VỚI TỚI TẦM CAO CỦA ÂN SỦNG
“Hãy theo tôi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay là câu chuyện của một tầm cao ân sủng; Matthêu kể lại câu chuyện đời mình, câu chuyện của lòng thương xót, cũng là câu chuyện của một cuộc đời được trời cao đoái đến để có thể với tới tầm cao của ân sủng. Đang ngồi tại bàn thu thuế giữa sổ sách và tiền bạc, Matthêu sững sờ với ánh mắt và lời gọi “Hãy theo tôi” của một con người có tên Giêsu; ông đứng dậy, đi theo Ngài. Thật đơn giản, nhẹ nhàng.
Đó là một lời mời; đúng hơn, một mệnh lệnh. Một mệnh lệnh đến ngạt thở khiến bản thân Matthêu nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ tới. Mệnh lệnh đó thật huyền nhiệm và mạnh mẽ đến độ có thể bứng ông ra khỏi sự an toàn giả tạo của một quá khứ mờ ám, một hiện tại bất an, đẩy ông tới một tương lai bất định; mở cho ông một chân trời mới mẻ, xa lạ mà chính bản thân Matthêu cũng không biết sẽ đi về đâu… về tận nơi vị Thầy Thuốc xót thương muốn ông trở thành; Ngài muốn ông với tới tầm cao của ân sủng.
Thánh Phaolô trong thư Êphêsô hôm nay cũng nói đến sự đa dạng của ân sủng: người làm tông đồ, kẻ làm tiên tri, người khác giảng dạy, “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho”. Và như thế, Thánh Matthêu đã được ơn để với tới tầm cao của ân sủng khi ngài được sai đi trong tư cách tông đồ và là người viết sách Tin Mừng vốn đang lưu lại cho hậu thế muôn thu đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay khen ngợi, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu”.
Được gọi, Matthêu không cự nự, chẳng vùng vằng; ông không nói, ‘Thưa Thầy, tôi là người thu thuế’. Với Chúa Giêsu, thu thuế thì đã sao? Với Ngài, người ấy là ai, không thành vấn đề; là thu thuế, là gian tham hay tội nhân. Từ đó, Matthêu rời bỏ sổ sách, rời luôn hòm tiền để theo Chúa, học những bài học của chim muông, của hoa đồng cỏ nội, những loài không hề tính toán cho đời sống mình; chủ của ông không còn là Hêrôđê xa hoa, con cáo gian giảo, nhưng là một con người từng bị coi là mất trí, không chỗ gối đầu và ví mình còn thua cả chim trời có tổ, con chồn có hang.
Có thể nói, sự mềm mỏng của Chúa Giêsu đã triệt tiêu trọn cả tương lai trần gian của Matthêu; đáp lại, Matthêu đã ký vào một tấm séc trống và đưa nó cho người gọi mình và dường như Chúa Giêsu đã viết vào đó mấy chữ ‘Trọn cả con người’; vì Ngài biết, phải như thế, Matthêu mới có thể với tới tầm cao của ân sủng. Chỉ bấy nhiêu, Matthêu đã chấp nhận. Sau đó, đi một bước xa hơn, có thể nói là quá đà, ông trải thảm đỏ cho Chúa Giêsu đi vào cuộc đời mình bằng cách mời Ngài về nhà dùng bữa. Người Do Thái thường chỉ mời những người thân thiết đến nhà dùng bữa; đó là dấu hiệu thắm thiết của một tình thân, tình bạn và tình yêu.
‘Trọn cả con người’ Matthêu được trao cho Chúa Giêsu. Phêrô, Anrê còn có thể trở lại nghề chài, đang khi Matthêu bị tước khỏi nghề nghiệp và không thể quay trở lại. Trong nhóm mười hai, ông không là thủ quỹ mà là Giuđa; như vậy, Matthêu đã chuyển nghề cũ vào một phụng sự mới, từ một kế toán thành một thánh sử. Tương truyền rằng, mỗi khi Matthêu viết Tin Mừng, Chúa sai thiên thần đến nhắc cho ông; vì thế, các tranh hoạ về Matthêu, thường có bóng dáng một thiên thần. Nhờ ơn Chúa, Matthêu đã tra cứu để viết gia phả Chúa Giêsu và những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn Nước Trời, 7 lời nguyền biệt phái, 7 lời cầu của kinh Lạy Cha, và có lẽ cả 7 mối phúc. Sẽ không ngạc nhiên khi chỉ mình Matthêu ghi lại lời này, “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về Nước Trời thì cũng giống gia chủ biết rút ra từ trong kho mình điều mới và điều cũ”; và cũng duy mình Matthêu ghi lại dụ ngôn kho báu và ngọc quý, người tìm thấy về bán hết của cải để mua cho được; phải chăng Matthêu ám chỉ về chính mình.
