Chúa Nhật III MC năm B 2021

Nếu thời gian Xuất Hành của Israel xưa luôn là điểm qui chiếu cho cuộc hành trình Mùa Chay của “Dân Mới”, thì Giao Uớc Sinai với Thập Điều luôn là tiêu đích để dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay định hướng mối quan hệ với Chúa và anh em.

Thật vậy, thời gian phụng vụ Mùa Chay quả thật là “thời thuận tiện” để cộng đoàn dân Chúa hồi tâm trở về, soi cuộc sống vốn đã lệch lạc, chệch hướng theo “tấm bản chỉ đường” “Mười Điều Răn của Đức Chúa Trời” mà nội dung cô đọng chính là Mến Chúa -Yêu người.

Trước hết, Bàn Tiệc Lời Chúa hôm nay (CN 3 MC năm B) được khai mở với trích đoạn sách Xuất Hành tường thuật việc Thiên Chúa đích thân truyền cho dân Israel các điều khoản của Thập Điều” trong cuộc thần hiển uy hùng tại núi Sinai: Trong những ngày ấy, Chúa phán bảo những lời sau đây: Ta là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã dẫn dắt ngươi ra khỏi vùng Ai-cập, khỏi nhà nô lệ. Ngươi không được thờ thần nào khác trước mặt Ta,… Ngươi hãy tôn kính cha mẹ, để ngươi được sống lâu dài trong xứ mà Thiên Chúa sẽ ban cho ngươi. Ngươi chớ giết người, chớ phạm tội ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng dối hại anh em mình, chớ tham lam nhà của kẻ khác, chớ ham muốn vợ bạn hữu, tôi tớ nam nữ, bò lừa và bất cứ vật gì của bạn hữu. (Xh 20,1-17).

Nếu tính từ thời điểm xuất hiện (1250 trước Công Nguyên) thì cho đến hôm nay, tấm “bảng chỉ đường” Mười Điều Răn Đức Chúa Trời đã sừng sững qua bao chặng đường lịch sử trên 3 ngàn năm. Một “bản Hiến Pháp”, một “bản quy luật” dành cho tất cả loài người đã tồn tại trên 30 thế kỷ mà vẫn luôn hợp thời, cần thiết, mới mẻ và bất khả thay thế. Chỉ có Thiên Chúa mới làm nên một công trình tuyệt hảo đến thế.

Tuy nhiên, chúng ta đừng quên: ngày xưa, khi dân Israel vừa nghe ông Môsê công bố lại Thập điều đã đồng thanh tuyên bố: “Mọi lời Đức Chúa đã phán, chúng tôi sẽ thi hành” (Xh 24,3); nhưng sau đó, khi Môsê lên núi Sinai để tiếp tục diện kiến và nhận thêm các chỉ thị của Thiên Chúa, thì dân Israel ở dưới núi đã xin ông Aharon đúc một con bò vàng để họ tôn thờ ! Cũng vậy, vừa mới nghe công bố điều răn thứ nhất: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao, cũng như dưới đất thấp…để mà thờ” (Xh 20,4) và cũng vừa tuyên bố cứng: “…Chúng tôi sẽ thi hành”, nhưng dân Israel đã vội cúi đầu trước thần tượng vật chất …. Rõ ràng điều đầu tiên mà Lời Chúa hôm nay muốn nhắc bảo chúng ta đó là: hãy tỉnh táo, khiêm nhượng. Điều Răn tốt, Lời thánh thiêng vẫn sờ sờ ra đó. Nhưng vì bản chất mỏng dòn yếu đuối của phận người, chúng ta có thể một sớm một chiều, như dân Israel, “cúi đầu thờ lạy bò vàng” lúc nào không hay. Mùa Chay là thời điểm thuận lợi để chúng ta trở về hồi tâm xét mình về việc thực thi Thập Điều; nhất là nghiêm chỉnh uốn nắn lại, làm mới lại thái độ và tinh thần, không phải như những người “Biệt phái”: biến “Thập Điều” thành một thứ “trang trí bên ngoài” để “giả hình tôn giáo” như lời khiển trách của chính Chúa Giêsu: “Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là ‘ráp-bi’” (Mt 23,5-7).

Với thái độ và tinh thần đó, “Thập Điều” đã trở thành những dòng chữ chết để trong điện thờ, chứ không còn là dấu chỉ của tình thương và sự hiện diện của Thiên Chúa; và một khi biến “Thập Điều” trở thành những “dòng chữ chết trong điện thờ”, không còn “ăn nhập gì” với đời thường cuộc sống, thì sẽ tới một lúc, điện thờ sẽ bị tục hoá; hay như ngôn ngữ của chính Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay: biến “nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.

Thật ra, hiện tượng “bò vàng tục hóa” của dân Israel thời Xuất Hành không phải chỉ diễn ra có một lần, mà gần như xuất hiện triền miên trong lịch sử nhân loại muôn nơi và muôn thuở.

