Đức Hồng Y Raymond Burke, một luật sư giáo luật và trước đây là chánh án tòa án tối cao của Giáo hội, đã nói rằng các chính trị gia Công Giáo ủng hộ việc phá thai không nên rước lễ, kể cả ứng viên tổng thống Joe Biden.

Biden “không phải là người Công Giáo có phẩm hạnh tốt và ông ta không nên tiến lên rước lễ,” Đức Hồng Y Burke nói trong một cuộc phỏng vấn với Thomas McKenna, người đứng đầu một tổ chức có tên “Công Giáo Hành động vì Đức tin và Gia đình”, là tổ chức thường có các cuộc phỏng vấn với Đức Hồng Y.

“Đây không phải là một tuyên bố chính trị, tôi không có ý định tham gia vào việc giới thiệu bất kỳ ứng cử viên nào cho chức vụ tổng thống, mà chỉ đơn giản là tuyên bố rằng người Công Giáo không được ủng hộ việc phá thai dưới bất kỳ hình thái hay hình thức nào vì đó là một trong những tội lỗi nghiêm trọng nhất đối với sự sống con người, và luôn bị coi là xấu xa tự bản chất và do đó, hỗ trợ cho hành động này dưới mọi hình thức là một tội trọng.”

Khi được hỏi cụ thể về Biden, Đức Hồng Y Burke nhận xét rằng ông Joe Biden “ không chỉ tích cực hỗ trợ phá thai ở đất nước chúng ta mà thôi nhưng còn tuyên bố công khai trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông dự định làm cho phẫu thuật phá thai trở thành một lựa chọn dễ dàng cho tất cả mọi người dưới hình thức rộng rãi nhất và bãi bỏ tất cả các hạn chế liên quan đến thực hành này đã được áp đặt trong quá khứ”.

“Vì thế, trước hết, tôi sẽ bảo ông ta đừng lên Rước Lễ vì lòng bác ái đối với chính mình, bởi vì đó sẽ là một sự phạm thánh, và là mối nguy hiểm cho phần rỗi linh hồn của ông ta.”

“Mặt khác, ông ta cũng đừng lên Rước Lễ để khỏi gây tai tiếng cho mọi người. Bởi vì ai nói ‘tốt, tôi là một người Công Giáo sùng đạo’ nhưng đồng thời đang cổ súy cho việc phá thai, thì điều đó tạo cho người khác cảm giác rằng việc một người Công Giáo ủng hộ việc phá thai là có thể chấp nhận được. Nhưng tất nhiên điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được. Nó chưa bao giờ được chấp nhận, và sẽ không bao giờ được chấp nhận.”

Đức Hồng Y Burke nguyên là Giám mục của La Crosse, Wisconsin và là Tổng giám mục của St. Louis trước khi được bổ nhiệm làm chánh án Tối Cao Pháp Viện của Vatican vào năm 2008. Đây là tòa án giáo luật cao nhất trong Giáo hội. Đức Hồng Y Burke là chánh án Tối Cao Pháp Viện cho đến năm 2014 và vẫn là một thành viên của tòa án này.

Năm 2007, Đức Hồng Y Burke đã xuất bản trên tạp chí giáo luật uy tín “Periodica” một bài báo nghiên cứu về việc không cho những người Công Giáo mắc tội trọng được rước lễ. Bài báo được nhiều luật sư giáo luật coi là một nghiên cứu sâu sắc về học thuật và rất triệt để về chủ đề này.

Trong cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Burke cho biết giáo lý truyền thống của Giáo hội dạy rằng những ai trong tình trạng mắc tội trọng không được rước lễ. Ngài đã trích dẫn lời khuyên của Thánh Phaolô trong thư thứ nhất gởi các tín hữu Cô-rinh-tô rằng bất cứ ai “ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” và đang “ăn và uống án phạt của mình”

Đức Hồng Y đã thảo luận về khái niệm tai tiếng. Ngài nói rằng “tai tiếng có nghĩa là bạn dẫn người khác vào suy nghĩ sai lầm và hành động sai theo gương của bạn.”

“Nếu mọi người có chút nghi ngờ trong tâm trí của họ về việc phá thai, và họ thấy người đàn ông này tự xưng mình là một người sùng đạo và anh ta đang thúc đẩy việc phá thai một cách mạnh nhất có thể được, thì điều này khiến mọi người nghĩ rằng việc phá thai phải được chấp nhận về mặt đạo đức và vì thế người gây ra tai tiếng phải chịu trách nhiệm - không chỉ là vì tội gây ra tai tiếng, không chỉ vì những hành động sai trái của mình trong việc ủng hộ phá thai mà còn vì đã khiến người khác nghĩ rằng việc phá thai là chấp nhận được,” Đức Hồng Y Burke nói.

