Câu Chuyện Dòng Sông Và “Người Chết Hai Lần”
(Lễ Thánh Giám Mục Stêphanô Theodore Cuénot Thể - 14.11.2020)
Trong bài hát “Ngụ Ngôn Mùa Đông” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta đọc thấy những ca từ với một đoạn “tứ ngôn” như để dẫn vào một chuyện kể:
Một ngày mùa đông
Một người Việt Nam
Ra bên dòng sông
Nhớ về cội nguồn
Nhớ về đoạn đường
Từ đó ra đi…
Và đoạn tiếp sau đó lại có hai câu:
Người chết hai lần,
Thịt da nát tan…
Hôm nay, cũng “một ngày mùa đông”, bên dòng sông Gò Bồi đang mùa nước lũ, một ngày mà hình như cơn bão thứ 13 “Vamco” đang gào thét ngoài Biển Đông và đang trên đường chực chờ “đáo địa”, anh chị em chúng ta, những người Kitô hữu của giáo phận Qui Nhơn, cũng đang “về bên dòng sông, nhớ về cội nguồn”, để tưởng niệm đến một “Người đã chết hai lần, thịt da nát tan”; vâng, một con người, một chủ chăn, đúng hơn, một vị thánh, mà trong bài giảng lễ về vị thánh nầy năm 2010, Đức Cha Matthêô, người kế vị thứ 21 trên “ngai tòa Chủ chăn giáo phận” sau thánh Giám mục Cuénot, đã tóm tắt: “một tấm gương đức tin kiên trung, một tưởng niệm đài vô hình về lòng nhiệt thành tông đồ, một khuôn mặt kiệt xuất của một nhà tổ chức đại tài, một hình ảnh của một người cha khả ái…”.
Quả thật, chỉ với một dòng ngắn ngủi nầy, Đức Cha Matthêô đã cho chúng ta thấy được 4 nét cơ bản để làm nên một vị Tông Đồ, một mục tử trọn hảo của Hội Thánh nơi Vị Giám Mục Tử đạo của chúng ta: đức tin kiên trung, lòng nhiệt thành tông đồ, nhà tổ chức đại tài, người cha khả ái.
Và những nét trên lại chính là những “điểm nhấn” mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chuyển tải đến cộng đoàn chúng ta; hay nói cách khác, cuộc đời của Thánh Giám Mục Cuénot Stêphanô chính là “bài thuyết minh sinh động” sứ điệp Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, và là tiếng gọi mời để chúng ta cùng nhau tiến bước theo vết chân người trên cuộc lữ hành hôm nay.
Trước hết, trích đoạn sách ngôn sứ Giêrêmia đã minh họa chân dung của một người có đức tin kiên trung vào Thiên Chúa như sau: “Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn”.
Trong khi đó, vị chủ chăn của chúng ta, Thánh Stêphanô, đã trải qua 10 năm linh mục (1825-1835) và 26 năm trên ngai tòa giám mục (1835-1861), dòng dã suốt 36 năm liên tục gắn liền với thập giá bách hại, từ Minh Mạng, qua Thiệu Trị tới Tự Đức… mà sự khắc nghiệt và tàn khốc đã lên tới đĩnh điểm với chiếu chỉ “Phân Sáp” 1861 cũng là năm định mệnh để “hạt lúa mì Stêphanô” vĩnh viễn được gieo trong lòng đất mẹ Qui Nhơn. Chính nhờ đức tin kiên trung vào sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa mà thánh Cuénot đã vượt qua muôn vàn đau thương khốn khó để lèo lái con thuyền giáo phận trong suốt chặng đường bách hại và trung thành với sứ vụ Tông Đồ cho đến hơi thở cuối cùng. Đúng là một cuộc đời đã “đâm rễ sâu trong đức tin” nên “mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, … khi nắng hạn vẫn sinh hoa kết quả”. Và đó cũng là con đường mà Thánh Phaolô đã chọn và đã đi đến tận cùng như tâm sự ngài đã sẻ chia cho người môn đệ dấu yêu Timôthêô: “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”.
