Trong khi Hoa Kỳ đang rục rịch nối lại cuộc sống bình thường nhờ số dân được tiêm chủng lên trên 40%, thì bên Việt Nam, số tiêm chủng chỉ là 0.03%, lại một lần nữa phải đóng cửa ngừa dịch một cách gắt gao hơn.
Lần này là một cơn dịch rất 'hung hăng': nó dữ tợn như cơn dịch cuả Ấn Độ và lan truyền nhanh chóng như cơn dịch cuả Anh Quốc, theo báo cáo cuả bộ Y Tế VN.
Khác với các lần trước, cơn dịch mới này đặc biệt xâm hại con nít. Tại Bắc Giang nhà cầm quyền đang cách ly 1000 con trẻ để chữa trị (theo tin AsiaNews). Tại Đà Nẵng trong số 6 em điều trị ở Bệnh viện Phổi thì có một em nhỏ chỉ mới có 6 tháng tuổi mà thôi, gần đấy, trung tâm y tế đa khoa huyện Hòa Vang đang điều trị 12 em, từ 10 tháng cho tới 14 tuổi.
Nói như vậy không có nghĩa là Hoa Kỳ hay các nước giầu Tây Phương sẽ thoát khỏi cơn nguy sớm. Một bá cáo mới nhất (ngày 2/6/2021) cuả ông chủ tịch hãng thuốc Moderna cho biết, thì theo hội nghị lần thứ 4 các khoa học gia mà họ triệu tập, các biến thể cuả Virus này đang 'nhờn thuốc' và thay đổi mỗi ngày nhanh hơn. Thuốc chủng cuả họ cần phải cập nhật sớm.
Viễn ảnh tương lai là dù chúng ta ở nơi đâu, cũng sẽ phải chia chung một nhịp sống 'lúc đóng lúc mở' một cách rất bấp bênh.
Trong lãnh vực Mục Vụ, việc 'đóng cửa' là một thách đố cho các bậc hữu trách, cách riêng cho các vị đang phục vụ các giáo xứ.
Công nghệ truyền thông tuy một phần giaỉ quyết được những khó khăn như cử hành thánh thề và một số nghi lễ khác, nhưng không có gì thay thế cho việc giao lưu thăm hỏi mà các vị mục tử cần phải làm, ít là đối với những người 'nguội lạnh'.
Để giải quyết khó khăn do việc cách ly xã hội, Cha Joachim Lê Quang Hiền thuộc giáo phận Spokane, Washington, USA, đã áp dụng một phương pháp rất đơn sơ và giản dị: Lần chuỗi Mân Côi qua điện thoại.
Những ai biết ngài thì đã biết, tuy làm chánh xứ cho một giáo xứ Mỹ nhưng ngài lúc nào cũng mau mắn hợp tác với các chương trình cuả người Việt, mà VietCatholic là một... Những năm 1994, ngài đã đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ, và dùng tài hùng biện đi quảng bá cho Liên Đoàn cũng như giảng phòng ở nhiều nơi.
Khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Cha Hiền, lúc này đã về hưu, có ý tưởng cần phải phổ biến lòng sùng kính Đức Mẹ vì chỉ có Mẹ mới có thể cứu nhân loại qua cơn khốn khó này. Cách thức như sau:
Ngài làm hẹn với một gia đình để cùng đọc kinh tối qua điện thoại.
"Thường là vào lúc 8:30 chiều là lúc họ đã ăn tối và coi TV xong," Cha Hiền cho biết. "Tuy nhiên có những cụ già đi ngủ sớm thì tôi hẹn lúc 7:30...chẳng hạn...Còn với một số người VN làm Nail thì giờ tốt nhất là 9:30 lúc họ đã về nhà"
-"Thưa Cha, tại sao cha dùng điện thoại mà không dùng facetime hay là zoom cho linh động hơn?" Tôi hỏi.
-"Không, chỉ điện thoại thôi, giản dị mà lại tập trung vào lời kinh, chứ facetime hay zoom thì dễ chia trí lắm, thí dụ như tôi nhìn thấy cảnh con cái chạy nhảy ăn uống vv...quan trọng là tập trung vào tâm linh ".
