Như chúng tôi đã đưa tin, London Breed, là Thị trưởng San Francisco; và Gavin Newsom, là thống đốc tiểu bang California đã tung ra các chính sách hà khắc trong việc đóng cửa các nhà thờ. Từ ngày 14 tháng 9, thị trưởng London Breed của thành phố San Francisco, bang California thuộc đảng Dân chủ, chỉ cho phép tối đa 50 người được tham dự thánh lễ ngoài trời và không cho cử hành thánh lễ trong các thánh đường. Nhà thờ được phép mở cửa cho tín hữu vào cầu nguyện riêng, nhưng mỗi lần chỉ được một người mà thôi. Trước đó, ông ta đi xa đến mức chỉ cho tối đa 12 người được dự thánh lễ ngoài trời và nhà thờ bị đóng cửa hoàn toàn.
Tình trạng lợi dụng dịch bệnh để bách hại tôn giáo đã khiến Đức Cha Thomas Paprocki, Giám Mục giáo phận Springfield thuộc tiểu bang Illinois lên tiếng trong một bài viết đăng trên tạp chí Y Khoa hàng đầu của Mỹ.
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi qua lời dịch sang Việt Ngữ của …. một bài tóm lược và nhận định của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, về bài viết này.
Chúng ta đã “thực hiện một bước bất thường và chưa từng có tiền lệ là đóng cửa phần lớn nền kinh tế của chúng ta trong vài tháng qua, yêu cầu mọi người phải ở nhà, không đi làm và không đi học,” Đức Giám Mục Paprocki viết trong bài xã luận “Xã hội đóng cửa như một phương cách bất thường để cứu mạng sống con người “, ấn bản tháng 9 của tờ Ethics & Medics, do National Catholic Bioethics Center tức Trung Tâm Đạo đức Sinh học Công Giáo Quốc gia xuất bản.
Ngài viết: “Sự khác biệt giữa hai phương cách thông thường và bất thường để giữ mạng sống là điều quan trọng, vì nếu một phương cách bất thường trong đó hậu quả lớn hơn lợi ích - thì nó không thể bị bắt buộc về mặt đạo đức và không nên bị cưỡng chế bởi quyền lực chính quyền”
“Khi phải đối diện với đại dịch, liệu chúng ta có trách nhiệm đạo đức là phải đóng cửa xã hội của mình, yêu cầu mọi người ở nhà, cho nhân viên nghỉ việc, dồn các doanh nghiệp vào tình trạng phá sản, làm suy yếu chuỗi cung ứng thực phẩm, và ngăn cản những tín đồ đến nhà thờ của họ hay không? Tôi sẽ nói là không”, Đức Giám Mục kết luận, và cho rằng những hành động như vậy “sẽ áp đặt những phương tiện bất thường và nặng nề quá mức “.
Phát biểu với CNA, Đức Cha Paprocki đã đưa ra những phân tích của ngài về sự khác biệt giữa những phương cách thông thường để bảo toàn mạng sống một bệnh nhân trong lãnh vực chăm sóc y tế, là những phương cách bắt buộc, và các phương cách bất thường, vốn quá nặng nề đến nỗi không thể bị bắt buộc phải làm khi đối phó với đại dịch.
Ngài nói: “Tôi chợt nhận ra rằng từ ngữ bất thường đó là từ ngữ mà chúng ta sử dụng trong y đức Công Giáo khi nói về các phương pháp điều trị để cứu mạng, khi anh chị em đang nói về cá thể một bệnh nhân.
“Nhìn lại các email và quyết định mà chúng ta đã đưa ra vào thời điểm đó, chúng ta phần lớn là những suy nghĩ vào giữa tháng 3, rằng chuyện đó sẽ chỉ diễn ra trong vòng một vài tuần - chúng ta sẽ đóng cửa trường học cho đến cuối tháng 3, và sau đó mọi thứ sẽ được tái mở”.
“Rõ ràng là chuyện đã không xảy ra theo chiều hướng đó,” ngài nói, “vì vậy việc đóng cửa đã kéo dài thêm một tháng nữa, và vì vậy mấy tháng sau chúng ta vẫn ở đây, và điều này cứ tiếp diễn”.
