HẠT CẢI TRONG VƯỜN & NẮM MEN TRONG BỘT
Thưa anh chị em, chúng ta cùng suy niệm Lời Chúa của ngày Thứ Ba, 27 tháng 10 năm 2020.
Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.
Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô ở cùng anh chị em.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca. (Lc 13:18-21)
Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Nước Thiên Chúa giống cái gì đây? Tôi phải ví Nước ấy với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.”
Người lại nói: “Tôi phải ví Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba đấu bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Tôi xin mạn phép anh chị em để nhắc đến hai nhân vật lịch sử.
Một người là nhà quân sự, từng có ảnh hưởng mạnh mẽ trên lịch sử thế giới, sáng lập ra một Đế chế có diện tích lớn nhất trong lịch sử loài người, trải dài từ Đông Nam Á tới Âu Châu, trên một diện tích 35 triệu cây số vuông. Đế chế này chiếm gần 50% dân số thế giới và bao gồm các dân tộc đông dân và văn minh nhất thời kỳ đó như Trung Hoa, Nga sô, và phần lớn các quốc gia của thế giới Hồi giáo ở Iraq, Ba Tư và Tiểu Á. Đã có lúc cả Á và Âu Châu khiếp đảm trước quân đội của ông, người ta nói rằng nơi nào vó ngựa của ông lướt qua, đến cỏ cây cũng không thể mọc lên được.
Một nhân vật khác mà tôi muốn nói đến thì được James Allen mô tả như sau:
Ông sinh ra trong một ngôi làng nhỏ bé, con của một thôn nữ tầm thường. Lớn lên trong một ngôi làng hẻo lánh khác. Trong suốt thời kỳ thơ ấu, ông không hề được cắp sách đến trường, chỉ suốt ngày làm việc trong xưởng mộc của bố.
Ông không từng giữ bất cứ một chức vụ quan trọng nào, chưa từng sống ở đô thị, chưa từng viết sách, chưa bao giờ rời xa khỏi nơi chôn nhau cắt rốn quá 200 dặm. Cho tới khi trưởng thành, ông không có lấy một căn nhà, không từng thực hiện bất cứ một việc gì được coi là vĩ đại dưới con mắt người đương thời. Ông ta chẳng có thần thế gì ngoài chính bản thân mình.
Khi còn rất trẻ ở cái tuổi 33, ông bị bắt và bị giao nạp cho kẻ thù của mình. Tất cả bạn bè của ông đều bỏ rơi ông, có người trong bọn còn nhiều lần khẳng định rằng chưa từng biết ông. Rồi thì ông bị xét xử trong một phiên tòa bất công nhất trong lịch sử nhân loại. Ông bị đóng đinh trên một ngọn đồi giữa hai kẻ cướp. Trong lúc ông đang hấp hối, những tay đồ tể bắt thăm để chia chác cái áo của ông, tài sản duy nhất mà ông sở hữu trong cuộc đời.
Sau khi chết, nhờ vào lòng tốt của một người bạn, ông được đặt nằm trong một ngôi mộ do người khác cho mượn.
Hai nhân vật mà tôi vừa nói, chắc anh chị em đã biết, là Thành Cát Tư Hãn và Đức Giêsu Kitô.
Cả hai đều là người của lịch sử, nhưng Thành Cát Tư Hãn thuộc về lịch sử con người. Còn Đức Giêsu ở trong lịch sử cứu độ. Hai người có hai xuất thân trái ngược nhau.
Thành Cát Tư Hãn biểu hiện cho sức mạnh của vũ lực và cũng là hiện thân của sự tàn bạo. Một vài con số sau đây cho chúng ta thấy mức độ khủng khiếp của bạo lực ấy như thế nào:
Năm 1208, nước Kim ở khu vực Hoa Bắc có 53 triệu rưỡi người, sau khi bị thôn tính vào năm 1234, chỉ còn 6 triệu còn sống sót, gần 48 triệu đã bị tàn sát.
Sau khi Mông Cổ hoàn thành việc xâm lấn Trung Hoa vào năm 1279, 100 triệu dân chỉ còn lại không tới 59 triệu. Hơn 40 triệu người đã bị tiêu diệt.
