1. Đức Giáo Hoàng ban hành các quy tắc cứng rắn mới chống lại tham nhũng tài chính tại Vatican

Trong một nỗ lực mới nhằm giải quyết những lo ngại dai dẳng về những hành vi không chính đáng liên quan đến tài chính, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành một quy chế tài chính đặt ra các tiêu chuẩn khắt khe đối với tất cả các viên chức Vatican.

Các chính sách mới, được công bố vào ngày 29 tháng 4, yêu cầu tất cả các viên chức Vatican đang nắm giữ “chức năng hành chính, kiểm soát, hay giám sát” phải xác nhận rằng các vị:

Chưa từng bị kết án, hoặc được ân xá, vì dính líu đến các hoạt động tội phạm;

Chưa từng là đối tượng của các cuộc điều tra tội phạm hoặc các vụ kiện dân sự;

Không giữ tài sản thuộc các tổ chức hoặc “khu vực pháp lý có rủi ro cao về rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố”

Không có tài sản có được do hoạt động bất hợp pháp

Không có bất kỳ vị trí nào trong “các công ty hoặc tổ chức kinh doanh hoạt động cho các mục đích và trong các lĩnh vực trái với học thuyết xã hội của Giáo hội”.

Quan trọng hơn, Tự Sắc của Đức Giáo Hoàng quy định rằng các nhân viên của Vatican không được nhận những món quà có giá trị lớn hơn € 40, tức là $ 48, “cho chính họ hoặc cho những người khác trừ ra cho tổ chức mà họ làm việc”. Chính sách này, nếu được thực thi, sẽ phá vỡ một thông lệ lâu đời, trong đó các quan chức cấp cao của Vatican nhận quà tặng lớn bằng tiền mặt từ những người có liên hệ với chức vụ của họ.
Source:Catholic World News

2. Đức Thánh Cha gửi lời chia buồn sau cái chết của một vị Hồng Y kiệt xuất của Nam Hàn

Hôm Thứ Năm 30 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi lời chia buồn của ngài trước cái chết của Đức Hồng Y Nicôla Trịnh Trấn Thích (정진석, Cheong Jin-suk) của Nam Hàn qua đời ở tuổi 89.

Đức Hồng Y từng là giám mục trong hơn 50 năm tại các giáo phận Nam Hàn, trong đó có 14 năm làm Tổng Giám Mục của Hán Thành, đồng thời là Giám Quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng.

Ngài được nhớ đến với niềm đam mê truyền giáo, ủng hộ cuộc sống, giàu kiến thức về giáo luật, phục vụ người nghèo và nỗ lực mang lại hòa bình và thống nhất cho bán đảo Triều Tiên.

Đức Hồng Y qua đời vào đêm 27 tháng 4 tại Bệnh viện St. Mary, nơi ngài đã được chăm sóc y tế kể từ tháng Hai. Thi thể của ngài được lưu giữ trong quan tài thủy tinh tại nhà thờ chính tòa Mân Đông, của thủ đô Hán Thành cho đến tang lễ vào ngày thứ Bẩy 1 Tháng Năm.

Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (염수정, Andrew Yeom Soo-jung), đương kim tổng giám mục của Hán Thành, đã dâng thánh lễ Requiem – cầu cho linh hồn người quá cố - vào lúc nửa đêm tại nhà thờ chính tòa vào ngày 27 tháng 4. Ngài nhớ đến người tiền nhiệm của mình là người “ muốn Giáo hội trở thành ánh sáng và muối của xã hội, và thực thi thừa tác vụ nhấn mạnh các giá trị của cuộc sống và gia đình”.

“Đức Hồng Y Trịnh đã phát tất cả những gì ngài có cho Giáo Hội và người nghèo. Ngài thậm chí đã hiến nội tạng của mình để cống hiến hết mình cho những người cần thiết”.

Đức Hồng Y Trịnh sinh ra trong một gia đình Công Giáo ở Hán Thành vào năm 1931, vào thời điểm Nam Hàn đang nằm dưới ách thống trị của Nhật Bản. Ngài được rửa tội bốn ngày sau khi chào đời, và vị Hồng Y từng nói rằng mẹ ngài đã dẫn ngài đi lễ hàng ngày trong thời thơ ấu”.

Tờ Korea Herald tiết lộ một chuyện không may cho gia đình Đức Hồng Y là sau khi Nam Hàn được giải phóng vào năm 1945, cha ngài, bị ảnh hưởng bởi lý thuyết cộng sản, đã bỏ rơi gia đình để đến Bắc Triều Tiên, nơi ông trở thành thứ trưởng.

