1. Vatican cho phép các linh mục cử hành 4 Thánh lễ trong ngày Lễ Giáng Sinh

Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho phép các linh mục được cử hành tối đa bốn Thánh lễ vào Ngày Lễ Giáng Sinh. Quyết định này cũng được áp dụng trong ngày 1 tháng Giêng, Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, và Lễ Hiển Linh để nhiều tín hữu có thể tham dự 3 ngày lễ trọng này trong bối cảnh đại dịch.

Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã ký sắc lệnh công bố sự cho phép này vào ngày 16 tháng 12.

Sắc lệnh nói rằng “theo các năng quyền được ủy thác cho Bộ này bởi Đức Thánh Cha Phanxicô”, qua sắc lệnh vừa được công bố, các giám mục giáo phận có thể cho phép các linh mục trong giáo phận của mình cử hành đến bốn Thánh lễ trong ba ngày lễ trọng nêu trên “xét vì tình hình gây ra bởi sự lây lan đại dịch trên toàn thế giới, và đứng trước sự lây lan dai dẳng toàn cầu của cái gọi là vi rút COVID-19”.

Theo Bộ Giáo Luật, thông thường một linh mục chỉ được cử hành một Thánh lễ duy nhất trong một ngày.

Điều 905 nói rằng các linh mục có thể được phép của giám mục địa phương để dâng đến hai Thánh lễ mỗi ngày “nếu thiếu linh mục,” hoặc tối đa ba Thánh lễ mỗi ngày vào các ngày Chúa Nhật và các Ngày Lễ Buộc “nếu cần thiết vì nhu cầu mục vụ”.

Các giới hạn về số người được phép hiện diện trong nhà thờ đã được các chính quyền dân sự áp đặt ở một số nơi trên thế giới, nhằm mục đích kiểm soát sự lây lan của coronavirus, đã hạn chế đáng kể số tín hữu có mặt trong các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự và một số giáo xứ đã phải dâng thêm các Thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và trong tuần để tạo điều kiện cho nhiều người tham dự hơn.

Ngày Lễ Giáng sinh và ngày 1 tháng Giêng là ngày lễ trọng và do đó người Công Giáo bắt buộc phải tham dự Thánh lễ. Tại Hoa Kỳ, Lễ Hiển Linh đã được dời sang Chúa Nhật.

Trong thời gian đại dịch, một số giám mục đã chuẩn chước cho người Công Giáo trong giáo phận của các ngài nghĩa vụ tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc nếu việc tham dự sẽ khiến họ có nguy cơ lây nhiễm vi rút.


Source:Catholic News Agency

2. Đại nghịch bất đạo: Giáo dân kiện Giáo Hội đòi bãi bỏ luật xưng tội một năm ít là một lần

Tòa án cấp cao nhất của Ấn Độ đã đồng ý xem xét yêu cầu bãi bỏ luật buộc xưng thú tội lỗi một năm ít là một lần với một linh mục trong Giáo Hội Chính thống Syria Malankara sau khi có khiếu nại rằng luật này vi phạm quyền riêng tư của cá nhân.

Theo UCANews, hôm 14 tháng 12, Tòa án Tối cao Ấn Độ cho rằng họ đã hỏi ý kiến về đơn kiện này với các nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống Ấn Độ, có trụ sở tại bang Kerala, ở miền nam nước này. Tòa án cũng hỏi ý kiến chính phủ liên bang, và những người khác nữa, với lý do đơn kiện ra tòa này là vì lợi ích công cộng. Kiện tụng vì lợi ích công cộng, tiếng Anh gọi là public interest litigation, theo luật pháp Ấn Độ, có nghĩa là nguyên đơn không phải là người bị hại, không bị mất quyền lợi cụ thể nào nhưng kiện khơi khơi vậy thôi vì nghĩ rằng nó đem lại lợi ích công cộng.

Những người khởi kiện là ba kẻ đại nghịch bất đạo Mathew Mathachan, PJ Shaji và CV Jose, tất cả đều là các giáo dân của Giáo Hội Chính thống. Họ muốn tòa án ra lệnh cho Giáo Hội của họ phải bãi bỏ luật có từ ngàn xưa là xưng tội một năm ít là một lần, vì cho rằng nó vi phạm quyền riêng tư và nhân phẩm.

