1. Lời kêu gọi bảo vệ sự sống mới được đưa ra của các Giám mục Hàn Quốc
Hai năm sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc về việc vô hiệu hóa việc phá thai, Ủy ban các giám mục phò sinh đã đưa ra một tuyên bố “kêu gọi mạnh mẽ việc bảo vệ những đứa trẻ chưa sinh”.
Các ngài nói thêm rằng “hàng triệu thai nhi, hàng năm, bị phá thai đe dọa mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào”.
Các giám mục lưu ý rằng việc hợp pháp hoá cái gọi là tự nguyện ngừng mang thai có nghĩa là “công khai công nhận hành vi giết người này” và góp phần truyền bá “xu hướng xem thường mạng sống”.
Các ngài nhấn mạnh một cách mạnh mẽ rằng “sự sống là thiêng liêng” và do đó “cần được tôn trọng và bảo vệ từ lúc thụ thai, nhân danh phẩm giá con người”.
Khẳng định lại quan điểm của Giáo hội ủng hộ việc bảo vệ sự sống ở mọi giai đoạn, các giáo xứ Công Giáo ở Hàn Quốc sẽ sớm cử hành Thánh lễ cho sự sống và gia đình, trong khi tháng Năm sẽ là “Tháng của gia đình”, trong đó sứ mệnh ưu tiên sẽ là “tạo ra một nền văn hóa coi trọng cuộc sống và phẩm giá con người”.
Sự can thiệp mới này của các giám mục diễn ra sau khi các ngài phản đối mạnh mẽ việc hợp pháp hóa phá thai vào tháng 8 năm 2020. Vào ngày 20 tháng 8 năm ngoái, một phái đoàn Công Giáo do Đức Hồng Y, Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (Andrew Yeom Soo-jung), Tổng giám mục Hán Thành, dẫn đầu, đã gặp Tổng thống Văn Tại Dần (Moon Jae-in) để bày tỏ quan ngại của các ngài về việc hợp pháp hóa tệ nạn này.
Trong một bức thư ngỏ gửi cho vị Nguyên thủ quốc gia, các giám mục đã yêu cầu rằng một phụ nữ có ý định phá thai trước hết phải được tư vấn tâm lý, thể chất và tinh thần về hậu quả của một hành động như vậy, trước khi đưa ra quyết định của mình.
Cuộc tranh luận về phá thai ở Hàn Quốc bắt đầu vào ngày 11 tháng 4 năm 2019, khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết theo đó việc hình sự hóa hành vi phá thai, có từ năm 1953, là bất hợp pháp và yêu cầu chính phủ chấm dứt lệnh cấm này vào năm 2020.
Vào tháng 10 năm ngoái, Quốc hội đã công bố một dự luật cấm phá thai đến tuần thứ 14 của thai kỳ và cho phép phá thai từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 24 trong các trường hợp hiếp dâm.
Vào tháng Giêng năm 2021, chính phủ đã thông qua các biện pháp lập pháp cần thiết để tuyên bố việc hình sự hóa phá thai là vi hiến và bãi bỏ đạo luật năm 1953.
Source:Vatican News
2. Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố một nữ giáo dân dòng Ba Đa Minh bị mù ở thế kỷ 14 là một vị thánh
Hôm thứ Bẩy 24 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố một phụ nữ người Ý bị mù sống ở thế kỷ 14 là một vị thánh bằng cách sử dụng một quá trình gọi là tuyên thánh tương đương.
Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 24 tháng 4 cho biết trong một cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha đã nâng lên một bậc việc tôn sùng phụng vụ Chân phước Margaret of Castello trong toàn thể Giáo hội.
Nữ Chân phước giờ đây sẽ được ghi trong sổ bộ các thánh qua một thủ tục gọi là tuyên thánh tương đương, trong đó các yêu cầu đối với một phép lạ do lời chuyển cầu của ứng viên được miễn.
Margaret thành Castello bị mù bẩm sinh và cột sống bị cong nặng vào năm 1287 tại Metola, miền trung nước Ý ngày nay. Cha mẹ của cô đã bỏ rơi cô vào năm 1303 tại một ngôi đền ở Città di Castello, nơi họ đã đưa cô đến với hy vọng có thể chữa khỏi bệnh. Người dân địa phương ở thị trấn này phát hiện ra cô và đã bắt đầu chăm sóc cô.
