1. Hình ảnh gây phẫn nộ: Cảnh sát Miến Điện buộc người dân phải bò bằng bốn chân
Kể từ sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, người ta đã phải chứng kiến hàng trăm người bị cảnh sát Miến Điện giết chết.
Cảnh tượng được ghi lại vào chiều thứ Sáu, 19 tháng 3 năm 2021, Lễ Kính Thánh Giuse, đang được lan truyền rộng rãi trên Internet khiến nhiều người đau lòng.
Theo nhân chứng đã quay cảnh tượng này, người đàn ông không tham gia trực tiếp cuộc biểu tình gần đó, chỉ đứng theo dõi, đã bị các nhân viên cảnh sát đánh đập sau khi bị buộc phải bò một lúc.
“Đây là lần đầu tiên tôi tận mắt chứng kiến kiểu lạm dụng này. Tôi cảm thấy tức giận và tuyệt vọng”, nhân chứng muốn giấu tên nói với Reuters.
Quân đội và cảnh sát đã sử dụng các chiến thuật ngày càng bạo lực để trấn áp các cuộc biểu tình của những người ủng hộ nhà lãnh đạo dân cử đang bị giam giữ Aung San Suu Kyi nhưng điều đó vẫn chưa dập tắt được các cuộc biểu tình, với đám đông đang trở lại ở một số thị trấn vào hôm thứ Sáu.
Đức Hồng Y Charles Bo, là Tổng Giám Mục Yangon và cũng là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã nhận định rằng:
Miến Điện ngày nay đang ở trong một chương khác của bóng tối, đổ máu và đàn áp. Sau một thập kỷ cải cách và mở cửa, trong đó - mặc dù có nhiều thách thức và những đám mây bão tố trên đường - chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhìn thấy mặt trời bắt đầu mọc trên vùng đất xinh đẹp của chúng tôi và viễn cảnh - dù mong manh hay dễ chao đảo – đã xuất hiện trong một bình minh mới dân chủ, tự do, hòa bình và công lý. Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi đã bị đẩy lùi lại hơn một thập kỷ, quay trở lại cơn ác mộng của cảnh quân đội đàn áp, tàn bạo, bạo lực và độc tài.
Kể từ sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, chúng ta đã chứng kiến lòng dũng cảm, sự dấn thân và sự sáng tạo đáng kinh ngạc của nhân dân chúng ta, thể hiện trên khắp đất nước trong các cuộc biểu tình hàng nghìn người hết ngày này sang ngày khác của họ. Họ đã thể hiện quyết tâm không cho phép nền dân chủ và tự do vốn khó khăn lắm mới giành được, và hy vọng hòa bình của họ bị đánh cắp. Đó là một cảnh ngoạn mục và một nguồn cảm hứng tuyệt vời. Ý thức thống nhất và đoàn kết trong sự đa dạng - với những người thuộc các sắc tộc và các tôn giáo khác nhau đến với nhau vì cùng một mục đích - là điều đáng chú ý.
Nhưng điều đó đã phải đối mặt với những viên đạn, những trận đòn, đổ máu và đau buồn. Rất nhiều người đã bị giết hoặc bị thương trên đường phố của chúng tôi, và hàng ngàn người đã bị bắt và mất tích.
Source:Reuters
2. Các Hồng Y ủng hộ tuyên bố của Tòa Thánh về việc không được chúc lành cho các kết hiệp đồng tính
Giữa các chỉ trích gay gắt của một số Giám Mục Đức, nổi bật nhất là Giám Mục Georg Bätzing, người quyết liệt đòi Giáo Hội phải công nhận các kết hiệp đồng tính và chúc lành cho họ, hai vị Hồng Y đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố gần đây của Vatican.
Tại một hội thảo trực tuyến do Đại học Georgetown tổ chức, Đức Hồng Y Peter Turkson - tổng trưởng Bộ Phát triển Con người Toàn diện của Vatican - và Đức Hồng Y Sean O'Malley ở Boston - một thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn cho Đức Thánh Cha Phanxicô - đều được yêu cầu trả lời cho những ai “thất vọng” bởi tuyên bố gần đây của Vatican về các kết hiệp đồng tính.
Hôm thứ Năm, Đức Hồng Y O'Malley nói rằng Đức Thánh Cha rất “nhạy cảm và chú ý về phương diện mục vụ” với những người có vấn đề, trong khi vẫn đề cao các giáo huấn của Giáo hội.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ rằng ngài mong muốn “được gần gũi với mọi người, trong thực tế và những thách thức trong cuộc sống của họ, bất kể điều đó có thể là gì”, Đức Hồng Y O'Malley nói. “Đồng thời, Giáo hội có một giáo huấn rất rõ ràng về hôn nhân cần được công bố”.
