1. Ðức Thánh Cha Phanxicô có ý muốn viếng thăm Bắc Hàn

Hôm thứ Ba 27 tháng Tư, trong cuộc phỏng vấn dành cho phóng viên báo Yonhap, Đức Cha Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), giám mục giáo phận Đại Điền (대전시, Daejon), cho biết Ðức Thánh Cha Phanxicô muốn viếng thăm Bắc Hàn để bày tỏ sự gần gũi với toàn dân tộc Triều Tiên, bị phân chia bởi cuộc chiến tranh Triều Tiên, kéo dài từ năm 1950 đến năm 1953.

Đức Cha Lagiarô rất quen thuộc với Ðức Thánh Cha. Ngài đã tháp tùng và tiếp đón Ðức Thánh Cha trong chuyến viếng thăm của Ðức Thánh Cha tại Nam Hàn vào năm 2014.

Hôm 17 tháng 4 năm 2021 Đức Cha Đức Cha Lagiarô Du đã triều yết Ðức Thánh Cha tại Vatican. Trong cuộc gặp gỡ này Ðức Thánh Cha nói rằng ngài sẽ thăm Bắc Hàn nếu các công tác chuẩn bị liên quan có thể được hoàn tất.

Trước đây Ðức Thánh Cha đã bày tỏ mong muốn thăm Bắc Hàn. Năm 2018, nhân chuyến thăm Vatican, Tổng thống Nam Hàn Văn Tại Dần hay Moon Jae-in đã chuyển lời mời từ nhà độc tài Bắc Hàn Kim Chính Ân, hay còn gọi là Kim Jong-un, tới Vatican. Vào thời điểm đó, đối thoại giữa Bình Nhưỡng và Washington đang diễn ra sôi nổi và nhiều người đang tin tưởng một sự phát triển tích cực. Lần đó Ðức Thánh Cha Phanxicô cho biết sẵn sàng đến Bắc Hàn nếu nhận được lời mời chính thức.

Nhưng từ đó đến nay, các cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ và Bắc Hàn không được tiếp tục, và cả đối thoại với miền Nam cũng bị ngưng lại.

Trong cuộc gặp gỡ Đức Cha Lagiarô Du, Ðức Thánh Cha đã cảm ơn giáo phận Đại Điền đã quyên góp 460,000 Mỹ Kim cho Tòa Thánh để cộng tác vào chương trình chia sẻ vắc-xin do Sở Từ Thiện của Ðức Thánh Cha thực hiện.


Source:Yonhap

2. Bắc Hàn đã từng mưu toan lừa gạt Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

Thae Yong-ho, từng là nhân vật số 2 tại Đại sứ quán Bắc Hàn ở London và bây giờ là một nhà tranh đấu chống chế độ, đã viết một cuốn hồi ký bán được tới 50,000 bản chỉ trong 10 ngày.

Cuốn sách phơi bày những khía cạnh của chế độ mà Thae chứng kiến tận mắt, rất phong phú với những sự kiện bất ngờ về một chế độ kín như bưng mà người ta chỉ có thể đoán mò qua các giai thoại, tin đồn và những hình thái suy luận có lý.

Một khía cạnh thú vị là mối quan hệ của Bắc Triều Tiên với tôn giáo. Trong số những đề tài được Thae thuật lại, là câu chuyện Bắc Triều Tiên đã xây dựng một nhà thờ giả ở Bình Nhưỡng.

Năm 1991, cùng với sự sụp đổ của khối cộng sản tại Đông Âu, Bắc Triều Tiên rơi vào tình trạng kiệt quệ kinh tế đến mức nạn đói xảy ra ở nhiều nơi. Trong một cố gắng thoát khỏi sự cô lập quốc tế, Bắc Triều Tiên muốn mời Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II sang thăm nước này. Vị Giáo Hoàng người Ba Lan đã từng thăm Nam Hàn đến 2 lần vào tháng 5, 1984 và tháng 10, 1989.