Ngài giải thích:
“Tác động của nó đối với việc mọi người có thể đi nhà thờ, rước lễ, đi làm, đi học...với tất cả những gì là cơ bản, đã bị đóng cửa một thời gian, một lần nữa, cho tôi thấy nó là điều bất thường, rằng điều này chưa bao giờ xảy ra trong đời tôi, và có lẽ trong cuộc đời của hầu hết những người còn sống bây giờ, và vì vậy từ ngữ bất thường cứ quay trở lại với tôi hoài!”
Sự phân biệt giữa hai phương cách thông thường và phi thường này lần đầu tiên được Đức Piô XII đưa ra trong một bài diễn văn năm 1957 với các nhân viên y tế, trong đó ngài nói rằng “Thường thì người ta chỉ được sử dụng các phương cách thông thường… nghĩa là những phương cách không liên quan đến bất cứ trách nhiệm nặng nề nào cho chính mình hay người khác. Một trách nhiệm khắt khe hơn sẽ quá nặng nề đối với hầu hết mọi người và sẽ khiến cho việc đạt được điều tốt đẹp hơn, quan trọng hơn trở nên quá khó khăn. Sự sống, sức khỏe, mọi hoạt động thế gian trên thực tế đều nằm ở bậc dưới của mục đích tâm linh”.
Đức Giám Mục Paprocki đặt câu hỏi, “Các mục đích tâm linh là gì? Mục đích tâm linh là sự sống vĩnh cửu, và vì vậy mọi thứ khác đều thấp kém hơn điều đó”.
“Hãy xem xét một vấn đề, về khả năng có thể đến nhà thờ và lãnh nhận các bí tích, được rước Mình thánh; hoặc một người sắp chết được chịu phép Xức Dầu Thánh. Tất cả những điều đó quan trọng hơn các hoạt động thế gian của chúng ta, còn (quan trọng) hơn cả đời sống thể lý của chúng ta trên mặt đất này. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, 'xem nào...nếu điều đó áp dụng cho... cá nhân con người, thì tại sao nguyên tắc như vậy lại không thể áp dụng cho toàn xã hội? Chúng ta có phải làm mọi thứ có thể làm để cứu sống mọi mạng người không? Thế đấy,... không làm được đâu nếu nó bất thường. “
Ngài còn lưu ý rằng, hằng năm ở Mỹ, có đến hơn 35 ngàn người chết vì tai nạn xe cộ.
Đức Giám Mục Bishop Paprocki còn nói “Làm thế nào để ta cứu được những mạng người như thế hàng năm? Đừng lái xe nữa chăng. Hay là hãy đóng cửa các xa lộ của chúng ta, đừng lên xe của mình nữa”
“Chúng ta sẽ không muốn làm điều đó, bởi vì mọi người cần phải đi làm, đến trường và thi hành các nghĩa vụ khác. Vậy ta phải làm sao? Chúng ta không làm mà không tính toán đến hậu quả. Chúng ta thực hành các biện pháp phòng ngừa, chẳng hạn như thắt giây an toàn và gắn túi hơi, anh chị em tuân thủ luật đi đường; và nếu làm điều đó, có nhiều khả năng anh chị em sẽ không chết vì tai nạn xe cộ, nhưng đó không phải là một sự bảo đảm tuyệt đối. Không có gì là bảo đảm tuyệt đối trong cuộc sống cả “.
Nếu nguyên lý nhằm phân biệt giữa các phương cách bất thường và bình thường này được “áp dụng cho mọi cá nhân, tại sao nó lại không áp dụng cho cả xã hội của chúng ta?” ngài đặt câu hỏi. “Và tôi sẽ tranh cãi rằng nó nên được áp dụng”
“Khi anh chị em thấy các chính trị gia, thí dụ như thống đốc hoặc các lãnh đạo chính phủ khác đưa ra những quyết định về việc đóng cửa mọi thứ, tôi không đặt câu hỏi về động lực của họ - đó là động lực tốt, là họ đang cố gắng cứu mạng sống, và đó là điều tốt - nhưng tôi đang cố thêm vào một chút phân tích về mặt đạo đức trong câu chuyện đó.
“Thật không đơn giản để mà nói rằng chúng ta phải làm mọi sự để có thể cứu được mọi mạng sống, là bởi vì chúng ta không làm được, đó là điều không thể. Thay vào đó, chúng ta sử dụng các phương cách thông thường, và đó là điều mà tôi hy vọng sẽ góp phần vào cuộc trò chuyện ở đây “.