Cậu Trịnh Trấn Thích được nhận vào Đại học Quốc gia Hán Thành, là trường đại học hàng đầu ở Nam Hàn, để nghiên cứu kỹ thuật hóa học vào năm 1950, nhưng việc học của ngài bị gián đoạn khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra.

Trong chiến tranh, ngài làm phiên dịch trong Quân đoàn Phòng vệ Quốc gia Nam Hàn. Trong văn phòng của một tuyên úy quân đội Hoa Kỳ, ngài tìm thấy một cuốn sách về Thánh Maria Goretti đã giúp truyền cảm hứng cho ngài quyết định trở thành một linh mục.

Sau khi theo học tại Đại học Công Giáo Nam Hàn, ngài được thụ phong linh mục vào ngày 18 tháng 3 năm 1961.

Cha Trịnh Trấn Thích học tiếp ở Rôma từ năm 1968 đến năm 1970, lấy bằng giáo luật tại Đại học Giáo hoàng Urbanô.

Khi trở về Nam Hàn, ngài được bổ nhiệm giám mục Thanh Châu (청주시, Cheongju) ở tuổi 39 và lấy khẩu hiệu giám mục, “Omnibus Omnia”, có nghĩa là “Tất cả mọi thứ cho tất cả mọi người”.

Trong 28 năm tiếp theo trong sứ vụ giám mục Thanh Châu, ngài đã giúp thành lập Kkottongnae, tổ chức bác ái Công Giáo lớn nhất ở Nam Hàn.

Ngài đã nỗ lực nhiều năm để dịch Bộ Giáo luật 1983 sang tiếng Hàn và đã xuất bản hơn 50 cuốn sách trong suốt cuộc đời của mình, trong đó có 15 bài bình luận về giáo luật.

Ngài từng là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nam Hàn từ năm 1996 đến năm 1999.

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã bổ nhiệm ngài làm Tổng Giám Mục Hán Thành và Giám Quản Tông Tòa của Bình Nhưỡng vào năm 1998. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI phong ngài làm Hồng Y vào năm 2006.
Source:Catholic News Agency

3. Tổng thống Ukraine xin Vatican làm trung gian tổ chức hội nghị thượng đỉnh với Putin

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông xem Vatican là nơi tốt nhất để tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp về khủng hoảng với tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho tờ La Repubblica của Ý, Zelensky đưa ra nhận xét rằng Vatican rất thích hợp cho một cuộc họp thượng đỉnh tổng thống để giải quyết cuộc xung đột Ukraine. Ông Zelensky nói: “Vatican có thể là nơi tối ưu về mọi mặt”.

Tòa thánh cũng như Đức Giáo Hoàng là những người có thẩm quyền về luân lý, vị tổng thống 43 tuổi nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn.

Đề cập đến tiềm năng của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng như Vatican, Ông Zelensky nói:

“Một người hòa giải với thẩm quyền như vậy có thể mang lại niềm tin vốn đã thiếu cho đến nay trong các nỗ lực nhằm đạt đến một thỏa thuận của chúng tôi. Tất nhiên, điểm gặp gỡ nên tạo ra sự tin tưởng cho cả hai bên”.

Đáp lại, người phát ngôn Điện Kremlin là Dmitry Peskov cho biết Nga vẫn chưa nhận được lời mời chính thức.

Ông Peskov cũng nhấn mạnh rằng cuộc gặp không thể xoay quanh cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine, vì Nga không coi mình là một bên trong cuộc xung đột.

Các đợt triển khai quân của Nga cũng như Ukraine gần đây đã làm dấy lên lo ngại quốc tế rằng giao tranh ở khu vực xung đột miền đông Ukraine có thể leo thang một lần nữa.

Thứ Sáu tuần trước, Nga đã bắt đầu rút thêm binh sĩ được triển khai đến bán đảo Crimea của Ukraine, nơi mà họ đã sáp nhập vào năm 2014. Ukraine hoan nghênh diễn biến này.

Đầu tuần này, Zelensky nói với các nhà báo rằng ông đã chỉ thị cho người đứng đầu văn phòng của mình liên hệ với Mạc Tư Khoa về cuộc họp thượng đỉnh cấp tổng thống.

Zelensky đã đề nghị một cuộc gặp gỡ với Putin trong khu vực xung đột nhưng Điện Kremlin lại nói rằng họ muốn nguyên thủ Ukraine bay đến Mạc Tư Khoa.

