Chúa Nhật 11 tháng 10, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật 28 Mùa Thường Niên với bài Phúc Âm sau trích từ Tin Mừng theo Thánh Matthêu:
Khi ấy, Chúa Giêsu lại phán cùng các đầu mục tư tế và kỳ lão trong dân những dụ ngôn này rằng: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Những người ấy đã không đếm xỉa gì và bỏ đi: người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán; những người khác thì bắt đầy tớ vua mà nhục mạ và giết đi. Khi vua nghe biết, liền nổi cơn thịnh nộ, sai binh lính đi tru diệt bọn sát nhân đó, và thiêu huỷ thành phố của chúng. Bấy giờ vua nói với các đầy tớ rằng: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.
Ðoạn vua đi vào quan sát những người dự tiệc, và thấy ở đó một người không mặc y phục lễ cưới. Vua liền nói với người ấy rằng: “Này bạn, sao bạn vào đây mà lại không mặc y phục lễ cưới?” Người ấy lặng thinh. Bấy giờ vua truyền cho các đầy tớ rằng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng! Vì những kẻ được gọi thì nhiều, còn những kẻ được chọn thì ít”.
Mở đầu bài huấn đức ngắn trước khi đọc Kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:
Chào anh chị em, chúc một ngày tốt lành!
Với trình thuật Dụ ngôn Tiệc cưới, trong đoạn Tin Mừng ngày hôm nay (x. Mt 22, 1-14), Chúa Giêsu đã cho chúng ta thấy chương trình mà Thiên Chúa đã đề ra cho nhân loại. Vị vua “đã tổ chức lễ thành hôn cho con trai mình” là hình ảnh của Chúa Cha đã chuẩn bị cho toàn thể gia đình nhân loại một cử hành tuyệt vời về tình yêu và sự hiệp thông xung quanh Con một của Ngài. Hai lần vua sai gia nhân đi gọi khách được mời nhưng họ đều từ chối; họ không muốn đi dự tiệc vì họ có những việc khác phải suy tính: ruộng đất và công việc kinh doanh. Quá thường trong cuộc sống là chúng ta đặt tư lợi và vật chất lên trước Chúa là Đấng kêu gọi chúng ta – trong khi Ngài mời chúng ta đến dự tiệc. Nhưng vị vua trong câu chuyện ngụ ngôn không muốn thấy một hội trường trống rỗng, vì ông muốn ban phát các kho báu của vương quốc mình cho chư dân. Vì thế, ông nói với các đầy tớ của mình: “Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Đây là cách phản ứng của Thiên Chúa: khi bị từ chối, thay vì từ bỏ, Ngài bắt đầu lại và mời gọi tất cả những ai được tìm thấy trên các nẻo đường, không trừ một ai. Không ai bị loại trừ khỏi nhà của Thiên Chúa.
Thuật ngữ nguyên thủy mà Thánh sử Matthêu sử dụng, là “ngả đường”, được dùng để chỉ giới hạn của những con đường hay những điểm mà các đường phố kết thúc và các con đường bắt đầu dẫn đến các khu vực nông thôn, bên ngoài khu dân cư, nơi cuộc sống bấp bênh. Chính tại các ngả đường này của nhân loại mà nhà vua trong dụ ngôn sai các đầy tớ của mình đến, để chắc chắn tìm thấy những người sẵn lòng ngồi vào bàn ăn. Vì thế, phòng tiệc chứa đầy những người “bị loại trừ”, những người bị gạt “ra ngoài”, những người dường như không bao giờ xứng đáng để được mời dự các yến tiệc, các tiệc cưới. Thực thế, vị chủ nhà, là nhà vua, nói với các đầy tớ của mình: “Hãy mời gọi tất cả mọi người, bất luận tốt xấu. Tất cả mọi người!” Chúa thậm chí mời gọi cả những người xấu. Họ nói: “Không được đâu, tôi tệ lắm; Tôi đã làm bao nhiều điều gian ác”. Nhưng Ngài bảo họ: “Đến đây, cứ đến đây!” Chúa Giêsu ngồi đồng bàn với những người thu thuế, tức là những người tội lỗi công khai; bất kể họ thật tệ. Thiên Chúa không sợ tâm hồn chúng ta với những tổn thương bởi quá nhiều sự gian ác, vì Ngài yêu mến chúng ta; vì thế Ngài mời gọi chúng ta. Giáo Hội được kêu gọi để tiếp cận với những ngã đường hàng ngày, nghĩa là, những vùng ngoại vi địa lý và hiện sinh của nhân loại, những nơi con người bị gạt ra bên lề, những hoàn cảnh mà những người cư ngụ ở đó được xem như những tàn tích vô vọng của nhân loại. Đối với chúng ta, vấn đề không phải là tìm cách lưu lại trong sự thoải mái và những cách thức quen thuộc trong việc loan báo Tin Mừng và làm chứng cho đức ái; nhưng là mở rộng cánh cửa trái tim của chúng ta và của cộng đoàn chúng ta cho tất cả mọi người, bởi vì Tin Mừng không chỉ dành cho một số ít người được tuyển chọn.
