homme qui appartient à la terre” (Trái đất không thuộc về con người; chính con người mới thuộc về trái đất). Và ý tưởng nầy thật ra không xa lạ gì với “Huấn quyền” Hội Thánh, nhất là giáo huấn của các Giáo Hoàng đương đại: “Con người….sử dụng trái đất cách tuỳ tiện, bắt nó tùng phục ý muốn của mình một cách không giới hạn…., thay vì thi hành vai trò của người cọng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, sẽ tự đặt mình thay thế Chúa và rốt cuộc làm cho thiên nhiên phải phản lại, vì đã hành hạ thay vì cai trị thiên nhiên”[61]. (x. Evangelium Vitae, 42).
III. CHÚNG TA ĐÓNG GÓP ĐƯỢC GÌ ĐỂ CHUNG TAY KHẮC PHỤC (LÀM – LỰA CHỌN)
1. Những nỗ lực và kinh nghiệm của thế giới:
Ngoài những định hướng mang tầm vóc quốc tế thông qua những hiệp ước, nghị định, tuyên bố được đồng thuận và áp dụng[62], khắp thế giới trong những năm gần đây đều có những nỗ lực và hành động cụ thể của các phong trào, tổ chức, hiệp hội, đoàn thể…hoặc của chính phủ hoặc phi chính phủ, chung tay góp sức, đẩy lùi những tác hại về môi trường trên mọi lãnh vực, đồng thời đề xuất các chính sách “phát triển bền vững” (Cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường…)[63].
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý: “mạng lưới bảo vệ môi trường” trên khắp thế giới ngày nay rất phức tạp; nhất là nhiều tổ chức, hiệp hội (như “Hoà Bình Xanh” – Green Peace) đang bị “chính trị hoá”, nhất là sự lợi dụng đầy quỷ quyệt của các nhóm “cực tả”[64].
2. Những kinh nghiệm “bảo vệ môi trường” tại Việt nam:
Việt Nam có một bộ luật hẳn hoi về môi trường: Luật bảo vệ môi trường – Số 55/2014/QH13 ngày 23-6-2014 của Quốc Hội, bao gồm 20 Chương và 170 Điều,[65] và một “rừng” các “văn bản dưới luật” khác.[66]
Không phải chỉ lãnh vực môi trường, ở Việt Nam, bất cứ lãnh vực nào cũng đều có một “rừng luật”, nhưng chủ yếu mọi người đều hành xử theo “luật rừng”. Cũng chính vì thế “Rừng đã hết và biển thì đang chết” !
Tuy nhiên, chúng ta không thể phủ nhận đây đó vẫn có những nỗ lực và cố gắng nhất định của những nhóm, những con người ưu tư, hành động chăm sóc “môi trường Việt nam; đại để như các phong trào “trồng cây xanh”, “nhặt rác ven biển”, “Tiêu dùng xanh”, “Nào ta cùng buýt”, “Đi chung”, các chương trình ngoại khoá “Vì màu xanh trái đất”[67]…; cũng có những sáng kiến rất đáng học hỏi như: Vũ điệu thiên nhiên dành cho trẻ em (Dance Nature) ở Đà Nẵng: một trung tâm giáo dục trải nghiệm thiên nhiên miễn phí; Trung tâm Lá Library ở Nho Quan Ninh Bình: xây dựng cộng đồng sống hài hoà với thiên nhiên bằng vật liệu thân thuộc: đất; Nhóm Chân đất trong rừng (BITW- Barefoot in the Woods): tổ chức những buổi trị liệu thiên nhiên được truyền cảm hứng từ phương pháp “tắm rừng” (Shinrin-yoku) của Nhật…[68]
3. Những hành động của Giáo Hội hoàn vũ:
Như đã nêu bật ngay từ đầu về mục tiêu của Giáo Hội đó là: “Các Kitô hữu thực hiện một đóng góp có giá trị cho việc bảo tồn hệ sinh thái khi họ chăm sóc vạn vật thay vì tỏ ra thất vọng về môi trường. Lòng can đảm dám hy vọng phải được kết hợp với việc tìm tòi nghiên cứu và sẵn sàng hành động.”[69]. Trong khi đó, Laudato Sí lại hy vọng “không chỉ có một con đường đi đến giải pháp. Điều này làm cho một loạt các đề xuất khác nhau nên khả thi, tất cả đều có thể đi vào một cuộc đối thoại với ước muốn đưa ra những giải pháp phát triển toàn diện.” (LS 60).
Toà Thánh Vatican, sau 5 năm ban hành thông điệp về môi trường – Laudato Sí, đã có những nỗ lực và cam kết cụ thể như: “Có bốn lĩnh vực hoạt động mà các hướng dẫn của Laudato si’ được áp dụng: bảo vệ môi trường (ví dụ, với việc thu gom rác thải khác nhau được khởi xướng ở tất cả các văn phòng); bảo vệ nguồn nước (có mạch kín lấy nước từ đài phun); duy trì không gian xanh (giảm dần các sản phẩm kiểm dịch thực vật có hại); tiêu thụ tài nguyên năng lượng bền vững (Các hệ thống chiếu sáng mới tiết kiệm năng lượng ở Nhà nguyện Sistine, Quảng trường và Vương cung thánh đường Thánh Phêrô được báo cáo là đã giảm chi phí 60, 70 và 80%.)”[70]
Riêng Tổng Giáo phận Washington Hoa Kỳ đã soạn sẵn một tài liệu hướng dẫn học hỏi thông điệp Laudato Sí (A Study Guide on the Encyclical of by Pope Francis) khá đầy đủ, bao gồm ba phần: Phần Kinh nguyện, Phần Lectio Divina và Phần học hỏi Thông điệp (8 chủ đề).[71]
4. Đề nghị một nền “mục vụ sinh thái”
4.1. Hoán cải mục vụ theo chiều kích “hoán cải sinh thái”.
Trong tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm Vui của Tin Mừng), Đức Phanxicô mời gọi toàn thể Hội Thánh cần “Hoán cải mục vụ” để Giáo Hội mang tính truyền giáo hơn, bao gồm hơn và dấn thân hơn[72]; và trong chương trình “hoán cải mục vụ” đó, tất yếu phải có “hoán cải sinh thái”, một chủ đề quan trọng được Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bày trong Chương Sáu của thông điệp Laudato Sí:
- Hoán cải sinh thái cũng chính là hoán cải nội tâm: “cuộc khủng hoảng sinh thái đòi hỏi sự hoán cải nội tâm sâu sắc… ” (LS 217).