Khi nhìn bức hoạ “Ơn Gọi Của Thánh Matthêu” được tặng cho ngài, Đức Phanxicô nhớ lại ơn gọi của mình. Trong một cuộc phỏng vấn, ngài nói, “Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Matthêu như thể ngón tay này chỉ vào tôi. Cử chỉ của Matthêu làm tôi xúc động, Matthêu chụp lại mấy đồng tiền, như muốn nói, “Không, không phải Ngài gọi tôi! Không, mấy đồng xu này là của tôi”. Đức Thánh Cha nói, “Và đó là tôi, một người tội lỗi được Chúa ghé mắt. Đó là điều tôi đã trả lời khi được hỏi, tôi có nhận việc được bầu chọn làm Giáo Hoàng không”. Chúng ta không ngạc nhiên khi khẩu hiệu của ngài từ lúc làm Giám Mục và nay Giáo Hoàng là “Miserando atque Eligendo”, “Thương Xót và Tuyển Chọn”. Đức Thánh Cha đã đáp trả lời mời gọi của Đấng Xót Thương bằng một đời sống khiêm hạ, khó nghèo và tín thác.
Anh Chị em,
Ý thức được lòng thương xót của Chúa, Thánh Matthêu đã với tới tầm cao của ân sủng khi được uỷ thác sứ vụ tông đồ và thánh sử; cũng thế, Đức Phanxicô đã với tới tầm cao của ân sủng khi Thiên Chúa giao cho ngài trọng trách chăn dắt Giáo Hội; đến lượt chúng ta, Chúa Giêsu cũng đang cúi xuống và mời gọi, “Hãy theo tôi”, Ngài cũng ước mong chúng ta ký vào một tấm séc trống và trao cho người đã gọi mình, để Ngài cũng có thể viết vào đó mấy chữ “Trọn cả con người”. Chính Đấng Thương Xót sẽ giúp chúng ta với tới tầm cao của ân sủng, dù chúng ta ở đấng bậc nào và yếu hèn đến cỡ nào.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để có thể với tới tầm cao của ân sủng, xin cho con biết mềm mỏng với Thánh Thần; xin đừng để con quên rằng, con đang được đối xử với lòng Chúa xót thương”, Amen.
(Tgp. Huế)
“Hãy theo tôi”.
Kính thưa Anh Chị em,
Đó là một lời mời; đúng hơn, một mệnh lệnh. Một mệnh lệnh đến ngạt thở khiến bản thân Matthêu nằm mơ cũng chẳng dám nghĩ tới. Mệnh lệnh đó thật huyền nhiệm và mạnh mẽ đến độ có thể bứng ông ra khỏi sự an toàn giả tạo của một quá khứ mờ ám, một hiện tại bất an, đẩy ông tới một tương lai bất định; mở cho ông một chân trời mới mẻ, xa lạ mà chính bản thân Matthêu cũng không biết sẽ đi về đâu… về tận nơi vị Thầy Thuốc xót thương muốn ông trở thành; Ngài muốn ông với tới tầm cao của ân sủng.
Thánh Phaolô trong thư Êphêsô hôm nay cũng nói đến sự đa dạng của ân sủng: người làm tông đồ, kẻ làm tiên tri, người khác giảng dạy, “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho”. Và như thế, Thánh Matthêu đã được ơn để với tới tầm cao của ân sủng khi ngài được sai đi trong tư cách tông đồ và là người viết sách Tin Mừng vốn đang lưu lại cho hậu thế muôn thu đúng như lời Thánh Vịnh đáp ca hôm nay khen ngợi, “Tiếng các ngài đã vang dội khắp hoàn cầu”.
Được gọi, Matthêu không cự nự, chẳng vùng vằng; ông không nói, ‘Thưa Thầy, tôi là người thu thuế’. Với Chúa Giêsu, thu thuế thì đã sao? Với Ngài, người ấy là ai, không thành vấn đề; là thu thuế, là gian tham hay tội nhân. Từ đó, Matthêu rời bỏ sổ sách, rời luôn hòm tiền để theo Chúa, học những bài học của chim muông, của hoa đồng cỏ nội, những loài không hề tính toán cho đời sống mình; chủ của ông không còn là Hêrôđê xa hoa, con cáo gian giảo, nhưng là một con người từng bị coi là mất trí, không chỗ gối đầu và ví mình còn thua cả chim trời có tổ, con chồn có hang.
