CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN TỰ DO
“Hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tuyệt đối khôn ngoan, lời của ngôn sứ Hôsê hôm nay! “Hãy nhận biết Chúa và hãy ra sức nhận biết Chúa”. Nhận biết Chúa là điều kiện tiên quyết để có thể nhận biết mình; hai sự hiểu biết này chính là ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực. Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta con đường đó.

Qua miệng ngôn sứ Hôsê, Thiên Chúa mặc khải, “Ta muốn tình yêu, chớ không muốn hy lễ; Ta muốn sự hiểu biết Thiên Chúa hơn là của lễ toàn thiêu”. Thiên Chúa muốn lòng yêu mến, Người muốn sự hiểu biết chính Người; và một khi hiểu biết Người, chúng ta mới có khả năng hiểu biết chính mình. Thiên Chúa là Đấng Tạo Hoá, Cha nhân lành; con người là thụ tạo, là bụi của đất, nhưng là hạt bụi được yêu thương, hạt bụi được Thiên Chúa thổi vào nguồn sinh khí thần linh. Người thu thuế trong Tin Mừng hôm nay có được cả hai sự nhận biết đó; nhờ vậy, anh thật sự khiêm tốn và điều đó đã cho anh khả năng bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’.

Dụ ngôn trình bày một người biệt phái và một người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện, nhưng cách cầu nguyện của họ rất khác nhau. Người biệt phái trung thực kể ra tất cả những công trạng của mình, không sót điều nào, như để đòi Chúa trả công; thật ra, ông cũng rất thiếu trung thực vì ông không biết Thiên Chúa, cũng không biết mình; ông đâu biết, trước mặt Thiên Chúa, muôn hải đảo khác nào hạt cát dính bàn cân, đáng gì đâu những lễ dâng của ông! Đang khi người thu thuế, biết Thiên Chúa là ai, biết mình là ai nên lời cầu của anh đặc biệt trung thực và chân thành. Anh nhận rằng mình quá tội lỗi và khẩn thiết kêu xin lòng thương xót Chúa, “Xin thương xót con là kẻ có tội”. Chúa Giêsu kết luận, người thu thuế ra về khỏi tội, còn người biệt phái thì không; người biệt phái thì không, bởi lẽ, ông quá kiêu căng. Vậy mà sự kiêu căng chỉ có thể biến mất khi con người hiểu biết Thiên Chúa và hiểu biết chính mình; vì đó là ‘con đường dẫn đến tự do’.

Trước tiên, phải hiểu cho được Thiên Chúa, Đấng giàu có, quyền năng, nhưng cũng là Đấng xót thương. Sự hiểu biết này giải thoát chúng ta khỏi việc dán mắt vào mình và gạt bỏ sự tự cho mình là công chính; nó giải phóng chúng ta khỏi sự phòng thủ, và cho phép nhìn nhận mình dưới ánh sáng của sự thật. Một khi nhận ra lòng thương xót Chúa, chúng ta cũng nhận ra ngay cả tội lỗi của chúng ta cũng không ngăn được chúng ta khỏi Thiên Chúa. Thật vậy, tội lỗi càng lớn, tội nhân càng đáng được Chúa xót thương!

Nhìn nhận tội lỗi là bước thứ hai. Chúng ta có thể làm được điều này! Không cần đứng ở góc phố để kể cho mọi người tội lỗi mình, nhưng chúng ta thừa nhận nó với mình và với Chúa, đặc biệt trong toà giải tội; và đôi khi, còn phải thừa nhận nó với người khác để xin họ tha thứ và thương xót. Khả năng nhìn nhận mình là tội nhân mở ra cho chúng ta ‘con đường dẫn đến tự do’.

Trong trận đánh Nga, Napoléon mơ tưởng việc thu tóm cả Ấn Độ; với sự kiêu căng ngông cuồng, ông cho đúc một huy chương có dòng chữ “Thiên đàng là của Chúa, trái đất là của tôi”. Nhưng ông đã thất bại trong cuộc chiến đó; một viên tướng Nga, về sau, cũng cho đúc một huy chương khác, trên mặt có hình một bàn tay cầm roi từ đám mây đưa ra, đánh vào lưng Napoléon cùng với lời này, “Cái lưng là của ngươi, cây roi là của Ta”. Cuối đời, những ngày đày ải của vị hoàng đế kiêu căng trong nơi vắng vẻ ở đảo Sainte Hélène, hẳn Napoléon có thể ngẫm suy lời Chúa Giêsu hôm nay, “Ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống; và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”.

Anh Chị em,

Chỉ những người không biết Thiên Chúa mới không biết mình, cũng chẳng biết người. Xem ra Napoléon chỉ biết có mình ông. Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta nhìn vào con người của Chúa Giêsu. Qua cuộc thương khó của Ngài, chúng ta thấy Ngài là một con người thật sự nhận biết Thiên Chúa, là Cha yêu thương mọi người; biết con người, vốn cần được cứu độ và biết chính mình, đang thuộc trọn về Cha và chỉ làm điều đẹp lòng Cha. Sự nhận biết đích thực ấy đã khiến Chúa Giêsu tự do bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực, Ngài đã ghé vai vác thập giá, đón nhận cái chết bi thương trong yêu mến và hy vọng; quả thế, ơn cứu độ đã được tặng ban.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, “Xin thương xót con là kẻ có tội!”. Cho con biết Chúa, cho con biết con; nhờ đó, con sẽ có thể bước đi trên ‘con đường dẫn đến tự do’ đích thực”, Amen.

(Tgp. Huế)