Trong buổi yết kiến chung ngày 23 tháng 9 tại Sân San Damaso trong Tông Điện Vatican, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã giảng bài giáo lý thứ tám của ngài về Chữa Lành Thế Giới cho một cử tọa tín hữu đầy náo nức muốn được thấy ngài. Ngài nhấn mạnh đến nguyên tắc phụ đới.
Anh chị em thân mến, có vẻ như thời tiết không tuyệt vời lắm, nhưng tôi vẫn chúc anh chị em một buổi sáng tốt lành!
Để thoát ra một cách tốt đẹp hơn một cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng hiện tại, tức cuộc khủng hoảng sức khỏe, đồng thời là một cuộc khủng hoảng xã hội, chính trị và kinh tế, mọi người chúng ta đều được kêu gọi đảm nhận trách nhiệm về phần mình, nghĩa là chia sẻ trách nhiệm. Chúng ta phải đáp lại không chỉ với tư cách cá nhân, mà còn từ các nhóm mà chúng ta thuộc về, từ vai trò chúng ta có trong xã hội, từ các nguyên tắc của chúng ta và, nếu chúng ta là tín hữu, từ đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa. Tuy nhiên, thường thì nhiều người không thể tham gia vào việc phục hồi thiện ích chung vì họ bị gạt ra ngoài, họ bị loại trừ hoặc bị phớt lờ; một số nhóm xã hội không thành công trong việc đóng góp vì họ bị bóp nghẹt về kinh tế hoặc xã hội. Trong một số xã hội, nhiều người không được tự do bày tỏ đức tin và giá trị riêng của họ, ý tưởng riêng của họ: nếu họ bày tỏ chúng một cách tự do, họ sẽ bị bỏ tù. Ở những nơi khác, đặc biệt là ở thế giới Tây phương, nhiều người phải ức chế các xác tín đạo đức hoặc tôn giáo của họ. Cách này không hề là cách để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, hoặc ít nhất thoát khỏi nó cách tốt hơn. Chúng ta sẽ ra khỏi nó nhưng tồi tệ hơn.
Để chúng ta có thể tham gia vào việc chữa lành và tái tạo các dân tộc của mình, điều chỉ có thể đúng đắn là mọi người nên có đủ nguồn lực để làm điều đó (xem Bản Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội [CSDC], 186). Sau cuộc đại suy thoái kinh tế năm 1929, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã giải thích nguyên tắc phụ đới quan trọng như thế nào (xem Thông điệp Quadragesimo anno, 79-80). Nguyên tắc này có một chuyển động kép: từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên. Có lẽ chúng ta không hiểu điều này có nghĩa gì, nhưng nó là một nguyên tắc xã hội khiến chúng ta hợp nhất hơn. Tôi sẽ cố gắng giải thích nó.
Một mặt, và hơn hết là trong những thời điểm thay đổi, khi các cá nhân, gia đình, hiệp hội nhỏ và cộng đồng địa phương đơn lẻ không thể đạt được các mục tiêu chính, thì điều đúng đắn là các bình diện cao cấp nhất của xã hội, chẳng hạn như Nhà nước, nên can thiệp để cung cấp các nguồn lực cần thiết cho tiến bộ. Thí dụ, vì sự cấm cửa do coronavirus, nhiều người, nhiều gia đình và các tổ chức kinh tế đã thấy mình và vẫn còn thấy mình gặp rắc rối nghiêm trọng. Vì vậy, các định chế công cộng đang cố gắng giúp đỡ qua các can thiệp thích đáng, kinh tế xã hội, liên quan đến y tế… đây là chức năng của họ, những gì họ cần làm.
Tuy nhiên, mặt khác, các nhà lãnh đạo xã hội phải tôn trọng và cổ vũ các bình diện trung gian hay thấp hơn. Thực thế, sự đóng góp của các cá nhân, gia đình, hiệp hội, doanh nghiệp, hoặc mọi cơ quan trung gian, và thậm chí của Giáo hội, là điều có tính quyết định. Tất cả những chủ thể này, với các nguồn lực văn hóa, tôn giáo, kinh tế hoặc sự tham gia dân sự, sẽ hồi sinh và củng cố xã hội (xem CSCD, 185). Nghĩa là, có sự cộng tác từ trên xuống dưới từ Nhà nước đến người dân, và từ dưới lên trên, từ các định chế của người dân lên đến thượng tầng. Và đó chính là cách thực thi nguyên tắc phụ đới.