- Hoán cải sinh thái chính là canh tân cuộc gặp gỡ Đức Kitô để nhờ đó canh tân các mối tương quan với con người và thế giới: “Điều mà tất cả họ cần là “sự hoán cải sinh thái”, nhờ đó hoa trái của cuộc gặp gỡ giữa họ với Đức Giêsu Kitô trở nên chứng tá trong mối tương quan của họ với thế giới xung quanh.” (LS 217).
- Hoán cải sinh thái chính là khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi và thiếu sót đối với thiên nhiên: “Để đạt được sự hoà giải như thế, chúng ta phải xét lại đời sống và chân nhận những gì chúng ta gây thiệt hại đến công trình tạo dựng của Thiên Chúa ngang qua những hoạt động của chúng ta và cả những hành động cần làm mà chúng ta bỏ qua”. Chúng ta cần phải hoán cải, phải thay đổi tâm hồn” (LS 218).
- Hoán cải sinh thái luôn là hành vi của cả cộng đoàn: “Hoán cải sinh thái cần thiết cho một sự thay đổi dài lâu cũng là một sự hoán cải cộng đồng.” (LS 219).
- Hoán cải sinh thái chính là con đường hoàn thiện: “sự hoán cải sinh thái có thể thúc đẩy chúng ta sáng tạo và nhiệt thành hơn trong việc giải quyết các vấn đề của thế giới và trong việc hiến dâng chính bản thân chúng ta lên Thiên Chúa “như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Người” (Rm 12,1). (LS 220).
4.2. Mục vụ sinh thái khởi đầu bằng “giáo dục sinh thái”:
Nếu yếu tố “con người” là cốt lõi trong tác động môi trường, thì có thể nói được rằng, giải pháp cốt lõi nhất cho vấn đề môi trường muôn nơi muôn thuở đó chính là: thế giới cần có những “công dân sinh thái” (LS 211). Vì thế, mục vụ sinh thái luôn phải đi kèm với “mục vụ giáo dục sinh thái”, một chương trình “giáo lý sinh thái” thường xuyên và dài lâu, đặc biệt là vai trò giáo dục của “gia đình”: “Việc giáo dục sinh thái có thể diễn ra ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: ở trường học, trong gia đình, trên truyền thông, trong bài giáo lý hay bất cứ nơi nào. Nền giáo dục tốt khi còn trẻ sẽ gieo những hạt giống và tiếp tục sinh hoa trái trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ở đây, tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng lớn lao của gia đình, là “nơi sự sống - quà tặng của Thiên Chúa – được đón nhận trọn vẹn, được bảo vệ chống lại mọi cuộc tấn công, và có thể phát triển phù hợp với sự trưởng thành đích thực của con người. Trái ngược với cái gọi là nền văn hoá sự chết, gia đình là trái tim của nền văn hoá sự sống” (LS 213). (x. Giáo dục sinh thái trong Laudato Sí của tác giả Lm. Joshtrom Isaac Kureethadam, SDB)[73]
4.3. Mục vụ sinh thái mang tính “hiệp hành”.
“Hiệp hành” (Synodality) là con đường mà Hội Thánh phải đi trong thiên niên kỷ nầy: “Hiệp hành chính là con đường Thiên Chúa muốn Giáo hội bước đi trong thiên niên kỷ thứ ba: Đây là chương trình đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô xác nhận nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm ngày Đức Giáo Hoàng Phaolô VI thành lập cơ cấu Thượng Hội đồng Giám mục. Đức Phanxicô nhấn mạnh rằng, thực ra, tính hiệp hành là “một chiều kích thiết yếu của Giáo hội”[74].
Trong “mục vụ sinh thái”, chiều kích “hiệp hành” đòi hỏi một kế hoạch chung, có phối hợp nhịp nhàng và động viên được sự tham gia của mọi thành phần Dân Chúa. Trong “định hướng” của Laudato Sí, hiệp hành chính là “kế hoạch chung”, là “sự đồng thuận”…: “Sự phụ thuộc lẫn nhau buộc chúng ta phải suy nghĩ về một thế giới với một kế hoạch chung.(…). Cần có sự đồng thuận toàn cầu mới có thể giải quyết những vấn đề sâu xa hơn, chứ không thể giải quyết bằng những hành động đơn phương của các quốc gia riêng lẻ…” (LS 164).
4.4. Mục vụ sinh thái và người trẻ hôm nay.
Trong năm mục vụ “đồng hành với người trẻ hướng tới trưởng thành toàn diện” nầy, việc giáo dục về môi trường không thể không tính đến, như lưu ý của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống): “Thiên nhiên đặc biệt hấp dẫn rất nhiều bạn trẻ thanh thiếu niên. Họ muốn tiếp xúc với thiên nhiên và nhạy cảm với việc bảo vệ môi trường. Đó chính là trường hợp của phong trào hướng đạo và một số nhóm khác đang tổ chức những ngày sống giữa thiên nhiên, cắm trại, đi bộ, thám hiểm, và các chiến dịch cải thiện môi trường. Trong tinh thần của Thánh Phanxicô Assisi, những kinh nghiệm này có thể khởi xướng một lộ trình huấn luyện sống tình huynh đệ phổ quát và cầu nguyện chiêm niệm.” (CV 228); đây cũng là tiêu điểm về giáo dục giới trẻ ngày nay của toàn thế giới, thông qua chính chủ trương của Liên Hiệp Quốc.[75]
Kết: Không để loài nào bị lãng quên.
Trong “Vườn Nho của Chúa”, không ai được mang mặc cảm mình chỉ là “người công nhân đến trễ” (Mt 20,1-16) để rồi tiêu cực, buông xuôi. Trong “vườn nho môi trường” hôm nay cũng thế, không người Kitô hữu nào được phép “khoanh tay đứng nhìn” như một kẻ ngoại cuộc, như một khách bàng quan. Phải xăn tay áo, dấn thân nhận lãnh trách nhiệm, như tiếng kêu mời của Đức Kitô 2000 năm trước “Hãy đi vào vườn nho” (Mt 20,7); hay như những lời răn dạy của Hội Thánh cách đây hơn nửa thế kỷ qua Công Đồng Vatican II trong Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng: “Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục Trái đất cùng với tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng, để rồi, khi nhìn nhận Thiên Chúa như Tạo Hóa của mọi loài, họ quy hướng về Người chính bản thân cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục vạn sự thì danh của Thiên Chúa được tôn vinh khắp địa cầu” (GS 34).