Trong gần bảy năm, các khu vực Donetsk và Luhansk của Ukraine ở sát biên giới Nga đã được kiểm soát bởi các phiến quân trung thành với Mạc Tư Khoa. Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 13,000 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột đòi ly khai khỏi Ukraine.
Source:DPA International

4. Ngày Tử đạo của các Giáo sĩ Ba Lan trong Thế chiến II

Hôm thứ Năm, 29 tháng 4, Giáo Hội tại Ba Lan đã cử hành Ngày Quốc gia Các Thánh Tử đạo Ba Lan, nhân kỷ niệm 76 năm giải phóng trại tập trung ở Dachau. Các lễ kỷ niệm chính, như mọi năm, đã được tổ chức tại Thánh đường Thánh Giuse ở Kalisz. Vào buổi trưa, Đức Cha Grzegorz Suchodolski của Siedlce đã cử hành Thánh Lễ tại đây.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, kể lại rằng trại tập trung Dachau là nơi tử đạo đặc biệt của các giáo sĩ Ba Lan. Ngài nhấn mạnh rằng các linh mục Ba Lan bị đối xử tệ hơn ở Dachau so với các giáo sĩ khác, chẳng hạn như các linh mục Đức. Các ngài bị cấm cử hành thánh lễ và các cử hành Phụng Vụ khác.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ba Lan nhấn mạnh rằng Dachau là một nơi đặc biệt quan trọng đối với hàng giáo phẩm ngày nay, bởi vì, ở đó các linh mục có thể học được sự dũng cảm và hy sinh mà các giáo sĩ thời đó có được. “Ngày nay, trong thời đại không tồn tại những hoàn cảnh như vậy, khi chúng ta được hưởng tự do, thật đáng giá cho các linh mục, những người đôi khi coi nhẹ ơn gọi của mình và từ bỏ sứ vụ chỉ vì những lý do không đáng. Các vị có thể thấy sứ vụ linh mục thực sự là gì khi học hỏi các tấm gương từ Dachau.”

Ngày Tử đạo của các Giáo sĩ Ba Lan, do Hội Đồng Giám Mục thiết lập vào năm 2002, nhằm tưởng nhớ các linh mục là nạn nhân của các chế độ độc tài, đặc biệt là Quốc xã và Cộng sản. Các cử hành ở Kalisz nằm trong khuôn khổ các lễ tạ ơn hàng năm kính nhớ các linh mục bị giam giữ tại Dachau. Trại này đã được giải phóng vào ngày 29 tháng 4 năm 1945. Lo sợ toàn bộ trại bị Đức Quốc Xã tàn sát để xóa các dấu vết tội ác chiến tranh, các linh mục đã giao phó mình cho Thánh Giuse và thề rằng, nếu các ngài sống sót, hàng năm các ngài sẽ thực hiện một cuộc hành hương đến Nhà thờ Thánh Giuse ở Kalisz. Trại được giải phóng vào ngày 29 tháng 4 năm 1945. Các linh mục Ba Lan còn sống tiếp tục thực hiện lời thề của các ngài và hành hương đến Kalisz để tạ ơn Thánh Giuse cầu bầu cho các ngài được sống sót. Vị linh mục cuối cùng trong số các linh mục ở Dachau, là Cha Leon Stępniak, đã qua đời vào năm 2013.

Dachau là trại chính giam giữ các giáo sĩ Công Giáo, Tin lành và Chính thống giáo. Trong số khoảng 3,000 tu sĩ, phó tế, linh mục và giám mục Công Giáo bị giam giữ ở đó, 1,773 vị đến từ Ba Lan. 868 giáo sĩ đã tử đạo trong trại, và phần lớn trong số họ thuộc về các giáo phận Poznan (147), Wloclawek (144), và Lodz (112). Trong số gần 600 tu sĩ, nhóm nạn nhân lớn nhất là các tu sĩ Dòng Tên, các nhà truyền giáo và các tu sĩ Dòng Salêdiêng.

Vào ngày 29 tháng 4 năm 2015, nhân kỷ niệm 70 năm giải phóng trại tập trung Đức ở Dachau, các giám mục và linh mục từ khắp Ba Lan đã hành hương đến Dachau.

Lễ kỷ niệm Ngày Các Thánh Tử Đạo Ba Lan năm nay được phát thanh từ Kalisz bởi Đài phát thanh Rodzina của Giáo phận Kalisz và đài Truyền hình Internet “Dom Józefa.”
Source:Hội Đồng Gám Mục Ba Lan