-"Thế thì cha lần chuỗi với họ, cha xướng họ tùy, rồi chia sẻ bàn bạc về lời Chuá?"
-"Chỉ lần chuỗi theo cách thức thông thường, thay phiên nhau xướng tùy, thêm một chút suy niệm sau mỗi ngắm. Khi kết thúc tôi khuyên nhủ vài lời và ban phép lành cho họ đi ngủ. Nếu gia đình có một kỷ niệm đặc biệt hoặc có lễ giỗ thì tôi thêm vào một lời nguyện hoặc chúc mừng. Nhưng nói chung một buổi đọc kinh như vậy sẽ không kéo dài quá 20 phút."
Cha Hiền cho biết Ngài đã đi đủ vòng các gia đình cuả giáo xứ mà ngài từng cai quản và thêm vào đó là nhiều gia đình cuả hai giáo xứ bên cạnh. Sau khi tiếp cận với một số đông người như vậy, ngài đã khám phá ra một điều bất ngờ:
"Hầu như mọi người thì ai cũng 'thuộc lòng' kinh Tin Kính, nhưng nhiều khi tôi phải 'text' cho các em nhỏ kinh Kính Mừng thì chúng mới đọc được!"
Và để cho họ thông công một cách hữu ích hơn, Cha Hiền đã thu thập và soạn ra một ấn bản kinh Mân Côi ( tiếng Anh và VN ) rất đơn sơ và ngắn gọn nhưng lại thâm túy và thiết thực cho muà dịch. Được phép cuả ngài, chúng tôi xin đính kèm ấn bản Việt Nam "CHUỖI MÂN CÔI MÙA COVID-19" ngay sau đây:
CHUỖI MÂN CÔI MÙA COVID-19
1/ Để giúp việc suy gẫm các mầu nhiệm được sinh động hơn, trước mỗi kinh chúng ta có thể nhớ đến một người thân trong gia đình, bạn bè thân hữu, đồng song, đồng nghiệp, hàng xóm (còn sống hay đã qua đời) v.v... Nếu có hai người trở lên cùng lần hạt thì dễ hơn nữa, trong khi người kia xướng hoặc đáp thì ta có thể nghĩ đến ý chỉ cho những ai ta muốn nhớ đến trong chuỗi Mân Côi này. Chẳng mấy chốc chúng ta sẽ muốn gặp thêm ông bà, cha mẹ, bạn bè... trong những chuỗi Mân Côi khác nữa.
2/ Sau phần suy niệm: giữ một phút im lặng hồi tâm, nghĩ đến đời mình, mời Chúa bước vào...Rồi tiếp tục chục hạt kế tiếp... “Lạy Cha chúng con....”
NĂM SỰ VUI: (Thứ Hai, Thứ Bảy)
1. “Thiên thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai. Ta hãy xin cho được ở khiêm nhượng.”
Maria biết phận người bé mọn của Mẹ trước mầu nhiệm Nhập Thể cao vời của Thiên Chúa. Covid-19 này giúp chúng ta nhận thức rõ hơn thân phận mong manh của mình và biết Chúa là Chúa, và con người thật chẳng là chi nếu không có Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa là Chúa, còn con cùng cả thế giới này chỉ là tro bụi trước mặt Chúa.
2. “Đức Bà đi viếng Bà thánh Isave. Ta hãy xin cho được lòng yêu người.”
Chúa Giêsu đồng hóa Người với những ai nghèo khổ trong chúng ta; cùng với Mẹ, Người đi thăm gia đình Dì Ysave. Covid-19 là dịp giúp chúng ta đến gần, thông cảm nhau hơn. Ngày phán xét Chúa hỏi chúng ta đã làm gì cho người khác.
Lạy Chúa, xin giúp con yêu quý tha nhân như Chúa yêu thương họ.
3. “Đức Bà sinh Chúa Giêsu nơi hang đá. Ta hãy xin cho được lòng khó khăn.”