“Tôi không thể tưởng tượng được rằng có người Công Giáo nào lại không biết rằng phá thai là một tội lỗi nghiêm trọng, nhưng nếu họ thiệt tình không biết, thì một khi họ đã được bảo cho biết, thì họ hoặc phải ngừng ngay tức khắc việc ủng hộ phá thai hoặc chấp nhận sự thật rằng họ không phải là một người Công Giáo có tư cách tốt và do đó không nên tiến lên rước lễ”.

Đức Hồng Y Burke giải thích rằng khi ngài còn là một giám mục giáo phận, khi nhận thức được có chính trị gia nào ủng hộ phá thai trong giáo phận của ngài, thì việc ngài làm ngay lập tức là liên hệ với họ để bảo đảm rằng họ hiểu rõ tính chất nghiêm trọng của tội lỗi này.

Nếu sau một cuộc trò chuyện về giáo huấn của Giáo hội liên quan đến sự sống con người, mà họ “vẫn không muốn hành động theo giáo huấn của Hội Thánh thì tôi sẽ nói ngay với họ rằng ‘bạn không được lên rước lễ’,” Đức Hồng Y giải thích.

Nhận xét của Đức Hồng Y Burke rút ra từ các điều 915 và 916 của Bộ Giáo luật, trong đó giải thích rằng một người ý thức mình đang mắc tội trọng thì không nên Rước lễ nếu không xưng tội trước, và người Công Giáo nào “cố chấp kiên trì thể hiện tội trọng không nên được cho rước lễ.”

Năm 2004, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, khi đó là tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin, đã viết một bản ghi nhớ cho các giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, giải thích việc áp dụng điều 915 sách giáo lý Công Giáo liên quan đến các chính trị gia phò phá thai.

Chính trị gia Công Giáo nào “vận động và bỏ phiếu cho dự luật phá thai và an tử” thì tạo nên một sự “hợp tác chính thức” với tội lỗi nghiêm trọng đó, bức thư giải thích.

Trong những trường hợp như vậy, “vị mục tử của anh ta nên gặp anh ta, hướng dẫn anh ta về giáo huấn của Giáo Hội, thông báo cho anh ta biết rằng anh ta không được lễ Rước Lễ cho đến khi anh ta chấm dứt tình trạng tội lỗi khách quan này, và cảnh báo anh ta rằng anh ta sẽ bị từ chối Thánh thể nếu không tùng phục giáo huấn của Hội Thánh”, Đức Ratzinger viết.

Nếu cá nhân vẫn tiếp tục phạm tội trọng và vẫn lên rước lễ, thì “thừa tác viên Thánh Thể phải quyết liệt từ chối trao Mình Thánh Chúa”

Ngay sau khi Ratzinger viết bản ghi nhớ đó, các giám mục Hoa Kỳ đã đồng ý việc áp dụng các quy tắc đó nên được quyết định bởi các giám mục riêng lẻ, thay vì hội đồng giám mục. Quyết định này được đưa ra phần lớn dưới ảnh hưởng của Theodore McCarrick, lúc bấy giờ là Tổng giám mục của Washington, làngười đã dấu đi bức thư, diễn giải bức thư theo ý mình, nhưng đã không trình bày toàn bộ cho các giám mục.

Một số giám mục đã cấm các chính trị gia ủng hộ “ luật phá thai được phép “ rước lễ, nhưng những người khác đã bác bỏ, hoặc nói thẳng rằng họ sẽ không từ chối các chính trị gia như vậy về Bí tích Thánh Thể.

Biden vào tháng 10 năm 2019 đã bị từ chối không cho rước lễ tại một giáo xứ Nam Carolina.

“Rước lễ biểu thị chúng ta là một với Thiên Chúa, với nhau và với Giáo hội. Hành động của chúng tôi nên phản ánh điều đó. Bất kỳ nhân vật công cộng nào ủng hộ việc phá thai đều tự đặt mình ra ngoài tình hiệp thông của Giáo hội,” Cha Robert Morey, cha sở của Nhà thờ Công Giáo St. Anthony ở Giáo phận Charleston, nói với CNA sau khi Biden bị từ chối Rước lễ.


Source:Catholic News Agency