Tháng 11 năm 2020
“Đại dịch khiến tính dễ bị tổn thương của chúng ta xảy ra ngay tại nhà, khiến chúng ta phụ thuộc vào nhau, đem lại món quà chính là sự sống: nó giúp chúng ta thấy điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, điều gì là đáng kể”.
Việc tưởng niệm các tín hữu đã ra đi đã có lịch sử lâu đời trong Giáo hội - đó là một phần rất lớn trong đức tin chung của chúng ta và trong văn hóa của chúng ta. Một điều gì đó về chuyện này đã được một nhà văn ghi lại như sau: “Những ngày tháng 11 này… khiến tôi nhớ mãi. Những ngày này khiến tôi nghĩ đến nghĩa trang - ít nhất là trong thâm tâm - [và] khiến tôi nhận ra rằng tôi không phải là người trao ban cuộc sống cho chính mình. Chiếc áo choàng cuộc đời tôi được đan dệt bằng tất cả tình cảm và sự dịu dàng của những người không còn ở đây và đó là những người mà tôi nhớ đến” (Dorothee Söelle, Bí ẩn của cái chết).
Khi coronavirus vô hình lây lan, người ta cảm nhận được những tác động của nó ở mọi ngóc ngách của vùng đất này, và ở mọi vùng đất trên toàn cầu. Sức mạnh và sự nguy hiểm của nó khiến chúng ta không còn nghi ngờ gì nữa: chỉ riêng trên hòn đảo này, nó đã cướp đi sinh mạng của 2.600 người. Cuộc sống bị rút ngắn, những gia đình phải đối mặt với sự bất lực và đau buồn, trong những hoàn cảnh vô cùng khó khăn, không có sự giúp đỡ bình thường khi có người mất mát, xa cách khỏi gia đình, bạn bè và hàng xóm, đúng theo mọi nghĩa của từ xa cách đó.
Hôm nay là một ngày chúng ta sát cánh cùng nhau, để hỗ trợ, cầu nguyện, và đơn giản - nhưng rất quan trọng - ở bên những người đang đau buồn và mất mát. Đó là khoảnh khắc của tình đoàn kết với những người đã mất đi một người thân yêu; đó là khoảnh khắc của đức tin, và cơ hội để mang lại niềm an ủi và hy vọng mà đức tin mang lại.
Covid-19 với mối đe dọa về cái chết đã tập trung vào một mục đích then chốt trong cuộc sống của con người. Nó cũng có thể thúc đẩy chúng ta tự hỏi liệu các ưu tiên của chúng ta trước đây có bị lệch lạc hay không. Tác động của các ưu tiên mới hiển nhiên ở khắp mọi nơi, được hệ thống hóa trong các nhãn mác mới “thiết yếu” và “không thiết yếu” - mặc dù không phải lúc nào cũng rõ ràng xác định được điều gì là “thiết yếu” hay “không thiết yếu”. Cái chết nhanh chóng khiến chúng ta đánh giá lại những gì đang là thiết yếu đối với chúng ta liệu còn đúng giá trị thực sự và quan trọng không. Đại dịch khiến tính dễ bị tổn thương của chúng ta xảy ra ngay tại nhà, khiến chúng ta phụ thuộc vào nhau, đem lại món quà chính là sự sống: nó giúp chúng ta thấy điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống, điều gì là đáng kể.
Đại dịch cũng đã cướp đi bao hy vọng về cuối đời của ta, thay thế sự an ủi, sự gần gũi bằng sự đơn độc, khiến những người thân yêu phải giữ một khoảng cách, quá xa không thể thì thầm lời thương yêu. Nói ra điều này không phải là để giảm thiểu sự đóng góp anh dũng của rất nhiều y tá và bác sĩ làm việc trong các Đơn vị Chăm sóc Đặc biệt, đã bị đẩy đến giới hạn của họ và hơn thế nữa. Nỗi sợ hãi về việc Covid-19 ngăn cản bạn đến bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, và điều đó có nghĩa là các Thánh lễ an táng có ít người dự hơn và ít được hỗ trợ hơn so với các trường hợp khác trước đây. 'Trực tuyến' không thay thế cho trực tiếp, không thể thay thế cho những cái nắm tay, cho những tiếng nói cùng nhau cất lên trong bài thánh ca và lời cầu nguyện, không thay thế cho sự im lặng chữa lành mà chúng ta mang lấy trong đau buồn. Sự vắng mặt của nhau vào lúc chết thật đau đớn. Việc chịu tang cần đến nhiều giờ đau buồn cùng nhau trong tĩnh lặng, cần đến một đoàn người hàng xóm và bạn bè xuất hiện với những khay bánh.
