Toàn văn Thông điệp ‘Fratelli Tutti’
của Đức Phanxicô
Về Tình Huynh Đệ và Tình Hữu Nghị Xã hội




“FRATELLI TUTTI” (Tất cả là anh em)[1]. Với những lời này, Thánh Phanxicô Assisi đã ngỏ lời với anh chị em của ngài và đề nghị với họ một lối sống mang đậm hương vị Tin Mừng. Trong số những lời khuyên được Thánh Phanxicô đưa ra, tôi muốn chọn lời khuyên trong đó ngài kêu gọi phải có một tình yêu vượt qua các rào cản địa lý và khoảng cách, và tuyên bố là có phúc tất cả những ai yêu thương anh em mình “khi xa cách họ cũng nhiều như khi ở bên cạnh họ” [2]. Theo cách đơn giản và trực tiếp của ngài, Thánh Phanxicô đã diễn tả bản chất của tính cởi mở huynh đệ, một tính cởi mở giúp chúng ta nhìn nhận, đánh giá cao và yêu thương mỗi người, bất kể sự gần gũi thể lý, bất kể người đó sinh ra hay sống ở đâu.

2. Vị thánh của tình yêu huynh đệ, của sự giản dị và vui tươi này, người đã truyền cảm hứng cho tôi viết Thông điệp Laudato Si’, một lần nữa thúc giục tôi dành Thông điệp mới này cho tình huynh đệ và tình hữu nghị xã hội. Thánh Phanxicô cảm thấy mình là anh em với mặt trời, với biển cả và gió lộng, nhưng ngài biết ngài thậm chí còn gần gũi hơn với những người cùng xương cùng thịt với mình. Bất cứ đi đâu, ngài cũng gieo những hạt giống hòa bình và đi bên cạnh những người nghèo, những người bị bỏ rơi, những người ốm yếu và bị ruồng bỏ, những anh chị em nhỏ bé nhất của ngài.

KHÔNG BIÊN GIỚI

3. Có một tình tiết trong cuộc đời của Thánh Phanxicô cho thấy tính cởi mở trong tấm lòng của ngài, một tấm lòng không có biên giới và vượt quá những khác biệt về nguồn gốc, quốc tịch, màu da hay tôn giáo. Đó là chuyến ngài đến thăm Sultan Malik-el-Kamil, ở Ai Cập, một chuyến viếng thăm ngụ hàm nhiều gian khổ đáng kể, vì cảnh nghèo của Thánh Phanxicô, nguồn tài nguyên hiếm hoi của ngài, khoảng cách xa xôi phải đi và các khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa và tôn giáo. Cuộc hành trình này, được thực hiện vào thời điểm diễn ra các cuộc Thập tự chinh, càng cho thấy rõ hơn chiều rộng và sự vĩ đại của tình yêu nơi ngài, luôn tìm cách bao trùm mọi người. Lòng trung thành của Thánh Phanxicô đối với Chúa của ngài đồng cân lượng với tình yêu của ngài dành cho anh chị em của mình. Không quan ngại đối với những gian khổ và nguy hiểm liên hệ, Thánh Phanxicô đến gặp Sultan với cùng một thái độ mà ngài vốn truyền thụ cho các môn đệ của ngài: nếu họ thấy mình “giữa những người Saracens và những người không tin khác”, thì, tuy không từ bỏ căn tính của mình nhưng họ không được “dấn thân vào những cuộc tranh luận hoặc tranh cãi, nhưng phải tùy theo mọi tạo vật nhân bản vì danh Chúa” [3]. Trong bối cảnh thời đại, đây quả là một khuyến cáo phi thường. Chúng ta rất có ấn tượng khi cách nay tám trăm năm, Thánh Phanxicô đã thúc giục phải tránh xa mọi hình thức thù địch hoặc xung đột và phải biểu lộ một “sự tuân phục” đầy khiêm tốn và huynh đệ với những người không cùng một đức tin với ngài.

4. Thánh Phanxicô không gây chiến bằng những lời lẽ nhằm áp đặt các học thuyết; ngài chỉ đơn giản truyền bá tình yêu của Thiên Chúa. Ngài hiểu rằng “Thiên Chúa là tình yêu và những ai ở trong tình yêu thì cũng ở trong Thiên Chúa” (1Ga 4:16). Bằng cách này, ngài đã trở thành một người cha của mọi người và truyền cảm hứng cho viễn kiến về một xã hội huynh đệ. Thật vậy, “chỉ người nào tiếp cận người khác, không vì mục đích lôi kéo họ vào cuộc sống của mình, nhưng để giúp họ trở nên hoàn toàn là chính họ hơn, mới thực sự được gọi là người cha” [4]. Trong thế giới thời đó, với đầy rẫy những tháp canh và tường phòng thủ, các thành phố là nơi diễn ra các cuộc chiến tàn khốc giữa các gia đình quyền thế, ngay khi nghèo đói đang lan tràn khắp vùng nông thôn. Tuy nhiên, lúc đó, Thánh Phanxicô đã có thể chào đón sự bình an đích thực trong lòng mình và tự giải phóng bản thân khỏi khao khát vận dụng quyền lực trên người khác. Ngài trở thành một trong những người nghèo và tìm cách sống hòa hợp với mọi người. Thánh Phanxicô đã truyền cảm hứng cho những trang của thông điệp này.