Ngay cả những người bên lề, ngay cả những người bị từ chối, và những người bị xã hội khinh thường, đều được Thiên Chúa cho là xứng đáng với tình yêu của Ngài. Ngài chuẩn bị bữa tiệc cho mọi người: người công chính cũng như kẻ tội lỗi, người lành cũng như kẻ dữ, người học thức cũng như người ít học.
Tối qua, tôi đã gọi điện cho một linh mục lớn tuổi người Ý, một nhà truyền giáo từ lúc còn trẻ ở Brazil, nhưng luôn làm việc với những người bị loại trừ, với những người nghèo. Và ngài sống tuổi già trong bình an: ngài đã đốt cháy cuộc đời mình cho những người nghèo. Ðó chính là Giáo hội Mẹ chúng ta, và cha ấy là sứ giả mà Chúa sai đi đến các ngả đường.
Tuy nhiên, Chúa đặt ra một điều kiện: phải mặc áo cưới. Chúng ta hãy trở lại câu chuyện ngụ ngôn. Khi phòng cưới đã chật kín, nhà vua đi vào và chào đón những vị khách vào giờ chót này, nhưng ông thấy một người trong số họ không mặc y phục lễ cưới, là loại áo mà mỗi người khách đều được nhận như một món quà ở lối vào. Khi họ đến, họ ăn mặc như lúc được mời, với các y phục họ có khả năng vươn tới, họ không ăn mặc kiểu lễ hội. Nhưng ở lối vào, họ được tặng một loại áo choàng, như một món quà miễn phí. Nhưng người đàn ông này không mặc y phục lễ cưới vì ông ta từ chối món quà ấy. Ông ta đã tự loại trừ chính mình: như thế nhà vua không thể làm gì khác hơn là đuổi người ấy ra bên ngoài. Người này đã đón nhận lời mời, nhưng sau đó lại quyết định rằng điều đó chẳng có ý nghĩa gì đối với anh ta cả. Anh ta là người tự cho mình là đủ lắm rồi, anh ta không muốn thay đổi cũng chẳng muốn Chúa thay đổi anh. Y phục lễ cưới - chiếc áo choàng này, là một món quà - tượng trưng cho lòng thương xót mà Thiên Chúa ban cho chúng ta một cách nhưng không. Ðó là ân sủng. Không có ân sủng, anh chị em không thể tiến một bước nào trong đời sống Kitô hữu. Tất cả đều là ân sủng. Nhận lời mời bước theo Chúa thôi thì chưa đủ đâu, còn cần phải sẵn sàng cho một hành trình hoán cải, thay đổi con tim. Y phục của lòng thương xót, mà Thiên Chúa không ngừng trao ban cho chúng ta, là một “món quà nhưng không” từ tình yêu của Ngài, đó chính là ân sủng. Và nó đòi phải được đón nhận với sự ngạc nhiên và vui mừng: “Cảm ơn Chúa đã ban cho con món quà này”.
Xin Mẹ Maria Rất Thánh giúp chúng ta noi gương những đầy tớ trong dụ ngôn để thoát khỏi những lối nhìn và khuôn khổ hạn hẹp của mình, để loan báo cho mọi người rằng Chúa mời chúng ta đến dự tiệc của Ngài, để ban cho chúng ta ân sủng cứu độ.