“CHÚNG TÔI LOAN BÁO CHO ANH EM SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI” [1 Ga 1: 2]
Lúc 9 giờ sáng thứ Sáu 11 tháng 12 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục của Vatican, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, Dòng Anh Em Hèn Mọn, Giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng, đã trình bày bài thuyết giảng thứ hai trong loạt bài tĩnh tâm Mùa Vọng của Đức Thánh Cha Phanxicô và giáo triều Rôma với chủ đề: “Xin dạy chúng con đếm tháng ngày mình sống, ngõ hầu tâm trí được khôn ngoan” (Tv 90:12).
Bài thuyết giảng thứ hai của ngài có tựa đề: “Chúng tôi loan báo cho anh em sự sống đời đời.” Đó là một câu trích từ thư thứ nhất của Thánh Gioan.
Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
J.B. Đặng Minh An dịch
“Hãy yên ủi, hãy an ủi dân Ta, Thiên Chúa anh em phán” (Is 40: 1). Bài đọc thứ nhất trong Chúa nhật thứ hai mùa Vọng bắt đầu với những lời này của tiên tri Isaia. Những lời ấy giống như một lời mời, thực ra là một mệnh lệnh, luôn có tính thời sự, được gửi đến các mục tử và những nhà thuyết giáo của Giáo hội. Hôm nay chúng ta muốn ghi khắc lời mời gọi này trong lòng và suy gẫm về lời công bố an ủi nhất mà đức tin nơi Chúa Kitô mang lại cho chúng ta.
“Sự thật vĩnh cửu” thứ hai mà hoàn cảnh đại dịch đã làm nổi lên là sự bất ổn và tạm bợ của vạn vật. Mọi thứ đều là tạm bợ: sự giàu có, sức khỏe, sắc đẹp, thể chất… Đó là điều mà chúng ta luôn phải đối mặt. Để nhận ra điều này chỉ cần so sánh bất kỳ hình ảnh nào ngày hôm nay - của chúng ta hoặc của bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào - với những tấm ảnh hồi hai mươi, hay ba mươi năm về trước. Bị lắc lư bởi nhịp sống, chúng ta không chú ý đến điều này, chúng ta không cần luận bàn sâu xa hơn về điều đó cũng đủ để rút ra các kết luận cần thiết.
Và kìa, đột nhiên, tất cả những gì chúng ta cho là hiển nhiên đã để lộ ra mặt mong manh của nó, giống như một tảng băng bạn đang vui vẻ trượt trên đó đột nhiên vỡ ra dưới chân bạn và bạn bị chìm trong dòng nước băng giá. Như Đức Thánh Cha đã nói trong buổi ban phép lành “urbi et orbi” đáng nhớ hôm 27 tháng 3: “Cơn bão này làm lộ rõ tính dễ bị tổn thương của chúng ta và phơi bày ra những quả quyết sai lầm và vô dụng mà trên đó chúng ta đã xây dựng lịch trình hàng ngày, các dự án, các thói quen, và những ưu tiên của chúng ta”.
Cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới mà chúng ta đang trải qua có thể là một cơ hội để chúng ta khám phá với một sự nhẹ nhõm trong lòng rằng, dù thế nào đi chăng nữa, vẫn còn một điểm vững chắc, một nền tảng kiên cố nào đó, hay đúng hơn là một tảng đá để chúng ta có thể xây dựng cuộc sống của mình trên trái đất này. Từ Phục sinh - tiếng Do Thái gọi là Pesach - có nghĩa là vượt qua / quá cảnh, và tiếng Latinh gọi là transitus. Từ này, như thế, gợi lên một cái gì đó “đang trôi qua” và “thoáng qua”, do đó, nó là một cái gì đó khá tiêu cực. Thánh Augustinô đã cảm nhận được khó khăn này và giải quyết vấn đề theo một cách thức khai sáng. Ngài giải thích rằng sống theo kinh nghiệm Phục sinh thực sự có nghĩa là vượt qua / thay đổi, nhưng là “vươn đến những gì không trôi qua”; nó có nghĩa là “vượt ra khỏi thế giới, để không trôi qua cùng với thế giới.” Vượt qua bằng trái tim, trước khi vượt qua bằng cơ thể của bạn!
