1. Nhiều nước Á Châu mong tổng thống Donald Trump đắc cử thêm 4 năm nữa

Andreas Illmer của BBC News có bài tường thuật về việc nhiều nước Á Châu mong tổng thống Donald Trump cai trị Hoa Kỳ thêm 4 năm nữa.

Andreas cho rằng Donald Trump không phải là một tổng thống Hoa Kỳ o bế sự ủng hộ quốc tế. Với chính sách “Nước Mỹ trước nhất”, ông ta rõ ràng sỉ vả cả một nửa thế giới, từ việc gọi các nhà lãnh đạo Âu Châu là yếu đuối đến việc mô tả người Mễ Tây Cơ là những tên hiếp dâm, thậm chí coi thường toàn bộ lục địa Phi Châu.

Nhưng đối với một số quốc gia Đông Nam Á, việc có chung một kẻ thù là Trung Quốc có nghĩa là họ sẵn sàng đứng sau lưng ủng hộ Tổng thống Trump.

Nhận định từ Hương Cảng: ‘Chỉ có Trump mới dám đánh Đảng Cộng Sản’

Hương Cảng vốn bị đàn áp dữ dội sau những cuộc biểu tình phò dân chủ và chống Trung Quốc của họ. Luật mới về an ninh đã được đưa từ Hoa Lục tới để trừng phạt bất cứ ai bị chụp mũ là theo thuyết ly khai hay phá hoại luật lệ của Bắc Kinh.

Erica Yuen nói với BBC, “Khi Donald Trump đắc cử cách đây 4 năm, tôi nghĩ nước Mỹ đã phát khùng. Tôi luôn là người ủng hộ đảng Dân chủ. Tuy nhiên, giờ đây, tôi ủng hộ Trump - cùng với rất nhiều người biểu tình Hương Cảng”.

Nhà hoạt động và nữ doanh nhân này nói rằng ưu tiên của Hương Cảng là có được một tổng thống Mỹ, dám “đấm vào mặt Đảng Cộng sản Trung Quốc - đó là điều duy nhất mà những người biểu tình ở Hương Cảng hy vọng”.

Những hy vọng này đã được nuôi dưỡng bởi những lời chỉ trích lớn tiếng của Tổng thống Mỹ đối với Trung Quốc, đặc biệt là với các chính sách của bọn cầm quyền Trung Quốc đối với Hương Cảng.

Dưới nhiệm kỳ của ông, Quốc hội đã thông qua luật thu hồi quy chế đặc biệt của Hương Cảng, vốn ưu đãi cho nước này về kinh tế vì họ cho rằng Hương Cảng không còn “tự trị” nữa. Các biện pháp chế tài cũng được áp dụng đối với người đứng đầu ngành hành pháp của Hương Cảng là Carrie Lam và 10 viên chức hàng đầu khác của Hương Cảng và Trung Quốc đại lục.

Đối thủ của ông Trump, Joe Biden, cũng tuyên bố sẽ “trừng phạt” Trung Quốc vì các hành động chống lại Hương Cảng, và đã gọi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là một “kẻ côn đồ”.

Nhưng đối với bà Yuen, điều tạo nên sự khác biệt là chính phủ hiện tại là “chính phủ đầu tiên quyết định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc là một mối nguy hại cho thế giới”.

“Tôi không biết tại sao chính phủ Obama và Clinton lại không nhận ra điều đó. Họ quá ngây thơ và nghĩ rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ chọn con đường dân chủ và trở thành một xã hội hiện đại. Nhưng điều đó đã được chứng minh là không đúng.”

Bà rất biết Hương Cảng sẽ bị tổn thương trước bất cứ tác động kinh tế nào do xung đột giữa Washington và Bắc Kinh gây ra.

Bà nói: “Bạn không thể làm hại Đảng Cộng sản Trung Quốc mà không làm hại Hương Cảng. Nhưng chúng tôi sẵn sàng chịu bất cứ đau khổ ngắn hạn nào, chúng tôi sẵn sàng hy sinh.”

