Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ và thần học Bí tích, Giám đốc Viện Sacerdos tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

HỎI: Việc ban phép lành trực tuyến có đem lại hiệu quả thiêng liêng giống như việc ban phép lành thực tế trong nhà thờ hay nhà nguyện không? Khi Giáo hoàng Phan-xi-cô ban phép lành với Bí Tích Thánh Thể trên quảng trường thánh Phê-rô trống rỗng trong lúc cao điểm của đại dịch Covid ở nước Ý, chúng ta, những người xem nó trên truyền hình, có nhận được ơn ích thiêng liêng của một phép lành thực sự không? Nó có tương tự như phép lành urbi et orbi [cho thành Ro-ma và thế giới] không? Cái thứ phụng vụ trực tuyến này đang trở nên khó hiểu hơn bao giờ hết. — C.M., Surigao, Philippines


TRẢ LỜI: Câu trả lời cho câu hỏi tùy thuộc phần nào vào từ “hiệu quả thiêng liêng” có nghĩa là gì vì nó có thể bao gồm nhiều thực tại khác nhau.

Theo nghĩa rộng nhất có thể, việc theo dõi phụng vụ trực tuyến khi không thể tham dự thực sự hầu như chắc chắn sẽ sinh ra một số hiệu quả thiêng liêng tích cực. Người tín hữu có thể nghe Lời Chúa được công bố và rao giảng, và kết hiệp thiêng liêng với Thiên Chúa và lời cầu nguyện của Giáo hội theo kiểu rước lễ thiêng liêng. Tóm lại chúng là dịp của ơn sủng.

Tuy nhiên điều đó nói lên rằng cử hành trực tuyến có những hạn chế nội tại không tránh khỏi. Nó không bao giờ có thể thay thế việc tham dự tích cực vào thánh lễ hay hiện diện trước Đức Ki-tô trong nhà tạm hay trên mặt nhật.

Ví dụ, trừ khi có phép chuẩn đặc biệt, chúng ta không thể đón nhận những ân xá thông thường mà Giáo hội ban cho việc tôn thờ Đức Ki-tô trong Thánh Thể. Không thể hành động hiệp nhất linh hồn và con tim như một cộng đoàn phụng vụ trong việc thờ phượng chung. Điều này là vì một cộng đoàn ảo không bao giờ có thể thay thế một cộng đoàn thực sự một cách khách quan. Tôi không phủ nhận rằng có thể có một mức độ hiệp nhất chủ quan cao trong một cộng đoàn trực tuyến, nhưng công đoàn ấy không thể tụ họp quanh một bàn thờ để tham dự vào hy lễ thánh của Đức Ki-tô. Và dĩ nhiên chúng ta không thể nâng tâm hồn lên cao bằng việc đón nhận mình thánh trong một thánh lễ trực tuyến.

Vị độc giả của chúng ta nhắc đến phép lành mà Giáo hoàng Phan-xi-cô ban trên quảng trường thánh Phê-rô ngày 27-3-2020, khi cơn đại dịch bắt đầu tác dụng. Việc làm rõ bản chất ngoại thường của hành vi này là quan trọng. Đức Thánh Cha đã ra sắc lệnh rằng việc ban phép lành Thánh Thể này như là phép lành urbi et orbi theo cách tương tự như những phép lành vào lễ Giáng sinh và Phục sinh. Như thế tất cả những ai tham dự trực tuyến vào phép lành này đều nhận được ơn sủng và ân xá gắn liền với phép lành urbi et orbi thông thường.