“Và tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha cố gắng tỏ ra hết sức nhạy cảm và quan tâm mục vụ trong việc tiếp cận với mọi người, đồng thời bày tỏ sự quan tâm của Ngài đối với các cá nhân, trong sự trung thành với những gì được nêu trong Giáo huấn của Giáo hội về Bí tích Hôn phối”, Đức Hồng Y O'Malley nói.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhấn mạnh đến phẩm giá của tất cả mọi người bao gồm cả những người có sự thu hút đồng giới, Đức Hồng Y Turkson nói, và nói thêm rằng Đức Giáo Hoàng đang “kêu gọi các gia đình chào đón con cái của họ nếu những người con này có một số khuynh hướng như vậy”.
“Như thế thực sự là có một sự đồng cảm, một mối quan tâm và ân cần lo lắng của một vị giáo hoàng”, ngài nói.
Đức Hồng Y nói thêm rằng những lời dạy của Giáo hội về hôn nhân là từ Thiên Chúa chứ không phải là từ con người.
“Giáo hội với tư cách là con đường dẫn đến sự cứu rỗi, trước hết và quan trọng nhất, cần phải nhìn nhận rằng con đường dẫn đến ơn cứu rỗi không được cấu thành bởi giáo huấn của giáo hoàng hoặc các mục tử hoặc bất kỳ ai trong Giáo hội, nhưng bởi những gì Kinh thánh và Mạc khải luôn cung cấp về con đường dẫn đến ơn cứu rỗi”, ngài nói.
Đức Hồng Y nhận xét rằng ngài đã từng gặp hai người Công Giáo lãnh đạo một “giáo xứ đồng tính” ở Luân Đôn với sự chấp thuận của “Hồng Y Tổng Giám mục Luân Đôn”.
“Nhưng vì tôn trọng các bí tích, coi hôn nhân là một bí tích, họ đã quyết định không yêu cầu được chúc lành. Vì vậy, bạn có thể có được điều này đến từ chính cộng đồng người đồng tính, công nhận bản chất, sự thánh thiêng của những gì được xem như một bí tích”.
“Chúng ta phải nhận ra rằng dù chúng ta đang sống ở trạng thái nào của cuộc sống, tại một thời điểm nhất định, chúng ta cần đem tất cả dâng lên Chúa và để Chúa đánh giá điều đó cho chúng ta”.
Source:Catholic News Agency
3. Tuần thánh tại Giêrusalem trong hy vọng nới lỏng
Tuần thánh và Phục sinh tới đây tại Thánh địa sẽ không bị tình trạng “cửa đóng then cài” như năm ngoái vì đại dịch.
Trên đây là tuyên bố của cha Francesco Patton, Bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa, với hãng tin Sir của Hội đồng Giám mục Italia, hôm 19/3/2021 vừa qua. Theo cha, thành công do chiến dịch chích ngừa vắc xin chống Covid-19 của chính phủ Israel tiến hành, cũng có những ảnh hưởng tích cực trên các nơi thờ phượng, như Đền thờ Thánh Mộ, trung tâm của các buổi lễ Tuần thánh và Phục sinh tại Thánh địa. Tuy vẫn còn thiếu các tín hữu hành hương, nhưng sẽ có những dấu hiệu tích cực trước cuối năm nay.
Trong số chín triệu dân cư ở Israel, đã có hơn năm triệu người được chích liều vắc xin thứ nhất chống Covid-19 và khoảng bốn triệu ba trăm ngàn người đã được chích liều thứ hai. Chiến dịch đang tiến hành mạnh mẽ, khiến người ta hy vọng Israel sẽ đứng đầu về tỷ lệ những người dân được chích ngừa. Với số ca lây nhiễm giảm bớt, dân tại Israel chuẩn bị mở lại phần lớn các hoạt đoạt kinh tế. Các tiệm ăn, khách sạn, quán cà-phê, các hoạt động văn hóa, du lịch đang dần dần được mở lại, nhờ “hộ chiếu xanh”, giấy chứng nhận đã chích ngừa.
Trong khi đó, Israel cũng bắt đầu chích ngừa cho những người Palestine làm việc tại Israel hoặc trong các khu định cư của người Do Thái ở miền Cisjordani. Cho đến nay, đã có một trăm ngàn người Palestine được chích liều thứ I vắcxin chống Covid-19. Việc du nhập “hộ chiếu xanh” cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho hoạt động tại các nơi thờ phượng, tuy rằng nhà chức trách y tế có thể không loại bỏ những hạn chế vào dip lễ Pesach, lễ Vượt qua của Do Thái, từ ngày 28/3 đến 4/4, cùng với lễ Phục sinh của Công Giáo, Chúa nhật 4/4 tới đây.