Đức Giám Mục cho biết ngài “dự đoán rằng toàn bộ câu hỏi này sẽ lại xuất hiện,” và ngài lưu ý rằng Do Thái đã bắt đầu đợt đóng cửa thứ hai, kéo dài ba tuần, vì dịch coronavirus. Quốc gia này cũng bị đóng cửa từ cuối tháng Ba đến đầu tháng Năm vừa qua.
“Ở Hoa Kỳ, nếu chúng ta có một đợt Covid khác, hoặc thậm chí là một đợt cúm rất nặng, chúng ta có định đóng cửa mọi thứ lại một lần nữa không?” Đức Giám Mục Paprocki nêu câu hỏi.
“Tôi sẽ tranh luận rằng về mặt đạo đức, chúng ta không cần phải làm như vậy. Nếu ai đó tự nguyện nói, “này nhé, ngoài đó không an toàn đâu, tôi sẽ không ra ngoài', thì tốt thôi, đó là quyết định của anh chị em; nhưng về chuyện chính phủ ra lệnh đóng cửa mọi thứ, tôi không nghĩ đó là điều bắt buộc phải làm về mặt đạo đức. “
Vị giám mục cho biết, ngài đã nghe giai thoại về nhiều người “đang đi theo hướng suy nghĩ này, nhưng họ không biết chính xác phải làm thế nào để nói cho rõ ràng… mọi người đang tự mình phân tích điều này trong đầu khi có rất nhiều yếu tố khác nhau mà chúng ta phải cân nhắc ở đây, và vì vậy những gì tôi đang cố gắng làm ở đây là thêm vào một ngữ vựng lấy từ truyền thống đạo đức Công Giáo của chúng ta để có thể giúp ích cho cuộc trò chuyện này. “
Trong bài xã luận của mình, ngài đã trích dẫn một chương trình đã được phát sóng vào tháng Bảy vừa qua của đài NBC Nightly News, trong đó năm bác sĩ nhi khoa đã “đồng nhất và dứt khoát nói rằng lợi ích của việc trẻ em được đi học lại lớn hơn những rủi ro.”
Ngài nói rằng, có những phụ huynh, giáo viên và học sinh đã nói với ngài rằng họ “rất vui khi được trở lại trường học”; Các trường Công Giáo trong giáo phận, và trên khắp tiểu bang Illinois đã mở cửa trở lại. “Tôi nghe mọi người nói rằng đó là điều quan trọng hơn, ngay cả khi có một số rủi ro… ở đây, chúng ta đang cân nhắc giữa trách nhiệm và lợi ích. Cũng có một số rủi ro đối với sự lây lan của Covid. Nhưng ở mặt khác, nếu chúng ta đóng cửa việc học của các em, sẽ có những rủi ro gì?
“Khi tôi nói rằng việc ngừng hoạt động là một phương cách bất thường, tôi chắc chắn không coi thường tầm quan trọng của những gì chúng ta có thể làm để cứu mạng sống, để giúp đỡ những người bệnh, để cố gắng đối phó với mối đe dọa từ Covid,” Đức Giám Mục Paprocki nhấn mạnh.
“Xuất thân từ lãnh vực chăm sóc sức khỏe đã cho tôi biết rằng đây là những quyết định phức tạp, nhưng chúng ta cũng có những cách rất đa dạng để cố gắng xem xét chúng, và cố gắng phân tích chúng.”
Đức cha xuất thân trong một gia đình có nhiều dược sĩ, với bốn thế hệ hoạt động trong ngành nghề này; bản thân ngài cũng là phó chủ tịch Hiệp hội Y tế Công Giáo Illinois, và khi còn là một linh mục của Tổng giáo phận Chicago, ngài từng giữ chức vụ Liên lạc viên về các vấn đề Y tế và Bệnh viện.
Ngài cũng nhắc đến sự quân bình giữa những mối quan tâm đối với người lớn tuổi, những người dễ bị tổn thương vì coronavirus.
“Chúng ta đang có những bước phải làm để bảo đảm rằng người lớn tuổi không mắc bệnh, không bị Covid, và đó là yếu tố quan trọng, bởi vì họ là nhóm người có những nguy cơ lớn hơn, và dễ tổn thương hơn giới trẻ. Mặt khác, sự khang an vể thể chất của họ, dù rất quan trọng, lại không phải là mối quan tâm duy nhất. “
Trong bài xã luận của mình, vị giám mục đã nói rằng người cô dì của ngài, cụ Marian Jacobs, đã mừng sinh nhật lần thứ 102 của mình vào tháng Ba vừa qua. Cụ bà thường đón mừng (sinh nhật) với gia đình, nhưng hiện đã bị cấm làm điều này. Ngài viết: “Thật vậy, với số thăm viếng của người nhà bị giới hạn kể từ tháng 3, cụ đã sa sút nhanh chóng và đã bị chuyển từ căn hộ của mình đến căn hộ có người hỗ trợ.
