1. Nữ tu Công Giáo Miến Điện cho biết tôn thờ Thánh Thể đã cho chị sức mạnh để quỳ gối trước cảnh sát
Hình ảnh Sơ Ann Rose Nu Tawng quỳ gối trước cảnh sát kêu gọi họ đừng sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình đã thu hút sự chú ý của thế giới sau cuộc đảo chính quân sự của Miến Điện.
Hôm thứ Năm, Sơ Nu Tawng cho rằng Chúa Thánh Thần đã thúc giục sơ quỳ giữa cảnh sát và những người biểu tình và sơ đã lấy sức mạnh của mình từ những lời cầu nguyện trước Thánh Thể.
“Tôi cảm nhận sâu sắc những hành động của Chúa Thánh Thần”, sơ nói với các nhà báo tại Rôma thông qua cuộc gọi video từ Miến Điện.
Phát biểu bằng tiếng Miến Điện qua lời dịch trực tiếp của một linh mục và một chủng sinh Miến Điện vào ngày 13 tháng 5, sơ nói rằng lời cầu nguyện là nền tảng cơ bản để nâng đỡ sơ trong thời gian khó khăn này của đất nước.
“Ngay cả khi chúng tôi đang trải qua thời điểm bị bức hại, lời cầu nguyện đã thực sự giúp tôi thốt lên được những lời tán tụng ngợi khen”.
“Lời cầu nguyện trong việc chầu Mình Thánh Chúa đã cho tôi sức mạnh này. Từ đó, tôi rút ra sức mạnh để giúp đỡ mọi người và hành động như vậy”.
Sơ Ann Rose Nu Tawng là thành viên của Dòng Nữ tu Thánh Phanxicô Xaviê ở miền bắc Miến Điện. Đoạn video sơ quỳ gối trước các viên chức cảnh sát ở thành phố Myitkyina hôm 8 tháng Ba đã khiến Đức Giáo Hoàng xúc động.
“Tôi cũng muốn được quỳ trên đường phố Miến Điện và nói: 'hãy dừng bạo lực lại.' Tôi cũng muốn căng hai cánh tay tôi ra và nói: 'xin cho đối thoại thắng thế'“ Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói hôm 17 tháng 3.
Myitkyina, thủ phủ của bang Kachin, đã trải qua một số bạo lực tồi tệ nhất khi lực lượng an ninh tiếp tục đàn áp những người phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1 tháng 2.
Sơ Nu Tawng nói rằng sơ coi việc quỳ gối là một “cử chỉ hòa giải” cũng là cách thể hiện sự tha thứ cho kẻ thù.
Sơ cho biết, ngày 8 tháng 3 là lần thứ hai Sơ quỳ gối trước cảnh sát như thế. Sau ngày hôm đó, Sơ cũng đã giúp đưa những người biểu tình bị thương đến bệnh viện.
“Trong ba tháng, hơn 800 người chết. Tôi rất lo lắng về tương lai”.
Phát biểu trong buổi ra mắt cuốn sách mới, “Hãy giết tôi, chứ đừng giết người”, gần đây được xuất bản bằng tiếng Ý bởi Editrice Missionaria Italiana, sơ bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha Phanxicô vì ngài đã nhiều lần lên tiếng về tình hình ở Miến Điện.
Source:Catholic News Agency
2. Bốn Kitô hữu Indonesia bị khủng bố sát hại.
Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại cho biết hôm 11 tháng 5, khủng bố Hồi giáo đã giết chết 4 tín hữu ở khu vực Poso, trung tâm đảo Sulawesi của Indonesia. Các nhà chức trách cho rằng vụ tấn công là do tổ chức Mujahideen ở miền đông Indonesia, một nhóm theo chủ nghĩa cực đoan có liên hệ với bọn khủng bố Hồi Giáo IS.
Các nạn nhân gồm hai người đàn ông và hai phụ nữ thuộc nhóm dân tộc Toraja địa phương, trong đó có một bà mẹ và người con trai bị chặt đầu tại một cánh đồng của gia đình họ. Trong khi đó, thi thể của hai người khác được tìm thấy cách đó 2 km. Hồi tháng 11 năm ngoái 2020, tổ chức Mujah cũng sát hại và chặt đầu 4 Ki-tô hữu tại các làng ở Lemban Tongoa.
