1. 76 người Ba Lan bị cảnh sát bắt về phá hoại thánh đường.

Cho tới hôm thứ Sáu 30 tháng 10 năm 2020, cảnh sát Ba Lan đã bắt giữ 76 người vì tội phá hoại các thánh đường, trong các vụ biểu tình chống phán quyết của tòa bảo hiến Ba Lan, tuyên bố phá các bào thai khuyết tật là trái với hiến pháp quốc gia.

Theo Bộ nội vụ Ba Lan, đã có 22 thánh đường bị phá hoại, 79 mặt tiền thánh đường bị bôi bẩn.

Hôm 28 tháng 10 năm 2020, Ban thường vụ Hội đồng Giám mục Ba Lan bày tỏ đau buồn vì sự leo thang những căng thẳng trong xã hội và những hành vi gây hấn, nhất là những ngôn ngữ tục tĩu thô bỉ của những người biểu tình, những vụ đập phá thánh đường và các tượng thánh, và cả những vụ ngăn cản tín hữu tham dự thánh lễ, hoặc các linh mục làm việc thờ phượng. Các giám mục kêu gọi thực hiện một cuộc đối thoại khách quan, từ bỏ bạo lực và tôn trọng người khác. Các chính trị gia và các tác nhân khác trong thời kỳ bi thảm này cần nghĩ đến công ích và tìm kiếm giải pháp, và không lạm dụng các vấn đề tín ngưỡng và Giáo hội.

Ngoài ra, các giám mục cũng cám ơn các giáo sĩ và giáo dân đã can đảm bảo vệ các thánh đường.


Source:Catholic News Agency

2. Trùng tu tháp David trong thời đại dịch coronavirus

Lần đầu tiên từ thời lập quốc đến nay, Israel ghi nhận hàng nhiều tháng trời không có một du khách nào đến viếng Thánh Địa Giêrusalem vì những hạn chế đi lại do virus Tầu độc địa gây ra. Đối diện với tình thế này, Israel đã quyết định nhân cơ hội này trùng tu Tháp David.

Ngọn Tháp này là một trong những điểm du lịch lớn nhất của Jerusalem, thu hút nửa triệu du khách vào năm 2019.

Được xây dựng cách đây hơn 2,500 năm, Tháp David đã đứng sừng sững như một di tích lịch sử trong nhiều thiên niên kỷ. Hiện tại công trình đang bắt đầu theo đúng cấu trúc cổ xưa. Các chuyên gia hy vọng trong tiến trình trùng tu này, người ta sẽ khám phá nhiều điều liên quan đến khảo cổ học.

Theo tờ Times of Israel, công việc trùng tu đã bắt đầu vào tháng 7, tại thời điểm đó các phòng trưng bày của Bảo tàng Tháp David đã được di tản và công việc khai quật bắt đầu. Việc cải tạo sẽ giúp xây dựng quang đãng hơn lối vào dành cho du khách cũng như tăng khả năng đón nhận số du khách. Cũng có các kế hoạch nhằm thiết lập không gian trưng bày mới trong bảo tàng viện của ngọn Tháp.

Về mặt khảo cổ, công trình cho phép các nhà nghiên cứu tìm hiểu các khu vực mà trước đây không có tài liệu, đặc biệt là các khu vực có từ thời Trung cổ. Nhóm nghiên cứu đã khai quật một khoang ngầm, nằm bên dưới tháp về phía tây, nơi bảo tàng đã sử dụng để lưu trữ. Khám nghiệm cho thấy căn phòng dưới lòng đất là một căn hầm thời trung cổ với một đường hầm dẫn đến tận bên dưới bức tường than khóc.

Amit Reem, một nhà khảo cổ học Jerusalem của Cơ quan Cổ vật Israel, nói với tờ Times of Israel:

“Chúng tôi hy vọng sẽ tìm thấy trong sàn nhà và dưới sàn nhà một số tài liệu mà chúng tôi sẽ xem xét kỹ lưỡng bằng kính hiển vi, có thể giúp tìm hiểu về chế độ ăn uống của người dân ở đây, cũng như về bệnh tật”.

Ông nói thêm, “Thật đáng tiếc khi phải nói rằng coronavirus đã ngăn cản biết bao các du khách đến đây. Nhưng tai họa này đã cho phép Bảo tàng Tháp David đóng cửa và dành khoảng thời gian này cho việc cải tạo, và các dự án khảo cổ học.”


Source:Aleteia

3. Quan Thầy các linh hồn trong luyện ngục là ai?

Hai vợ chồng Guruttis là những người nông dân nghèo sống ở Sant’ Pontano, miền Macerata, nước Ý. Họ không có con, nên đã đến đền thờ Thánh Nicholas thành Myra để cầu tự. Thánh Nicholas thành Myra chính là vị thánh mà ngày nay người ta gọi là ông già Noel. Họ cầu nguyện với Thánh Nicholas để xin Chúa ban cho họ với một đứa trẻ lớn lên sẽ phục vụ Chúa. Những lời cầu nguyện tốt đẹp này của họ đã được nhậm lời, và vào năm 1245 họ sinh được một đứa con trai. Họ đặt tên cháu bé là Nicholas để nhớ ơn vị thánh mà họ đã cầu nguyện.