Bà nói thêm rằng phần lớn các nhà hoạt động - đặc biệt là những người trẻ tuổi - chia sẻ quan điểm của bà.

Nhận định từ Đài Loan: ‘Một người anh lớn mà chúng tôi có thể nương tựa’

Căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan. Hai bên bị chia cắt trong cuộc nội chiến ở thập niên 1940, nhưng Bắc Kinh khăng khăng cho rằng họ sẽ giành lại đảo quốc vào một thời điểm nào đó, bằng vũ lực nếu cần. Washington nói rằng bất cứ giải pháp nào về sự chia cắt lâu dài của họ phải được thực hiện một cách hòa bình.

Các thuế quan và chế tài cũng đã gây ấn tượng nơi một số người ở Đài Loan.

Victor Lin, người làm việc trong lĩnh vực thương mại điện tử, nói với BBC từ Đài Loan rằng “Thái độ của Donald Trump tốt cho chúng tôi và thật tốt khi có một đồng minh như vậy. Nó giúp chúng tôi tự tin hơn về đối ngoại – về quân sự và thương mại. Chúng tôi có một người anh lớn mà chúng tôi có thể nương tựa”.

Ông Trump chắc chắn đã mở rộng vòng tay với Đài Loan. Trong vài tháng qua, hai chính phủ đã thực hiện các bước quan trọng nhằm hoàn tất một thỏa thuận thương mại song phương.

Ông Lin tin rằng thỏa ước thương mại như vậy sẽ cho phép Đài Loan thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc - có thể tiến xa hơn khi “tích cực mời các công ty lớn của Đài Loan thiết lập nhà máy tại Mỹ”.

Ông lo ngại rằng ông Biden có thể không thực hiện các bước “khiêu khích như thế này” khi đối mặt với cơn thịnh nộ của Bắc Kinh. Ông Biden từ trước đến nay được biết đến như là người ủng hộ việc đầu tư vào Trung Quốc. Mặc dù gần đây ông đã thay đổi lập trường của mình về vấn đề này nhưng chưa đến tai nhiều người Đài Loan; họ vẫn lo ngại sắp xẩy ra một cuộc “xâm lược” của Trung Quốc.

Các hành động của ông Trump để hỗ trợ Đài Loan về mặt quân sự cũng đã củng cố sự ủng hộ ông ở đó. Thực thế, một cuộc thăm dò gần đây cho thấy Đài Loan là quốc gia duy nhất ở đó, những người muốn ông Trump cai trị thêm bốn năm nữa đông hơn hẳn những người muốn ông Biden chiến thắng.

Bắc Kinh đã phản ứng mạnh mẽ, cảnh báo Mỹ “không được gửi bất cứ tín hiệu sai trái nào tới các phần tử ' độc lập Đài Loan ' để tránh gây tổn hại nặng nề cho liên hệ Trung - Mỹ”.

Nhận định từ Việt Nam: 'Dũng cảm đến khinh suất'

Cả Washington lẫn Bắc Kinh đều đã tham chiến trên đất Việt Nam trong 50 năm qua, nhưng giờ đây Mỹ không còn được coi là một kẻ thù, và quốc gia Đông Nam Á này vẫn lo sợ về “mối đe dọa Trung Quốc”.

Theo nhà báo và người làm video trên blog Linh Nguyễn, những người ủng hộ Trump của Việt Nam chia thành hai nhóm.

Những người thích ông chỉ đơn giản để giải trí và thích hào nhoáng, và những người “sống chết ủng hộ Ông Trump” và theo dõi chính trị Hoa Kỳ vì họ tin rằng - giống như nhiều người ở Hương Cảng và Đài Loan - ông ấy là thành lũy duy nhất chống lại các chính phủ Cộng sản ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Cả ông Trump lẫn ông Biden đều không nói rõ một chiến lược nào về Việt Nam, và ông Trump đã nói rất rõ rằng ông sẽ không vội can thiệp vào các cuộc xung đột và tranh chấp của các nước khác.