Chính trên nền tảng đức tin kiên trung đó, vị chủ chăn của chúng ta đã không quản ngại bất cứ gian lao nào, thách đố nào, hiểm nguy nào để dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng, như lịch sử giáo phận đã khắc họa bằng đôi nét đan thanh: “Từ Quảng Nam, Đức cha di chuyển vào Quảng Nghĩa và ẩn mình tại nhà thầy Ngoan ở Phú Hòa độ 5 tháng. Sau đó ngài lần vô Bình Định, và ẩn trốn tại Bến Đá, Gia Hựu và Gò Xoài hơn một năm. Tại Gia Hựu ngài truyền chức linh mục cho cha Lợi và cha An. Từ Gia Hựu, ngài lần lên giáo họ Đồng Hâu, ẩn mình tại nhà ông Nhơn gần một năm, truyền chức linh mục cho cha Nhàn. Cuối cùng, ngài đến Gò Thị thuộc vùng Tam Thuộc và sẽ ở lại đó cho đến suốt đời”. Đó không phải là “nhiệt thành tông đồ” thì phải gọi là gì đây? Và chắc chắn, khi mang ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ xông pha trên những nẻo đường bách hại, vị chủ chăn của chúng ta đã cảm nhận và xác tín như vị Thánh Tông Đồ Dân ngoại ngày xưa: “Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời”.
Nhưng nếu chỉ có đức tin và nhiệt tình tông đồ thì có lẽ chưa đủ để lèo lái, giữ gìn và phát triển một cộng đoàn giáo phận Đông Đàng Trong rộng lớn và bị dày xéo không thương tiếc bởi các cuộc bách hại. Chỉ cần điểm lại một vài công trình mục vụ trong thời gian Đức Cha Cuénot chăm sóc giáo phận, chúng ta sẽ nhận ra ngài là một nhà tổ chức đại tài, một người cha khả ái: Triệu tập Công nghị Gò Thị (1841), đào tạo chủng sinh (mở thêm các chủng viện Tùng Sơn, Mương Lỡ, Làng Sông; gởi chủng sinh du học Penang…), phong chức linh mục (56 người), đào tạo các thầy giảng, phát triển Hội Dòng Mến Thánh Giá, mở mang truyền giáo tại Tây nguyên cho các anh em dân tộc….
Tất cả công trình đó phải chăng đã hàm chứa trong chính lời truyền dạy của Chúa Kitô Phục sinh dành cho Vị Mục Tử Phêrô ngày xưa trên bờ hồ Tibêriat: "Con hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy” cùng với lời đáp trả đầy khiêm hạ của anh dân chài xứ Galilê: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Chúng ta vừa “về bên dòng sông” và “nhớ lại cội nguồn” sau khi điểm qua vài nét cuộc đời của Thánh Giám Mục Cuénot dưới ánh sáng Lời Chúa; còn chuyện “người chết hai lần, thịt da nát tan”, chúng ta phải trở về đêm định mệnh cách đây 159 năm: vâng, vị chủ chăn của chúng ta đã âm thầm tắt hơi trong ngục tối Bình Định đêm 14.11.1861, trước khi đón nhận hai bản án tử hình: Án trảm quyết từ triều đinh Huế gởi vô sau khi ngài chết 1 ngày và án “đào mồ ném xác xuống sông” sau đó 3 tháng.
Và “câu chuyện dòng sông” đã kết thúc thật đẹp, như những lời cuối của bài Văn Tế tôn vinh ngài:
Noi bước Thầy xưa, đường thập giá, vẹn tình Cha đắng cay xin chấp nhận..
Theo gương người cũ, đồi khổ nạn, trọn ý Chúa gian khổ chẳng từ nan.
Ngục tối âm u,
Gông cùm nhứt nhối.