Thật vậy, khi con người đem những giá trị thần linh, thiêng thánh xuống khỏi bệ thờ, khi hạ giá những đối tượng cao khiết thánh thiêng xuống nơi “bùn lầy nước đọng”, như Tin Mừng hôm nay mô tả: “Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc…”,..., thì đó chính là lúc “hiện tượng bò vàng xuất hiện” hay là sự tục hóa. Ngày hôm nay, đã có không biết bao nhiêu cái “điện thờ” đã bị tục hoá: “Điện thờ gia đình”: con giết cha, vợ giết chồng, bạo lực gia đình, bất nghĩa bất hiếu; “Điện thờ hôn nhân”: ly thân, ly dị, đồng tính…; “Điện thờ sự sống”: phá thai, khủng bố, chiến tranh đủ kiểu; “Điện thờ tôn giáo”: chùa chiền thành trung tâm du lịch, thương mại; các chức sắc biến chất, suy đồi…

Ngày nay, hiện tượng tục hóa mặc những hình thức “quyến rủ ngọt ngào” mà theo Đức Thánh Cha Phanxico định nghĩa trong Sứ Điệp Mùa Chay 2018 là “những kẻ thổi kèn dụ rắn” hay những “tiên tri giả”, rủ rê con người kiếm tìm những “giá trị ảo”, thể hiện một cuộc “sống ảo”…

Mùa Chay đúng là thời thuận tiện để chúng ta tỉnh táo nhận ra “những mưu ma chước quỷ” của những kẻ “thổi kèn dụ rắn” đó để quay trở về nhà Cha, để hoán cải đổi đời.

Riêng với Đức Kitô trong Tin Mừng Thánh Gioan hôm nay, thì Ngài không chỉ mời gọi cách nhẹ nhàng (bằng lời) như lời gọi mời trong những ngày đầu khai trương sứ vụ “hãy sám hối và Tin vào Tin Mừng” (Mc 1,15), nhưng đã hành động quyết liệt: “người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: “Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán”.”. (Ga 2,14-15).

Quả thật đây là một điều “mới mẻ” trong cách hành xử của Đức Kitô mà Thánh Gioan đã nhận xét chí lý khi liên kết sự kiện nầy với cuộc khổ nạn sắp xảy đến không xa: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17); và sau hành động quyết liệt đó lại là lời mang tính “tiên tri” về cuộc khổ nạn và phục sinh mà Ngài sắp dấn thân cử hành và hoàn tất: “các ông cứ phá hủy Đền Thờ nầy đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.”; và cũng chính Thánh Gioan đã chú giải: “Nhưng đền thờ Đức Giêsu muốn nói ở đây là chính thân thể Ngài” (Ga 21).

Như vậy có thể nói được rằng: sứ điệp “Ngọn roi” mà Đức Kitô dùng để thanh tẩy đền thờ Giêrusalem hôm nay có liên quan mật thiết đến việc thanh tẩy tâm hồn của chúng ta và của các anh chị em Dự tòng để tiến về cuộc cử hành long trọng Mầu nhiệm Vượt Qua: cái chết và sự sống lại của Đức Kitô; để cùng chết và cùng sống lại với Ngài trong một cuộc sống mới, với một con người mới, trong một “điện thờ mới” mang tên PHỤC SINH.

Và vì thế, những ngày Mùa Chay này chính là dịp để “ngọn roi của Đức Kitô” chạm đến cõi lòng, cuộc sống và việc thực hành niềm tin của mỗi người chúng ta, để:

- một lần nữa ta biết quỳ xuống nơi Tòa Giải Tội mà gội sạch tâm hồn khỏi những rác rưới tội lỗi đã làm biến dạng tâm hồn là chính “cung điện của Thiên Chúa”.

- một lần nữa ta biết Dâng Thánh lễ mỗi ngày như cùng tham dự bữa tiệc huynh đệ; biến cộng đoàn thành địa chỉ của yêu thương (chứ không phải là cuộc “tập họp bất đắc dĩ của những con người xa lạ; và mỗi cái tôi, mỗi nhân vị trở thành một “pháo đài” kiên cố của bất khoan dung, hẹp hòi, kiêu ngạo…).

- một lần nữa ta biến giáo lý của Chúa, lề luật của Giáo Hội, hay những lời cam kết (Thêm Sức, Hôn Nhân, Truyền chức, Khấn Dòng…) luôn trở thành một Tin Mừng của niềm vui và sự sống, chứ không còn là “những vòng kim cô vô hồn khắc nghiệt”, những nguyên tắc xa lạ rỗng tuếch, hay những lời giả trá ngoài đầu môi chót lưỡi…

- một lần nữa ta chuẩn bị thường xuyên một “tâm hồn cầu nguyện” để Chúa hiện diện và thường xuyên gặp gỡ Ngài; một “trái tim luôn mở ngõ để yêu thương và gặp gỡ tha nhân”; đó chính là “ngôi nhà” đối lập với những “hang trộm cướp”, địa chỉ của tham lam, dục vọng, oán thù, ghanh ghét…

Và một khi đã có được một cuộc đời là “cung thánh”, một trái tim xứng đáng là “đền thờ”, thì những giá trị của Tin Mừng Đức Kitô sẽ trở thành thuyết phục, con đường cứu độ của Kitô giáo sẽ là giải đáp và lựa chọn duy nhất của con người; và “Thập giá điên rồ sẽ biến thành khôn ngoan” như Thánh Phaolô phát biểu trong thư gởi giáo đoàn Côrintô: “Chúa Kitô chịu đóng đinh trên thập giá, một cớ vấp phạm cho người Do-thái, một sự điên rồ đối với các người ngoại giáo, nhưng đối với những người được gọi, dầu là Do-thái hay Hy-lạp, thì Ngài là Ðức Kitô, quyền năng của Thiên Chúa và sự khôn ngoan của Chúa Cha” (BĐ 2).

Như vậy “sứ điệp ngọn roi” của Lời Chúa trong Chúa Nhật III Mùa Chay (năm B) nầy không chỉ cần thiết cho hôm nay của Mùa Chay, mà cho xuyên suốt hành trình đức tin của người Kitô hữu. Vâng, mỗi ngày, chúng ta hãy để “ngọn roi” của Đức Kitô “quất mạnh” trên chính cuộc đời mình. Amen.

Trương Đình Hiền