Tuy nhiên, một số người như nhà hoạt động chính trị Nguyễn Hữu Vinh tin rằng chỉ một người như Trump “dũng cảm đến mức khinh suất và thậm chí hung hăng” mới thực sự có thể tạo ra sự khác biệt.

“Và đó là điều khiến ông ấy khác biệt với những người tiền nhiệm. Đối phó với Trung Quốc, chúng ta cần những người như vậy.”

Khi Donald Trump lên nắm quyền, ông Vinh nói rằng ông cảm thấy thế giới cuối cùng sẽ “thức tỉnh trước những nguy cơ của Trung Quốc” và “hình thức mới của chủ nghĩa tư bản nhà nước cộng sản”.

Nhưng cũng có mong muốn cải cách kinh tế và chính trị ở Việt Nam, thoát khỏi chế độ độc đảng cộng sản.

Về mặt cá nhân, ông hy vọng lập trường mạnh mẽ của Hoa Kỳ chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tạo ra hậu quả lan tỏa toàn bộ khu vực - cuối cùng sẽ đến được Hà Nội.

Nhận định từ Nhật Bản: ‘Đây là chuyện an ninh quốc gia của chúng tôi’

Nhật Bản từ lâu đã được coi là đối tác và đồng minh quý giá của Mỹ, nhưng khi ông Trump đắc cử, nhiều người tỏ ra lo lắng về tác động của chính sách Nước Mỹ trên hết của ông đối với các mối liên hệ. Ông đã dẹp bỏ một thỏa thuận thương mại đa phương xuyên Thái Bình Dương ngay sau khi nhậm chức và khẳng định Nhật Bản phải trả nhiều tiền hơn để hỗ trợ quân đội Mỹ đóng tại đấy.

Yoko Ishii, một người làm video trên blog dưới tên Random Yoko, nói “Donald Trump là đồng minh của chúng tôi. Đối với Nhật Bản, lý do lớn nhất mà chúng tôi ủng hộ ông ấy là an ninh quốc gia”.

Cô lưu ý nhiều cuộc xâm nhập thường xuyên của máy bay và tàu quân sự Trung Quốc vào không phận và hải phận Nhật Bản. Phần lớn những hoạt động này tập trung quanh quần đảo Senkaku đang tranh chấp, được cả Tokyo lẫn Bắc Kinh đòi chủ quyền – Bắc Kinh gọi quần đảo này là quần đảo Điếu Ngư (Diaoyu).

“Chúng tôi thực sự muốn một nhà lãnh đạo từ Mỹ có thể chống lại Trung Quốc một cách mạnh mẽ”, cô nói như thế và nói thêm “Tôi không nghĩ ai có thể thẳng thắn và có sự hiện diện mạnh mẽ như vậy – người đó thực sự phải là Donald Trump”.

Cô Ishii thấy Nhật Bản trong một thế gần như liên minh với các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác, muốn Mỹ hỗ trợ chống lại Bắc Kinh.

2. Ở đất nước nơi từng được xem là Công Giáo nhất hoàn cầu, linh mục nào cử hành thánh lễ là đi tù

Các giám mục Ái Nhĩ Lan đã gặp thủ tướng trong tuần này để phản đối các hạn chế hiện tại đối với việc thờ phượng vì coronavirus.

“Chúng tôi đã và đang làm mọi thứ có thể để giữ an toàn cho các nhà thờ của mình, và không có bằng chứng nào cho thấy các nhà thờ và các cử hành Phụng Vụ thực sự là nguồn lây lan hoặc truyền nhiễm, vì vậy tôi phải nói rằng tôi rất thất vọng và tôi đã nói điều đó với thủ tướng”, Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin của Armagh nói trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh ngày 30 tháng 10, sau cuộc họp.

