Theo các cơ quan cung cấp tin tức Công Giáo, ngày 25 tháng 3 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra một Tông Thư (Apostolic Letter) tựa là Candor lucis aeternae (Ánh Quang Trường Cửu) để kỷ niệm 700 năm ngày qua đời của thi hào Ý, Dante Alighieri, tác giả công trình muôn thuở Bi Kịch Thần Thiêng (The Divine Comedy).
Tại sao lại là Dante và tại sao lại là ngày 25 tháng 3, ngày lễ Thiên thần Truyền tin cho Đức Mẹ, khởi đầu diễn trình Nhập Thể? Câu hỏi sau dễ trả lời thôi. Isabella Piro của Vatican News cho hay theo Đức Phanxicô, mầu nhiệm Nhập Thể vốn là "trái tim và gợi hứng đích thực của toàn bộ tập thơ” vì nó thể hiện cuộc trao đổi kỳ diệu qua đó Thiên Chúa bước vào lịch sử chúng ta bằng cách trở thành xác phàm, và nhân tính “được Thiên Chúa mặc lấy, nơi Người, nó tìm được hạnh phúc đích thực”.
Nhưng theo Inés San Martín của tập san Crux, thì 25 tháng 3 là ngày Dante bắt đầu viết Bi Kịch Thần Thiêng.
Bi Kịch ấy và chính bản thân Dante có chi đáng lưu ý mà Đức Phanxicô phải dành cả một Tông Thư để nói đến? Thực ra không riêng ngài, mà nhiều vị Giáo Hoàng tiền nhiệm cũng đã có văn kiện chính thức ca ngợi nhà đại thi hào của Ý này.
Theo Inés San Martín, năm 1921, Đức Bênêđíctô XV công bố cả một thông điệp (encyclical) tựa là In Praeclara Sumorum (giữa nhiều thiên tài nổi danh) để tưởng niệm Dante nhân 600 năm ngày ông qua đời. Năm 1965, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI viết Tông Thư Altissimi Cantus, đánh dấu 700 năm ngày sinh của ông. Chính vị Thánh Giáo Hoàng này đặt và trả lời câu hỏi “Một ai đó có lẽ sẽ hỏi tại sao Giáo Hội Công Giáo, qua ý chí và việc làm của Vị Đứng Đầu Hữu Hình của mình, lại để tâm cử hành hoài niệm về nhà thi sĩ Florence và tôn vinh ông. Câu trả lời khá dễ và có ngay lập tức: Dante Alighieri là của chúng ta bởi một quyền đặc biệt: Của chúng ta, nghĩa là, của Đạo Công Giáo, vì mọi sự đều hít thở tình yêu dành cho Chúa Kitô; của chúng ta, vì ông rất yêu mến Giáo Hội, được ông ca hát ngợi khen; của chúng ta, vì ông nhìn nhận và tôn kính Vị Đại Diện của Chúa Kitô trên trần gian nơi Giám Mục Rôma”.
Theo Isabella Piro, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tính liên quan, phi thời gian và tính sâu sắc về đức tin của Bi Kịch Thần Thiêng. Dù qua đời năm 1321, Dante vẫn nói với chúng ta ngày nay trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực tức tình yêu vô hạn và đời đời của Thiên Chúa.
Đức Phanxicô cho rằng công trình của Dante là “một phần tạo thành nền văn hóa của chúng ta, đưa chúng ta trở lại với các gốc rễ Kitô Giáo của Âu Châu và Phương Tây. Nó hiện thân cho di sản gồm nhiều lý tưởng và giá trị được Giáo Hội và xã hội dân sự tiếp tục đề nghị” tới tận ngày nay như là “nền tảng của trật tự xã hội nhân ái trong đó mọi người có thể và phải coi người khác như anh chị em”.