Đứng trước một đất nước Việt Nam mà hiện trạng môi trường, như cách mô tả của Đức Phanxicô, là một “người chị…đang kêu khóc vì chúng ta đã tiêm nhiễm lên chị những mối nguy qua cách sử dụng vô trách nhiệm và lạm dụng của cải vật chất Thiên Chúa ban tặng. Chúng ta tự xem mình là chủ nhân của trái đất này và muốn bóc lột ra sao tùy ý…” (LS 2), người Kitô hữu Việt Nam, trong tinh thần “hoán cải sinh thái”, góp phần, từ mỗi phận vụ và vị trí, bảo vệ và kiến thiết môi trường sống mỗi ngày một tốt đẹp hơn, cho dù bằng những việc làm nhỏ nhất.
Người xưa có câu tục ngữ: “Nhân vô viễn lự, tất hữu cận ưu” (Người ta không chịu nghĩ xa thì tất phải có cái lo gần). Riêng trong lãnh vực “mục vụ môi trường” thì không còn là chuyện “nghĩ xa” mà thật sự đang là cái “lo gần” phải “tính gấp”; vì nếu không bắt đầu ngay hôm nay, e rằng thế giới sẽ không còn đẹp như xưa nữa như cảm nhận của Rock Ronald Rozario: “Một ngày nào đó đại dịch virus corona sẽ kết thúc. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có trở lại với cuộc sống bình thường với tư cách là những con người đã được thay đổi và có tình yêu đối với thiên nhiên và động vật hoang dã. Nếu không, con sứa của Venice sẽ chết đi và cây hoa muống rực rỡ buổi sáng trên bãi biển của Cox’s Bazar sẽ lại biến mất.”[76]
Riêng Việt nam chúng ta cũng vậy, nếu không hành động ngay từ hôm nay thì “ngày tàn” của đất nước, của biển, của rừng, của sông… đang đến, như cách cảm nhận về dòng sông Mekong, một biểu tượng sinh động về môi trường Việt Nam, của tác giả Brian Eyler: “Nếu chúng ta không bắt đầu ngay hôm nay, xem dòng sông và cảnh quan xung quanh như một hệ thống kết nối và cùng nhau hành động để bảo tồn, ngày tàn của dòng Mekong hùng vĩ đã đến”[77].
Nếu không muốn để lại cho thế hệ tương lai một “thế giới lụi tàn” thì ngay hôm nay, chúng ta đừng để cho “một loài thụ nào trên trái đất bị lãng quên”. Vì thế, cũng như bao hành vi đức tin khác, công cuộc “mục vụ môi trường” là cuộc chiến đấu liên lỷ mỗi ngày cùng với lòng khiêm hạ kêu cầu sự trợ giúp của Thiên Chúa như chính lời cầu xin mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã gợi ý cho chúng ta trong thông điệp Laudato Sí:
Lạy Thiên Chúa tình yêu,
xin cho chúng con thấy vị trí của chúng con trong thế giới này
như là những dòng kênh chuyển trao tình yêu của Ngài
cho tất cả mọi loài thụ tạo trên trái đất,
vì không một loài nào bị lãng quên
trong ánh mắt của Ngài. (Laudato Sí: Lời cầu nguyện của người Kitô hữu trong sự hiệp nhất với thụ tạo).
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Văn kiện Giáo Hội:
1.1. Công Đồng:
- VATICAN II, Hiến chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium et Spes)
1.2. Giáo Hoàng:
- GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centesimus Annus (Bách chu niên - 01/05/1991)
- GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Evangelium Vitae (Tin mừng sự sống - 25/03/1995)
- PHANXICÔ, Thông điệp Laudato Sí (24/5/2015) (Bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas thuộc HĐGM-VN, NXB Tôn giáo 2015).
- PHANXICÔ, Tông huấn Evangelii Gaudium (Niềm vui của Tin Mừng) (24/11/2013)
- PHANXICÔ, Tông huấn Christus Vivit (Chúa Kitô đang sống). Chuyển ngữ: Giám mục Luy Nguyễn Anh Tuấn và nhóm hiệu đính HĐGMVN, nxb Tôn giáo 2019.
1.3. Cơ quan Tòa Thánh:
- HỘI ĐỒNG GIÁO HOÀNG VỀ CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội (2004) (Bản dịch của Ủy ban Bác ái Xã hội – Caritas thuộc HĐGMVN, NXB Tôn giáo, 2007).
- DOCAT Phải làm gì? ( Bản dịch của Ủy Ban Giáo lý Đức tin thuộc HĐGMVN, NXB Tôn Giáo 2017)
2. Sách:
- GM PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP OP, Một cái nhìn về Giáo Huấn Xã Hội, NXB Phương Đông 2013.
- LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG, Đạo đức sinh học, tập 3 MÔI TRƯỜNG & ĐỘNG VẬT, NXB Phương Đông 2017.
- ELDON D. ENGER, BRADLEY F. SMITH, Tìm hiểu môi trường/Cẩm nang thiết yếu cho khoa học môi trường. Biên dịch: Chương Ngọc. NXB Lao Động Xã Hội, 2008.
- TRẦN VĂN CHÁNH, Thảm họa môi trường tại Việt Nam, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2020.
- BRIAN EYLER, (DỊCH GIẢ: NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH), Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, NXB Phụ nữ Việt Nam 2020.
- VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học, NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội 2018.
- VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM – VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU (NGUYỄN THỊ NGỌC CHỦ BIÊN), Chính sách bảo vệ môi trường của một số nước Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam, NXB Khoa học xã hội 2019.
- PGS.TS. NGUYỄN HỒI LOAN – TS. TRẦN THU HƯƠNG, Hành vi con người và môi trường xã hội. NXB Đại học Quốc Gia Hà Nội 2019.
- VŨ TƯƠI (Hệ thống), Luật bảo vệ môi trường, NXB Lao Động 2019.