Đơn khởi kiện cáo buộc rằng việc bắt buộc các thành viên phải xưng tội một năm ít nhất một lần “là một sự xâm phạm nghiêm trọng vào quyền tư ẩn của cá nhân.”

Giáo Hội Chính thống Syria Malankara thường được gọi tắt là Giáo Hội Chính Thống Ấn Độ được Thánh Tôma Tông Đồ thành lập từ thế kỷ thứ nhất khi ngài truyền giáo tại Ấn Độ. Họ tách khỏi tình hiệp thông với Giáo Hội Tây phương từ năm 451 sau Công Đồng Chalcedon.

Những cố gắng của các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha nhằm đưa Giáo Hội này quay lại trong tình hiệp thông với Rôma đã hình thành nên Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar, hiệp thông hoàn toàn với Tòa Thánh, từ trong lòng Giáo Hội Chính Thống Ấn Độ. Những ai không muốn hiệp thông với Tòa Thánh tiếp tục ở lại trong Giáo Hội Chính Thống Ấn.

Ngày nay, tại Ấn Độ, Giáo Hội Công Giáo Syro Malabar có đông tín hữu nhất với gần 2.4 triệu tín hữu, kế đến là Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Latinh với gần 1 triệu tín hữu, và sau cùng là Giáo Hội Chính thống Syria Malankara với gần nửa triệu tín hữu.

Giáo Hội Chính thống Syria Malankara đã trải qua một tai tiếng trầm trọng vào tháng 6 năm 2018, khi các nhà lãnh đạo Giáo Hội phải huyền chức năm linh mục của mình sau các cáo buộc rằng họ lạm dụng tình dục một bà mẹ hai con bằng cách đe dọa sẽ tiết lộ cho người chồng của nạn nhân tội ngoại tình mà cô đã xưng trong tòa giải tội.

Sau khi vụ việc được tiết lộ, Ủy ban phụ nữ quốc gia của Ấn Độ, đã kêu gọi một lệnh cấm các linh mục, dù là Chính Thống Giáo hay Công Giáo, cũng không được phép giải tội cho phụ nữ.

Trong một bản tuyên bố hôm 27 tháng 7, 2018, Đức Hồng Y Oswald Gracias, Tổng Giám Mục Bombay, và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ấn nhận định rằng đòi hỏi quái đản, xuất phát từ một vụ việc cực kỳ hiếm hoi như thế, của Ủy ban phụ nữ “thể hiện sự thiếu hiểu biết hoàn toàn về bản chất, ý nghĩa, sự thánh khiết và tầm quan trọng của Bí tích này đối với người dân chúng ta”.

Các tôn giáo không phải là Ấn Giáo đã chịu đủ các hình thức bách hại từ ngày 16 tháng Năm 2014, khi lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của đảng Bharatiya Janata (BJP) lên làm thủ tướng cho đến nay.

Sau khi đã thất bại hồi năm 2018 trong việc cấm các linh mục không được giải tội cho nữ giới, chiêu thức kiện ra tòa này là một mưu toan mới. Lần này, họ đòi cấm luôn cả việc giải tội cho nam giới. Trong đơn kiện, 3 kẻ đại nghịch bất đạo này nói rằng các linh mục có thể dùng những lời xưng tội để uy hiếp và làm tiền những người chồng xưng tội ngoại tình, mặc dù họ không trưng ra được bằng chứng nào.

Một hội đồng xét xử gồm ba thẩm phán, do Chánh án Tòa Án Tối Cao Ấn Độ Sharad Arvind Bobde đứng đầu, đã đồng ý thụ lý vụ kiện. Hội đồng xét xử nói họ đã nghe ý kiến của tất cả các bên tham gia.

Tuy nhiên, hôm 15 tháng 12, cha Johns Abraham Konatt, phát ngôn viên của Giáo Hội Chính thống Ấn Độ cho UCANews biết vẫn chưa nhận được thông tin nào từ tòa án.

Nhược điểm lớn nhất của Giáo Hội Chính thống Ấn Độ trong vụ này là họ không có luật bảo vệ ấn tín bí tích giải tội. Bên cạnh đó còn có một thực hành khác có thể gây ra rắc rối là mỗi khi một hối nhân xưng tội thì linh mục phải ghi lại tên người ấy. Những ai không có tên trong sổ giải tội trong một năm có thể bị trục xuất khỏi Hội Thánh.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị những người theo chủ nghĩa dân tộc coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.


