Trên tờ Public Course của Viện Whiterspoon, ngày 16 tháng 3, 2021, có bài viết của Đức Hồng Y Timothy Dolan, Tổng Giám Mục New York, kêu gọi người Công Giáo Hoa Kỳ đứng lên phản đối Đạo Luật Bình đẳng (Equality Act). Nguyên văn xin xem tại đây: https://www.thepublicdiscourse.com/2021/03/74791/



Đạo luật Bình đẳng vượt quá xa mong muốn cao thượng bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Nó tạo gánh nặng cho các lương tâm, cắt xén nghiêm trọng các quyền của người ta được thực hành đức tin, mang lén mệnh lệnh phá thai vào, và minh nhiên tự miễn trừ việc tôn trọng tự do tôn giáo.

Người Mỹ từ lâu vốn là một dân tộc bao dung. Trong những năm gần đây, đã có nhiều quan tâm và phản đối về việc chúng ta đã trở nên chia rẽ như thế nào, và chúng ta đúng khi lo lắng về những chia rẽ đang diễn ra trong cuộc sống chung của chúng ta. Đồng thời, xét đến sự đa dạng phi thường của đất nước này, chúng ta hẳn thán phục trước cách mà đại đa số chúng ta chấp nhận sự khác biệt và biểu lộ lòng hiếu khách cũng như sự tôn trọng đối với các người lân cận của chúng ta, ngay cả khi chúng ta có những bất đồng sâu xa.

Đạo luật Bình đẳng đưa chúng ta đi theo một hướng khác. Trong khi cái tên nghe có vẻ hấp dẫn - ai lại không ủng hộ bình đẳng? - Đạo luật Bình đẳng thực sự bất khoan dung một cách sâu xa. Nó bắt mọi người chấp nhận một lối hiểu đầy tranh cãi về bản chất con người, và nó đi trêch đường khi nhắm vào những người có đức tin.

Ý tưởng đằng sau Đạo luật Bình đẳng dường như khá đơn giản. Nó làm cho "khuynh hướng tình dục" và "bản sắc phái tính" thành các phạm trù được bảo vệ trong Đạo luật Dân Quyền. Mục đích là để bảo vệ những người tự xác nhận là LGBT khỏi bị kỳ thị.

Mong muốn bảo vệ người ta khỏi sự kỳ thị bất công là một điều đáng ca ngợi. Người Công Giáo chúng ta tin rằng mọi cá nhân đều được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và vì vậy chúng ta có nghĩa vụ đối xử với tất cả mọi người một cách xứng đáng, tôn trọng và cảm thương. Mọi người Công Giáo nên đứng lên chống lại sự kỳ thị bất công. Nhưng Đạo luật Bình đẳng vượt xa mục tiêu bề ngoài của nó.

Lối hiểu Kitô giáo về Tính dục và Phái tính

Người ta không cần tuyên xưng đức tin Công Giáo mới thấy Đạo luật Bình đẳng có nhiều vấn đề. Lý trí và luật tự nhiên cung cấp nhiều cơ sở để bác bỏ nó. Nhưng một quan điểm Kitô giáo có thể làm sáng tỏ việc luật pháp hóa ý thức hệ phái tính có hại như thế nào.

Lối hiểu Kitô giáo về giới tính và phái tính không phải là tuân theo các quy tắc độc đoán. Nó nói về sự phát triển rực rỡ của con người, ích chung và tôn trọng sự toàn vẹn của bản nhiên. Từ lâu, Giáo hội vốn hiểu rằng con người là một thể thống nhất gồm thể xác và linh hồn. Tôi không phải là một tâm trí tình cờ có một cơ thể. Tôi là một cơ thể được sinh động bởi một linh hồn, một con người toàn diện. Bản sắc của một người không thể tách biệt khỏi cơ thể của họ. Ý thức hệ phái tính trình bầy một nhân học ngược lại, cho rằng cơ thể của một người có thể mâu thuẫn với bản sắc của người ấy.

Các Kitô hữu nhìn nhận rằng có sự phân biệt giữa hai giới tính. Sự khác biệt giới tính là một khía cạnh căn bản, thánh thiêng và cao đẹp của bản chất con người, và tính bổ sung giữa nam và nữ tìm được ý nghĩa trong “việc phát triển rực rỡ của cuộc sống gia đình”.

Phần lớn ngôn ngữ của Kinh thánh và thánh truyền được xây dựng dựa trên sự hiểu biết tự nhiên về hôn nhân như một sự kết hợp sinh hoa trái giữa nam và nữ. Sẽ không tài nào hiểu được Kitô giáo nếu chúng ta chấp nhận rằng hôn nhân chỉ dựa trên tình cảm mạnh mẽ hoặc phái tính không bị ràng buộc vào giới tính sinh học. Dù người Công Giáo phải đồng hành với mọi cá nhân, chúng ta vẫn không thể chấp nhận một ý thức hệ phái tính, mà theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói, "'phủ nhận sự khác biệt và hỗ tương trong bản chất của một người đàn ông và một người đàn bà và dự kiến một xã hội không có sự khác biệt giới tính, do đó loại bỏ cơ sở nhân học của gia đình'”. Thực thế, Đức Thánh Cha dường như đang nói thẳng vào vấn đề được Đạo luật Bình đẳng trình bầy, khi ngài nói,“ ‘Ý thức hệ này dẫn đến các chương trình giáo dục và ban hành luật lệ cổ vũ bản sắc cá nhân và sự thân mật xúc cảm tách biệt hoàn toàn khỏi sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Do đó, bản sắc con người trở thành sự lựa chọn của cá nhân, một sự lựa chọn cũng có thể thay đổi theo thời gian’".