Source:SIR
4. Ecuador tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc tế vào năm 2024
Hôm thứ Bảy, Vatican đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Tổng giáo phận Quito ở Ecuador là nơi đăng cai tổ chức Đại hội Thánh Thể Quốc tế năm 2024.
Hội nghị lần thứ 53 này cũng sẽ diễn ra trong dịp kỷ niệm 150 năm ngày thánh hiến Ecuador cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
“Cuộc gặp gỡ giáo hội tuyệt vời này sẽ thể hiện thành quả của Bí Tích Thánh Thể cho việc loan báo Tin Mừng và việc canh tân đức tin trong lục địa Mỹ châu La tinh”, Vatican cho biết trong thông báo ngày 20 tháng 3.
Thành phố Quito nằm ở chân núi Andes ở độ cao 9,350 feet, tức là 2850m. Đây là thành phố thủ đô của Ecuador và là thành phố đông dân nhất nước này, với hơn 3 triệu người trong khu vực trung tâm.
Theo thống kê năm 2017, chỉ riêng tại thủ đô, người Công Giáo, chiếm 85% dân số với hơn 2.4 triệu người trong Tổng giáo phận Quito.
Tổng giáo phận đã chia sẻ tin tức về việc được chỉ định là nơi tổ chức Đại hội Thánh Thể năm 2024 trên Facebook, viết rằng “chúng tôi đảm nhận trách nhiệm lớn lao này với niềm vui và cam kết mọi người sẽ hăng say làm việc”.
Ecuador sẽ tổ chức Đại hội Thánh Thể lần đầu tiên kể từ khi các Đại hội Thánh Thể bắt đầu cách đây 140 năm. Hội nghị quốc tế được tổ chức lần cuối tại Nam Mỹ vào năm 1968, tại Bogotá, Colombia.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm Quito trong chuyến tông du vào tháng 7 năm 2015 tới Ecuador, Bolivia và Paraguay.
Đại hội Thánh Thể sắp tới sẽ diễn ra tại Budapest, Hung Gia Lợi hay còn gọi là Hung-ga-ri, vào tháng 9 - sau khi bị hoãn lại một năm do đại dịch coronavirus.
Gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài có kế hoạch đến thăm Hung Gia Lợi để dự Thánh lễ bế mạc đại hội Thánh Thể vào ngày 12 tháng 9 tại Quảng trường Anh hùng của Budapest.
Vào tháng 12 năm 2019, Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu những lời cầu nguyện cho sự thành công của hội nghị.
“Trong hơn một thế kỷ, các Đại hội Thánh Thể đã nhắc nhở chúng ta rằng Thánh Thể là trung tâm của đời sống Giáo Hội”, ngài nói.
“Chúng tôi cầu nguyện rằng biến cố Thánh Thể ở Budapest có thể thúc đẩy các tiến trình đổi mới trong các cộng đồng Kitô giáo”, ngài tiếp tục, “để ơn cứu độ mà Thánh Thể là cội nguồn cũng có thể được chuyển thành một nền văn hóa Thánh Thể có khả năng truyền cảm hứng cho những người nam và người nữ thiện chí trong các lĩnh vực bác ái, hòa bình, gia đình, chăm sóc tạo vật”.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Pháp vào năm 1881 với mục tiêu tăng cường lòng sùng kính Thánh Thể và nâng cao nhận thức cho đông đảo người Công Giáo trong nước.
Đại hội Thánh Thể Quốc tế đã tiếp tục được tổ chức vài năm một lần tại một thành phố khác nhau và đã xảy ra trên phạm vi toàn cầu, diễn ra ở Jerusalem, Nairobi, Melbourne, Hàn Quốc, Mỹ và khắp Âu Châu.
Đại hội cuối cùng được tổ chức tại Cebu, Philippines vào năm 2016. Có 12,000 người tham gia đại hội, mặc dù hàng triệu người đã tham gia các thánh lễ liên quan. Hung Gia Lợi lần cuối đăng cai Đại hội Thánh Thể vào năm 1938.
Sự kiện này nhằm mục đích làm chứng cho sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về phụng vụ và Thánh Thể trong đời sống của Giáo Hội. Đại hội hiện nay thường được tổ chức bốn năm một lần.
Source:Catholic News Agency