Theo định nghĩa, vĩnh cửu là điều “không bao giờ trôi qua”. Chúng ta phải tìm lại niềm tin vào thế giới bên kia. Đây là một trong những đóng góp mà các tôn giáo có thể cùng nhau thực hiện trong nỗ lực tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn và huynh đệ hơn. Nó làm cho chúng ta hiểu rằng chúng ta đang đồng hành cùng nhau trên con đường hướng đến một quê hương chung, nơi không có sự phân biệt về chủng tộc hay quốc tịch. Chúng ta không chỉ chia sẻ lộ trình, mà còn chia sẻ đích điểm. Giữa những quan niệm và bối cảnh rất khác nhau, sự thật này là chung cho tất cả các tôn giáo lớn, ít nhất là những tôn giáo độc thần. “Ai đến gần Thiên Chúa, thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người.” (Dt 11: 6). Đây là cách Thư gửi các tín hữu Do Thái tổng hợp cơ sở chung - và là mẫu số chung tối thiểu - của mọi tín ngưỡng và mọi tôn giáo.
Đối với các Kitô hữu, đức tin vào sự sống đời đời không dựa trên những lập luận triết học về sự bất tử của linh hồn. Nó dựa trên một sự kiện chính xác, đó là sự phục sinh của Chúa Kitô, và lời hứa của Ngài: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14: 2-3). Đối với chúng ta, các Kitô hữu, sự sống đời đời không phải là một phạm trù trừu tượng, mà là một con người. Nó có nghĩa là sống với Chúa Giêsu, “làm nên một thân thể” với Người, chia sẻ sự sống của Đấng Phục sinh trong sự sung mãn và niềm vui sự sống của Chúa Ba Ngôi: “Cupio dissolvi et esse cum Christo”, như thánh Phaolô đã nói với dân thành Philípphê thân yêu: “Tôi khao khát được rời bỏ cuộc sống này và ở với Đức Kitô” (Pl 1:23).
Một sự lu mờ niềm tin
Chúng ta có thể tự hỏi điều gì đã xảy ra với chân lý Kitô về sự sống đời đời. Trong những thời đại như thời của chúng ta, bị chi phối bởi vật lý và vũ trụ học, những người theo thuyết vô thần đưa ra trên hết là thái độ phủ nhận sự tồn tại của một đấng sáng tạo ra thế giới; vào thế kỷ 19, họ thích bác bỏ đời sau. Hegel đã tuyên bố rằng “những người theo đạo Thiên Chúa làm lãng phí năng lượng dành cho trái đất”. A dua theo lời chỉ trích này, Feuerbach và đặc biệt là Marx đã chống lại niềm tin vào một cuộc sống sau khi chết, cho rằng điều đó dẫn đến thái độ xa lánh những dấn thân trên trần thế. Ý tưởng về sự tồn tại của cá nhân trong Chúa đã được thay thế bằng sự tồn tại trong chủng loại và trong xã hội tương lai. Dần dà, từ “vĩnh cửu” không chỉ bị nghi ngờ, mà còn bị lãng quên và chìm vào im lặng.
Trào lưu thế tục hóa (secularization) sau đó đã đưa quá trình này đến chỗ hoàn thành và làm điều đó mạnh đến mức thậm chí ngày nay rất là bất tiện để tiếp tục nói về sự vĩnh cửu giữa những người có học thức, là những người cố theo cho kịp thời đại. Thế tục hóa là một hiện tượng phức tạp trong sự bất nhất của nó. Nó có thể được dùng để đề cập đến quyền tự quyết của các vấn đề trần thế và sự tách biệt giữa Nước Trời và vương quốc của Caesar, và theo nghĩa này, nó không những không chống lại Tin Mừng, mà còn tìm thấy trong Tin Mừng một trong những cội nguồn sâu xa nhất của nó. Mặt khác, từ thế tục hóa cũng có thể được dùng để chỉ một tập hợp các thái độ xã hội thù địch với tôn giáo và đức tin. Theo nghĩa này, thuật ngữ chủ nghĩa thế tục (secularism) là thích hợp hơn. Chủ nghĩa thế tục có cùng mối tương quan với thế tục hóa như mối tương quan giữa chủ nghĩa khoa học và tính chính xác khoa học, hay như mối tương quan giữa chủ nghĩa duy lý đối với tính hợp luận lý.