Theo ước tính, quân đội của Thành Cát Tư Hãn đã giết chết khoảng 1 phần 9 dân số toàn thế giới thời đó.
Còn Đức Giêsu, chúng ta hãy nghe Napoléon Bonapartre, hoàng đế Pháp và cũng là một con người của quyền lực, nói về Ngài: “Tôi nói cho qúy vị biết rằng giữa Giêsu và những người khác trên thế giới này không có một từ ngữ nào để có thể so sánh. Alexander, Caesar, Charlemagne, và cả tôi nữa thiết lập đế quốc của mình dựa trên những gì? Trên vũ lực. Còn Đức Giêsu xây dưng đế quốc của Ngài dựa trên tình yêu. …. Tôi đã vất vả tìm kiếm trong lịch sử một cái gì đó giống như Giêsu Kitô mà không thấy ….
Thành Cát Tư Hãn tự xưng mình là vua của cả thế giới, là hoàng đế của mọi hoàng đế, nhưng đế quốc của ông chấm dứt sau 88 năm, với cái chết của Hốt tất Liệt.
Đức Giêsu chính là biểu hiện trung thực nhất về sự lớn mạnh phi thường của hạt cải, và ảnh hưởng của men trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Hơn 20 thế kỷ đã đến và đã đi qua, hôm nay Đức Giêsu là nhân vật trung tâm của nhân loại, là nguyên lý của những tiến bộ của con người. Trong lịch sử loài người, đã có hàng nghìn đội quân từng rong ruổi vó ngựa chiến chinh, đã có hàng trăm lực lượng hải quân vượt đại dương hầu chinh phục mọi miền thế giới, đã có không biết bao nhiêu hoàng đế và quân vương ngự trên ngai để thống trị. Nhưng chúng ta có thể nói tất cả những thứ đó hợp lại cũng chưa từng ảnh hưởng đến đời sống của nhân loại nhiều cho bằng cuộc đời của một con người xuất thân rất khiêm tốn từ Nazareth.
Mọi vua chúa trần gian tìm vinh quang cho mình dựa trên sức mạnh của con người, đế quốc của họ được tạo nên bằng vũ khí và bạo lực. Đức Kitô xây dựng vương quốc của Ngài bằng một khởi đầu đơn sơ và nghèo khó. Nhưng Vương quốc ấy đã tồn tại hơn 2000 năm nay và sẽ còn tồn tại mãi mãi, vì là vương quốc của tình yêu. Vũ khí Ngài dùng là yêu thương và tha thứ. Ngài không chết trên lưng ngựa trong lúc chém giết, nhưng trên cây thập giá trong khi cầu nguyện xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ thù hận ngài.
Ngài mời gọi chúng ta trở thành muối men cho đời, để cải thiện môi trường mình đang sống. Tác dụng mà men có trên bột thì rất âm thầm, nên chúng ta cũng sẽ chẳng cần khoa trương về những công trình mình thực hiện.
Để giống Đức Giêsu, chúng ta cũng cần phải trở thành thật nhỏ bé trước mặt Chúa, để Ngài có thể xử dụng chúng ta cho những công trình to lớn, vĩ đại. Đức Mẹ chỉ dám xưng mình là nữ tì hèn mọn nhưng Chúa đã đặt Mẹ làm Mẹ Thiên Chúa. Bởi vì Chúa sẽ “dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ những ai quyền thế, và nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.” như chúng ta vẫn đọc trong Kinh Manificat nên chúng ta sẽ chẳng hề mặc cảm khi phục vụ cho Vương Quốc Tình Yêu của Chúa trong một vị thế thấp hèn và ở một cương vị nhỏ nhoi.
Xưa kia Đức Giêsu đã tự hiến hoàn toàn cho loài người. Chúng ta cầu xin Ngài giúp chúng ta sẵn sàng cho đi chính mình, sống thật trọn vẹn bằng trái tim nhân ái, để mỗi ngày sống của chúng ta là một ngày yêu thương.