“Người già cần được ở bên mọi người, với gia đình, họ cần tương tác xã hội, giống như bất cứ người nào khác” ngài nói với CNA. “Và vì thế, chúng ta phải cố gắng giữ cân bằng giữa việc giữ cho họ được an toàn về thể chất, đồng thời để họ được hạnh phúc. Như tôi đã viết trong bài báo của mình, tôi sợ rằng dì tôi sẽ chết vì buồn lòng hơn là vì Covid. “
Việc phân biệt sự khác nhau giữa các phương cách thông thường và bất thường là một “quyết định chủ quan” Đức Giám Mục Paprocki giải thích.
Ngài thừa nhận: “Không có điểm chuẩn nào dễ dàng cả. “Nếu bạn so sánh điều này bằng sự tương quan với các quyết định cuối đời, khi một gia đình nói chuyện với bác sĩ về việc phải làm gì cho người nhà đang chờ chết, loại điều trị nào, liệu có nên đưa họ vào việc dưỡng lão an tử hay chăm sóc giảm đau, có một số cách. để giảm bớt đau khổ của họ? Đó là những cuộc trò chuyện khó khăn, nhưng chúng lại là những cuộc trò chuyện quan trọng. Vì vậy, tôi không có ý giảm thiểu mức độ khó khăn của lãnh đạo chính quyền khi đưa ra những quyết định này. “
Một tiêu chí quan trọng, ngài khẳng định, là thời gian ngừng hoạt động.
Mặc dù các biện pháp tạm thời có thể tốt, thậm chí là cần thiết, “chúng ta có thể ngưng các bí tích của mình một cách vô thời hạn không? Tôi không nghĩ vậy”, ngài nói thế.
“Chúng ta có thể làm thế trong một khoảng thời gian ngắn, [nhưng nếu] chúng ta không thể cho anh chị em biết khi nào anh chị em sẽ có thể lãnh nhận các bí tích lại, thì tôi nghĩ điều đó đang đặt mục đích thiêng liêng của chúng ta xuống bên dưới những mục đích thể lý, như Đức Giáo Hoàng Pius XII đã nói.
“Đối với những người trong chúng ta, những người xem cuộc sống vĩnh cửu quan trọng hơn cuộc sống thể chất của mình trên trái đất, chính phủ không nên can thiệp vào nỗ lực giữ đạo của chúng ta,” ngài nói, lưu ý rằng nỗi sợ hãi phổ biến về chết chóc vẫn còn là lời kêu gọi truyền giáo cho giáo hội.
“Cái chết là một phần tự nhiên của chu kỳ sống, nhưng nếu anh chị em không tin vào Chúa, vào đời sau, điều duy nhất anh chị em tin là thế giới vật chất ở đây bây giờ, thì cái chết trở nên điềm gở hơn nhiều,” ngài nói.
“Nền văn hóa của chúng ta đang gặp khó khăn trong việc đối phó với nó. Chúng ta không thích nói về cái chết, chúng ta sử dụng các phép uyển ngữ; thay vì nói ai đó đã chết, chúng ta nói ai đó đã qua đời “.
“Chúng ta thậm chí không thích nói về đám tang,” ngài nói tiếp, “. Đó là một buổi lễ để 'tán tụng cuộc sống' và điều đó cũng được thôi - không có gì sai khi ta tán tụng cuộc đời của một người. Nhưng đó là để nhìn lại, nhớ lại cuộc sống của người đó trên trái đất này. Trong khi đám tang Công Giáo của chúng ta thì lại nhìn về phía trước, chúng ta cầu nguyện cho linh hồn này được an nghỉ, chúng ta cầu nguyện cho cuộc sống vĩnh cửu của họ “.
“Đó mới là tin mừng của Phúc âm, khi Chúa Giêsu đã đến để ban cho chúng ta sự sống đời đời nơi thiên quốc của Ngài. Vì vậy, đó mới là nơi chốn chúng ta nên tập trung vào.”
Source:Catholic News Agency