Khi Vatican yêu cầu Bắc Triều Tiên trưng ra bằng chứng về sự hiện hữu của người Công Giáo, chế độ cộng sản này xây dựng cấp tốc một nhà thờ giả gọi là nhà thờ “chánh tòa Bình Nhưỡng”. Các hàng ghế trong nhà thờ đầy chật những cán bộ cộng sản giả danh tín hữu Công Giáo.

Thae cho biết: “Bắc Triều Tiên rất quyết liệt với tôn giáo. Ở các nước cộng sản Âu Châu, nhà nước thắt chặt quyền tự do tôn giáo, nhưng họ không phá hủy các nhà thờ. Thậm chí có những nơi thờ phượng vẫn còn được hoạt động ít nhiều. Nhưng tại Bắc Triều Tiên, cộng sản đã phá hủy tất cả các nơi thờ phượng và đổ thừa cho máy bay ném bom của Mỹ. Các nhà lãnh đạo từ Kim Nhật Thành trở xuống đều muốn người ta đừng tôn thờ thần nào khác ngoài những vị thần là Kim Nhật Thành và con cháu của hắn. Hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo, nhưng Đảng Công nhân nói rằng chỉ có giáo lý của các lãnh tụ nhà họ Kim mới là những lời hướng dẫn thực sự.”

Chính vì thế, khi muốn chứng minh với Tòa Thánh sự hiện hữu của người Công Giáo, họ phải cấp tốc làm nhà thờ giả.

Tuy nhiên, có lẽ các thủ thuật này không qua mặt được vị Giáo Hoàng Ba Lan là người đã từng phải sống trong một chế độ cộng sản. Một chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng đã không xảy ra.

Các quan sát viên quốc tế cho rằng cái khó khăn lớn nhất của Kim Chính Ân hiện nay là tình trạng kinh tế kiệt quệ vì bị cô lập, và nỗi lo sợ bị Trung Quốc lật đổ nhằm có một ảnh hưởng sâu đậm hơn tại Bắc Triều Tiên. Chính vì thế, trong năm 2017, Kim Chính Ân lời qua tiếng lại với tổng thống Mỹ Donald Trump, kể cả với những đe dọa chiến tranh hạt nhân. Tất cả các động thái này đều nhằm kích thích mong muốn thương thảo của đối phương, và tối hậu là thoát ra được tình trạng cô lập như hiện nay.


Source: Servizio Informazione Religiosa - South Korea: President Moon to visit Pope Francis on 18 October with invitation from Kim Jong-un to visit Pyongyang

3. Bài giảng của Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit về tình yêu

Hôm Chúa Nhật 25 tháng Tư, Đức Tổng Giám Mục Michel Aupetit của Paris đã cử hành thánh lễ tạ nhà thờ St Pierre de Montrouge.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ toàn văn bài giảng của ngài qua phần trình bày của Anh Chi.

Mở đầu bài giảng, Đức Tổng Giám Mục nói:

Một ngày nọ, khi kết thúc thánh lễ, một phụ nữ nói với tôi: “Thưa Đức Cha, hãy chỉ cho con làm thế nào có thể tìm thấy ý chí để sống khi con chưa bao giờ được yêu?” Cô ấy nói với tôi rằng bố mẹ cô đã từ chối cô như thế nào, rằng cô ấy chưa bao giờ thực sự có một tình yêu đích thực hay những người bạn thực sự. Câu hỏi đau đớn này khiến tôi hơi bối rối. Câu trả lời duy nhất đến với tôi là nói với cô ấy rằng nếu cô ấy tồn tại, nếu cô ấy ở đây trước mặt tôi, thì chắc chắn phải có người muốn cô ấy sống. Nếu không phải là cha mẹ cô ấy, thì đó là một ý chí từ thuở đời đời đã luôn yêu mến cô và chờ đợi cô một cách yêu thương ở cuối con đường.

Đó có thể vẫn là một hy vọng xa vời nếu Chúa Giêsu không đến để chia sẻ hiện sinh của chúng ta. Ngài là Mục tử nhân lành, là Thiên Chúa đến chăm sóc chính mỗi người chúng ta và là Đấng đi xa đến mức hiến mạng sống vì đàn chiên của mình: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.” (Ga 10:18).