Ngay cả trong những giới hạn như vậy, các khía cạnh nhiều mặt của thế tục hóa xuất hiện trong nhiều lĩnh vực như thần học, khoa học, đạo đức học, khoa diễn giải Kinh thánh, và các biểu hiện của văn hóa và đời sống thường nhật. Tuy nhiên, ý nghĩa nguyên thủy của nó chỉ có một và rất rõ ràng. “Thế tục hóa”, cũng giống như “chủ nghĩa thế tục”, bắt nguồn từ thuật ngữ saeculum mà trong ngôn ngữ hàng ngày tối hậu là dùng để chỉ thời điểm hiện tại – theo Kinh Thánh đó là “thời gian dài hiện tại – l’eone attuale”, đối lập với vĩnh cửu – là thời gian bất tận tương lai, hay “saeculum saeculorum”, nghĩa là “thời của mọi thời, sự sống đời đời”, như Kinh thánh gọi. Theo nghĩa này, chủ nghĩa thế tục là một từ đồng nghĩa với chủ nghĩa đời tạm (temporalismo, temporalism), trong đó giản lược thực tại trong chiều kích trần thế của nó mà thôi. Điều đó nhắm đến sự sụp đổ triệt để của chiều kích vĩnh hằng.
Tất cả những điều này đã có một tác động rõ ràng đến đức tin của các tín hữu. Chính đức tin này, từ lúc đó, đã trở nên nhút nhát và rụt rè. Lần cuối cùng chúng ta nghe ai đó giảng về cuộc sống vĩnh cửu là khi nào? Nhà triết học Kierkegaard đã rất chí lý: “Cuộc sống đời sau đã biến thành một trò đùa, một nhu cầu không chắc chắn đến mức không những không còn được tôn trọng mà thậm chí không còn được xem xét. Người ta thậm chí còn cười cợt khi nghĩ rằng đã có lúc ý tưởng này định hình toàn bộ cuộc sống.” Chúng ta tiếp tục nói trong Kinh Tin Kính: “Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau”, nhưng không thực sự đánh giá cao tầm quan trọng của những lời đó. Sự sụp đổ của chiều kích vĩnh cửu có ảnh hưởng tương tự đối với đức tin Kitô như tác động của cát trên một ngọn lửa: nó làm ngọn lửa tắt ngúm.
Đâu là hậu quả thực tế của tình trạng lu mờ ý tưởng về sự vĩnh cửu? Đề cập đến ý định của những người không tin vào sự sống lại từ trong kẻ chết, Thánh Phaolô nói: “Chúng ta hãy ăn uống, vì ngày mai chúng ta chết” (1Cor 15:32). Khi bị xuyên tạc, mong muốn tự nhiên được sống muôn đời trở thành một sự thèm khát, hay đúng hơn là một sự điên cuồng, muốn được sống cho đã, nghĩa là sống cho thoải mái, ngay cả khi, nếu cần, thì người khác phải trả giá cho điều đó. Toàn bộ trái đất trở thành những gì Dante Alighieri đã từng mô tả về nước Ý vào thời của ông như “một cái sàn đập lúa nhỏ kích động mạnh sự dã man của chúng ta.” Một khi chiều kích vĩnh hằng đã sụp đổ, nỗi đau khổ của con người dường như tăng lên gấp đôi một cách phi lý và không có biện pháp khắc phục. Thế giới trông giống như “một đống kiến đang vỡ vụn”, hay như “hình vẽ của một con sóng trên bờ biển bị xóa bởi con sóng tiếp theo.”
Niềm tin vào vĩnh cửu và phúc âm hóa
Đức tin vào sự sống đời đời là một trong những điều kiện giúp cho việc truyền giáo có thể thực hiện được. Như thánh Phaolô Tông đồ viết: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại, thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng. […] Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cor 15: 14 và 19). Sự công bố về sự sống vĩnh cửu là sức mạnh và sự can đảm trong việc rao giảng Kitô Giáo. Chúng ta hãy xem những gì đã xảy ra trong việc rao giảng Kitô Giáo lúc đầu. Ý tưởng lâu đời nhất và phổ biến nhất trong các tà giáo Hy Lạp và La Mã là cuộc sống thực tại sẽ kết thúc bằng cái chết; sau đó chỉ có một cuộc sống như ấu trùng, trong một thế giới bóng tối, không có hình dạng và màu sắc. Khi đang cận kề cái chết, hoàng đế La Mã Hadrian đã tự nói với mình những lời nổi tiếng trong văn bia trên lăng mộ của ông như sau:
Linh hồn nhỏ bé, nhẹ nhàng và trôi dạt, khách và bạn đồng hành của thân xác tôi, bây giờ bạn sẽ ở dưới đây trong những nơi xanh xao vàng vọt, trơ trọi và trần trụi; ở đó bạn sẽ từ bỏ vai trò cũ của bạn. Nhưng hãy còn một lúc nữa, chúng ta hãy cùng nhau ngắm nhìn những bờ biển quen thuộc này, nhìn những vật thể mà chắc chắn chúng ta sẽ không còn nhìn thấy nữa.