Có thể nói, sự mềm mỏng của Chúa Giêsu đã triệt tiêu trọn cả tương lai trần gian của Matthêu; đáp lại, Matthêu đã ký vào một tấm séc trống và đưa nó cho người gọi mình và dường như Chúa Giêsu đã viết vào đó mấy chữ ‘Trọn cả con người’; vì Ngài biết, phải như thế, Matthêu mới có thể với tới tầm cao của ân sủng. Chỉ bấy nhiêu, Matthêu đã chấp nhận. Sau đó, đi một bước xa hơn, có thể nói là quá đà, ông trải thảm đỏ cho Chúa Giêsu đi vào cuộc đời mình bằng cách mời Ngài về nhà dùng bữa. Người Do Thái thường chỉ mời những người thân thiết đến nhà dùng bữa; đó là dấu hiệu thắm thiết của một tình thân, tình bạn và tình yêu.
‘Trọn cả con người’ Matthêu được trao cho Chúa Giêsu. Phêrô, Anrê còn có thể trở lại nghề chài, đang khi Matthêu bị tước khỏi nghề nghiệp và không thể quay trở lại. Trong nhóm mười hai, ông không là thủ quỹ mà là Giuđa; như vậy, Matthêu đã chuyển nghề cũ vào một phụng sự mới, từ một kế toán thành một thánh sử. Tương truyền rằng, mỗi khi Matthêu viết Tin Mừng, Chúa sai thiên thần đến nhắc cho ông; vì thế, các tranh hoạ về Matthêu, thường có bóng dáng một thiên thần. Nhờ ơn Chúa, Matthêu đã tra cứu để viết gia phả Chúa Giêsu và những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn Nước Trời, 7 lời nguyền biệt phái, 7 lời cầu của kinh Lạy Cha, và có lẽ cả 7 mối phúc. Sẽ không ngạc nhiên khi chỉ mình Matthêu ghi lại lời này, “Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về Nước Trời thì cũng giống gia chủ biết rút ra từ trong kho mình điều mới và điều cũ”; và cũng duy mình Matthêu ghi lại dụ ngôn kho báu và ngọc quý, người tìm thấy về bán hết của cải để mua cho được; phải chăng Matthêu ám chỉ về chính mình.
Khi nhìn bức hoạ “Ơn Gọi Của Thánh Matthêu” được tặng cho ngài, Đức Phanxicô nhớ lại ơn gọi của mình. Trong một cuộc phỏng vấn, ngài nói, “Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Matthêu như thể ngón tay này chỉ vào tôi. Cử chỉ của Matthêu làm tôi xúc động, Matthêu chụp lại mấy đồng tiền, như muốn nói, “Không, không phải Ngài gọi tôi! Không, mấy đồng xu này là của tôi”. Đức Thánh Cha nói, “Và đó là tôi, một người tội lỗi được Chúa ghé mắt. Đó là điều tôi đã trả lời khi được hỏi, tôi có nhận việc được bầu chọn làm Giáo Hoàng không”. Chúng ta không ngạc nhiên khi khẩu hiệu của ngài từ lúc làm Giám Mục và nay Giáo Hoàng là “Miserando atque Eligendo”, “Thương Xót và Tuyển Chọn”. Đức Thánh Cha đã đáp trả lời mời gọi của Đấng Xót Thương bằng một đời sống khiêm hạ, khó nghèo và tín thác.
Anh Chị em,
Ý thức được lòng thương xót của Chúa, Thánh Matthêu đã với tới tầm cao của ân sủng khi được uỷ thác sứ vụ tông đồ và thánh sử; cũng thế, Đức Phanxicô đã với tới tầm cao của ân sủng khi Thiên Chúa giao cho ngài trọng trách chăn dắt Giáo Hội; đến lượt chúng ta, Chúa Giêsu cũng đang cúi xuống và mời gọi, “Hãy theo tôi”, Ngài cũng ước mong chúng ta ký vào một tấm séc trống và trao cho người đã gọi mình, để Ngài cũng có thể viết vào đó mấy chữ “Trọn cả con người”. Chính Đấng Thương Xót sẽ giúp chúng ta với tới tầm cao của ân sủng, dù chúng ta ở đấng bậc nào và yếu hèn đến cỡ nào.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, để có thể với tới tầm cao của ân sủng, xin cho con biết mềm mỏng với Thánh Thần; xin đừng để con quên rằng, con đang được đối xử với lòng Chúa xót thương”, Amen.
(Tgp. Huế)