- UNESCO & UNEP (TỔ CHỨC GIÁO DỤC KHOA HỌC VĂN HOÁ LIÊN HIỆP QUỐC & CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG LIÊN HIỆP QUỐC). Bộ sách Hướng dẫn YouthXChange về phong cách sống và biến đổi khí hậu. Bản dịch của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và môi trường (C&E). Bản PDF.
3. Tạp chí:
- Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN, số 108.
- Tạp chí Heritage Fashion, Vietnamairlines, HF 166/2020.
4. Internet:
- Trang HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM: www.hdgmvietnam.com
- Trang GIÁO PHẬN QUI NHƠN: www.gpquinhon.org/q/than-hoc/giao-duc-sinh-thai-trong-laudato-si-3447.html
- Trang CẨM NANG GIÁO DỤC & SỨC KHOẺ: www.jes.edu.vn/o-nhiem-moi-truong-la-gi-co-may-loai-o-nhiem-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc
- Trang mạng: THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: www.moitruong.com.vn/moi-truong-cong-luan/trao-doi-binh-luan/nhin-tu-dai-dich-covid-19-khong-khi-ban-nguy-hiem-hon-virus-21144.htm
- Trang BÁO PHÁP LUẬT: www.plo.vn/quoc-te/nguy-co-vo-dap-tam-hiep-thong-tin-dang-so-tu-chuyen-gia-921178.html
- Trang báo điện tử VNEXPRESS: www.vnexpress.net/tham-hoa-moi-truong-3989261.html
- Trang mạng ZING NEWS, TRI THỨC TRỰC TUYẾN: www.zingnews.vn/ban-tay-con-nguoi-trong-hang-loat-tham-hoa-moi-truong-nam-2019-post1026998.html
- Trang mạng CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM: www.vietq.vn/bao-dong-o-nhiem-doc-hai-trong-thuc-pham-anh-huong-den-suc-khoe-con-nguoi-d143077.html
- Trang SỨC KHOẺ VÀ ĐỜI SỐNG: www.suckhoedoisong.vn/moi-truong-lao-dong-o-nhiem-benh-nghe-nghiep-gia-tang-n15398.html
- Trang CỬU BÌNH CỌNG SẢN ĐẢNG: www.9binh.com/cat/ma-quy-dang-thong-tri-the-gioi-cua-chung-ta
- www.www.youtube.com/watch?v=beSlOZY3Qqk
- Một số các trang mạng khác…
[1] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 4.
[2] Cô giáo Trần Thị Lam sinh năm 1973, là giáo viên chuyên văn của Trường chuyên THPT Hà Tĩnh. Được biết, bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh” vừa được tác giả đưa lên trang facebook của mình ngày 25.4.2016 liền có 2.000 lượt chia sẻ trong một ngày đó. Sau đó, công an buộc cô gở bài thơ xuống và không được phát tán.
[3] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 91.
[4] CẨM NANG GIÁO DỤC & SỨC KHOẺ (JES.EDU.VN). Bài viết: Ô nhiễm môi trường là gì? Có mấy loại ô nhiễm? Nguyên nhân và biện pháp khắc phục. Người đưa: Yes. Ngày: 20.3.2020: “Hiện nay vấn đề ô nhiễm ở nước ta đang ở tình trạng báo động. Dường như nó xảy ra ở hầu hết các tỉnh thành…”
Nguồn: https://jes.edu.vn/o-nhiem-moi-truong-la-gi-co-may-loai-o-nhiem-nguyen-nhan-va-bien-phap-khac-phuc
[5] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 61-112.
[6] Ibid., tr. 113.
[7] ANH QUÂN (moitruong.com.vn/TH theo Sputniknews/Saigongiaiphong). Nhìn từ đại dịch Covid-19: Không khí bẩn nguy hiểm hơn virus. Trang mạng: THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG. Link: https://moitruong.com.vn/moi-truong-cong-luan/trao-doi-binh-luan/nhin-tu-dai-dich-covid-19-khong-khi-ban-nguy-hiem-hon-virus-21144.htm
[8] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 15.
[9] LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3, Môi trường & Động vật. NXB Phương Đông 2017, tr. 25: Tác giả bài “Dự báo về môi trường” trong tập Dự báo thế kỷ XXI viết: “Ngày nay… khi chúng ta cất cao tiếng hát chiến thắng hướng tới tương lai càng thêm tươi sáng hơn thì bỗng nhiên chúng ta phát hiện thấy “thanh gươm Đamôclét” đang treo lơ lửng trên đầu chúng ta: đó là nhân khẩu tăng nhanh, tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, nhiều giống loại bị tuyệt diệt, thiên tai ngày càng nhiều, xã hội càng rối ren…”.
[10] ĐĂNG KHOA, Nguy cơ vỡ đập Tam Hiệp: thông tin đáng sợ từ chuyên gia. Nguồn: Trang BÁO PHÁP LUẬT: https://plo.vn/quoc-te/nguy-co-vo-dap-tam-hiep-thong-tin-dang-so-tu-chuyen-gia-921178.html
[11] GM. PHAOLÔ NGUYỄN THÁI HỢP, OP. Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội Công Giáo. NXB Phương Đông 2013. PHẦN III. Chương 22: Môi trường sinh thái. Tr. 452.
[12] ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN/HĐGMVN.(Bản dịch): DOCAT Phải làm gì. NXB Tôn Giáo 2017. Chương 10. Bảo tồn vạn vật – Môi trường. Số 256. Các Kitô hữu có thể đóng góp gì cho một môi trường nhân văn: “Các Kitô hữu không phải là các nhà môi trường nếu sự dấn thân của họ chỉ giới hạn trong những lời kêu gọi người khác mang tính luân lý. Cũng vô ích như thế nếu cứ nói thường xuyên về các vấn đề toàn cầu thay vì chú ý đến môi trường của chính mình và đến những tiềm năng có ở đó. Vì vậy, nền đạo đức môi trường Kitô giáo không được xây dưng trên những lời kêu gọi tự mãn. Thay vào đó, nền đạo đức nầy cố gắng đưa ra những định hướng liên quan đến các xung đột cá nhân và xã hội cần phải giải quyết. Với mục đích nầy, trước tiên phải có một bản phân tích chính xác các mối liên hệ nhân quả, các nguy cơ và triển vọng. Chỉ khi đó các nguyên tắc hướng dẫn mới phát huy hiệu quả. Các Kitô hữu thực hiện một đóng góp có giá trị cho việc bảo tồn hệ sinh thái khi họ chăm sóc vạn vật thay vì tỏ ra thất vọng về môi trường. Lòng can đảm dám hy vọng phải được kết hợp với việc tìm tòi nghiên cứu và sẵn sàng hành động.”