Văn phòng của Tổng thống Joko Widodo đã lên án vụ sát hại dã man này, đồng thời hứa sẽ bắt những kẻ khủng bố liên quan đến vụ tấn công.
Mục sư Jetroson Rense, người đứng đầu Hội đồng Tin lành ở miền trung Sulawesi, yêu cầu chính phủ thực hiện các biện pháp nhanh chóng để bảo đảm an toàn cho cư dân Poso: “Các nhà chức trách phải bắt giữ những kẻ có tội và đưa họ ra trước công lý.”
Mục sư Jacky Manuputty, Tổng Thư ký của Hội đồng Tin Lành nhấn mạnh rằng những kẻ khủng bố sử dụng các biện pháp tàn bạo như chặt đầu để đe dọa những người nông dân của Poso, và đuổi họ khỏi đất nông nghiệp của họ.
Source:Asia News
3. Cha sở Công Giáo duy nhất tại miền Gaza lo lắng về chiến tranh Israel - Palestine
Linh mục Gabriel Romanelli, cha sở Công Giáo duy nhất tại miền Gaza, lo sợ rằng cả hai phía Hamas và Israel đều tỏ ra cứng nhắc trong lập trường của mình và căng thẳng lan rộng từ Jerusalem tới cả các miền khác ở Thánh địa, nhất là tại miền Gaza.
Cha Gabriel Romanelli, người Argentina và thuộc Tu hội Ngôi Lời Nhập Thể, và giáo xứ Công Giáo tại Gaza chỉ còn lại 133 tín hữu.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho trang mạng Terrasanta.net, cha cho biết hiện thời không có người bị thương hoặc thiệt hại trong khuôn khổ xứ đạo Công Giáo tại Thành Phố Gaza. “Sự gia tăng bạo lực này xảy đến trong lúc đời sống bình thường trở lại từ một tuần nay trong giáo xứ, sau các biện pháp giới nghiêm và hạn chế nhắm chống đại dịch Covid-19. Hiện thời chỉ còn giới nghiêm từ nửa đêm đến bình minh. Các cửa tiệm đã được mở lại, các nhóm cầu nguyện, các em giúp lễ và các hoạt động khác của xứ đạo trở lại bình thường... Nhưng rồi hôm 10 tháng 5, cuộc sống tại Gaza đột nhiên bị ngưng lại vì sự trao đổi hỏa tiễn và bom đạn giữa Hamas và Israel. Chúng tôi đã nghe các vụ dội bom suốt đêm.”
Cha Romanelli nói thêm rằng: “Rất tiếc, hai bên đều tỏ ra những lập trường cứng nhắc. Israel tuyên bố không thể dung thứ để cho các hỏa tiễn phóng tới Jerusalem và Tel Aviv. Sự trả đũa của phe này kéo theo sự trả thù của phe kia. Chúng tôi đang đợi một trận mưa các phản ứng. Chúng tôi đã quen với chiến tranh tại Gaza này, thường chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng của những tên lửa ban đêm. Nay những vụ này xảy ra cả giữa ban ngày. Thực là một dấu hiệu xấu. Ði ra ngoài bằng xe hơi để viếng thăm các bệnh nhân, người nghèo và các giáo dân, nay trở thành một điều nguy hiểm”.
Trong cuộc phỏng vấn, cha sở Romanelli cho biết trong thời bị giới nghiêm vì Covid-19, giáo xứ vẫn duy trì liên lạc với các giáo dân một cách tiềm thể, trực tuyến, qua những cuộc thảo luận, các lớp học, trò chơi và thậm chí cả xổ số trực tuyến. Các mối liên lạc được củng cố đến độ 86% các giáo dân Công Giáo, hơn 100 tín hữu Chính thống, đã tham dự tất cả các lễ nghi Tuần thánh mới đây. Nhờ kinh nghiệm đó, chúng tôi đã biết động viên tốt đẹp hơn. Một điều có vẻ mâu thuận, đó là tôi phải nói rằng kỳ đại dịch này là một thời kỳ “hạnh phúc”, vì ít là nó giữ cho chiến tranh tránh xa. Nhưng nay chúng tôi nhận thấy rằng dân chúng ở Gaza ngày càng nản chí, nhất là nơi những người trẻ”.
Source:Terra Santa