Cô tiếp xúc với Dòng Đa Minh mới được thành lập và được nhận vào Dòng Ba. Dù vẫn là một nữ giáo dân, cô được cho phép mặc tu phục, và cô đã mặc suốt phần còn lại của cuộc đời mình.
Để cảm ơn những người hàng xóm đã nuôi dưỡng cô, cô đã mở một ngôi trường nhỏ, nơi cô dạy trẻ em những bài Thánh Vịnh mà cô đã học thuộc lòng, và hướng dẫn chúng trong đức tin Công Giáo.
Margaret mất năm 1320 ở tuổi 33 và được chôn cất bên trong nhà thờ, nơi lăng mộ của cô nhanh chóng gắn liền với những điều kỳ diệu.
Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tuyên phong Chân phước cho Margaret theo thể thức tuyên chân phước tương đương vào năm 1609.
Các ứng viên được tuyên thánh tương đương phải đáp ứng ba tiêu chuẩn. Các vị phải là được các tín hữu sùng kính từ lâu, có một danh tiếng vững chắc và lâu dài về các nhân đức, và nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra được cho là nhờ lời cầu bầu của các vị.
Trong khi có rất ít các cuộc tuyên thánh tương đương trong thế kỷ 20, Đức Bênêđíctô XVI đã tuyên bố Chân Phước Hildegard thành Bingen là một vị thánh thông qua thủ tục này vào năm 2012.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng quy trình này tương đối thường xuyên. Các vị thánh được tuyên thánh tương đương kể từ khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng bao gồm Angela thành Foligno và Peter Faber vào năm 2013, José de Anchieta, Marie của mầu nhiệm Nhập thể, François de Laval thành Montmorency vào năm 2014, và Bácthôlômêô thành Braga vào năm 2019.
Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng cũng đã ủy quyền cho Bộ Phong thánh ban hành sắc lệnh công nhận những đức tính anh hùng của triệu phú người Á Căn Đình Enrique Shaw.
Shaw sinh ra ở Paris, bên Pháp vào năm 1921 và di cư đến Á Căn Đình, nơi ông là một doanh nhân liêm chính xuất sắc. Ông thành lập Hiệp hội các nhà điều hành kinh doanh Kitô Giáo vào năm 1952 và tìm cách áp dụng giáo huấn xã hội Công Giáo tại nơi làm việc. Ông mất ở Buenos Aires, Á Căn Đình, năm 1962.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã giám sát giai đoạn giáo phận trong án tuyên thánh cho Enrique Shaw trong khi ngài đang giữ chức vụ tổng giám mục thủ đô Á Căn Đình.
Đức Giáo Hoàng đã ca ngợi Shaw trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với đài truyền hình Mexico Televisa.
Ngài nói: “Enrique Shaw rất giàu có, nhưng rất thánh thiện. Một người thánh thiện vẫn có thể có tiền. Thiên Chúa ban của cải cho anh ta để anh ta có thể quản lý tốt, và người đàn ông này đã quản lý rất tốt”.
Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng Shaw đã sử dụng sự giàu có của mình “không phải để chăm chút cho gia đình, nhưng là để thúc đẩy sự phát triển của những người cần giúp đỡ”.
Với sắc lệnh này từ nay Enrique Shaw được gọi là “Bậc Đáng kính”.
Nhân đức anh hùng là một trong những yêu cầu để được phong chân phước trong Giáo Hội Công Giáo. Bên cạnh đó, cần phải có một phép lạ đã được xác minh là do ứng viên cầu bầu.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã truyền công bố một sắc lệnh hôm thứ Bảy công nhận các cuộc tử đạo của 12 thành viên Dòng Chúa Cứu Thế bị giết trong Nội chiến Tây Ban Nha.
Ngài chính thức thừa nhận rằng Vincenzo Nicasio Renuncio Toribio và 11 người bạn đã bị giết vì hận thù đức tin ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào năm 1936.
Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng đã thông qua các sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của bốn ứng cử viên khác:
• Đức Hồng Y Pietro Marcellino Corradini (1658-1743), giám mục giáo phận Frascati, người Ý, đấng sáng lập Dòng Nữ Tu Thánh Gia.
• Emanuele Stablum (1895-1950), một bác sĩ người Ý thuộc Giáo đoàn Các Con trai Vô nhiễm Nguyên tội (CFIC)
• María de los Desamparados Portilla Crespo (1925-1996), một nữ giáo dân Tây Ban Nha và là mẹ của 11 người con. Được biết đến với cái tên Amparo Portilla Crespo, cô nổi tiếng vì sự chăm sóc của mình đối với người nghèo và bệnh tật, và sự thanh thản giúp cô chấp nhận bệnh tật sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.