[13] VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM – VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU. NGUYỄN THỊ NGỌC (Chủ biên). Chính sách bảo vệ môi trường của một số nước Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hôi 2019, tr. 385.
[14] ELDON D. ENGER, BRADLEY F. SMITH, Tìm hiểu môi trường/Cẩm nang thiết yếu cho khoa học môi trường. Biên dịch: Chương Ngọc. NXB Lao Động Xã Hội, 2008. Tr. 304.
[15] Ibid. Tr. 469.
[16] THANH THẢO: Những hậu quả thấy rõ của ô nhiễm môi trường: "Ô nhiễm môi trường đang giết chết con người nhiều gấp 15 lần chiến tranh. Đây là con số do các nhà khoa học thuộc Ủy ban Tạp chí khoa học Lancet về các vấn đề ô nhiễm và sức khoẻ đưa ra", trang Sputnik của Nga thông tin. Kết quả nghiên cứu được công bố trên trang web của tạp chí Lancet cho biết trong năm 2015, những căn bệnh do ô nhiễm môi trường gây nên đã cướp đi sinh mạng của gần 9 triệu người trên toàn thế giới, tương đương 16% tổng số các trường hợp tử vong – theo Sputnik. Các nhà khoa học khẳng định con số này lớn gấp 3 lần so với số người chết do AIDS, lao và sốt rét cộng lại; gấp 15 lần so với do chiến tranh và các hình thức bạo lực khác. Cũng theo các nhà nghiên cứu, chất lượng sinh thái tồi tệ giết nhiều người hơn thuốc lá, nghèo đói và thiên tai. Ô nhiễm trầm trọng là nguyên nhân 1/4 các trường hợp tử vong ở một số nước.” Nguồn: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/tham-hoa-moi-truong/nhung-hau-qua-thay-ro-cua-o-nhiem-moi-truong-18416.htm
[17] Nguồn: BÁO TIỀN PHONG, đăng trên trang THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ngày: 9/8/2016. Nguồn: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/bao-dong-ve-o-nhiem-bui-o-viet-nam-16920.htm
[18] Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ ĐANG DẦN TRỞ THÀNH MỘT THẢM HOẠ TOÀN CẦU, Đăng vào ngày 6.1.2020, trang mạng Thông tin bảo vệ môi trường (MTX): “Ô nhiễm không khí trở thành đề tài “nóng” hơn bao giờ hết khi đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và ảnh hưởng tới gần như tất cả các khu vực trên thế giới. Ô nhiễm không khí được coi là một kẻ giết người vô hình và thầm lặng. Năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng ô nhiễm không khí là “thủ phạm” gây ra 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn cầu. Không khí ô nhiễm tồn tại xung quanh chúng ta và rất khó để tránh khỏi. Nồng độ khói bụi nhìn thấy được trong không khí không thể phản ánh được mức độ trong lành của môi trường sống. Trên khắp thế giới, môi trường ở cả thành phố hay vùng quê đều có các chất ô nhiễm độc hại trong không khí vượt quá giá trị chất lượng không khí trung bình WHO khuyến nghị là tối đa 25 microgam/m3. Ước tính, 91% dân số toàn cầu hiện đang sống ở những nơi có không khí ô nhiễm”. Nguồn: BÁO QUỐC TẾ: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/tham-hoa-moi-truong/o-nhiem-khong-khi-dang-dan-tro-thanh-mot-tham-hoa-toan-cau-20689. (Xem thêm: htm. ANH QUÂN. Hậu quả ô nhiễm không khi: hại người, thiệt kinh tế: Nguồn: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/hau-qua-cua-o-nhiem-khong-khi-hai-nguoi-thiet-kinh-te-21365.htm
[19] Nguồn: BÁO TIỀN PHONG, đăng trên trang THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, ngày: 9/8/2016. Nguồn: https://moitruong.com.vn/moi-truong-sos/canh-bao-moi-truong/bao-dong-ve-o-nhiem-bui-o-viet-nam-16920.htm
[20] THANH THẢO. TRANG THÔNG TIN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG: Tổng quan về các nguồn gây ô nhiễm không khí từ các ngành công nghiệp.
Nguồn: https://moitruong.com.vn/tai-lieu/tong-quan-ve-nguon-gay-o-nhiem-khong-khi-tu-cac-nganh-cong-nghiep-20154.htm
[21] THANH LAM, Thảm hoạ môi trường. Nguồn: https://vnexpress.net/tham-hoa-moi-truong-3989261.html
[22] THU HẰNG & MỸ HÀ: Bàn tay con người trong hàng loạt thảm hoạ môi trường năm 2019. Nguồn: Trang mạng ZING NEWS, TRI THỨC TRỰC TUYẾN.
https://zingnews.vn/ban-tay-con-nguoi-trong-hang-loat-tham-hoa-moi-truong-nam-2019-post1026998.html
[23] HÙNG CƯỜNG, Ô nhiễm thực phẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Nguồn: Trang mạng CHẤT LƯỢNG VIỆT NAM: http://vietq.vn/bao-dong-o-nhiem-doc-hai-trong-thuc-pham-anh-huong-den-suc-khoe-con-nguoi-d143077.html
[24] Nguồn: http://viendinhduong.vn/vi/dinh-duong-tuoi-gia/thuc-trang-kiem-soat-nguy-co-o-nhiem-thuc-pham-va-khac-phuc-su-co-ve-an-toan-thuc-pham.html
[25] KIM VŨ, Môi trường ô nhiễm, bệnh nghệ nghiệp gia tăng. Nguồn: Trang SỨC KHOẺ VÀ ĐỜI SỐNG: https://suckhoedoisong.vn/moi-truong-lao-dong-o-nhiem-benh-nghe-nghiep-gia-tang-n15398.html
[26]LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3, Môi trường & Động vật. NXB Phương Đông 2017, tiểu mục: Gia đình các thụ tạo (các hệ sinh thái). Tr. 136-138: “Nhà sinh thái học nhìn thấy toàn bộ như một mạng lưới năng lượng và vật chất, liên tục chảy vào cộng đồng từ môi trường vật lý xung quanh, rồi trở ngược về và sau đó ra xung quanh” (Edward Wilson).