Source:UCANews

3. Tiến sĩ George Weigel bàn về ngục tù và Truyền Giảng Tin Mừng Tại Trung Quốc

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, nơi ông giữ chức Chủ Tịch Ủy Ban William E. Simon về Các Nghiên cứu Công Giáo. 25 cuốn sách của ông bao gồm cuốn tiểu sử hai tập về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II: Chứng Nhân Hy Vọng, là cuốn sách bán chạy nhất của New York Times đã dịch sang 14 ngôn ngữ.

Người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II vừa có bài nhận định sau trong bối cảnh bọn cầm quyền Trung Quốc xét xử nhà hoạt động nhân quyền Công Giáo Jimmy Lai.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

On Cages and Evangelization in China

By George Weigel

Bàn Về Ngục Tù Và Truyền Giảng Tin Mừng Tại Trung Quốc


Joshua Wong (Hoàng Chí Phong, 黃之鋒) là một nhà hoạt động nhân quyền trẻ tuổi người Hoa, gần đây bị kết án 13 tháng rưỡi tù giam bằng một cáo buộc gây phương hại cho tự do xã hội của bọn cầm quyền. Anh bị kết tội “cố ý kích động tham gia một cuộc hội họp trái phép” —cụ thể, trên tờ Chinese Newspeak (Tân Văn Báo, 新闻报) anh kêu gọi những người khác phản đối một cách hòa bình cái chế độ chuyên chế hiện đang bóp nghẹt Hương Cảng. Trong lá thư đầu tiên từ nhà tù, anh Joshua viết, “Tù ngục không thể nhốt linh hồn”. Thật thế, chúng không thể. Nhưng việc thất bại không bảo vệ được những người bị nhốt trong các nhà tù bằng cách liên đới với họ có thể gây ra các thiệt hại nặng nề nhất cho việc truyền giáo.

Jimmy Lai (Lê Trí Anh, 黎智英) một trong những người Công Giáo nổi tiếng nhất Hương Cảng về phương diện bảo vệ tự do tôn giáo và các quyền cơ bản khác của con người, đã trở lại nhà tù vào đầu tháng 12; việc đóng tiền để tại ngoại hầu tra của anh trong một vụ tranh chấp thuê nhà dân sự đã bị bác bỏ với lý do anh ta có thể bỏ trốn và khởi động một nguy cơ an ninh quốc gia. Tất nhiên, lý do thực sự khiến anh ta phải ngồi tù là việc giam giữ anh Lai trong tù ngăn cản những thách thức liên tục của anh ta đối với chính sách đàn áp của bọn cầm quyền. Trong nhiều cuộc phỏng vấn, Jimmy Lai đã nhấn mạnh rằng đức tin Công Giáo của anh là nền tảng và là sự nâng đỡ đối với những dấn thân của anh cho nhân quyền của tất cả mọi người, bất kể chế độ Tập Cận Bình đang cố gắng hủy hoại công việc kinh doanh của anh cũng như đe dọa tính mạng của anh. Jimmy Lai có được khích lệ bởi một lời phản đối công khai từ Vatican chống lại cuộc đàn áp anh kể từ khi anh trở thành mục tiêu chính của các bạo chúa Trung Quốc không? Thưa: Không.

Martin Lee (Lý Trú Minh, 李柱銘) là một người Công Giáo sùng đạo khác - một luật sư nổi tiếng và là một nhà hoạt động ủng hộ dân chủ - là người đã phải chứng kiến cơ nghiệp của mình bị hủy hoại khi Bắc Kinh thắt chặt vòng vây đối với Hương Cảng một cách trắng trợn, coi thường những cam kết mà chúng đã đưa ra vào năm 1997, khi Vương quốc Anh trao lại chủ quyền lãnh thổ này cho Trung Quốc. Tờ Wall Street Journal nêu bật một câu nói bất hủ của ông Lee khi ông bác bỏ mọi đề nghị khuyên ông nên rời khỏi Hương Cảng: “Nếu tôi được lựa chọn để chết một cách yên bình trên giường bên ngoài Hương Cảng, hoặc chết trong đau đớn trong nhà tù Trung Quốc, câu hỏi dành cho tôi là không phải tôi chết như thế nào, mà là tôi sẽ lên thiên đàng hay không? Chết mà không có niềm tin là điều thực sự khiến tôi đau đớn”. Hiện thân của tinh thần Thánh Thomas More ở Trung Quốc này có được khích lệ bởi một lời phản đối công khai từ Vatican chống lại chế độ chuyên chế của Bắc Kinh không? Thưa: Không.