Cát bụi trần gian, thân xác kia, giữa dòng sông thôi đành gởi lại.
Quê hương thiên quốc, linh hồn nầy, trong tay Cha nhất quyết xin trao…!
Nếu như “câu chuyện của người tử tội trên đồi Canvê” vẫn được nhắc mãi và sống mãi giữa lòng Dân Chúa thì “câu chuyện dòng sông” của người mục tử mang tên Cuénot Stêphanô cũng phải được kể, được nhắc nhở, nhất là, được viết lại, được làm chứng nơi cuộc đời sống đạo của thế hệ con cháu Qui Nhơn chúng ta theo dấu bước của ngài.
- Bởi vì đã là người Kitô hữu thì phải luôn xác tín: Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa.
- Bởi vì đã dấn thân vào con đường của Chúa Kitô thì phải can đảm “chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”.
- Bởi vì đã được Chúa Giêsu yêu mến và ân trao sứ vụ thì phải trung thành đáp trả: “Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Chắc chắn, thập giá thời nào cũng có; đau khổ hy sinh ai cũng phải một lần đi qua. Vì thế, hôm nay, chúng ta cùng nguyện xin Thánh Stêphanô cầu thay nguyện giúp, để một lần nữa, thế hệ cháu con của Ngài là tất cả chúng ta đây, cũng biết can đảm chọn lựa như ngài: “OMNIA PER CRUCEM”, “TẤT CẢ NHỜ THẬP GIÁ”, cho dẫu có phải “chết hai lần” hay “thịt da nát tan”. Amen.
Trương Đình Hiền
(Lễ Thánh Giám Mục Stêphanô Theodore Cuénot Thể - 14.11.2020)
Trong bài hát “Ngụ Ngôn Mùa Đông” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, chúng ta đọc thấy những ca từ với một đoạn “tứ ngôn” như để dẫn vào một chuyện kể:
Một ngày mùa đông
Một người Việt Nam
Ra bên dòng sông
Nhớ về cội nguồn
Nhớ về đoạn đường
Từ đó ra đi…
Và đoạn tiếp sau đó lại có hai câu:
Người chết hai lần,
Thịt da nát tan…
Hôm nay, cũng “một ngày mùa đông”, bên dòng sông Gò Bồi đang mùa nước lũ, một ngày mà hình như cơn bão thứ 13 “Vamco” đang gào thét ngoài Biển Đông và đang trên đường chực chờ “đáo địa”, anh chị em chúng ta, những người Kitô hữu của giáo phận Qui Nhơn, cũng đang “về bên dòng sông, nhớ về cội nguồn”, để tưởng niệm đến một “Người đã chết hai lần, thịt da nát tan”; vâng, một con người, một chủ chăn, đúng hơn, một vị thánh, mà trong bài giảng lễ về vị thánh nầy năm 2010, Đức Cha Matthêô, người kế vị thứ 21 trên “ngai tòa Chủ chăn giáo phận” sau thánh Giám mục Cuénot, đã tóm tắt: “một tấm gương đức tin kiên trung, một tưởng niệm đài vô hình về lòng nhiệt thành tông đồ, một khuôn mặt kiệt xuất của một nhà tổ chức đại tài, một hình ảnh của một người cha khả ái…”.
Quả thật, chỉ với một dòng ngắn ngủi nầy, Đức Cha Matthêô đã cho chúng ta thấy được 4 nét cơ bản để làm nên một vị Tông Đồ, một mục tử trọn hảo của Hội Thánh nơi Vị Giám Mục Tử đạo của chúng ta: đức tin kiên trung, lòng nhiệt thành tông đồ, nhà tổ chức đại tài, người cha khả ái.
Và những nét trên lại chính là những “điểm nhấn” mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay muốn chuyển tải đến cộng đoàn chúng ta; hay nói cách khác, cuộc đời của Thánh Giám Mục Cuénot Stêphanô chính là “bài thuyết minh sinh động” sứ điệp Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, và là tiếng gọi mời để chúng ta cùng nhau tiến bước theo vết chân người trên cuộc lữ hành hôm nay.