Mọi người cần có khả năng đảm nhận trách nhiệm của mình trong diễn trình hàn gắn xã hội mà họ là thành phần. Khi một dự án được phát động có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến một số nhóm xã hội nào đó, những nhóm này không thể bị loại khỏi việc tham gia - thí dụ: “Bạn làm nghề gì?” "Tôi làm việc với người nghèo." “A, đẹp làm sao. Và bạn làm gì?" "Tôi dạy người nghèo, tôi nói cho người nghèo biết họ cần phải làm gì." Không, điều này không đi đến đâu. Bước đầu tiên là để người nghèo nói cho anh chị em biết họ sống như thế nào, họ cần gì… Hãy để mọi người nói! Và đây là cách vận hành của nguyên tắc phụ đới. Chúng ta không thể bỏ qua sự tham gia của người dân; đức khôn ngoan của họ; đức khôn ngoan của các nhóm khiêm tốn hơn không thể bị gạt sang một bên (xem Tông huấn Querida Amazonia [QA], 32; Thông điệp Laudato Si’, 63). Thật không may, sự bất công này thường xảy ra ở những nơi tập trung các lợi ích kinh tế và địa chính trị khổng lồ, chẳng hạn như một số hoạt động khai khoáng ở một số khu vực của hành tinh (xem QA, 9.14). Tiếng nói của các dân tộc bản địa, văn hóa và viễn kiến thế giới của họ không được xem xét. Ngày nay, việc thiếu tôn trọng nguyên tắc phụ đới này đã lây lan như một loại vi rút. Hãy nghĩ tới các biện pháp hỗ trợ tài chính lớn lao do các Quốc gia ban hành. Các công ty tài chính lớn nhất được lắng nghe hơn là người dân hoặc những người thực sự thúc đẩy nền kinh tế. Các công ty đa quốc gia được lắng nghe nhiều hơn các phong trào xã hội. Nói theo ngôn ngữ hàng ngày, họ lắng nghe người quyền thế hơn là kẻ yếu đuối và đó không phải là cách, đó không phải là cách của con người, đó không phải là cách mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta, đó không phải là cách thực hiện nguyên tắc phụ đới. Do đó, chúng ta không cho phép người ta trở thành "tác nhân trong việc chuộc tội chính họ" [1]. Có phương châm này trong vô thức tập thể của một số chính trị gia hoặc một số nhân viên xã hội: mọi sự cho người ta, không sự gì với người ta cả. Từ trên xuống dưới mà không lắng nghe đức khôn ngoan của người ta, không kích hoạt đức khôn ngoan của người ta trong việc giải quyết các vấn đề, trong trường hợp này là thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Hay chúng ta hãy nghĩ tới việc chữa trị vi-rút: các công ty dược phẩm lớn được lắng nghe nhiều hơn nhân viên y tế làm việc ở tuyến đầu trong các bệnh viện hoặc trong các trại tị nạn. Đấy không phải là đường lối tốt. Mọi người nên được lắng nghe, những người đứng đầu và những người ở dưới cùng, tất cả mọi người.
Để ra khỏi cuộc khủng hoảng tốt hơn, nguyên tắc phụ đới phải được chấp hành, tôn trọng quyền tự chủ và năng lực thi hành sáng kiến mà mọi người đều có, đặc biệt là những người bé nhỏ nhất. Như Thánh Phao-lô đã nói, mọi bộ phận của cơ thể đều cần thiết, chúng ta nghe nói rằng những bộ phận có vẻ yếu nhất và kém quan trọng nhất, trên thực tế lại là cần thiết nhất (xin xem 1 Cr 12:22). Từ hình ảnh này, chúng ta có thể nói rằng nguyên tắc phụ đới cho phép mọi người đảm nhận vai trò của họ trong việc chữa lành và vận mệnh của xã hội. Thực thi nó, thực thi nguyên tắc phụ đới mang lại hy vọng, mang lại hy vọng trong một tương lai lành mạnh và công bằng hơn; chúng ta hãy cùng nhau xây dựng tương lai này, khao khát những điều lớn lao hơn, mở rộng chân trời và lý tưởng của chúng ta [2]. Hoặc chúng ta làm điều đó với nhau, hoặc sẽ không đi đến đâu cả. Hoặc chúng ta làm việc với nhau để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, mọi bình diện trong xã hội, hoặc chúng ta sẽ không bao giờ thoát ra khỏi nó. Nó không hoạt động theo cách đó. Vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng không có nghĩa là đánh bóng các tình huống hiện tại để chúng có vẻ công bằng hơn. Không. Thoát khỏi cuộc khủng hoảng có nghĩa là phải thay đổi, và sự thay đổi thực sự mà mọi người, tất cả những người tạo nên một dân tộc, đều đóng góp vào đó. Tất cả các ngành nghề, tất cả. Và mọi sự cùng với nhau, mọi người trong cộng đồng. Nếu không có ai đóng góp, kết quả sẽ là tiêu cực.
