Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video về việc phong chân phước vào hôm thứ Sáu 30 Tháng Tư cho José Gregorio Hernández, một bác sĩ người Venezuela, là người đã tận tâm phục vụ người nghèo trong dịch cúm Tây Ban Nha.
“Việc phong chân phước cho Bác sĩ Hernández là một ân sủng đặc biệt của Thiên Chúa dành cho Venezuela, và mời gọi chúng ta phát triển theo hướng đoàn kết hơn với nhau, cùng nhau tạo ra thiện ích chung cần thiết để đất nước hồi sinh, và tái sinh sau đại dịch với tinh thần hòa giải”, Đức Thánh Cha nói trong thông điệp ngày 29 tháng Tư gửi nhân dân Venezuela.
“Giữa tất cả những khó khăn, tôi yêu cầu tất cả anh chị em, những người yêu mến Bác sĩ José Gregorio rất nhiều, hãy theo gương đáng ngưỡng mộ của ngài trong việc phục vụ vị tha cho người khác”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi thông điệp vào trước lễ phong chân phước ngày 30 tháng 4 tại thủ đô Caracas của Venezuela.
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican, nguyên là Sứ thần Tòa Thánh tại Venezuela, đã dự định chủ sự thánh lễ phong chân phước nhưng cuối cùng phải hủy chuyến đi đến Venezuela vào ngày 28 tháng 4 do đại dịch coronavirus.
“Việc phong chân phước cho Tiến sĩ José Gregorio diễn ra vào một thời điểm đặc biệt khó khăn đối với anh chị em. Như các giám mục anh em của tôi, tôi biết rõ hoàn cảnh mà anh chị em đang phải trải qua, và tôi biết rằng sự đau khổ và buồn sầu kéo dài của anh chị em đã trở nên trầm trọng hơn do đại dịch COVID-19 khủng khiếp đang ảnh hưởng đến tất cả chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết.
Venezuela, quốc gia có gần 29 triệu dân giáp với Colombia, Brazil và Guyana, đang ở giữa một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị kéo dài nhiều năm.
Trong thông điệp video của ngài, Đức Giáo Hoàng nói nhiều lần rằng ngài muốn đến thăm Venezuela, và nhấn mạnh rằng ngài đang cầu nguyện cho “hòa giải và hòa bình” ở đất nước này.
Đức Phanxicô kêu gọi người Venezuela “tìm kiếm con đường thống nhất dân tộc” bằng cách “đặt lợi ích chung lên trước bất kỳ lợi ích nào khác”.
“Và tôi cầu xin Chúa rằng không có sự can thiệp nào từ bên ngoài ngăn cản anh chị em đi theo con đường đoàn kết dân tộc này”.
Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Tôi chân thành tin rằng khoảnh khắc đoàn kết dân tộc này, xung quanh hình ảnh vị bác sĩ của người dân, tạo nên một thời khắc đặc biệt cho Venezuela và tôi xin anh chị em tiến xa hơn nữa, xin anh chị em thực hiện các bước cụ thể để ủng hộ sự thống nhất, mà không để bản thân bị đè bẹp bởi sự chán nản”.
“Theo gương của Bác sĩ José Gregorio, mong anh chị em có thể nhìn nhận nhau như những người bình đẳng, như anh em, như những người con của cùng một quê hương”.
José Gregorio Hernández sinh ngày 26 tháng 10 năm 1864 tại thị trấn Isnotú thuộc bang Trujillo của Venezuela. Ông mất mẹ năm 8 tuổi.
Hernández học y khoa ở Caracas và được chính phủ tài trợ để tiếp tục học ở Paris vào năm 1889 trong hai năm.
Sau khi trở về Venezuela, ông trở thành giáo sư tại Đại học Trung tâm Caracas, nơi ông bắt đầu mỗi bài học bằng dấu thánh giá.
Hernández tham dự thánh lễ hàng ngày, mang thuốc men và chăm sóc cho người nghèo, và là một tu sĩ Dòng Ba Phanxicô.
Cuối cùng, ngài nhận ra ơn gọi tu trì của một tu sĩ và từ bỏ chức vụ giáo sư của mình để vào một tu viện dòng Carthusiô nhặt phép Farneta, Ý, vào năm 1908, với tên là Tu huynh Marcelo.
Sau chín tháng, ngài ngã bệnh, và bề trên đề nghị ngài trở về Venezuela để hồi phục. Tại Caracas, ngài được phép vào Chủng viện Santa Rosa de Lima.
Ngài chuyển đến Rôma trong ba năm để học thần học tại Trường Cao đẳng Piô Mỹ Latinh, nhưng lại bị bệnh và buộc phải trở về Venezuela vào năm 1914.
Hernández kết luận rằng đó là ý Chúa muốn ngài vẫn là một giáo dân. Sau đó, ngài quyết định thúc đẩy sự thánh hóa như một người Công Giáo gương mẫu bằng cách trở thành một bác sĩ và tôn vinh Thiên Chúa bằng cách phục vụ người bệnh.
Ngài đã cống hiến hết mình cho nghiên cứu học thuật và đào sâu sự cống hiến của mình trong việc phục vụ người nghèo, đặc biệt là trong dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918.
Một ngày nọ, khi vị bác sĩ đi bốc thuốc cho một người phụ nữ lớn tuổi nghèo, ngài bị một chiếc xe hơi đâm phải. Ngài qua đời trong bệnh viện vào ngày 29 tháng 6 năm 1919, sau khi nhận các nghi thức cuối cùng.
Người Công Giáo ở Venezuela đã hoan nghênh việc phong chân phước cho Hernández như một nguồn cảm hứng cho những giáo dân khác.
Hội đồng Giáo dân Quốc gia Venezuela đã gửi một tuyên bố tới Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, bày tỏ sự vui mừng trước việc “giáo dân Venezuela đầu tiên được nâng lên bàn thờ”.
“Trong Năm dành cho Giáo dân Venezuela này, chúng tôi hy vọng rằng trái tim của mỗi người được làm sống động bởi một nhân vật mẫu mực như vậy và chúng tôi sống như những môn đệ đích thực làm chứng hàng ngày cho sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, là Chúa và là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta”.
Hiệp hội Công Giáo giáo dân nhấn mạnh rằng Hernández “đã phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc đời của mình, bao gồm cả dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, gây ra cái chết của nhiều người Venezuela. Tuy nhiên, ngài không bao giờ mệt mỏi trong lòng háo hức phục vụ Chúa bằng cách hiến thân cho người khác”.
“Xin Chúa giúp chúng con canh tân đức tin của dân tộc được thánh hiến cho Mình Thánh Chúa này và hiểu được phẩm giá của phép rửa tội đã thanh tẩy chúng ta và canh tân những dấn thân của chúng ta cho người lân cận. Xin Chúa truyền cảm hứng cho chúng con để chúng con thường xuyên phó thác mình cho Chúa Thánh Thần, Đấng đã đổi mới chúng con, để chúng con có thể ý thức rằng nhờ bửu huyết của Chúa Kitô mà chúng con được cứu chuộc”
Source:Catholic News Agency