Chúng ta phải nói gì? Đầu tiên, và quan trọng nhất, trái tim của chúng ta hướng về tất cả những người đã mất người thân trong thời điểm khó khăn này. Thứ hai, chúng ta liên kết bản thân mình với họ bằng cách chia sẻ nỗi buồn và đau đớn của họ, và chúng ta cam kết cầu nguyện và hiện diện cùng với họ. Thứ ba, tưởng nhớ người chết là để tạ ơn họ, vì họ đã ở trong cuộc sống của chúng ta - và vì đó là ân sủng, nhưng cũng để cầu xin lòng thương xót cho họ, và sự tha thứ cho chính chúng ta, bởi vì cái chết để tất cả chúng ta ở lại với “việc làm ăn dang dở, những điều lẽ ra chúng ta đã nên làm hoặc đã nên nói, và "những điều chúng ta đã không thể làm". Tha thứ không chỉ là việc của chúng ta, nó còn là - và cuối cùng là - của Thiên Chúa…. vì rốt cuộc sự tha thứ mang lại sự chữa lành, và đó là công việc của Thiên Chúa. Thứ tư, chúng ta lại cống hiến bản thân mình cho gia đình, cho hàng xóm và bạn bè của chúng ta; chúng ta lại cống hiến cho cuộc sống ở nơi chúng ta chịu trách nhiệm về hạnh phúc của chính mình và sức khỏe của người khác. Chăm sóc không phải là chọn lựa “hoặc điều này / hoặc điều nọ”, mà là “cả điều này / và điều kia”. Chúng ta cảm tạ vì tất cả sự quan tâm và hỗ trợ này, vì sức mạnh hiền dịu này, vì chứng tá này về Nước Trời, về sự gần gũi và sự hiện diện của Thiên Chúa.
Sự đau khổ và cái chết của Chúa Kitô không phải là lời cuối cùng của Ngài. Đấng bị đóng đinh cũng là Đấng đã sống lại. Sự phục sinh của Ngài và của chúng ta mới là chân trời cuối cùng trên cuộc đời. Vết thương của Ngài vẫn còn; Thập giá không bị gạt sang một bên, thập giá trở thành cây sự sống. Thập giá mang lại cho chúng ta một tầm nhìn mới, đổi mới sức mạnh của chúng ta, đồng thời mang đến niềm an ủi và hy vọng nhờ vào Đấng đã đánh bại cái chết.
Chính vì vậy, cùng với niềm cậy trông, chúng ta hướng về Cha của chúng ta - nguồn gốc của mọi sự sống. Chúng ta trở lại - như Chúa Giêsu đã làm – với lời cầu nguyện, một nguồn suối trong thời kỳ đen tối này. Và chúng ta cầu nguyện cùng tác giả Thánh vịnh - như Chúa Giêsu, Mẹ Maria và Thánh Giuse đã cầu nguyện - chia sẻ niềm hy vọng và sự tin cậy của các Ngài nơi Thiên Chúa:
Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,
muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con.
Dám xin Ngài lắng tai để ý
nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội,
nào có ai đứng vững được chăng?
Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ
để chúng con biết kính sợ Ngài.
Mong đợi CHÚA, tôi hết lòng mong đợi,
cậy trông ở lời Người.
Hồn tôi trông chờ Chúa,
hơn lính canh mong đợi hừng đông.
Hơn lính canh mong đợi hừng đông,
trông cậy CHÚA đi, Ítraen hỡi,
bởi CHÚA luôn từ ái một niềm,
ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
Chính Người sẽ cứu chuộc Ítraen
cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
Vinh danh Chúa Cha….
((Suy niệm mục vụ của Đức Giám Mục Dermot Farrell, Giáo Phận Ossory)Source: https://zenit.org/2020/11/03/pastoral-reflection-by-bishop-dermot-farrell-remembrance-of-the-dead/?)
Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