Tòa thánh kêu gọi hòa bình, công bằng xã hội cho Myanmar

Thứ Sáu (12/2/2021) Cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết, kêu gọi quân đội Myanmar hãy thả các nhà lãnh đạo được dân chúng bầu chọn để cai quản quốc gia và hãy thả tự do cho các quan chức và những người biểu tình, Tòa thánh bày tỏ sự gần gũi với dân chúng và kêu gọi một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Những người ủng hộ nhà lãnh đạo Myanmar bị lật đổ, bà Aung San Suu Kyi đã đụng độ với cảnh sát vào thứ Sáu và hàng trăm nghìn người tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ trên toàn quốc bất chấp lời kêu gọi của quân đội cấm các cuộc tụ tập từ 5 người trở lên. Các cuộc biểu tình chủ yếu là hòa bình, lớn nhất từ trước tới nay.

Các cuộc biểu tình của dân chúng tràn lan trên các đường phố đã bước sang ngày thứ Bảy tuần thứ hai mà cả người biểu tình và quân đội đều không có bên nào chịu lùi bước.

Sự gần gũi thiêng liêng của Tòa thánh

“Trong những ngày này, Tòa Thánh đã và đang theo dõi với sự quan tâm sâu sắc và hết sức quan tâm đến những diễn biến đang diễn ra tại Myanmar, một đất nước mà kể từ khi ĐTC thăm viếng vào năm 2017, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có nhiều tình cảm.

Đức Tổng Giám Mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa thánh tại Liên hợp quốc tại Geneva, đã phát biểu trong phiên họp đặc biệt lần thứ 29 của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc vào ngày 12 tháng 2, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở quốc gia Đông Nam Á này. “Trong thời điểm tế nhị nhất này,” ĐTGM nói, “Tòa thánh mong muốn một lần nữa đảm bảo sự gần gũi tinh thần, sự cầu nguyện và tình đoàn kết với người dân Myanmar.”

Khủng hoảng

Quân đội Myanmar đã đảo chính ngày 1 tháng 2, sau khi bắt giữ các nhà lãnh đạo được dân chúng bầu chọn một cách dân chủ từ Liên đảng Quốc gia Dân chủ (NLD). Cuộc đảo chính diễn ra sau nhiều ngày leo thang căng thẳng giữa chính phủ dân sự và quân đội, vốn cho rằng cuộc tổng tuyển cử tháng 11, mà đảng NLD thắng cử, là gian lận. Kể từ đó các vụ bắt giữ tăng không ngừng...

Những người phản đối cuộc đảo chính quân sự Myanmar đã duy trì các cuộc biểu tình lớn trong bảy ngày liên tiếp vào thứ Sáu khi việc tiếp tục bắt giữ những người chỉ trích quân đội càng gây thêm sự tức giận trước việc giam giữ bà Suu Kyi.

Hàng nghìn người tập trung tại trung tâm Yangon, trong khi các người biểu tình xuống đường tại Naypyitaw, thành phố thứ hai ở Mandalay và các thị trấn khác; theo hãng tin Reuters bình luận thì đây là một cuộc biểu tình lớn nhất từ trước đến nay ở một quốc gia Đông Nam Á.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc có trụ sở tại Geneva hôm thứ Sáu cho biết có hơn 350 người, bao gồm các quan chức, nhà hoạt động và nhà sư, đã bị bắt ở Myanmar kể từ cuộc đảo chính, trong đó có một số người phải đối mặt với cáo buộc hình sự với "lý do không rõ ràng". "Hãy chấm dứt bắt cóc vào ban đêm", là một trong những biển ngữ được những người biểu tình ở Yangon giơ lên để phản đối các cuộc đột kích bắt giữ trong những ngày gần đây.

Đối thoại và tôn trọng phẩm giá con người

Đức Tổng Giám Mục Jurkovic nói, “Tòa thánh cũng khẩn khoản những người có trách nhiệm trong đất nước hãy tôn trọng nhân quyền và quyền lợi dân chúng, với thiện chí hãy chân thành phục vụ cho lợi ích chung, cho các quyền cơ bản của con người và quyền công dân, thúc đẩy công bằng xã hội và quốc gia, ổn định chung sống hài hòa, dân chủ và an hòa.”

ĐTGM mời gọi “mọi người hãy gạt bỏ tất cả những gì cản trở để tiến trình tất yếu của đối thoại và tôn trọng phẩm giá con người được thực hiện”. Ngài hy vọng một giải pháp hòa bình, nhanh chóng xoa dịu những căng thẳng vì “tin tưởng rằng đối thoại có thể mang lại hòa bình mà nhiều người mong muốn”.

Nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc gồm 47 thành viên hôm thứ Sáu đã nhất trí thông qua nghị quyết do Anh và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra mà không cần bỏ phiếu, thúc giục các nhà lãnh đạo quân sự của Myanmar thả ngay bà Suu Kyi và các nhân viên của chính phủ dân sự. Tuy nhiên, văn bản dự thảo ban đầu đã bị Trung Quốc và Nga từ khước cho rằng họ "xin không đứng trong danh sách đồng thuận". Trước cuộc bỏ phiếu, đặc phái viên của Myanmar nói rằng nghị quyết này "không thể chấp nhận được".

Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, đã phải chịu đựng một thời gian dài dưới sự cai trị của một chính quyền quân sự từ năm 1962 đến năm 2011. Trong gần 5 thập kỷ, hầu như tất cả những người bất đồng chính kiến đều bị trấn áp không có nhân quyền, đã bị quốc tế lên án và trừng phạt. Quá trình tự do hóa dần dần được bắt đầu vào năm 2010, dẫn đến các cuộc bầu cử tự do vào năm 2015 và thành lập được chính phủ do bà Suu Kyi lãnh đạo vào năm sau.

Đức Thánh Cha Phanxicô


Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình đoàn kết của mình với người dân Myanmar và kêu gọi những người đảo chính hãy sẵn sàng phục vụ vì lợi ích chung. Phát biểu trong buổi đọc kinh Truyền Tin tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 7 tháng 2, Ngài đã kêu gọi những người nắm giữ quyền lực hãy thể hiện thiện chí chân thành phục vụ lợi ích chung, thúc đẩy công bằng xã hội và ổn định quốc gia, chung sống hòa hợp hòa giải dân chủ.

Và một lần nữa, trong bài phát biểu trước phái đoàn ngoại giao ngày hôm sau (8/2/2021), Đức Thánh Cha đã bày tỏ tình cảm và sự gần gũi của ngài đối với người dân cả nước. Ngài bày tỏ sự thất vọng vì "con đường dẫn đến dân chủ được thực hiện trong những năm gần đây đã bị vi phạm một cách rõ ràng" bởi cuộc đảo chính gần đây. ĐTC hy vọng các nhà lãnh đạo chính trị bị giam giữ "sẽ sớm được trả tự do ngay lập tức như một dấu hiệu thiện chí của cuộc đối thoại chân thành nhằm mục đích tốt đẹp cho đất nước".