Trước hết, trích đoạn sách ngôn sứ Giêrêmia đã minh họa chân dung của một người có đức tin kiên trung vào Thiên Chúa như sau: “Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa, và Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ. Họ sẽ như cây trồng nơi bờ suối, cây đó đâm rễ vào nơi ẩm ướt, không sợ gì khi mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, không lo ngại gì khi nắng hạn mà vẫn sinh hoa kết quả luôn”.
Trong khi đó, vị chủ chăn của chúng ta, Thánh Stêphanô, đã trải qua 10 năm linh mục (1825-1835) và 26 năm trên ngai tòa giám mục (1835-1861), dòng dã suốt 36 năm liên tục gắn liền với thập giá bách hại, từ Minh Mạng, qua Thiệu Trị tới Tự Đức… mà sự khắc nghiệt và tàn khốc đã lên tới đĩnh điểm với chiếu chỉ “Phân Sáp” 1861 cũng là năm định mệnh để “hạt lúa mì Stêphanô” vĩnh viễn được gieo trong lòng đất mẹ Qui Nhơn. Chính nhờ đức tin kiên trung vào sự quan phòng và tình yêu của Thiên Chúa mà thánh Cuénot đã vượt qua muôn vàn đau thương khốn khó để lèo lái con thuyền giáo phận trong suốt chặng đường bách hại và trung thành với sứ vụ Tông Đồ cho đến hơi thở cuối cùng. Đúng là một cuộc đời đã “đâm rễ sâu trong đức tin” nên “mùa hè đến, lá vẫn xanh tươi, … khi nắng hạn vẫn sinh hoa kết quả”. Và đó cũng là con đường mà Thánh Phaolô đã chọn và đã đi đến tận cùng như tâm sự ngài đã sẻ chia cho người môn đệ dấu yêu Timôthêô: “Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”.
Chính trên nền tảng đức tin kiên trung đó, vị chủ chăn của chúng ta đã không quản ngại bất cứ gian lao nào, thách đố nào, hiểm nguy nào để dấn thân trong công cuộc loan báo Tin Mừng, như lịch sử giáo phận đã khắc họa bằng đôi nét đan thanh: “Từ Quảng Nam, Đức cha di chuyển vào Quảng Nghĩa và ẩn mình tại nhà thầy Ngoan ở Phú Hòa độ 5 tháng. Sau đó ngài lần vô Bình Định, và ẩn trốn tại Bến Đá, Gia Hựu và Gò Xoài hơn một năm. Tại Gia Hựu ngài truyền chức linh mục cho cha Lợi và cha An. Từ Gia Hựu, ngài lần lên giáo họ Đồng Hâu, ẩn mình tại nhà ông Nhơn gần một năm, truyền chức linh mục cho cha Nhàn. Cuối cùng, ngài đến Gò Thị thuộc vùng Tam Thuộc và sẽ ở lại đó cho đến suốt đời”. Đó không phải là “nhiệt thành tông đồ” thì phải gọi là gì đây? Và chắc chắn, khi mang ngọn lửa nhiệt tâm tông đồ xông pha trên những nẻo đường bách hại, vị chủ chăn của chúng ta đã cảm nhận và xác tín như vị Thánh Tông Đồ Dân ngoại ngày xưa: “Nhưng có Chúa phù hộ giúp sức cho cha, để nhờ cha, việc giảng đạo nên trọn, và tất cả Dân Ngoại được nghe giảng dạy: và cha đã thoát được khỏi miệng sư tử. Nguyện cho Người được vinh quang muôn đời”.