Trong đời mình, Hadrian đã có những ngôi nhà sang trọng xây cho riêng mình – chúng ta chỉ cần ghé thăm Villa Adriana ở Tivoli là thấy rõ. Một người được như vậy mà đã chua chát như thế thì viễn cảnh này thậm chí còn gây thất vọng biết bao cho những người bình thường. Để làm phần mộ của chính mình, ông đã xây dựng Lăng mộ Hadrian, mà ngày nay gọi là Castel Sant”Angelo, nhưng ông hoàn toàn nhận thức được rằng điều này sẽ không thay đổi số phận của ông khi trôi dạt tới “những nơi xanh xao vàng vọt, trơ trọi và trần trụi”Trong bối cảnh này, bạn có thể hiểu tác động tất yếu của lời công bố Kitô về một cuộc sống sau khi chết, một cuộc sống phong phú hơn vô hạn so với cuộc sống trần thế, trong đó không còn nước mắt, không còn cái chết, và chẳng còn phải lo lắng nữa (xem Kh 21: 4). Bạn cũng hiểu tại sao chủ đề và các biểu tượng của cuộc sống vĩnh cửu – như cây cọ, con công, các cụm từ “requies aeterna” hay “yên nghỉ muôn đời” - lại thường xuyên xuất hiện trong các nghi thức chôn cất các tín hữu Kitô trong các hang toại đạo.
Khi công bố sự sống vĩnh cửu, chúng ta không chỉ có thể sử dụng đức tin của mình, mà còn sử dụng được mối tương giao thắm thiết giữa điều đó với niềm khao khát sâu xa nhất trong trái tim con người. Chúng ta thực sự là “một hữu hạn có khả năng vươn đến vô hạn” (ens finitum, capax infiniti), những sinh vật phàm trần với khao khát thầm kín cho sự bất tử. Trong một lá thư trả lời cho một người bạn Á Căn Đình, là người đã trách móc anh ta vì cho rằng anh ta tự hào ra mặt và đắm mình trong chủ đề vĩnh cửu, Miguel de Unamuno, người chắc chắn không phải là một nhà vô địch về Kitô Giáo, đã viết:
Tôi không nói rằng chúng ta xứng đáng có cuộc sống đời sau, cũng không nói rằng luận lý học chứng minh điều đó cho chúng ta; Tôi đang nói rằng chúng ta cần điều đó - cho dù chúng ta có xứng đáng với điều đó hay không, và chỉ có như thế. Tôi đang nói rằng những gì chỉ là nhất thời không làm tôi thỏa mãn, trong tôi khao khát vĩnh cửu, và nếu không có nó, tôi thờ ơ với mọi thứ khác và mọi thứ khác không có gì khác biệt đối với tôi. Tôi cần cuộc sống vĩnh cửu, tôi thực sự rất cần! Không có nó thì không còn niềm vui trong cuộc sống và những thú vui cuộc sống không còn gì để nói với tôi nữa. Thật quá dễ dàng để nói: “Bạn chỉ cần sống và hài lòng với cuộc sống”. Thế nhưng, đối với những người không bằng lòng thì sao?