Ngài cũng cho rằng có hai cột trụ lớn trong Bi Kịch Thần Thiêng: tức ước nguyện bẩm sinh trong trái tim con người và sự thành toàn trong hạnh phúc do viễn kiến tình yêu Thiên Chúa mang tới. Bởi thế, Dante là một “tiên tri của hy vọng” vì bất chấp mọi biến cố “bi đát, buồn đau và lo âu xao xuyến” ông vẫn không bao giờ “đầu hàng và lui bước” cũng như dẹp bỏ ước nguyện thành toàn và hạnh phúc hay nhẫn chịu bất công, giả hình, cao ngạo của kẻ quyền thế hoặc lòng vị kỷ. Ông luôn động viên nhân loại tự thoát khỏi “khu rừng tối tăm” của tội lỗi để tìm được “nẻo đường đúng” và nhờ thế đạt được “sự viên mãn của sự sống và thời gian trong lịch sử” và “hạnh phúc trường cửu trong Thiên Chúa”. Nẻo đường này có tính “thực tiễn và trong tầm với” của mọi người.
Đặc điểm khác của Bi Kịch Thần Thiêng là Dante đề cao vai trò người đàn bà qua ba nhân vật: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đại diện cho đức ái; Beatrice, đại diện cho đức cậy, và Thánh Lucia, đại diện cho đức tin. Ba người đàn bà này tượng trưng cho ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến, đồng hành với Dante trong các giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình, chứng minh rằng “chúng ta không được cứu rỗi một mình” nhưng cần sự giúp đỡ của những người “có thể nâng đỡ ta và hướng dẫn ta một cách khôn ngoan thận trọng”.
Nhân dịp này, Đức Thánh Cha kêu gọi các nghệ sĩ hãy “dành cho thơ văn của Dante một tiếng nói, một khuôn mặt và một trái tim, một hình thức, một sắc mầu và một âm thanh, bằng cách bước theo nẻo đường cái đẹp mà ông từng bước qua một cách hết sức tài tình bậc thầy” để có thể truyền bá “một sứ điệp hòa bình, tự do và huynh đệ”, một sứ điệp có liên quan hơn bao giờ hết trong khoảnh khắc lịch sử này “hiện bị che phủ quá dầy bởi các tình huống vô nhân đạo sâu xa và thiếu tin tưởng và viễn ảnh cho tương lai”.
Ínes San Martin cho biết đây không phải là lần đầu tiên, Đức Phanxicô nói đến Dante. Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 750 năm ngày sinh của Ông, Đức Phanxicô đã mời người Công Giáo khắp thế giới đọc Bi Kịch Thần Thiêng mà ngài coi như trước tác quan trọng nhất của nền văn minh Phương Tây và Kitô Giáo.
Thi sĩ Ý, Alessandro Rivali, thì cho rằng Bi Kịch Thần Thiêng là một loại bách khoa từ điển vĩ đại, trong đó, ông trình bầy mọi điều, cho tới lúc đó, người ta biết về con người. Ông là một người ngoại thường, một diễn viên hàng đầu không những theo quan điểm thi ca, mà còn theo quan điểm triết học và thần học. Tại Florence, ông từng được học với các cha Dòng Phanxicô và với các cha dòng Đaminh, nên ông được chuẩn bị hoàn toàn vượt qua tiêu chuẩn thông thường”.
Theo Rivali, Bi Kịch Thần Thiêng đặc biệt có liên quan đến triều Giáo Hoàng Phanxicô: Phần hai của tác phẩm, tức phần Purgatorio (Luyện Ngục), hoàn toàn nói về lòng thương xót, một điều được Đức Phanxicô hết sức nhấn mạnh.
Ínes San Martín cũng nhắc lại việc các vị tiền nhiệm gần đây khác của Đức Phanxicô ca ngợi thi hào Dante. Năm 1997 chẳng hạn, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định rằng “Gần 7 thế kỷ sau, nghệ thuật của Dante vẫn gợi lên những xúc cảm cao thượng và các xác tín vĩ đại nhất, và tự chứng tỏ có khả năng khích lệ lòng can đảm và hy vọng, hướng dẫn con người hiện đại trong việc tìm tòi Chân Lý giữa các khó khăn của hiện sinh”.
Đức Bênêđíctô XVI cũng lên tiếng ca ngợi thi hào này, khi ngài còn là một linh mục và viết cuốn sách nổi tiếng Introduction to Christianity (Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo) năm 1968. Ngài dùng Bi Kịch Thần Thiêng để giải thích “tai tiếng Kitô giáo”.
Kỳ tới: Nguyên Văn Tông Thư Candor Lucis Aeternae