Công nghị tấn phong 13 tân Hồng Y đã diễn ra vào lúc 4 giờ chiều, giờ địa phương Rôma, ngày thứ Bẩy 28 tháng 11 tại Bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, với một cộng đoàn khoảng một trăm người.

Có 11 vị Hồng Y tân cử hiện diện trong buổi lễ này. Hai vị không đến được do những hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch coronavirus.

Trong 13 vị tân Hồng Y, có 9 vị dưới 80, nghĩa là có quyền bầu Giáo Hoàng.

Tính đến thời điểm trước buổi lễ này, Hồng Y Đoàn có 216 vị trong đó có 119 vị là Hồng Y Cử Tri và 97 vị đã quá tuổi 80.

Ngay sau công nghị tấn phong Hồng Y này, Giáo Hội có thêm 13 vị Hồng Y trong đó có 9 vị Hồng Y Cử Tri. Như thế, ngay sau nghi lễ này Giáo Hội có 229 Hồng Y trong đó có 128 Hồng Y Cử Tri.

Thông thường, các vị Giáo Hoàng thường chọn tấn phong Hồng Y cho các vị là Tổng Giám Mục hay ít nhất là Giám Mục. Tuy nhiên, trong công nghị tấn phong Hồng Y lần này có 3 linh mục được tấn phong Hồng Y. Trước hết là Cha Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng từ năm 1980 đến nay. Kế đến là Cha Mauro Gambetti, Bề trên của Tu viện dòng Phanxicô ở Assisi, và Đức Ông Enrico Feroci, linh mục quản xứ Santa Maria tại Castel di Leva, Rôma. Theo thông lệ, các linh mục cần phải được tấn phong Giám Mục trước khi được tấn phong Hồng Y. Cha Raniero Cantalamessa đã xin được miễn. Đức Ông Enrico Feroci được tấn phong Giám Mục vào ngày 15 tháng 11, và Cha Mauro Gambetti được tấn phong Giám Mục vào ngày 22 tháng 11.

Tron phần đầu lễ Đức Thánh Cha đã đọc một lời nguyện cho chính ngài như sau:

Chúng ta hãy cầu nguyện. Lạy Chúa là Thiên Chúa, Cha của vinh quang, nguồn gốc của mọi điều thiện hảo, Đấng không ngừng làm phong phú Giáo Hội trên khắp thế giới với một sự dư dật các ân sủng, và với lòng từ ái còn lớn hơn nữa trên Ngai Tòa của Thánh Phêrô Tông Đồ, mà Ngài đã thiết lập vượt trỗi trên tất cả những chức vụ khác: với sự quan phòng của Chúa xin ban cho con là người tôi tớ Chúa đây, có thể thực hiện một cách khôn ngoan chức vụ Ngài ủy thác cho con, trong niềm tin kiên vững rằng Chúa sẽ ban cho Giáo Hội phổ quát của Ngài tất cả những điều Chúa đã hứa.

Trước khi Đức Thánh Cha trao mũ đỏ, chiếc nhẫn và tước hiệu liên kết với một nhà thờ trong giáo phận Rôma hoặc một giáo phận phụ cận, cộng đoàn đã nghe bài Phúc Âm sau, trích từ Tin Mừng theo Thánh Máccô (Mc 10:32-45):

Đức Giêsu và các môn đệ đang trên đường lên Giêrusalem, Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình: “Này chúng ta lên Giêrusalem và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ lên án xử tử Người và sẽ nộp Người cho dân ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, họ sẽ đánh đòn và giết chết Người. Ba ngày sau, Người sẽ sống lại.”

Hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan đến gần Đức Giêsu và nói: “Thưa Thầy, chúng con muốn Thầy thực hiện cho chúng con điều chúng con sắp xin đây.” Người hỏi: “Các anh muốn Thầy thực hiện cho các anh điều gì?” Các ông thưa: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang.” Đức Giêsu bảo: “Các anh không biết các anh xin gì! Các anh có uống nổi chén Thầy sắp uống, hay chịu được phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được.” Đức Giêsu bảo: “Chén Thầy sắp uống, anh em cũng sẽ uống; phép rửa Thầy sắp chịu, anh em cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Thiên Chúa đã chuẩn bị cho ai thì kẻ ấy mới được.”

Nghe vậy, mười môn đệ kia đâm ra tức tối với ông Giacôbê và ông Gioan. Đức Giêsu gọi các ông lại và nói: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người.”


Bài giảng của Đức Thánh Cha

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu và các môn đệ đang đi trên đường. Con đường là khung cảnh vừa được Thánh sử Máccô mô tả (Mc 10: 32-45). Con đường cũng luôn là khung cảnh cho cuộc hành trình của Giáo Hội: đó là con đường sự sống và lịch sử, là lịch sử cứu độ khi Giáo Hội đồng hành với Chúa Kitô và dẫn đến mầu nhiệm vượt qua của Người. Giêrusalem luôn nằm trước mắt chúng ta. Thập tự giá và sự phục sinh là một phần lịch sử của chúng ta; chúng là “ngày hôm nay” của chúng ta nhưng cũng luôn là mục tiêu trong hành trình của chúng ta.