Và chính ông cũng nói thêm rằng không phải chỉ có những người khao khát sự vĩnh cửu mới cho thấy họ coi thường thế giới và cuộc sống trần thế, mà thực tế là cả những người không khao khát điều đó cũng vậy: “Tôi yêu cuộc sống đến nỗi mất nó dường như là điều khốn nạn nhất đối với tôi trong tất cả những cái khốn nạn. Những người tận hưởng cuộc sống ngày qua ngày và không quan tâm đến việc liệu họ có mất đi tất cả hay không thì họ không thực sự yêu thích cuộc sống mình”. Thánh Augustinô đã nói điều khá tương tự: “Sống tốt có ích lợi gì nếu người ta không thể sống mãi mãi?” Một trong những nhà thơ của chúng ta đã tuyên bố: “Mọi thứ, trên thế giới đều là hư không ngoại trừ sự vĩnh cửu”. Đối với những người đương thời của chúng ta, những người nuôi dưỡng nhu cầu vĩnh cửu này trong sâu thẳm trái tim của họ, mà có lẽ không dám thú nhận nó ngay cả với chính mình, chúng ta có thể lặp lại những gì Thánh Phaolô đã nói với dân chúng thành Nhã Điển: “Vậy Đấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.” (x. Cv 17:23).Đức tin vào sự vĩnh cửu như một con đường dẫn đến sự thánh thiện
Chúng ta không canh tân niềm tin nơi sự vĩnh cửu chỉ để truyền giáo, tức là loan báo Tin Mừng cho người khác; nhưng trước hết, chúng ta cần làm điều đó để tạo cho mình động lực mới trên con đường nên thánh. Kết quả đầu tiên của hành động này là niềm tin ấy khiến chúng ta không dính mắc vào những thứ nhất thời, chẳng hạn như sự gia tăng của cải và uy tín.
Chúng ta hãy hình dung tình huống này. Một người nhận được thư trục xuất và được yêu cầu phải mau chóng rời khỏi ngôi nhà họ đang sống. May mắn thay, một lựa chọn tốt cho một ngôi nhà mới xuất hiện ngay lập tức. Và người đó sẽ làm gì? Chẳng lẽ họ lại dành tất cả tiền bạc của mình để trùng tu và trang trí lại ngôi nhà mà họ sẽ phải bỏ đi, thay vì họ trang bị nội thất cho ngôi nhà mà họ sắp chuyển đến! Điều đó quá ngớ ngẩn đi chứ? Chúng ta cũng được yêu cầu “rời bỏ” thế giới này và chúng ta sẽ trông giống như một kẻ ngớ ngẩn nếu chỉ nghĩ đến việc trang hoàng ngôi nhà trần gian của mình mà không quan tâm gì đến việc làm những việc lành phúc đức, là những gì sẽ theo cùng chúng ta sau khi chết.
Khi khái niệm về sự vĩnh cửu mất dần, điều này tác động đến các tín hữu, vì nó làm giảm khả năng can đảm đối mặt với những đau khổ và thử thách trong cuộc sống của họ. Chúng ta cần khám phá lại đức tin của thánh Bernard và thánh Ignatius thành Loyola. Trong bất kỳ tình huống nào hoặc khi gặp bất kỳ trở ngại nào, các ngài sẽ tự nói với mình: “Quid hoc ad aeternitatem?”, nghĩa là “Cái này có là gì so với vĩnh cửu?”
Chúng ta hãy tưởng tượng một người đàn ông đang cầm một cái cân: một trong những loại cân được gọi là cân đòn mà bạn chỉ cầm bằng một tay và có một cái đĩa để bạn đặt vật muốn cân lên, nó còn có một thanh ngang được phân độ với một quả cân để chúng ta cân bằng trọng lượng muốn cân đo. Nếu quả cân đặt không đúng chỗ, những gì bạn đặt trên đĩa cân sẽ ghì nó xuống, nâng thanh ngang lên làm đảo lộn sự cân bằng. Mọi thứ đều đè nặng xuống, ngay cả một nắm lông.
Chúng ta cũng giống như vậy, bất cứ khi nào chúng ta đo lường không đúng thực chất của vĩnh cửu: linh hồn của chúng ta có thể dễ dàng bị đè nặng bởi những thứ trần thế và đau khổ. Mọi thứ dường như quá nặng nề, quá sức chịu đựng của chúng ta. Chúa Giêsu nói: “Nếu tay hoặc chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; thà cụt tay cụt chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay hai chân mà bị ném vào lửa đời đời. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; thà chột mắt mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào lửa hoả ngục.” (x. Mt 18:8-9). Tuy nhiên, khi đã đánh mất tầm nhìn về cõi vĩnh hằng, chúng ta cảm thấy thật quá đáng khi được yêu cầu nhắm mắt lại đừng xem một màn trình diễn vô luân, hoặc khi được yêu cầu vác một cây thánh giá nhỏ trong im lặng.