• Anfrosina Berardi (1920-1933), một cô gái người Ý được biết đến với lòng sùng kính Đức Mẹ Đồng Trinh, qua đời ở tuổi 12 do biến chứng sau khi bị viêm ruột thừa.
Source:Catholic News Agency
3. Hans Küng và những nguy cơ của sự nổi tiếng
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân cái chết của thần học gia Hans Küng, ông có viết một bài nhan đề “Hans Küng and the Perils of Fame”, nghĩa là “Hans Küng và những nguy cơ của sự nổi tiếng”, đăng trên tờ First Things ngày 21 Tháng Tư, 2021.
Tưởng cũng nên nhắc lại là trong một diễn biến gây sôi nổi vào năm 2010, Tiến sĩ George Weigel đã viết một bức thư ngỏ gửi cho Cha Küng vạch ra các sai lầm nghiêm trọng của linh mục thần học gia này.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây:
Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Hans Küng and the Perils of Fame
by George Weigel
Hans Küng và những nguy cơ của sự nổi tiếng
Năm 1977, khi mới gia nhập đội Baltimore Orioles, Eddie Murray, huyền thoại bóng chày tương lai, đã nhận được một lời khuyên từ cựu cầu thủ Lee May. May nói với chàng trai 21 tuổi: “Nếu bạn có tài năng, danh tiếng không thể giúp bạn, nhưng khả năng rất cao là danh tiếng sẽ hủy hoại bạn”. Murray nghe theo lời khuyên của nhà hiền triết May và tránh xa ánh đèn sân khấu. Cha Hans Küng, nhà văn Công Giáo Thụy Sĩ có hấp lực truyền thông mạnh mẽ, đã qua đời ở tuổi 93 vào ngày 6 tháng 4, đã hành xử ngược lại. Do đó có một câu chuyện buồn.
Cha Hans Küng chắc chắn có tài năng. Luận án tiến sĩ của ngài về Karl Barth, là thần học gia Thệ Phản được cho là vĩ đại nhất trong các nhà thần học Tin lành thế kỷ 20, đã trở thành cuốn sách tiên phong trong thần học đại kết. Tiểu đoạn “The Council: Reform and Reunion”, nghĩa là “Công đồng: Cải tổ và Tái hiệp nhất” đã giúp định hình cuộc thảo luận tại phiên họp quan trọng đầu tiên của Vatican II. Cha Küng cũng khả năng nhận ra và đề bạt người có tài; ngài đã đích thân dàn xếp việc bổ nhiệm Giáo Sư Joseph Ratzinger [sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 – chú thích của người dịch] vào một ghế chủ nhiệm trong khoa thần học danh tiếng tại Đại học Tübingen.
Tuy nhiên, bất kể những thần thoại chung quanh vị linh mục này, Cha Hans Küng hầu như không có chút ảnh hưởng nào đối với các tài liệu lớn của Công đồng Vatican II. Trong những năm công đồng, ngài đã dành nhiều thời gian ở Rôma cho báo chí thế giới và cho các cuộc tụ họp hàng trăm người trong đó ngài trình bày các diễn từ và tranh luận công khai hơn là tham gia vào một công việc khó khăn hơn là phát triển các văn bản của Công đồng Vatican II. Ngược lại, Thần Học Gia Ratzinger đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng cho một số tài liệu công đồng. Thần Học Gia người Bỉ Gérard Philips cũng vậy, dù chỉ nhận được cùng lắm là 0.0001% sự chú ý mà giới truyền thông dành cho Cha Küng, đã có ảnh hưởng lớn trong việc phát triển những gì Công đồng thực sự đã dạy đến nỗi một thần học gia quan trọng khác tại Vatican II, người Pháp tên là Yves Congar của dòng Đa Minh, đã nói đùa rằng “Vatican II” nên được đổi tên thành “Louvain I”, là tên trường đại học của Cha Philips.