Đoạn Tin Mừng này thường được đọc trong các công nghị tấn phong tân Hồng Y. Nó không chỉ đơn thuần là một “tấm phông nền” nhưng còn là một “tấm bảng chỉ đường” cho chúng ta, những người ngày nay đang cùng hành trình với Chúa Giêsu. Vì Ngài là sức mạnh của chúng ta, là Đấng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và sứ vụ của chúng ta.

Do đó, thưa anh em thân mến, chúng ta cần xem xét cẩn thận những lời mình vừa nghe.

Thánh Máccô nhấn mạnh rằng, trên đường, các môn đệ vừa “kinh hoàng” vừa “sợ hãi” (câu 32). Tại sao? Bởi vì họ biết điều gì đang chờ đợi họ ở Giêrusalem. Nhiều lần, Chúa Giêsu đã nói với họ một cách công khai về điều đó. Chúa biết những gì những người theo Ngài đang trải qua, Ngài cũng không thờ ơ với điều đó. Chúa Giêsu không bao giờ bỏ rơi bạn bè của mình; Ngài không bao giờ bỏ bê họ. Ngay cả khi có vẻ như Ngài đang đi theo con đường riêng của mình, Ngài vẫn luôn làm như vậy vì lợi ích của chúng ta. Tất cả những gì Ngài làm, Ngài đều làm cho chúng ta và cho sự cứu rỗi của chúng ta. Trong trường hợp cụ thể của Nhóm Mười Hai, Ngài làm điều này để chuẩn bị cho họ trước những thử thách sắp tới, để họ có thể gần gũi với Ngài, bây giờ và nhất là sau này, khi Ngài không còn ở giữa họ nữa. Để họ có thể luôn ở bên Ngài, và đi trên con đường của Ngài.

Biết rằng tâm hồn các môn đệ đang bối rối, Chúa Giêsu “một lần nữa” gọi Nhóm Mười Hai đến và nói với họ về “những điều gì sẽ xảy ra với mình” (câu 32). Chính chúng ta vừa được nghe: đó lời loan báo lần thứ ba về cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Người. Đây là con đường do Con Thiên Chúa đi. Con đường do Người Tôi tớ Chúa chọn. Chúa Giêsu đồng hóa mình với con đường này, đến nỗi chính Người là con đường. Ngài nói: “Ta là đường” (Ga 14: 6). Chỉ có con đường này, và không còn con đường nào khác.

Tại thời điểm này, một biến cố đột ngột xảy ra, cho phép Chúa Giêsu mạc khải cho hai tông đồ Giacôbê và Gioan - nhưng thực sự là cho tất cả các môn đệ - về số phận dành cho họ. Chúng ta hãy hình dung cảnh tượng này: sau khi giải thích một lần nữa điều gì sẽ xảy ra với mình ở Giêrusalem, Chúa Giêsu nhìn thẳng vào mắt Nhóm Mười Hai, như thể muốn nói: “Anh em đã rõ chưa?” Sau đó Người tiếp tục cuộc hành trình của mình, đi trước cả nhóm. Hai môn đệ của Ngài, là Giacôbê và Gioan, tách khỏi những người khác. Các ông đến gần Chúa Giêsu và thổ lộ với Ngài điều họ muốn: “Xin cho hai anh em chúng con, một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Thầy, khi Thầy được vinh quang” (câu 37). Như thế là các ông muốn đi một con đường khác. Không phải con đường của Chúa Giêsu, mà là một con đường khác. Có lẽ chính họ không nhận ra đó là con đường của những người đang “lợi dụng” Chúa cho sự thăng tiến của chính mình. Đó là những người - như Thánh Phaolô nói - hướng đến lợi ích của chính họ chứ không phải của Chúa Kitô (x. Pl 2:21). Thánh Augustinô đã nói về điều này trong bài giảng tuyệt vời của ngài về những mục tử (số 46). Một bài giảng mà chúng ta luôn luôn nhận được lợi ích khi đọc lại trong giờ Kinh Sách.

Chúa Giêsu lắng nghe Giacôbê và Gioan. Ngài không khó chịu hay tức giận. Sự kiên nhẫn của Người quả thực là vô hạn. Ngài nói với họ: “Anh em không biết mình đang xin gì” (câu 38). Bằng một cách nào đó, Người bào chữa cho họ, đồng thời trách móc họ: “Anh em không nhận ra rằng mình đã đi chệch hướng”. Ngay sau đó, mười môn đệ khác sẽ thể hiện bằng phản ứng phẫn nộ của họ đối với các con trai của ông Dêbêđê rằng hai người họ đã bị cám dỗ lệch đường ra sao.

Anh em thân mến, tất cả chúng ta đều yêu mến Chúa Giêsu, tất cả chúng ta đều muốn theo Ngài, nhưng chúng ta phải luôn cẩn thận để giữ mình đi đúng đường. Vì thể xác của chúng ta có thể ở với Người, nhưng trái tim của chúng ta có thể lang thang xa Người và vì vậy dẫn chúng ta lạc xa đường. Màu đỏ huyết trên áo choàng của vị Hồng Y, là màu của máu, nhưng đối với một tinh thần thế gian, nó có thể trở thành màu sắc của một sự “ưu việt” thế tục.