Con Thiên Chúa giáng trần trong hang đá rét lạnh nơi đồng vắng. Covid-19 tước đoạt hết gia sản ta thu tích, trả ta về thực tại tay trắng lúc sinh ra và khi lìa đời. Trong cái nghèo khổ chúng ta có chỗ cho Thiên Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con thấy Chúa là gia nghiệp thật của con trong cái nghèo, cái khổ của mình.
4. “Đức Bà dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được vâng lời chịu lụy.”
Ngày chịu Phép Rửa tội, chúng ta cũng được hiến dâng cho Chúa để sống theo đường lối của Người. Trong Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu cũng xin vâng ý Cha như Mẹ Người. Covid-19 là vườn Cây Dầu của chúng ta hôm nay và “xin vâng” vẫn là cách đáp trả tốt đẹp và hữu hiệu nhất.
Lạy Chúa, xin giúp con xác tín sống “Xin Vâng” vui vẻ mỗi ngày.
5. “Đức Bà tìm được Chúa Giêsu trong đền thánh. Ta hãy xin cho được giữ nghĩa cùng Chúa luôn.” Con người chúng ta là nơi Chúa ngự, mất Chúa ở đó thì tìm đâu cũng chẳng có. Covid-19 nhắc nhở ta: Chúa muốn tìm gặp và sống với ta trong đền thánh của Người: trong chính chúng ta. “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời...để Chúa ở lại với con.”
NĂM SỰ THƯƠNG: (Thứ Ba, Thứ Sáu)
1. “Đức Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu. Ta hãy xin cho được ăn năn tội nên.”
Tội loài người đè nặng tâm tư Chúa. Nhận thức ra lầm lỗi của mình khiến Chúa khổ đau là bước đầu đi vào Tin Mừng của Người. Covid-19 nhắc nhở cho mọi người trong thế giới hôm nay về sự khẩn thiết của ơn thống hối này.
“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”
2. “Đức Chúa Giêsu chịu đánh đòn. Ta hãy xin cho được hãm mình chịu khó bằng lòng.”
Càng “tân tiến” con người càng tìm thỏa mãn thú tính, hạ giá nhân tính cao cả của mình. “Thương cho roi cho vọt,” Covid-19 có thể được xem là con roi nhẹ Chúa dùng thức tỉnh chúng ta biết sống tiết độ kiềm chế các bản năng hạ cấp của mình để nâng hồn ta lên lại với Chúa.
“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”
3. “Đức Chúa Giêsu chịu đội mão gai. Ta hãy xin cho được mọi sự sỉ nhục bằng lòng.”
Chúa chỉ làm lành làm phúc mà còn bị sỉ vả nhục mạ, còn mình thì luôn che lấp tội lỗi và muốn tôn vinh. Covid-19 là mũ gai trên đầu tất cả, từ thứ dân đến hàng khanh tướng, không trừ một ai. “Con sâu làm rầu nồi canh,” tội Adong Evà thể hiện trên đầu tất cả nhân loại hôm nay.
“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”
4. “Đức Chúa Giêsu vác cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa.”
Thánh giá Chúa không nặng vì cây gỗ, mà nặng vì tội chúng ta. Thánh giá anh chị em chúng ta cũng thế, nó nặng vì thiếu lòng thương xót của ta. Covid-19 giúp ta thấy “con đường Chúa đã đi qua” cũng là “đường tình Chúa dành cho ta.” “Per crucem ad lucem,” qua khổ giá đến ánh quang.
“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”
5. “Đức Chúa Giêsu chịu chết trên cây Thánh giá. Ta hãy xin cho được đóng đinh tính xác thịt ta vào Thánh giá Chúa.”
Làm người, Con Thiên Chúa cũng qua cái chết tất tưởi, nhục nhã. Trên một cây cấm, tội của “cái tôi” đi vào đời. Trên một cây oan nghiệt, Chúa “diệt ngã” đóng chặt mình vào đó, giang tay nối kết Đông và Tây, Đất với Trời để “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.” Ước chi Covid-19 này cũng gắn chặt con người ta vào thập giá Chúa. Thuốc ngừa thật đã đến với nhân loại từ lâu nơi Máu Thánh của Người!
“Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”
NĂM SỰ MỪNG: (Thứ Tư, Chúa Nhật)
1. “Đức Chúa Giêsu sống lại. Ta hãy xin cho được sống lại thật về phần linh hồn.”
Sống không hồn thì như đã chết; cung phụng thể xác, nhiều người ngày nay đang sống như thế.
Alleluia! Chúa đã Phục Sinh, sống lại hiển vinh! Nhưng vết đinh vết đòng đâm qua thân xác của Người vẫn còn đó. Covid-19 cũng có thể là chiếc đinh cho mỗi chúng ta để giúp ta “sống lại thật về phần linh hồn” của mình.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin kéo con ra khỏi nấm mồ u tối tội lỗi của con để được sống trong ánh sáng Chân lý Chúa.
2. “Đức Chúa Giêsu lên trời. Ta hãy xin cho được ái mộ những sự trên trời.”
Lên trời ai cũng muốn đi, nhưng bảo đi hôm nay thì ai cũng trì hoãn. “Những sự trên trời” ấy Chúa Giêsu đã liệt kê ra trong Hiến Chương Nước Trời là Tám Mối Phúc Thật ta đọc hằng tuần. Ngưỡng mộ “những sự trên trời ấy” thì có, nhưng còn ái mộ thì ta vẫn ái mộ những ảo ảnh thú vui, quyền hành, danh vọng, tiền của dưới thế này. Covid-19 là cơ hội để ta thay đổi cái nhìn đó. Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin hướng mắt con nhìn lên Nước Chúa trong con.
3. “Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ta hãy xin cho được lòng đầy dẫy mọi ơn Đức Chúa Thánh Thần.”
Chúa Thánh Thần là linh hồn của Hội Thánh, nhưng là Ngôi Thiên Chúa hay bị lãng quên. Đầu mỗi buổi cầu nguyện chúng ta xin “đầy dẫy” ơn của Ngài: “đốt lửa kính mến Đức Chúa Trời; sửa lại mọi sự trong, ngoài; an ủi dạy dỗ chúng con làm những việc lành.” Trong thời Covid-19 này, chúng ta thật cần Ngài ban xuống cho ta 3 ơn quan trọng ấy.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin Chúa gởi Thánh Thần Chúa đến với thế giới chúng con hôm nay như Chúa đã gởi đến các Thánh Tông đồ ngày trước.
4. “Đức Chúa Trời cho Đức Bà lên trời. Ta hãy xin ơn chết lành trong tay Đức Mẹ.”
Khi nhận chúng ta làm con qua lời trối của Chúa Giêsu cho thánh Gioan, Mẹ muốn kéo tất cả chúng ta vào Thiên Đàng với Mẹ. Mẹ vẫn chờ ở cổng Trời cho đứa con đi lạc, đi hoang cuối cùng trở về, Mẹ mới an lòng bước vào. Mẹ yêu thế đó. Mùa Covid-19 này Mẹ ôm lấy xác các con vừa qua đời, chăm sóc các con bệnh hoạn, an ủi các con khốn khổ, nâng đỡ các con chữa trị bệnh... Mẹ cầu bàu cho tất cả: “Con ơi, họ mất vui vì hết rượu rồi!”
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin cho chúng con nghe lời Mẹ dặn: “Hãy làm như lời Chúa dạy.”
5. “Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Ta hãy xin Đức Mẹ phù hộ cho ta được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng.”
Ơn chung vui với Mẹ không chỉ trên nơi cao ấy mà ngay cả dưới thế trần này, vì đâu có Chúa và Mẹ đó là Thiên Đàng rồi. Và đường đến đó là đường Chúa, Mẹ đã đi qua. Ước gì cơn đại dịch Covid-19 này không làm chúng ta hoảng loạn đánh mất hướng đi.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, qua lời cầu bàu của Mẹ Maria, nhất là Mẹ La Vang của chúng con, xin Chúa cũng hiện ra, nắm tay và nói với chúng con: “Thầy đây, đừng sợ!” Amen.