Trong suốt Công đồng Vatican II, và những năm sau đó, Cha Hans Küng đã phát minh và sau đó khai thác một kiểu nhân cách mới: nhà thần học Công Giáo bất đồng chính kiến như một ngôi sao truyền thông quốc tế. Đẹp trai, ăn nói hùng biện và là người phát ngôn đáng tin cậy cho trào lưu cấp tiến đương đại, Cha Küng là một trong những trí thức Công Giáo đầu tiên nhận ra rằng báo chí thế giới không thể cưỡng lại câu chuyện người-cắn-chó, trong đó một nhà tư tưởng Công Giáo lại đi thách thức giáo lý của Giáo hội mình. —Và làm như vậy theo những phương cách nhằm cổ vũ cho những thành kiến văn hóa cấp tiến. Vì vậy, người đàn ông từng viết một cuốn sách thực sự táo bạo (Biện minh: Học thuyết của Karl Barth và Suy tư Công Giáo) đã trở thành một nhân vật truyền thông hơn là một nhà thần học Công Giáo nghiêm túc. Và với cuốn sách “Infallible? Inquiry”, nghĩa là “Ơn bất khả ngộ à? Một cuộc điều tra”, năm 1971, Cha Küng tuyên bố mình bất đồng chính kiến với một tín điều đã được xác định của đức tin tông đồ.
Ông có một số ảnh hưởng trong giới tinh hoa ở Davos, và ta phải hy vọng rằng người đàn ông không bao giờ rời chức tư tế này đã có một số tác động tâm linh nhất định trong thế giới siêu trần tục đó. Nhưng, theo thiển ý của tôi, đóng góp nghiêm chỉnh nhất của Hans Küng cho thần học sau cuốn sách của ông về Barth xảy ra rất bất ngờ trong kỳ nghỉ dài hạn tại trường Đại Học. Vì sắp rời trường Đại Học trong một năm, Cha Küng đã đề nghị Cha Joseph Ratzinger tiếp tục một trong các khóa học tại Tübingen của ngài — và các bài giảng của Cha Ratzinger trong khóa học đó đã trở thành cuốn sách bán chạy cấp quốc tế, đó là cuốn “Nhập môn Kitô Giáo”.
Cha Hans Küng tỏ ra minh bạch một cách đáng khâm phục về lập trường của mình: Cha ấy không tin là đúng, cũng như sẽ không dạy đó là chân lý, những gì Giáo Hội Công Giáo đã dạy là đúng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi, vào ngày 15 tháng 12 năm 1979, Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã đồng ý với Cha Küng, khi tuyên bố rằng ngài “không thể được coi là một nhà thần học Công Giáo”, và rút lại thẩm quyền giảng dạy với tư cách là “Giáo sư Thần học Công Giáo”. Hội Đồng Giám Mục Đức đồng ý với quyết định của CDF, điều này phản ánh niềm xác tín mấu chốt của Công Giáo rằng, nhờ sự ngự trị của Chúa Thánh Thần, Giáo hội tuân theo một chân lý mà Giáo Hội có thể trình bày một cách có thẩm quyền, ngay cả khi sự hiểu biết về chân lý đó vẫn đang phát triển. (Rõ ràng là mọi thứ đã thay đổi trong hàng ngũ các giám mục Đức)
Những thập kỷ cuối cùng trong cuộc đời của Cha Hans Küng được đánh dấu bằng những cuộc tấn công cay đắng đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI - mặc dù Đức Bênêđíctô, luôn là một Kitô hữu hiền lành, đã mời đồng nghiệp cũ ở Tübingen đến chia sẻ trong một buổi chiều với ngài tại Castel Gandolfo, ngay sau khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Ở một số thời điểm nhất định, như tôi đã lưu ý trong một bức thư ngỏ năm 2010 gửi cho Cha Küng, những cuộc luận chiến chống giáo hoàng đó đã đi vào bãi rác phế thải độc hại của sự hèn hạ, đặc biệt là vì Cha Küng không thể giải phóng bản thân khỏi những điều ngu ngốc cấp tiến về mọi thứ, từ phá thai đến AIDS, cho đến quan hệ Công Giáo - Hồi Giáo liên quan đến nghiên cứu tế bào gốc — đó là một kỷ lục đáng tiếc cho một người đàn ông thông minh.
Lời cảnh báo của Lee May dành cho Eddie Murray rất rõ ràng: Sự nổi tiếng rất nguy hiểm. Đó là lý do tại sao, khi nhại lại cách thức trường phái Sitwells nhận xét về Frank Raymond, ta có thể nói rằng Hans Küng thuộc về lịch sử công chúng hơn là lịch sử thần học. Requiescat in pace (Chúc yên nghỉ).
Source:First Things