Thánh Phaolô tìm thấy can đảm để viết điều này: “một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật hữu hình thì chỉ tạm thời, còn những thực tại vô hình mới tồn tại vĩnh viễn.” (2Cor 4: 17-18). Sức nặng của đau khổ là “nhẹ nhàng” chính vì nó chỉ mang tính tạm thời, sức nặng của vinh quang “vượt quá mọi sự so sánh” chính vì nó là vĩnh cửu.
Nhiều người hỏi: “Sự sống vĩnh cửu sẽ bao gồm điều gì và chúng ta sẽ làm gì mọi lúc ở trên trời?” Câu trả lời nằm trong những lời lẽ của Thánh Tông đồ về những gì chưa từng được đề cập đến: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1Cor 2: 9). Nếu được phép ví von một chút, chúng ta sẽ nói rằng chúng ta sẽ sống đắm mình trong đại dương không bờ bến và không đáy của tình yêu Ba Ngôi. “Nhưng chúng ta sẽ không cảm thấy nhàm chán chứ?” Chúng ta hãy hỏi những người yêu nhau thực sự xem họ có cảm thấy buồn chán khi đang ở đỉnh cao của tình yêu hay không, hay họ muốn khoảnh khắc đó kéo dài mãi mãi.
Vĩnh cửu: hy vọng và hiện tại
Trước khi kết thúc, tôi muốn giải tỏa một nghi ngờ đè nặng lên niềm tin vào cuộc sống vĩnh hằng. Đối với một tín hữu, vĩnh hằng không chỉ là một lời hứa hay một hy vọng, như Carl Marx nghĩ, và ông ta coi đó như một cách để trút hết lên trời tất cả những thất vọng của chúng ta trên đời này. Vĩnh hằng cũng là hiện tại và là trải nghiệm. Thánh Gioan nói: Trong Chúa Kitô “sự sống đời đời là ở cùng Chúa Cha và được tỏ bày cho chúng ta - là những điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã thấy tận mắt, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến.” (1 Ga 1: 1~3)
Với Chúa Kitô, Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, “vĩnh cửu đã đến”. Chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta thực sự đặt niềm tin vào Đức Kitô, vì những ai tin vào Người thì đã được sự sống đời đời (x. 1 Ga 5:13); chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta rước lễ, bởi vì ở đó “chúng ta có một bảo chứng về sự vinh hiển trong tương lai”; chúng ta cảm nghiệm điều đó mỗi khi chúng ta lắng nghe những lời trong Tin Mừng, vì đó là “những lời ban sự sống đời đời” (x. Ga 6:68). Thánh Thomas Aquinas nói rằng “ân sủng là khởi đầu của vinh quang trên trời”.
Sự hiện diện vĩnh cửu trong thời gian được gọi là Chúa Thánh Thần, Đấng được định nghĩa là “bảo chứng phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1:14; 2Cor 5: 5), và đã được ban cho chúng ta để sau khi nhận được hoa trái đầu mùa, chúng ta khao khát được viên mãn. “Chúa Kitô - như thánh Augustinô đã viết - đã ban cho chúng ta bảo chứng đầu tiên là Chúa Thánh Thần, qua đó Người, Đấng không thể lừa dối chúng ta, muốn cho chúng ta xác tín về sự thành toàn lời hứa của Người. Ngài đã hứa những gì? Thưa: Ngài hứa ban sự sống đời đời mà Thánh Linh được ban cho chúng ta là bảo chứng đầu tiên.”
Giữa cuộc sống đức tin hiện nay và sự sống vĩnh cửu có một mối quan hệ giống như mối quan hệ giữa sự sống của phôi thai trong lòng mẹ và sự sống của đứa trẻ sơ sinh. Như nhà thần học Byzantine vĩ đại thời Trung Cổ Nicola Cabasilas đã viết:
Thế giới này mang trong mình con người tâm linh mới, được tạo dựng theo thánh ý Chúa, cho đến khi anh ta được sinh ra trong thế giới hoàn hảo không hư nát, một khi anh ta đã được hình thành, tạo dáng và hoàn thiện ở đây. Như một phôi thai, khi tồn tại trong một hiện sinh tối tăm và trôi giạt, người đó được thiên nhiên chuẩn bị để sống trong ánh sáng. Điều tương tự cũng xảy ra với các vị thánh […]. Tuy nhiên, đối với một phôi thai, cuộc sống tương lai hoàn toàn là tương lai: không có tia sáng nào chạm được đến phôi thai, không có bất cứ điều gì liên quan đến cuộc sống này chạm được đến nó. Đối với chúng ta thì không phải như vậy, vì thế giới tương lai đã và đang được đổ vào, và trộn lẫn với thế giới hiện tại […]. Vì vậy, các thánh không chỉ mới bắt đầu chuẩn bị cho cuộc sống vĩnh cửu, mà còn sống và làm việc ngay trong đó.