NĂM SỰ SÁNG: (Thứ Năm)
1. “Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giô-đan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con cái Chúa.”
Chúa hạ mình chia sẻ thân phận tội lỗi của con người để qua ơn Chúa Thánh Thần nơi Bí Tích Rửa tội, nâng chúng ta lên hàng con cái Thiên Chúa. Dịch Covid-19 thực sự là thời gian thuận hạp để chúng ta được soi sáng và sống xứng đáng với danh hiệu ấy.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi ngày khi con thức dậy, xin Chúa cho con cũng nghe được tiếng Chúa Cha: “Đây là con yêu dấu của Ta.”
2. “Đức Chúa Giêsu dự tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được vững tin vào quyền năng của Người.” Chúa là Chúa của niềm vui sung mãn cho mọi đôi hôn nhân và gia đình. Khi có Chúa thì nước lã cũng thành rượu ngon hảo hạng. Phép lạ xảy ra là vì Mẹ Người để ý đến những gì chúng ta cần, nhất là trong mùa dịch Covid-19 này.
Lạy Chúa Giêsu, hôm nay chúng con kính mời Chúa và Mẹ đến nhà này để kiên vững niềm tin và đong đầy ơn an bình của Chúa cho chúng con.
3. “Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được hoán cải và đón nhận Tin Mừng.”
Nước Trời ở ngay giữa chúng ta, không cần phải chạy tìm đâu xa. Chỉ cần dừng chân quay lại và chân thành mở lòng đón nhận. Covid-19 giúp mở mắt chúng ta thấy chúng ta đã mải mê và mệt mỏi chạy theo những “Nước” khác.
Lạy Chúa Giêsu, như các Tông đồ, chúng con khẩn khoản nài xin: “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con!”
4. “Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được lắng nghe và thực hành Lời Chúa.” Chúa thường lên núi cao cầu nguyện, dạy dỗ, tỏ mình, cứu chuộc...vì cái nhìn trên cao bao quát toàn cảnh cuộc sống con người. Covid-19 hầu như buộc chúng ta phải trèo lên đỉnh cao tâm trí để thấy rõ hơn dung nhan mình giữa chốn nhân gian.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa đưa chúng con lên núi cao cầu nguyện, thấy Chúa và nghe Chúa rõ hơn để chúng con được biến đổi hoàn toàn trong Chúa.
5. “Đức Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được năng kết hiệp cùng Chúa Giêsu Thánh Thể.”
Sáng kiến độc đáo của Chúa để “ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” không gì cấm cản được, kể cả Covid-19 này. Trái lại Covid-19 giúp chúng ta từ nay không để Chúa trách là “dân này thờ Ta bằng môi miệng mà lòng trí chúng thì xa Ta.”
Lạy Chúa Giêsu, Tuần Thánh năm nay thật thê lương, nhất là khi chúng con thấy Đức Thánh Cha một thân trong đền thánh và quảng trường rộng lớn vắng lặng. Nhưng cùng với các Linh mục của Chúa “dâng lễ riêng” khắp hoàn cầu, chúng con Rước Chúa cách thiêng liêng để nghe Chúa nói “Này là Mình Thầy. Này là Máu Thầy.” trong Bàn Tiệc Thiên Quốc vĩnh cửu, bởi chúng con tin thật rằng bất kỳ ở đâu, dưới hình thức nào, Chúa cũng luôn ở cùng chúng con, vì “Chúa mãi là Thiên Chúa của Tình Thương.” Amen.
Để kính nhớ Đấng Đáng Kính, Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận nhân kỷ niệm ngày sinh nhật 92 của Ngài (17/4/1928-2020).
Lm. Joachim Hiền. Spokane 16/4/2020*
*Credits:
Năm Sự Thương: 4- Lm Văn Chi, Con đường Chúa đã đi qua.
Năm Sự Sáng: 3- Lc 17:5
5- Mt 28:20; Is 29:13-14 (Mt 15:8); Lm Thành Tâm, Xin tri ân, JH đổi “vẫn là” = mãi là.