Nhưng nếu chỉ có đức tin và nhiệt tình tông đồ thì có lẽ chưa đủ để lèo lái, giữ gìn và phát triển một cộng đoàn giáo phận Đông Đàng Trong rộng lớn và bị dày xéo không thương tiếc bởi các cuộc bách hại. Chỉ cần điểm lại một vài công trình mục vụ trong thời gian Đức Cha Cuénot chăm sóc giáo phận, chúng ta sẽ nhận ra ngài là một nhà tổ chức đại tài, một người cha khả ái: Triệu tập Công nghị Gò Thị (1841), đào tạo chủng sinh (mở thêm các chủng viện Tùng Sơn, Mương Lỡ, Làng Sông; gởi chủng sinh du học Penang…), phong chức linh mục (56 người), đào tạo các thầy giảng, phát triển Hội Dòng Mến Thánh Giá, mở mang truyền giáo tại Tây nguyên cho các anh em dân tộc….
Tất cả công trình đó phải chăng đã hàm chứa trong chính lời truyền dạy của Chúa Kitô Phục sinh dành cho Vị Mục Tử Phêrô ngày xưa trên bờ hồ Tibêriat: "Con hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thầy” cùng với lời đáp trả đầy khiêm hạ của anh dân chài xứ Galilê: “Thưa Thầy, Thầy biết mọi sự: Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Chúng ta vừa “về bên dòng sông” và “nhớ lại cội nguồn” sau khi điểm qua vài nét cuộc đời của Thánh Giám Mục Cuénot dưới ánh sáng Lời Chúa; còn chuyện “người chết hai lần, thịt da nát tan”, chúng ta phải trở về đêm định mệnh cách đây 159 năm: vâng, vị chủ chăn của chúng ta đã âm thầm tắt hơi trong ngục tối Bình Định đêm 14.11.1861, trước khi đón nhận hai bản án tử hình: Án trảm quyết từ triều đinh Huế gởi vô sau khi ngài chết 1 ngày và án “đào mồ ném xác xuống sông” sau đó 3 tháng.
Và “câu chuyện dòng sông” đã kết thúc thật đẹp, như những lời cuối của bài Văn Tế tôn vinh ngài:
Noi bước Thầy xưa, đường thập giá, vẹn tình Cha đắng cay xin chấp nhận..
Theo gương người cũ, đồi khổ nạn, trọn ý Chúa gian khổ chẳng từ nan.
Ngục tối âm u,
Gông cùm nhứt nhối.
Cát bụi trần gian, thân xác kia, giữa dòng sông thôi đành gởi lại.
Quê hương thiên quốc, linh hồn nầy, trong tay Cha nhất quyết xin trao…!
Nếu như “câu chuyện của người tử tội trên đồi Canvê” vẫn được nhắc mãi và sống mãi giữa lòng Dân Chúa thì “câu chuyện dòng sông” của người mục tử mang tên Cuénot Stêphanô cũng phải được kể, được nhắc nhở, nhất là, được viết lại, được làm chứng nơi cuộc đời sống đạo của thế hệ con cháu Qui Nhơn chúng ta theo dấu bước của ngài.
- Bởi vì đã là người Kitô hữu thì phải luôn xác tín: Phúc thay cho người tin tưởng vào Thiên Chúa.
- Bởi vì đã dấn thân vào con đường của Chúa Kitô thì phải can đảm “chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin”.
- Bởi vì đã được Chúa Giêsu yêu mến và ân trao sứ vụ thì phải trung thành đáp trả: “Thầy biết con yêu mến Thầy”.
Chắc chắn, thập giá thời nào cũng có; đau khổ hy sinh ai cũng phải một lần đi qua. Vì thế, hôm nay, chúng ta cùng nguyện xin Thánh Stêphanô cầu thay nguyện giúp, để một lần nữa, thế hệ cháu con của Ngài là tất cả chúng ta đây, cũng biết can đảm chọn lựa như ngài: “OMNIA PER CRUCEM”, “TẤT CẢ NHỜ THẬP GIÁ”, cho dẫu có phải “chết hai lần” hay “thịt da nát tan”. Amen.
Trương Đình Hiền