Có một câu chuyện ngắn minh họa sự so sánh này giữa quá trình mang thai và khi sinh nở mà tôi xin mạn phép kể lại bằng tất cả sự đơn giản của nó.Có hai cặp song sinh trai / gái rất thông minh và sớm trưởng thành, đến nỗi khi còn trong bụng mẹ chúng đã nói chuyện được với nhau. Cô gái hỏi em trai của mình: “Theo em thấy, liệu có sự sống sau khi sinh không?” Đứa bé trai trả lời: “Đừng ngố như thế! Điều gì khiến chị nghĩ rằng có bất cứ thứ gì bên ngoài không gian tối tăm chật hẹp mà chúng ta đang ở?” Cô gái, cố tỏ ra dũng cảm, nói: “Ai biết được, có lẽ có một người mẹ, hay một người nào đó đã đặt chúng ta ở đây và là người sẽ chăm sóc chúng ta.” Nhưng bé trai phản bác lại: “Chị có bao giờ thấy một người mẹ ở chỗ nào không? Tất cả những gì chị thấy là tất cả rồi đó”. Cô chị lại nói: “Nhưng chẳng lẽ em không cảm thấy rằng đôi khi có một thứ áp lực đè lên ngực mình đang lớn lên từng ngày và thúc đẩy chúng ta tiến về phía trước sao?” Bé trai trả lời: “Thực ra nếu em để ý hơn thì đúng là như vậy. Em có thể cảm nhận được điều đó mọi lúc”. “Em thấy không - cô gái ta đắc thắng kết luận - nỗi đau này không thể vô ích. Chị nghĩ nó đang chuẩn bị cho chúng ta một thứ gì đó vĩ đại hơn không gian nhỏ bé này”.
Giáo hội nên là đứa trẻ giúp con người ý thức được niềm khao khát mà họ có, là điều mà vẫn chưa được nhìn nhận và đôi khi còn bị chế giễu. Cũng cần phải phủ nhận lời buộc tội làm nảy sinh mối nghi ngờ hiện đại chống lại quan niệm về cuộc sống vĩnh cửu theo đó kỳ vọng về cuộc sống vĩnh cửu làm xao lãng cam kết của chúng ta với hành tinh và với việc chăm sóc tạo vật. Trước khi các xã hội hiện đại chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc nâng cao sức khỏe và văn hóa cũng như cải thiện các phương pháp nông nghiệp và mức sống của người dân, ai đã thực hiện những nhiệm vụ đó hàng ngày tốt hơn các tu sĩ, là những người sống bằng niềm tin vào cuộc sống vĩnh cửu?
Không nhiều người biết rằng Bài Ca Mặt Trời hay Bài Ca Các Tạo Vật của Thánh Phanxicô thành Assisi xuất phát từ niềm tin bất ngờ vào cuộc sống vĩnh cửu. Các nguồn tài liệu của dòng Phanxicô mô tả nguồn gốc của bài ca ấy như sau. Một đêm nọ, khi Thánh Phanxicô đặc biệt đau đớn vì nhiều bệnh tật trầm kha của mình, ngài nói trong lòng: “Lạy Chúa, xin hãy cứu giúp con trong nhiều bệnh tật của con, để con kiên nhẫn chịu đựng chúng!”. Và ngay lập tức ngài nghe thấy những lời này trong tinh thần: “Phanxicô, hãy nói với Ta: nếu ai đó đã cho con một kho tàng quý giá lớn lao để đền đáp cho những bệnh tật và đau khổ của con, con sẽ không coi đất, đá và nước chẳng là gì so với kho báu đó chứ? Con không tràn ngập niềm vui sao?”. Phanxicô trả lời: “Lạy Chúa, đó sẽ là một kho tàng tuyệt vời mà không có gì so sánh được, quý giá và đáng yêu và đáng mơ ước”. Giọng nói kết thúc: “Vậy thì, hãy vui vẻ và vui mừng trước những bệnh tật và khó khăn của con; từ bây giờ hãy sống hạnh phúc, như thể con đã ở trong Vương quốc của Ta. “