* * *

Việc rước lễ trên tay

Sau khi theo dõi bài viết ngày 1-9-2020 về thẩm quyền của giám mục và việc rước lễ trên tay, một độc giả từ Wagga Wagga, nước Úc, viết:

“Trong bài viết mới nhất của cha về “việc rước lễ trên tay trong đại dịch,” cha nói rằng “Không cần có một miễn trừ đặc biệt của giáo hoàng [để loại bỏ quyền rước lễ trên lưỡi] vì tình huống ấy nằm trong các nguyên tắc chung của giáo luật và thực hành trong các trường hợp tương tự.” Tuy nhiên năm 2009, trong cơn đại dịch gây ra hàng trăm ngàn tử vong, Thánh Bộ Phụng Tự Và Kỷ Luật Bí Tích trả lời câu hỏi ấy đã nói điều bao hàm trong Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ, nghĩa là “mỗi tín hữu luôn có quyền rước lễ trên lưỡi.” Con cũng nghi ngờ rằng có nhiều người không đồng ý với cách giải thích của cha về khoản giáo luật liên quan đến việc này. Một lý do là thẩm quyền miễn trừ bổn phận tham dự thánh lễ Chúa Nhật đã nằm trong chính bộ giáo luật rồi, và việc miễn trừ một bổn phận là một khía cạnh pháp luật rất khác với khả năng loại bỏ quyền được đón nhận bí tích theo một cách đặc thù mà luật giáo hội đã thiết lập và bảo vệ.”

Vị độc giả đã gởi kèm một bản chụp bức thư nói trên của Thánh Bộ.

Tôi thú nhận là tôi không phải là chuyên gia về giáo luật và có lẽ lý luận của tôi không tương xứng với những khắt khe của một soi xét chính thức.

Tôi cũng có thể nói rằng tôi biết sự tồn tại của bức thư mà độc giả nói đến trước khi viết câu trả lời ban đầu, nhưng đã không xem nội dung của nó là quan trọng với tình huống hiện nay. Cơ bản nó chỉ là lập lại các chuẩn tắc của Huấn Thị Bí Tích Cứu Độ mà không nhắc đến bối cảnh của một đại dịch trước đó. Nó cũng là một câu trả lời riêng tư do vị thứ trưởng ký và như thế không có giá trị pháp lý. Một câu trả lời khác có thể được đưa ra khi hoàn cảnh thay đổi.

Về thẩm quyền của giám mục trong việc này, có lẽ chúng ta có thể xem xét hành động của vị đại diện Đức Thánh Cha đối với Giáo phận Rô-ma. Giáo hoàng là giám mục Rô-ma và Hồng Y tổng đại diện chăm lo việc điều hành hàng ngày của giáo phận theo thẩm quyền của Giáo hoàng.

Khi nước Ý đóng cực nghiêm nhặt, vị Hồng Y tổng đại diện, cùng với hội đồng giám mục Ý, đã tạm ngưng việc cử hành thánh lễ công khai, mặc dù theo ý muốn rõ ràng của Đức Giáo Hoàng, vẫn mở cửa nhà thờ cho việc cầu nguyện riêng tư.

Bởi vì Rô-ma là nhà của nhiều dòng tu nam nữ, và nhiều học viện giáo sĩ khác, một sắc lệnh đặc biệt khác được đưa ra cho phép những người sống chung với nhau và chỉ tiếp xúc tối thiểu với bên ngoài được tiếp tục cử hành thánh lễ cộng đoàn của họ trong khi tuân giữ các thủ tục nào đó.

Trong sắc lệnh đầu tiên này, việc rước lễ trên tay được khuyến cáo nhưng không bắt buộc. Một vài tuần sau, sau khi hầu như tất cả các nữ tu trong một số tu viện bị nhiễm vi-rút, và nhiều linh mục của các dòng tu qua đời, vị Hồng Y tổng đại diện đưa ra quy chuẩn mới siết chặt các quy định trước đó.

Trong bộ quy tắc thứ hai này, việc rước lễ trên tay là bắt buộc cho tất cả mọi người.

Tôi đã nghĩ đến tất cả những điều này khi viết những gì tôi viết về thẩm quyền của giám mục trong việc này, mặc dù dường như không cần thiết phải nói chi tiết như thế vào lúc đó.

Nếu vị đại diện của Đức Thánh Cha trong giáo phận Rô-ma cho rằng ngài có thẩm quyền này, và không ai chống lại hành động của ngài, thì tôi tin rằng các giám mục khác cũng có thẩm quyền tương tự trong những tình huống tương tự.

(Bài ngày 22/9/2020 theo đường dẫn: https://zenit.org/2020/09/22/liturgy-qa-online-benedictions/)

Lê Hải Nam