Trao ban cuộc sống của mình là hành động yêu thương tột đỉnh có thể làm và là bằng chứng yêu thương lớn nhất có thể thực hiện. Những người mẹ đã hy sinh mạng sống của họ để cứu con mình. Mọi người liều mạng để cứu người khác. Trao ban mạng sống của mình không đồng nghĩa với việc liều chết. Nhưng trên tất cả, đó là liều sống, liều sống vì tình yêu. Ví dụ, khi hai vợ chồng kết hôn, họ trao ban cho nhau cả cuộc đời. Một người tận hiến hoàn toàn dâng mình cho Thiên Chúa. Cho đi là chấp nhận mọi sự vì yêu thương. Yêu luôn luôn liều mạng.

Đón nhận cuộc sống là tiếp nhận với lòng biết ơn những gì chúng ta đã không chọn nhưng được ban cho chúng ta nhờ ân sủng. Anh chị em không lựa chọn cuộc sống của mình, anh chị em lãnh nhận nó. Điều đáng ngạc nhiên là ngày nay có nhiều người lại muốn chọn cái chết thay vì sự sống. Đón nhận cuộc sống là cởi mở tâm hồn chào đón với niềm vui những gì được ban cho chúng ta. Thái độ tốt nhất trước mặt Chúa là phó thác mọi sự trong tay Ngài và dâng lên Ngài lời tán tụng tri ân. Lời cầu nguyện tạ ơn giúp chúng ta hiểu rằng chúng ta được yêu thương. Biết mình được yêu là tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình.

Định mệnh đích thực của chúng ta khi bước theo Chúa Kitô là hiến mạng sống mình vì tình yêu để đón nhận lại nó từ Đấng là Tình yêu.

Chúng ta nói rằng Chúa Nhật này Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, là ngày cầu nguyện cho vocations, nghĩa là các ơn gọi. Vocation có nghĩa là: appel, là tiếng gọi. Đó là tiếng Chúa gọi. Tất cả chúng ta đều được kêu gọi nên thánh. Paulo Coelho trong cuốn sách nổi tiếng l’Alchimiste, tức là Nhà Giả Kim, đã nói về những biến cố xảy ra trong một đời người như những dấu chỉ cho ơn gọi mà mỗi người phải khám phá và đạt được. Chúa Kitô đến để mặc khải cho chúng ta rằng ơn gọi cơ bản của chúng ta là nên thánh. Đó là con đường mà mỗi chúng ta phải tìm ra và hoàn thành. Sự thánh thiện này là sự viên mãn của tình yêu.

Tất cả cuộc sống của Kitô hữu bắt đầu bằng một cuộc gặp gỡ thực sự với Chúa Kitô. Những người mới được rửa tội đến từ mọi nguồn gốc cho chúng ta biết việc gặp gỡ Chúa Giêsu đã thay đổi cuộc đời họ như thế nào. Cuộc gặp gỡ này, khi diễn ra, thật sự cho phép chúng ta biết mình được yêu thương đến mức nào. Nó vượt quá tất cả những kỳ vọng của con người chúng ta, những kỳ vọng luôn hướng đến khát khao yêu và được yêu.

Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta con đường này. Đó là một con đường cứu rỗi. Khi bước theo Người, chúng ta không còn phải sợ hãi cái chết vì chúng ta đã bước vào cõi vĩnh hằng của Thiên Chúa. Trong Chúa, tình yêu và sự sống kết hợp hoàn hảo. Nếu chúng ta sống yêu thương như Thiên Chúa, như Chúa Giêsu trên trái đất này, thì ngay từ bây giờ chúng ta đã bước vào sự sống vĩnh cửu, mà sự chết không thể làm gì được. Đây là cách chúng ta được cứu độ, như Thánh Phêrô đã nói trong bài đọc thứ nhất, rằng “không một Danh nào khác ở dưới gầm trời đã được ban tặng cho loài người, để phải nhờ Danh đó mà chúng ta được cứu độ” (Tông Đồ Công Vụ 4:12).


Source:L'Eglise Catholique à Paris