[27] Nguồn: Bách Khoa Toàn Thư mở (WIKIPEDIA). https://vi.wikipedia.org/wiki/%C4%90a_d%E1%BA%A1ng_sinh_h%E1%BB%8Dc
[28] VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học, nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội 2018, Bài 19: Bảo vệ đa dạng sinh học ở Việt Nam. tr. 223: “Đa dạng sinh học là mức độ phong phú của thiên nhiên, là toàn bộ tài nguyên thiên nhiên tạo nên do tất cả các dạng sống trên trái đất. Đa dạng sinh học bao gồm ba cấp khác nhau: 1. đa dạng di truyền còn gọi là đa dạng gen; 2. đa dạng loài; 3. đa dạng sinh thái”.
[29] Ibid. Tr. 223.
[30] LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3, Môi trường & Động vật. NXB Phương Đông 2017, tr. 29-30.
[31] Sưu tầm trên facebook. Trang NGUYỄN HOÀNG TUÂN.
[32] VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học, nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội 2018, tr. 53. (x. tr. 292)
[33] Ibid. Tr. 51-52.
[34] Ibid. Tr. 57.
[35] Ibid. Tr. 292.
[36] Ibid. Tr. 56.
[37] Ibid. Tr 295: “Theo số liệu của cụ kiểm lâm, từ năm 1997 đến 2000, cả nước đã xảy ra 181.253 vụ khai thác, vận chuyển ĐTVHD (động thực vật hoang dã) trái phép đã được lập biên bản, với khối lượng khoảng 250 tấn ĐTVHD các loại…”. Theo Sách Đỏ Việt nam 1992 (được chỉnh lại) có khoảng 417 động vật và 558 thực vật có nguy cơ bị tiêu diệt.
[38] Sưu tầm trên facebook. Trang NGUYỄN HOÀNG TUÂN.
[39] VÕ QUÝ, Môi trường và đa dạng sinh học, nxb Đại học Quốc Gia Hà Nội 2018, tr. 293.
[40] Ibid. Tr. 228.
[41] BRIAN EYLER, (DỊCH GIẢ: NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH), Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, NXB Phụ nữ Việt Nam 2020. Tr. 406: “Không may, hiện nay người nuôi tôm đã chặt sạch rừng đước lấy chỗ làm ao tôm… Rừng đước rất quan trọng đối với đa dạng sinh học vì nhiều loài động vật có vú, chim và bò sát được biết thường làm tổ ở những phần cây rậm trên mặt nước. Cá và các loài thuỷ sinh khác tìm thấy môi trường sống và dinh dưỡng trong hệ thống rễ chìm dưới nước…”.
[42] BÁCH KHOA TOÀN THƯ MỞ (WIKIPEDIA).
[43] Ibid.
[44] Ibid.
[45] UNESCO & UNEP (TỔ CHỨC GIÁO DỤC KHOA HỌC VĂN HOÁ LIÊN HIỆP QUỐC & CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG LIÊN HIỆP QUỐC). Bộ sách Hướng dẫn YouthXChange về phong cách sống và biến đổi khí hậu. Bản dịch của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và môi trường (C&E). Bản PDF. Tr. 16.
[46] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, Vấn đề bảo vệ môi trường hiện nay ở Việt Nam: Thực trạng và giải pháp tr. 269-271.
[47] LM. PHÊRÔ TRẦN QUỐC DŨNG. Đạo đức sinh học, Tập 3, Môi trường & Động vật. NXB Phương Đông 2017, tr. 244. Ghi chú 569: “Khí nhà kính là những khí có khả năng hấp thụ các bức xạ sóng dài (hồng ngoại) được phản xạ từ bề mặt trái đất, gây nên hiệu ứng nhà kính. Các khí nhà kính chủ yếu bao gồm: hơi nước, CO2, CH4, N2O, O3, các khí CFC… Khí nhà kính ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiệt độ của trái đất, nếu không có chúng nhiệt độ bề mặt trái đất trung bình sẽ lạnh hơn hiện tại khoảng 33 độ C”.
[48] Ibid. Chương 6. Những trường hợp đặc biệt. 1.2: Hiệu quả của biến đổi khí hậu. Tr. 246.
[49] HÂN PHAN, "Người việt nam hèn hạ". Nguồn: (Sưu tầm)
https://www.facebook.com/vietnamthoisu/posts/10156139253962489/
[50] PGS.TS. NGUYỄN HỒI LOAN – TS. TRẦN THU HƯƠNG, Hành vi con người và môi trường xã hội. Nhà xuất bản Đại học Quốc Gia Hà Nội 2019. Tr. 52-53: “Nói đến môi trường, người ta thường hiểu đó là môi trường tự nhiên. Nhưng khi phân tích ảnh hưởng của môi trường đến đời sống của con người như: cá nhân, nhóm, cộng đồng, đặc biệt khi gắn với các đặc trưng xã hội và nhân cách, người ta lại thấy thiếu hụt nếu không coi toàn bộ đời sống xã hội phong phú và phức tạp bên ngoài (các chủ thể đó) như là môi trường có ảnh hưởng và thường xuyên quy định, thậm chí quyết định diện mạo của mỗi chủ thể”.
[51] NGUYỆT MINH, Ô nhiễm tiếng ồn: kẻ sát nhân giấu mặt. Nguồn:
http://tapchimoitruong.vn/pages/article.aspx?item=%C3%94-nhi%E1%BB%85m-ti%E1%BA%BFng-%E1%BB%93n---K%E1%BA%BB-s%C3%A1t-nh%C3%A2n-gi%E1%BA%A5u-m%E1%BA%B7t-46567
[52] CHU MỘNG LONG, Hiện tượng Khá Bảnh: Cần chấn hưng giáo dục đổi mới với giới trẻ hay giáo dục nên tự nhìn lại chính mình? Nguồn: BÁO TIÊNG DÂN: https://baotiengdan.com/…/hien-tuong-kha-banh-can-chan-hun…/
[53] GHI CHÚ RIÊNG: “Ô nhiễm môi trường tinh thần” trong viễn tượng đức tin có thể hiểu đó là sự “Tục Hoá”; và đây là một chủ đề được Đức Giáo Hoàng Phanxicô lưu ý mạnh mẽ trong tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium). Ngài đặc biệt nhấn mạnh các khía cạnh tục hoá sau:
- Tục hoá khi cộng đoàn đức tin thiếu vắng sự hiện diện của Đức Kitô: “Tính thế tục cũng có thể được biểu hiện bằng việc muốn được người khác để ý tới, xuất hiện với đủ vẻ sang trọng trong đời sống xã hội, trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng và tiếp tân. Nó cũng có thể dẫn tới một não trạng doanh nghiệp, luôn bận bịu với các công việc quản lý, các vấn đề thống kê, kế hoạch và đánh giá mà lợi ích chính không phải là Dân Chúa mà là Giáo Hội được nhìn như là một tổ chức. Không hề có dấu ấn của Đức Kitô nhập thể, chịu đóng đinh và phục sinh” (EG 95).