Trong bài Tin Mừng này, chúng ta luôn bị ấn tượng bởi sự tương phản rõ rệt giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Chúa Giêsu nhận thức được điều này; Người biết điều đó và Người chấp nhận nó. Tuy nhiên, sự tương phản vẫn còn đó: Chúa Giêsu đang đi trên đường, trong khi họ đang tách ra khỏi con đường. Hai con đường tách biệt không thể gặp nhau. Chỉ có Chúa, qua thập tự giá và sự phục sinh của mình, mới có thể cứu rỗi những người bạn đang lạc xa con đường và có nguy cơ bị lạc. Chính vì họ, cũng như vì tất cả những người khác, Chúa Giêsu đang hành trình đến Giêrusalem. Vì họ, và vì tất cả mọi người, Chúa Giêsu sẽ để cho thân mình tan nát và máu mình đổ ra. Vì họ và vì tất cả mọi người, Ngài sẽ sống lại từ trong cõi chết, tha thứ và biến đổi họ qua ân sủng của Thánh Linh. Cuối cùng, Người sẽ đưa họ trở lại đúng con đường của mình.

Thánh Máccô - như Matthêu và Luca - đã đưa câu chuyện này vào Tin Mừng của mình vì nó chứa đựng một chân lý cứu độ cần thiết cho Giáo hội trong mọi thời đại. Mặc dù Nhóm Mười Hai xem ra lung tung, nhưng bản văn này đã đi vào thư bộ Kinh Thánh vì nó tiết lộ sự thật về Chúa Giêsu và về chúng ta. Đối với chúng ta cũng vậy, trong thời đại của chúng ta, câu chuyện này là một thông điệp về ơn cứu rỗi. Chúng ta, Giáo hoàng và Hồng Y, cũng phải luôn thấy mình được phản ánh trong lời chân lý này. Nó là một thanh kiếm được mài sắc; nó cắt, nó gây đau đớn, nhưng nó cũng chữa lành, giải phóng và chuyển đổi chúng ta. Vì sự hoán cải có nghĩa chính xác là thế này: chúng ta phải chuyển từ việc lầm đường lạc lối sang hành trình trên đường của Chúa.

Xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng này, hôm nay và mãi mãi.

Nghi thức tấn phong Hồng Y

Sau bài huấn dụ, Đức Thánh Cha bắt đầu nghi thức tấn phong Hồng Y. Ngài nhắc nhở các tân Hồng Y: “Mang phẩm phục màu đỏ, các vị Hồng Y phải là những chứng nhân can trường của Chúa Kitô và Phúc Âm của Ngài tại thành Roma cũng như tại những nơi xa xăm nhất.”

Tiếp đó, Đức Thánh Cha đã tuyên bố như sau:

“Vì vậy với quyền của Thiên Chúa toàn năng, của các thánh Tông Đồ Phêrô Phaolô và quyền của chúng tôi, chúng tôi tấn phong và long trọng tuyên bố các anh em chúng tôi sau đây là Hồng Y của Giáo Hội Rôma.”
Rồi ngài lần lượt xướng tên các vị.

1. Đức Tổng Giám Mục Mario Grech, Tổng Thư Ký Thượng Hội Đồng Giám Mục
2. Đức Tổng Giám Mục Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh
3. Đức Tổng Giám Mục Antoine Kambanda của Tổng Giáo Phận Kigali (Rwanda)
4. Đức Tổng Giám Mục Wilton Daniel Gregory của Tổng Giáo Phận Washington DC (Hoa Kỳ)
5. Đức Tổng Giám Mục Jose F Advincula của Tổng Giáo Phận Capiz (Phi Luật Tân)
6. Đức Tổng Giám Mục Celestino Aós Braco, O.F.M. Cap. của Tổng Giáo Phận Santiago De Chile (Chí Lợi)
7. Đức Cha Cornelius Sim Giám Quản Tông Tòa của Brunei
8. Đức Tổng Giám Mục Augusto Paolo Lojudice của Tổng Giáo Phận Siena-Colle Di Val D’elsa-Montalcino (Ý)
9. Đức Tổng Giám Mục Mauro Gambetti, o.f.m. Tổng Giám Mục hiệu tòa Tisiduo
10. Đức Cha Felipe Arizmendi Esquivel Giám mục hiệu tòa của giáo phận San Cristóbal de las Casas (Mễ Tây Cơ)
11. Đức Tổng Giám Mục Silvano Maria Tomasi, C.S. Tổng Giám Mục hiệu tòa Asolo, Đặc sứ của Đức Thánh Cha tại dòng Malta
12. Cha Raniero Cantalamessa, O.F.M. Cap. Giảng thuyết viên phủ Giáo Hoàng

Các vị Hồng Y Tân Cử đã đến quỳ trước Đức Thánh Cha để nhận mũ, nhẫn và giáo xứ hiệu tòa của mình.

Source:Holy See Press Office