Trong bài giáo lý trước đây, chúng ta đã thấy sự liên đới – bây giờ nói đến liên đới - là cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng ra sao: nó hợp nhất chúng ta và cho phép chúng ta tìm được những đề nghị vững chắc cho một thế giới lành mạnh hơn. Nhưng con đường liên đới này cần sự phụ đới. Ai đó có thể nói với tôi: "Nhưng, thưa Cha, hôm nay Cha nói những điều khó nghe!" Chính vì thế tôi ráng giải thích ý nghĩa của nó. Liên đới, bởi vì chúng ta đang đi theo con đường phụ đới. Thực thế, không có sự liên đới thực sự nếu không có sự tham gia xã hội, không có sự đóng góp của các cơ quan trung gian: các gia đình, hiệp hội, hợp tác xã, tiểu thương, và các biểu thức khác của xã hội. Mọi người cần đóng góp, không trừ ai. Loại tham gia này giúp ngăn chặn và sửa chữa một số khía cạnh tiêu cực của việc hoàn cầu hóa và hành động của các Quốc gia, giống như nó đang diễn ra liên quan đến việc chữa lành những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Những đóng góp “từ dưới lên” nên được khuyến khích. Đẹp đẽ biết bao khi nhìn thấy các tình nguyện viên trong cơn khủng hoảng. Các tình nguyện viên đến từ mọi thành phần trong xã hội, các tình nguyện viên đến từ các gia đình khá giả và các tình nguyện viên đến từ các gia đình nghèo hơn. Nhưng mọi người, mọi người cùng nhau thóat ra. Đó là sự liên đới và đó là nguyên tắc phụ đới.
Trong diễn trình cấm cửa, cử chỉ tự phát vỗ tay, vỗ tay đối với các bác sĩ và y tá bắt đầu như một dấu hiệu của sự khích lệ và hy vọng. Nhiều người đã liều mạng sống mình và nhiều người đã hy sinh mạng sống ấy. Chúng ta hãy nới rộng sự hoan nghênh này đến mọi thành viên trong xã hội, đến từng người và mọi người vì sự đóng góp quý báu của họ, dù nhỏ nhoi đến đâu. "Nhưng người đó có thể làm được gì ở đó không?" “Hãy nghe người đó! Hãy cho người đó không gian để làm việc, hãy tham khảo ý kiến của họ. Chúng ta hãy hoan nghênh những người “bị ném đi”, những người mà văn hóa định nghĩa như những người bị “vứt bỏ”, thứ văn hóa vứt bỏ này - nghĩa là chúng ta hãy hoan nghênh người già, trẻ em, người khuyết tật, hãy hoan nghênh những người lao động, tất cả những người cống hiến bản thân để phục vụ. Mọi người hợp tác để thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Nhưng chúng ta đừng chỉ dừng lại ở việc hoan nghênh. Hy vọng có tính táo bạo và vì vậy, chúng ta hãy khuyến khích bản thân ước mơ lớn lao. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy học cách ước mơ lớn lao! Đừng ngại ước mơ lớn lao, tìm kiếm các lý tưởng công lý và tình yêu xã hội được sinh ra từ hy vọng. Đừng cố xây dựng lại quá khứ, quá khứ đã là quá khứ, hãy hướng tới những điều mới mẻ. Lời Chúa hứa là: "Ta sẽ làm cho mọi sự trở nên mới mẻ". Chúng ta hãy khuyến khích bản thân ước mơ lớn lao, tìm kiếm những lý tưởng đó, đừng cố gắng tái tạo quá khứ, nhất là quá khứ bất công và đã bệnh hoạn…. Hãy cùng nhau xây dựng một tương lai nơi các chiều kích địa phương và hoàn cầu cùng làm giàu cho nhau - mọi người đều có thể đóng góp, mọi người phải đóng góp phần của mình, từ nền văn hóa của họ, từ nền triết lý của họ, từ cách suy nghĩ của họ - nơi mà vẻ đẹp và sự giàu có của các nhóm nhỏ hơn, thậm chí những nhóm bị gạt ra bên lề, có thể triển nở - bởi vì vẻ đẹp cũng có mặt ở đó - và là nơi những người có nhiều cống hiến hơn để phục vụ và cống hiến nhiều hơn cho những người ít hơn. Cảm ơn anh chị em.
_________________________________________________________
[1] Thông điệp nhân Ngày Thế giới lần thứ 106 về Người di cư và Tị nạn năm 2020 (13 tháng 5 năm 2020).
[2] Xem Diễn từ với các sinh viên tại Trung tâm Văn hóa Cha Félix Varela, Havana - Cuba, ngày 20 tháng 9 năm 2015.