- Tục hoá khi cộng đoàn thiếu bác ái, chia rẽ…: “Tính thế tục thiêng liêng khiến người Kitô hữu gây chiến với những người Kitô hữu khác cản trở con đường tìm kiếm quyền lực, uy tín, thú vui và an toàn kinh tế. Một số thậm chí không còn bằng lòng sống như một phần tử của cộng đồng Hội Thánh rộng lớn hơn nhưng phát triển một tinh thần loại trừ, tạo ra một “phe nhóm nội bộ”. (EG 98).
- Tục hoá khi biến “không gian thánh” (Phụng Vụ) trở thành “phàm tục”: Hội Thánh thành “Trạm thu phí”: “Nhưng Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ.” (EG 47); Toà Giải tội thành “buồng tra tấn”: “Tôi muốn nhắc nhớ các linh mục rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình.” (EG 44); Bài giảng trở thành “phương tiện giải trí”, “diễn văn”, “thuyết trình”…: “Bài giảng không thể mang một hình thức giải trí giống như những bài giảng trên các phương tiện đại chúng, nhưng bài giảng phải ban sức sống và ý nghĩa cho cuộc cử hành.” (EG 138); Biến Toà Giảng Lời Chúa thành nơi phê bình, chỉ trích và vạch ra những tiêu cực…: “Tích cực là một đặc trưng nữa của một bài giảng tốt. Bài giảng tốt không quan tâm nhiều tới việc nói ra điều gì không được làm, nhưng gợi ý chúng ta có thể làm gì tốt hơn. Bất luận thế nào, nếu kêu gọi chú ý tới một điều gì tiêu cực, nó cũng phải cố gắng vạch ra một giá trị tích cực và hấp dẫn, nếu không nó sẽ bị mắc kẹt giữa những lời phàn nàn, than vãn, phê bình và trách móc.” (EG 159).
[54] Xem: Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền: Văn hoá “Zapping” ảnh hưởng tới hôn nhân: “Phải chăng cuộc khủng hoảng này cũng liên hệ đến một thứ văn hóa mới mà người ta gọi là văn hóa “zapping”. Văn hóa Zapping nghĩa là việc hay thay đổi các kênh truyền hình bằng điều khiển từ xa. Văn hóa này nói về hiện tượng đa số chúng ta mỗi lần đến quảng cáo là liền remos qua chương trình khác ngay, hoặc một chương trình nhàm chán là họ chuyển kênh ngay. Văn hóa Zapping cũng là một thói quen lướt web trên điện thoại hay Ipad được ghi nhận là nhiều người trở thành con nghiện Internet.” Nguồn: Trang mạng giáo phận Xuân Lộc: http://giaophanxuanloc.net/dac-biet/van-hoa-zapping-anh-huong-toi-hon-nhan-4413.html
[55] BS. TRẦN NHƯ Ý LAN, DÒNG ĐỨC BÀ. Giới trẻ và văn hoá khiêu dâm – tình dục qua mạng internet: Một nhận định trên phương diện xã hội và luân lý Công Giáo. Nguồn: Tập san Hiệp Thông / HĐGM VN Số 108 (tháng 9 & 10, năm 2018)
[56] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Chúa Thánh Thần là Chúa và là Đấng Ban sự sống (Dominum et Vivicantem), ban hành ngày 28.5.1986. Khi đề cập đến việc “phán kháng chống lại Chúa Thánh Thần”, Đức Thánh Cha nói nơi Số 56: “Cách biểu lộ quan trọng nhất của sự phản kháng ấy là chủ nghĩa duy vật, cả dưới hình thức lý thuyết như một hệ thống tư duy, lẫn dưới hình thức thực hành như là một phương pháp nhận định và đánh giá các sự kiện và đồng thời như một chương trình hành động để có những cách ứng xử tương xứng. Hình thức tư duy ấy, hình thức ý thức hệ và chương trình hành động ấy, đã được một hệ thống làm cho phát triển cực độ cũng như tạo nên những hậu quả hết sức cực đoan trên bình diện hành động, hệ thống đó là chủ nghĩa duy vật biện chứng và lịch sử; chủ nghĩa nầy vẫn còn được công nhận như là cốt lõi của thuyết Mác-xít”.
[57] LỤC PHONG, Đất nước của những kẻ lười biếng. Nguồn: https://chauxuannguyen2019.wordpress.com/2015/01/03/dat-nuoc-cua-nhung-ke-luoi-bieng/
[58] TRẦN VĂN CHÁNH, Khủng hoảng môi trường – Có phải nguy cơ hết thuốc chữa. NXB. Tổng hợp Tp.HCM. 2020, tr. 102-103; tr. 275: “Lợi nhuận là một động lực khiến người ta quên hết mọi thứ và dám làm cả những việc gây tác hại cho cộng đồng…”
[59] HÂN PHAN, "Người việt nam hèn hạ". Nguồn: (Sưu tầm): http://www.baothamnhung.com/20…/…/nguoi-viet-nam-hen-ha.html
[60] Nguồn: https://www.youtube.com/watch?v=beSlOZY3Qqk
[61] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Centensimus Annus (Bách Chu Niên), số 37.
[62] Xem các GHI CHÚ 42,43,44 ở trên.
[63] VIỆN HÀN LÂM KHOA HỌC XÃ HỘI VIỆT NAM – VIỆN NGHIÊN CỨU CHÂU ÂU. NGUYỄN THỊ NGỌC (Chủ biên). Chính sách bảo vệ môi trường của một số nước Châu Âu và gợi mở cho Việt Nam. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hôi 2019, tr. 52.