Ngay trước Lễ Tạ ơn, Vatican đã khởi xướng một cuộc họp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô với một nhóm cầu thủ NBA và đại diện công đoàn của họ, rõ ràng là để thảo luận về các vấn đề liên quan đến công lý ở Hoa Kỳ. Có bất kỳ sự tiếp cận tương tự nào được thực hiện đối với các nhà hoạt động nhân quyền Công Giáo Trung Quốc — hoặc thậm chí với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng và là một người bảo vệ can đảm khác cho tự do tôn giáo trên khắp Trung Quốc không? Thưa: Không.

Những nỗ lực để bảo vệ sự miễn cưỡng đáng xấu hổ này của Vatican trong việc hỗ trợ những người Công Giáo Trung Quốc bị bách hại một cách công khai vẫn tỏ ra thiếu thuyết phục, thậm chí là lố bịch. Một số người cho rằng chính sách đối với Trung Quốc hiện tại của Vatican là cần thiết để điều hòa tình hình Công Giáo ở Trung Quốc, nơi đang bị thiếu hụt các giám mục. Làm thế nào một phương pháp bổ nhiệm các giám mục trong đó dành hết các động thái mở đầu trong tiến trình cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, lại không tự nó cho thấy rõ ràng là một sự vi phạm giáo huấn của Công đồng Vatican II (được ban hành có hiệu lực pháp lý trong Điều 377.5 của Bộ Giáo luật). Những người khác cho rằng Giáo hội phải tiếp nhận các chế độ côn đồ trong tình trạng hiện tại của chúng và cố gắng tạo ra không gian rộng mở cho đời sống Công Giáo trong hoàn cảnh đó; nhưng điều này không có ý nghĩa gì trong tình hình Trung Quốc ngày nay, nơi chế độ Tập Cận Bình đang sử dụng đe dọa và tra tấn để áp đặt lên toàn bộ đất nước những gì tương đương với một sự thay thế cho tôn giáo — đó là lòng trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhà lãnh đạo tối cao của nó. Còn cái tuyên bố nực cười cho rằng thỏa thuận bắt đầu vào năm 2018 là một bước tiến vì nó công nhận vị thế của Giáo hoàng là người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo thì xin nói thế này: Sự công nhận một điều hiển nhiên như thế thì có ích gì, khi đối mặt với sự tuyên truyền phổ biến của một chế độ đang kháo rằng Tập Cận Bình là một thần minh, một nhân vật khôn ngoan nhân từ mà tất cả chúng ta phải chiều theo?

Giống như cuộc chiến giữa Công Giáo và chủ nghĩa cộng sản ở Đông Trung Âu trong Chiến tranh Lạnh, cuộc chiến giữa Công Giáo và chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc cuối cùng là một trò chơi phải có thắng có bại. Không có một trạng thái lưng chừng để sau cuộc chiến cả hai bên đều vui vẻ cả làng. Sẽ có một bên thắng thắng, và một bên thua. Ostpolitik của Vatican trong những thập niên 1960 và 1970 chưa bao giờ nắm bắt được điều này; Đức Gioan Phaolô II đã làm được điều đó, và sự tự giải phóng của Ba Lan và các nước thuộc Khối Warszawa khác đã được diễn ra vào năm 1989.

Chủ nghĩa Cộng sản Trung Quốc không phải là bất tử. Khi nó kết thúc, Trung Quốc sẽ là cánh đồng truyền giáo Kitô lớn nhất trong nhiều thế kỷ. Một đạo Công Giáo đồng hóa với cái chế độ cũ bị khinh miệt sẽ gặp bất lợi nghiêm trọng về mặt truyền giáo ở Trung Hoa trong thời hậu cộng sản: đặc biệt là khi người ta thấy rõ Công Giáo đã phản bội những người như Jimmy Lai, Martin Lee, Trần Nhật Quân, và rất nhiều những người cao thượng và can đảm tuyên xưng đức tin khác.


Source:First Things