Ngay khi còn nhỏ, Nicholas đã thể hiện một lòng đạo sốt sắng đặc biệt. Cậu bắt chước lối sống của các ẩn sĩ và thường trốn trong các hang động gần nhà để cầu nguyện. Khi Nicholas lớn lên, anh nhận ra tiếng Chúa gọi. Một ngày nọ, khi đang lắng nghe một linh mục dòng Augustinô rao giảng, Nicholas nhận ra anh muốn tham gia vào nhà dòng này. Anh đã bước vào cuộc sống tu trì vào năm 18 tuổi.

Trong khi vẫn còn đang theo học để trở thành một tư tế, anh đã sử dụng thời gian rảnh rỗi để giúp đỡ người nghèo. Bề trên tu viện tin tưởng và giao cho anh việc cứu tế những người nghèo quanh vùng. Thành ra, anh thường có mặt tại cổng tu viện và phân phát thức ăn từ nhà bếp và kho thực phẩm của tu viện. Anh đưa mọi thứ có thể cho những người chờ đợi, và kiểm sát viên phải ngăn anh ta lại vì sợ các huynh đệ không còn gì để ăn.

Một ngày nọ, khi đang trao thức ăn cho một cậu bé bị bệnh nặng, theo bản năng anh đặt tay lên đầu cậu bé và nói: “Chúa lòng lành vô cùng sẽ chữa cho em lành bệnh”. Cậu bé đã được chữa khỏi ngay lập tức. Tin này lan truyền nhanh chóng trong khu vực.

Vài năm sau, khi đã được thụ phong linh mục, một biến cố khác đã giúp danh tiếng của Nicholas lan rộng hơn nữa. Một người phụ nữ lớn tuổi bị mù được đưa đến cho Nicholas để vị linh mục trẻ có thể cầu nguyện cho bà. Nicholas nói những lời tương tự như đã từng nói với cậu bé bị bệnh năm xưa. Thị lực của người phụ nữ ngay lập tức được phục hồi. Tin tức về phép lạ này đã sớm lan rộng, và mọi người bắt đầu đến tuôn đến từ khắp nơi để yêu cầu Nicholas cầu nguyện và đặt tay lên họ.

Nicholas nổi tiếng với tư cách là một nhà thuyết giáo, một cha giải tội và một người chữa lành. Ngài định cư tại một tu viện ở Tolentino và dành phần còn lại của cuộc đời mình ở đó. Ở đây, Nicholas là một linh mục cho người nghèo và làm tất cả những gì có thể để giúp đỡ người nghèo. Ngài cầu nguyện cho vô số người yêu cầu. Nhiều người đã được chữa khỏi bệnh.

Một ngày kia sau một thời gian dài nhịn ăn, Nicholas trở nên yếu đuối và hầu như không thể đứng vững. Ngài nhận được một thị kiến về Đức Trinh Nữ Maria và Thánh Augustinô. Thánh Augustinô, hay còn gọi là Thánh Âu Tinh, đã bảo ngài ăn một chiếc bánh có vẽ cây thánh giá trên đó và được nhúng trong nước. Nicholas đã làm như vậy và ngay lập tức, sức mạnh của ngài được phục hồi. Từ đó, việc phân phát bánh mì Thánh Augustinô, có vẽ cây thánh giá trên đó và được nhúng trong nước, trở thành một phong tục được thực hiện cho đến tận ngày nay.

Một phần quan trọng của câu chuyện về Nicholas có liên quan đến Luyện ngục. Một đêm nọ, khi đang ngủ, Nicholas nghe thấy giọng nói của một tu sĩ quen biết đã chết. Người tu sĩ nói với Nicholas rằng người ấy đang ở trong Luyện ngục và cầu xin Nicholas dâng Thánh Lễ cầu nguyện cho mình và những linh hồn khác.

Nicholas đã dâng thánh lễ và cầu nguyện cho người tu sĩ anh em này trong bảy ngày. Sau đó, người ấy trở về và nói với ngài rằng một số linh hồn đã được thả ra và hiện đang ở với Chúa. Vì điều này, vào năm 1884, Nicholas đã được Đức Giáo Hoàng Lêo thứ 13 tuyên bố là Thánh Bảo Trợ cho các linh hồn trong luyện ngục.

Cũng có nhiều truyền thuyết liên quan đến Thánh Nicholas thành Tolentino, như việc hồi sinh các trẻ nhỏ sơ sinh, cứu người sắp chết đuối trên một con tàu bị đắm, và thậm chí cứu cả một cung điện đang cháy bừng bừng của Công tước Venice bằng cách ném một miếng bánh mì vào ngọn lửa. Ngài cũng được thấy một thị kiến trong đó Nhà Thánh Nagiarét, nơi Đức Mẹ sinh sống, đã được các Thiên thần dỡ khỏi nền móng ở Nagiarét và đưa băng qua Địa Trung Hải đến một ngọn đồi của làng Dalmatia thuộc thị trấn nhỏ Tersatto.

Thánh nhân qua đời tại Tolentino vào ngày 10 tháng 9 năm 1305. Ngài được Đức Giáo Hoàng Eugenô Đệ Tứ tuyên thánh vào năm 1446. Ngài là tu sĩ đầu tiên của dòng Augustinô được tuyên thánh.

Thánh Nicholas thành Tolentino, xin cầu cho chúng con và tất cả những ai đã ly trần mà chúng con nhớ đến trong tháng các linh hồn này.


Source:Aleteia