[64] MA QUỶ ĐANG THỐNG TRỊ THẾ GIỚI CHÚNG TA, Nhóm biên tập sách “Cửu Bình”. Chương 16: Chủ nghĩa bảo vệ môi trường – Sự thao túng của Chủ nghĩa Cộng sản ở phía sau Chủ nghĩa bảo vệ môi trường: “Do chủ nghĩa bảo vệ môi trường thường bị chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản dẫn dắt, hơn nữa sau khi Liên-Xô và khối cộng sản Đông Âu bị giải thể, rất nhiều đảng viên cộng sản và lực lượng tàn dư của chủ nghĩa cộng sản trước kia bắt đầu tổ chức ra đảng xanh hoặc tham gia những đảng xanh đã hoạt động, khiến cho rất nhiều người trong đảng xanh đều bị lệch về phía tả trên hình thái ý thức, vì thế đã xuất hiện một từ gọi là “xanh tả” (Green Left).”. Nguồn: https://9binh.com/ma-quy-dang-thong-tri-the-gioi-cua-chung-ta/chuong-16-chu-nghia-bao-ve-moi-truong-su-thao-tung-cua-chu-nghia-cong-san-o-phia-sau-chu-nghia-bao-ve-moi-truong-phan-i.html
[65] VŨ TƯƠI (Hệ thống), Luật bảo vệ môi trường, nxb Lao Động 2019, tr. 5-63.
[66] Ibid. Tr. 64-390
[67] UNESCO & UNEP (TỔ CHỨC GIÁO DỤC KHOA HỌC VĂN HOÁ LIÊN HIỆP QUỐC & CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG LIÊN HIỆP QUỐC). Bộ sách Hướng dẫn YouthXChange về phong cách sống và biến đổi khí hậu. Bản dịch của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và môi trường (C&E). Bản PDF. Tr. 21-55.
[68] VIETNAMAILINES, Tạp chí Heritage Fashion, HF 166/2020. Tr. 84-86.
[69] ỦY BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN/HĐGMVN.(Bản dịch): DOCAT Phải làm gì. NXB Tôn Giáo 2017. Chương 10. Bảo tồn vạn vật – Môi trường. Số 256.
[70] ISABELLA PIRO, Cité du Vatican: Cinq ans après Laudato si’, le Vatican réaffirme son engagement pour l’écologie intégrale. Nguồn: https://www.guyane.catholique.fr/doyenne/actualites/296689-cinq-ans-apres-laudato-si-le-vatican-reaffirme-son-engagement-pour-lecologie-integrale/cropped-750-422-27/
[71] ARCHDIOCESE OF WASHINGTON, JUNE 2015, A Study Guide on the Encyclical of by Pope Francis. Bản PDF. Nguồn: http://adw.org/wp-content/uploads/2015/06/Laudato-Si-Study-Guide.pdf
[72] ĐGH PHANXICO, Tông huấn Niềm vui của Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Bản dịch tiếng Việt của Uỷ ban Loan báo Tin Mừng/HĐGMVN 2013, số 27, tr. 29: “Việc đổi mới các cơ cấu theo đòi hỏi của sự hoán cải mục vụ chỉ có thể được hiểu trong ánh sáng này: như một phần của cố gắng làm cho chúng có định hướng truyền giáo hơn, làm cho hoạt động mục vụ thông thường ở mọi cấp mang tính bao gồm và mở rộng hơn, khơi dậy nơi những người làm mục vụ một ước muốn không ngừng đi ra và nhờ đó kích thích một đáp ứng tích cực từ tất cả những người được Đức Kitô mời gọi đi vào tình bạn với Ngài.”
[73] LM. JOSHTROM ISAAC KUREETHADAM, SDB, Giáo dục sinh thái trong Laudato Sí. Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ. Nguồn: Trang GIÁO PHẬN QUI NHƠN: https://gpquinhon.org/q/than-hoc/giao-duc-sinh-thai-trong-laudato-si-3447.html
[74] UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), TÍNH HIỆP HÀNH TRONG ĐỜI SỐNG VÀ SỨ VỤ CỦA HỘI THÁNH (SYNODALITY IN THE LIFE AND MISSION OF THE CHURCH), 2018. Phần dẫn nhập (Instroduction). Số 1. Nguồn:
http://www.vatican.va/roman_curia/congregations/cfaith/cti_documents/rc_cti_20180302_sinodalita_en.html.
[75] UNESCO & UNEP (TỔ CHỨC GIÁO DỤC KHOA HỌC VĂN HOÁ LIÊN HIỆP QUỐC & CHƯƠNG TRÌNH MÔI TRƯỜNG LIÊN HIỆP QUỐC). Bộ sách Hướng dẫn YouthXChange về phong cách sống và biến đổi khí hậu. Bản dịch của Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và môi trường (C&E). phần GIỚI THIỆU: “Nhiều người trong số họ quan tâm tới biến đổi khí hậu và sẵn sàng hành động và tìm kiếm ý tưởng và hướng dẫn về cách thay đổi và điều chỉnh lối sống của họ bền vững. Thông tin và giáo dục là cốt lõi để họ có năng lực và để hiểu rõ hơn không chỉ là khoa học về biến đổi khí hậu và những gì đang bị đe dọa mà còn là phương thức để liên hệ đến cuộc sống hàng ngày của họ và môi trường địa phương, cũng như các lựa chọn của họ, đặc biệt với tư cách là người tiêu dùng. Hầu hết thanh niên đã nghe nói về biến đổi khí hậu, nhưng nhiều người trong số họ vẫn cảm nhận đây là một mối đe dọa trừu tượng, quá phức tạp và quá lớn trong khi trong thực tế, các hậu quả của nó cũng như các giải pháp và hành vi có thể được phát triển để thích ứng hoặc giảm nhẹ các hậu quả này lại rất cụ thể.”
[76] ROCK RONALD ROSARIO, Đại dịch và tội sinh thái của chúng ta. Nguồn: Trang web HĐGMVN: https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/dai-dich-va-toi-sinh-thai-cua-chung-ta-39931
[77] BRIAN EYLER, (DỊCH GIẢ: NGUYỄN ĐÌNH HUỲNH), Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, NXB Phụ nữ Việt Nam 2020. Tr. 425.