Khi thức dậy vào sáng hôm sau, Phanxicô nói với những người bạn đồng hành của mình: “Bây giờ tôi rất vui mừng trong lúc ốm đau và đau đớn, và luôn cảm tạ Thiên Chúa vì ân sủng và phước lành tuyệt vời Ngài đã ban cho tôi. Thật vậy, Ngài đã rủ lòng thương xót mà ban cho tôi, người tôi tớ nhỏ bé bất xứng của Ngài vẫn còn sống dưới trần gian này, sự chắc chắn sẽ chiếm hữu được Vương quốc vĩnh cửu của Ngài. Vì vậy, để ngợi khen Ngài và an ủi tôi, cũng như xây đắp cho người lân cận của chúng ta, tôi muốn sáng tác một “Lauda” mới, một bài thơ ca ngợi Chúa thay cho các tạo vật của Ngài. Mỗi ngày chúng ta vui thích trước các tạo vật của Thiên Chúa và chúng ta không thể sống thiếu chúng. Và mỗi ngày, chúng ta tỏ ra vô ơn vì lợi ích to lớn đó, và chúng ta không ca ngợi Đấng Tạo Hóa về điều đó như chúng ta nên làm”. Và thánh nhân ngồi xuống, chìm sâu vào suy nghĩ, rồi nói: “Altissimo, onnipotente, bon Segnore...” nghĩa là “Lạy Chúa là Đấng tối cao, toàn năng, và nhân lành”. Ý nghĩ về cuộc sống vĩnh cửu đã không khơi dậy trong thánh Phanxicô sự khinh miệt đối với thế giới này và các tạo vật, nhưng khơi lên nhiệt tình và lòng biết ơn đối với chúng thậm chí đến mức khiến nỗi đau hiện tại dễ chịu đựng hơn.
Việc suy ngẫm về sự vĩnh hằng hôm nay chắc chắn không miễn trừ cho chúng ta cảm nghiệm chung cùng với tất cả các cư dân khác trên hành tinh này về mức độ chông gai chúng ta phải chịu đựng trước đại dịch chúng ta đang trải qua; nhưng ít nhất giúp chúng ta với tư cách là các tín hữu không bị đè bẹp bởi nó và có thể truyền lòng can đảm và hy vọng của chúng ta cho những người không có sự an ủi của niềm tin. Chúng ta hãy kết thúc bằng một lời cầu nguyện tuyệt đẹp từ phụng vụ:
Lạy Chúa, Đấng khiến cho tâm trí của các tín hữu hợp nhất trong một mục đích duy nhất, xin ban cho dân Chúa biết yêu mến những gì Chúa đã truyền và khao khát những gì Chúa đã hứa, để, giữa những bất ổn của thế giới này, trái tim của chúng con có thể đặt cố định ở nơi mà niềm vui thực sự được tìm thấy. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con. AMEN
Source:Raniero Cantalamessa
1.S. Agostino, Trattati su Giovanni 55, 1 (CCL 36, pp. 463 s.).
2.Cf. G.W.F. Hegel, Frühe Schriften, 1, in Gesammelte Werke, 1, Amburgo 1989, p. 372.
3.S. Kierkegaard, Postilla conclusiva, Sez. II, cap. 4 (in Opere, a cura di C. Fabro, Firenze 1972, p. 458).
4.Paradiso, XXII, 151.
5.Miguel de Unamuno, “Cartas inéditas de Miguel de Unamuno y Pedro Jiménez Ilundain”, a cura di H. Benítez, Revista de la Universidad de Buenos Aires 3 (9/1949) 135.150.
6.S. Agostino, Trattati sul Vangelo di Giovanni, 45, 2 (PL 35, 1720).
7.A. Fogazzaro, “A Sera”, in Le poesie, Mondadori, Milano 1935, 194-197.
8.S. Tommaso d’Aquino, Somma teologica, II-II, q. 24, a. 3, ad 2.
9.S. Agostino, Sermo 378, 1 (PL 39, 1673).
10.N. Cabasilas, Vita in Cristo, I, 1-2, a cura di U. Neri, UTET, Torino 1971, 65-67.
11.Legenda Perugina 43 (Fonti Francescane, 1591-1592)
12.Orazione XXI Domenica del Tempo Ordinario.