5. Các vấn đề về tình huynh đệ nhân bản và tình hữu nghị xã hội luôn là mối quan tâm của tôi. Trong những năm gần đây, tôi đã nói về chúng nhiều lần và trong các khung cảnh khác nhau. Trong Thông điệp này, tôi tìm cách tập hợp các tuyên bố đó lại với nhau và định vị chúng trong một bối cảnh suy tư rộng hơn. Trong quá trình chuẩn bị Laudato Si’, tôi đã lấy nguồn cảm hứng từ người anh em của tôi, Bartholomew, Thượng phụ Chính thống giáo, người đã mạnh mẽ lên tiếng về sự cần thiết của chúng ta phải chăm sóc sáng thế. Dịp này đây, tôi cảm thấy được sự khích lệ đặc biệt của Đại Imam Ahmad Al-Tayyeb, người mà tôi đã gặp ở Abu Dhabi, nơi chúng tôi tuyên bố rằng “Thiên Chúa đã tạo dựng mọi hửu thể nhân bản bình đẳng nhau về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em một nhà” [5]. Đây không phải là một cử chỉ chỉ có tính ngoại giao đơn thuần, nhưng là một suy tư phát sinh từ đối thoại và cam kết chung. Thông điệp này tiếp thu và khai triển một số chủ đề lớn được nêu ra trong Văn kiện mà cả hai chúng tôi đã ký kết. Tôi cũng đã kết hợp, cùng với những suy nghĩ của riêng mình, một số thư từ, tài liệu và những xem xét mà tôi đã nhận được từ nhiều cá nhân và nhóm trên khắp thế giới.

6. Các trang sau đây không cho là đã đưa ra một giáo huấn hoàn chỉnh về tình yêu thương huynh đệ, nhưng đúng hơn, là xem xét phạm vi phổ quát của nó, sự cởi mở của nó đối với mọi người nam và nữ. Tôi cung hiến Thông điệp xã hội này như một đóng góp khiêm tốn để tiếp tục suy tư, với hy vọng rằng trước những nỗ lực ngày nay nhằm loại bỏ hoặc làm ngơ người khác, chúng ta có thể chứng tỏ mình có khả năng đáp ứng bằng một viễn kiến mới mẻ về tình huynh đệ và tình hữu nghị xã hội không nằm mãi ở bình diện ngôn từ mà thôi. Mặc dù tôi đã viết nó từ các xác tín Kitô giáo, là các xác tín đã truyền cảm hứng và nâng đỡ tôi, nhưng tôi vẫn tìm cách làm cho sự suy tư này trở thành một lời mời đối thoại giữa tất cả những người có thiện chí.

7. Khi tôi đang viết thông điệp này, đại dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát, phơi trần các an toàn giả mạo của chúng ta. Bỏ qua các cách khác nhau được các quốc gia khác nhau dùng để đáp ứng cuộc khủng hoảng, việc họ không có khả năng làm việc với nhau đã trở nên khá hiển nhiên. Bất chấp sự kiện các quốc gia vốn nối kết chặt chẽ với nhau, chúng ta chứng kiến một sự phân mảnh khiến việc giải quyết các vấn đề đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta trở nên khó khăn hơn. Bất cứ ai nghĩ rằng bài học duy nhất cần phải học là việc cần phải cải thiện những gì chúng ta đã làm, hoặc tinh chỉnh các hệ thống và quy định hiện có, thì điều này đang phủ nhận thực tại.

8. Tôi mong muốn rằng, trong thời đại hiện nay của chúng ta, nhờ thừa nhận phẩm giá của mỗi con người nhân bản, chúng ta có thể góp phần vào việc tái sinh khát vọng phổ quát về tình huynh đệ. Tình huynh đệ giữa mọi người nam và người nữ. “Ở đây chúng ta có một bí quyết tuyệt vời; nó chỉ cho chúng ta cách ước mơ và biến cuộc sống ta thành một cuộc phiêu lưu kỳ thú. Không ai có thể đối đầu với cuộc sống trong cô lập… Chúng ta cần một cộng đồng hỗ trợ và giúp đỡ chúng ta, trong đó, chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để tiếp tục nhìn về phía trước. Ước mơ cùng với nhau quan trọng biết bao… Tự chúng ta, chúng ta có nguy cơ chỉ nhìn thấy các ảo ảnh, những sự vật không có ở đó. Trái lại, những giấc mơ được xây dựng với nhau” [6]. Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại đơn nhất, như những người bạn cùng du hành, cùng có chung một xương thịt, như những người con của cùng một trái đất, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo sự phong phú trong các niềm tin và xác tín của mình, mỗi chúng ta với tiếng nói riêng của mình, tất cả đều là anh chị em.

Kỳ tới: CHƯƠNG MỘT, ĐÁM MÂY ĐEN TRÊN MỘT THẾ GIỚI ĐÓNG KÍN