Áp đặt Ý thức hệ Phái tính

Tất nhiên, nhiều người Mỹ có thể bác bỏ một quan điểm về tính dục bắt nguồn từ luật tự nhiên, và có lẽ nhiều người hơn nữa không chấp nhận lối hiểu của Kitô giáo về con người. Hoa Kỳ là xã hội có tính đa nguyên cao. Tuy nhiên, một trong những lợi ích tuyệt vời của việc sống trong một xã hội tự do là chúng ta có thể cùng nhau lý luận về cách tốt nhất để sống chung với các khác biệt của chúng ta. Như tôi đã lưu ý vào đầu năm nay, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cống hiến nhiều sự khôn ngoan trong thông điệp Fratelli tutti khi ngài dạy rằng đối thoại cho phép chúng ta có cơ hội cùng nhau tìm kiếm sự thật trong một xã hội đa nguyên. Đạo luật Bình đẳng kết liễu đối thoại. Nó buộc mọi người chúng ta phải chấp nhận những chủ trương đầy thiên kiến của ý thức phái tính.

Ở đây, dành chỗ cho việc biện phân là điều đặc biệt quan trọng. Hãy xem xét một tình huống liên quan đến không gian dành cho nữ tại một trường học. Một nam thanh niên thông báo cho một giáo viên rằng giờ đây anh ta xác định là một người nữ và anh ta muốn được coi là người nữ. Nhà giáo dục nên trả lời như thế nào?

Sự biện phân đúng đắn bao hàm việc tính đến toàn bộ tình huống. Điều gì đang xảy ra trong cuộc sống của học sinh này? Điều gì sẽ hợp tình hợp lý cho mọi học sinh? Có thể có những loại thỏa hiệp nào? Có những giải pháp tư vấn nào? Khá dễ tưởng tượng một số cách mà một giáo viên có thể giải đáp tình huống này một cách vừa chân thực vừa cảm thương, trung thành và tương cảm (empathetic). Nhưng Đạo luật Bình đẳng chỉ cho phép một cách duy nhất để xử lý tình huống này, và đó là một cách không hợp tình hợp lý đối với các nữ sinh muốn có sự riêng tư và cuối cùng là không cảm thương đối với một học sinh đang cần sự đồng hành vừa có tính yêu thương vừa có tính trung thực. Bằng cách ép buộc ý thức hệ phái tính đối với các trường học, các dịch vụ bác ái và các bệnh viện, Đạo luật Bình đẳng thu hẹp không gian trong đó, những người có thiện chí có thể biện phân cách tốt nhất để giúp đỡ những người bị chứng phiền muộn về phái tính.

Nhắm vào Tôn giáo

Quyền tự do tôn giáo là một quyền căn bản, được ghi nhận là quyền đầu tiên trong Đạo luật Nhân quyền (Bill of Rights). Tất cả những người thiện chí đều xứng đáng có không gian để tìm kiếm sự thật về Thiên Chúa và đáp ứng sự thật khi nó được nắm chắc. Chắc chắn, sắp đặt để xã hội hướng tới điều tốt trong khi tôn trọng quyền tự do của mọi người có thể là một thách thức. Nhưng ít nhất, không ai bị chính phủ buộc phải làm điều mà họ hiểu là chống lại niềm tin sâu sắc của họ. Giáo Hội Công Giáo dạy rõ điều này:

Tự do [tôn giáo] có nghĩa là mọi người đều được miễn khỏi bị cưỡng bách về phía các cá nhân hoặc các nhóm xã hội và bất cứ quyền lực nào của con người, một cách đến mức không ai bị buộc phải hành động một cách mâu thuẫn với các niềm tin của họ, bất kể là riêng tư hay công khai, một mình hay kết hợp với những người khác, trong giới hạn cho phép.

Đạo luật Bình đẳng dường như đi trệch ra cả đường lối của nó để nhắm vào tôn giáo. Nó tự miễn trừ mình khỏi Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo (RFRA), một dự luật đã được Quốc hội gần như nhất trí thông qua và được Tổng thống Bill Clinton ký thành luật vào năm 1993. Về căn bản, Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo nói rằng nếu chính phủ muốn đặt gánh nặng lên tôn giáo, họ cần phải có một lý do rất chính đáng, và phải chứng tỏ rằng họ đã làm mọi sự có thể để tránh tạo gánh nặng quá mức cho tôn giáo.

Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo đã được viện dẫn bởi những người Hồi giáo tìm cách để râu ngắn lúc ở trong tù, những người Mỹ da đỏ sử dụng lông chim đại bàng trong các nghi lễ tôn giáo, những người nhân đạo để lại nước cho người di cư trong sa mạc, và — vâng — những nữ tu không muốn trả tiền cho các biện pháp ngừa thai. Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo bảo vệ mọi người thuộc mọi tín ngưỡng. Nhưng dưới Đạo luật Bình đẳng, nhà cung cấp dịch vụ tôn giáo không được Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo bảo vệ nếu họ “kỳ thị” trên cơ sở “bản sắc phái tính”. Vì vậy, nếu nơi tạm trú của phụ nữ Công Giáo quyết định rằng tốt nhất không nên chứa một người đàn ông sinh học tự nhận là một người đàn bà trong cùng một chỗ ở với những phụ nữ từng là nạn nhân của lạm dụng gia đình, thì thừa tác vụ đó sẽ không được bảo vệ theo Đạo luật Bình đẳng.

Đạo luật Bình đẳng cũng mở rộng ý nghĩa của các cơ sở lưu trú công cộng. Điều này có nghĩa là một số định chế mà chúng ta thường không nghĩ là công cộng được coi là công cộng theo Đạo luật Bình đẳng. Thí dụ, một nhà thờ rõ ràng là một tòa nhà tôn giáo. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu nhà thờ có một phòng tiệc mà họ cho thuê để tổ chức các biến cố? Hầu hết những người hợp lý sẽ nói rằng luật pháp không nên buộc một nhà thờ tổ chức một biến cố mà họ coi là vô luân. Nhưng theo Đạo luật Bình đẳng, nếu nhà thờ mở cửa cho công chúng, thì việc không cho phép cử hành hôn nhân dân sự đồng tính sẽ là kỳ thị dựa trên khuynh hướng tính dục. Tất nhiên, trong trường hợp này, nhà thờ phản đối hoạt động của những người tham gia chứ không phải "khuynh hướng" của các cá nhân, nhưng Đạo luật không phân biệt điều đó. Việc chúng ta thừa nhận phẩm giá cố hữu của mọi người không bao hàm chúng ta phải tán dương những hành vi trái với niềm tin của chúng ta.

Đạo luật Bình đẳng cũng lén đưa vào mệnh lệnh phá thai bằng cách định nghĩa "giới tính" (sex) để bao gồm "mang thai, sinh con hoặc một tình trạng y tế liên hệ" - một cụm từ mà các tòa án đã giải thích để bao gồm phá thai. Với thủ thuật này, Đạo luật, thực tế, có thể nói rằng việc từ chối thực hiện phá thai cấu thành sự kỳ thị trên cơ sở giới tính. Hãy xem xét một bác sĩ Công Giáo làm việc tại một bệnh viện Công Giáo. Bà ấy không được bảo vệ khỏi bị ép buộc phải thực hiện các vụ phá thai do làm việc tại một bệnh viện Công Giáo, vì bệnh viện là một nơi công cộng. Các quyền lương tâm bản thân của bà ấy ít được bảo vệ hơn, vì bà ấy không có quyền dựa vào Đạo luật Khôi phục Tự do Tôn giáo. Có vẻ như cho dù vấn đề là phá thai, ý thức hệ phái tính, hay định nghĩa lại hôn nhân, các nhà hoạt động không chỉ bằng với điều họ muốn. Với Đạo luật Bình đẳng, họ muốn nói, "bất kể bạn tin gì, bạn sẽ phải ủng hộ những điều này".

Đạo luật Bình đẳng vượt xa mong muốn cao thượng là bảo vệ những người dễ bị tổn thương. Nó đè nặng lương tâm và làm mất đi quyền tự do thực hành đức tin của những người tôn giáo.

Vì lợi ích của mọi người

Tất cả mọi người phải được đối xử một cách xứng đáng và tôn trọng. Có những trường hợp tác hại thực sự tạo động lực cho các dự luật như Đạo luật Bình đẳng. Trong Mùa Chay này, các Kitô hữu chúng ta suy gẫm các cách chúng ta từng đối xử bất công với người khác, đem những lỗi lầm của chính chúng ta đến với bí tích sám hối — kể cả những lần chúng ta đối xử với các cá nhân bị lôi cuốn bởi hấp dẫn đồng tính hoặc mắc chứng phiền muộn phái tính một cách thiếu yêu thương.

Đồng thời, như Chánh Án Anthony Kennedy từng nói, "Sự khoan dung có ý nghĩa nhất khi nó có tính hỗ tương". Đạo luật Bình đẳng biến việc bất khoan dung thành luật lệ, không những đối với những người theo tôn giáo, mà còn đối với những người có câu hỏi nghiêm túc, thiện chí đối với phong trào chính trị của người chuyển giới. Là những người kế thừa truyền thống lâu đời về ý nghĩa của việc phát triển rực rỡ của con người, các Kitô hữu có một đóng góp độc đáo vào các cuộc đàm luận ngày nay về giới tính và phái tính. Chúng ta nên có không gian để làm việc này.