Việc thờ phượng nơi công cộng đã bị đình chỉ ở Ái Nhĩ Lan kể từ ngày 7 tháng 10 do một sắc lệnh của chính phủ Ái Nhĩ Lan đặt toàn bộ đất nước dưới các hạn chế “Cấp 3” do sự gia tăng các trường hợp nhiễm coronavirus. Đây là lần thứ hai các thánh lễ công cộng ở Ái Nhĩ Lan bị đình chỉ trong năm nay. Các hạn chế “Cấp 3” đe dọa phạt tiền và phạt tù những cuộc tụ họp có từ 3 người trở lên trong những nơi được cho là “không thiết yếu” trong sinh hoạt xã hội. Rõ ràng các hạn chế này nhắm trực tiếp đến các nơi thờ phượng.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin, Đức Tổng Giám Mục Diarmuid Martin của Dublin, Đức Tổng Giám Mục Michael Neary của Tuam, Đức Tổng Giám Mục Kieran O'Reilly của Cashel và Emly, và Giám mục Dermot Farrell của Ossory đã có cuộc gặp gỡ với thủ tướng Micheál Martin vào ngày 28 tháng 10 để bày tỏ “ ước muốn lớn lao được trở lại thờ phượng sớm nhất có thể”.

“Các Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng các ngài hoàn toàn ủng hộ các thông điệp Y tế Công cộng nhưng nhấn mạnh rằng việc tụ tập với nhau trong cầu nguyện và thờ phượng, đặc biệt là trong Thánh lễ và các Bí tích, là nền tảng của truyền thống Kitô giáo và là nguồn nuôi dưỡng cuộc sống và hạnh phúc của toàn thể cộng đồng”, một tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Ái Nhĩ Lan cho biết như trên.

Ái Nhĩ Lan đã từng được xem là quốc gia Công Giáo nhất hoàn cầu nhưng cách đây 2 năm các Giám Mục Ái Nhĩ Lan đã phải bày tỏ sự đau đớn và kinh hoàng của các ngài trước điều mà báo chí địa phương gọi là “sự bội giáo của cả một quốc gia”. Ý thức tầm mức nghiêm trọng của cuộc trưng cầu dân ý này, hàng giáo phẩm Ái Nhĩ Lan đã làm tất cả mọi khả năng các ngài có thể làm. Vì thế, kết quả cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2018 đã khiến các ngài kinh ngạc và thất vọng.

Trong tổng số 5,011,000 dân Ái Nhĩ Lan, 78.3% là người Công Giáo. Thế nhưng, trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 25 tháng 5, 2018, các cử tri đã lựa chọn loại bỏ quyền sống của thai nhi ra khỏi hiến pháp với một tỷ lệ áp đảo 66.4% trên 33.6%. Cuộc trưng cầu dân ý này mở đường cho việc hợp pháp hóa phá thai tự do ngay cả khi thai nhi đã 12 tuần tuổi.

Đức Cha Brendan Leahy của Limerick nói với các tín hữu một ngày sau cuộc trưng cầu dân ý rằng kết quả này “thật đáng tiếc và làm chết điếng những người trong chúng ta đã bỏ phiếu chống phá thai”

Ngài nói: “Kết quả cuối cùng của cuộc trưng cầu dân ý này là ý chí của đa số người dân, mặc dù không phải của tất cả mọi người.”

“Tất nhiên, đó chỉ là một cuộc bỏ phiếu. Điều đó không thay đổi quan điểm của chúng ta. Thông điệp của chúng ta là một thông điệp tình yêu: tình yêu dành cho tất cả, tình yêu dành cho cuộc sống, cho những người đang sống giữa chúng ta hôm nay, và cho cả các thai nhi còn trong bụng mẹ”


Source:Catholic News Agency