Hiện nay có 22 quốc gia vẫn mừng lễ Mình Máu Thánh Chúa, thường được gọi là Corpus Christi, vào đúng ngày chính lễ, là ngày Thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi.
Các quốc gia khác, trong đó có Ý, Vatican, Việt Nam dời lễ này sang ngày Chúa Nhật.
Bài Phúc Âm trong ngày tường thuật Chúa Giêsu thiết lập bí tích Thánh Thể như sau:
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.
Đang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay, tại Ý và các nước khác, Lễ Trọng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được cử hành. Tin Mừng trình bày cho chúng ta câu chuyện Bữa Tiệc Ly (Mc 14:12-16:22-26). Lời nói và cử chỉ của Chúa đánh động tâm hồn chúng ta: Người cầm lấy bánh trong tay, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ và nói: “Anh em hãy cầm lấy, này là Mình Thầy “ (c. 22).
Như thế, với sự đơn giản, Chúa Giêsu ban cho chúng ta bí tích vĩ đại nhất. Cử chỉ của Người là một cử chỉ khiêm tốn trao ban, một cử chỉ chia sẻ. Ở tột đỉnh cuộc đời, Ngài không phân phát bánh mì dư dật cho đám đông ăn, nhưng tự bẻ mình ra trong bữa ăn tối Vượt Qua với các môn đệ. Bằng cách này, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy rằng mục tiêu của cuộc đời nằm ở việc cho đi chính mình, và điều lớn lao nhất là phục vụ. Và hôm nay chúng ta tìm thấy sự cao cả của Thiên Chúa trong một tấm Bánh, trong sự mong manh mà tràn ngập tình yêu thương, tràn ngập sự chia sẻ. Mong manh là từ mà tôi muốn nhấn mạnh. Chúa Giêsu trở nên mỏng manh như tấm bánh bị bẻ ra và vỡ vụn. Nhưng sức mạnh của Ngài nằm ở sự mong manh này. Trong Bí tích Thánh Thể, mong manh là sức mạnh: đó là sức mạnh của tình yêu trở nên nhỏ bé để được chấp nhận và không sợ hãi; sức mạnh của tình yêu thương bẻ ra chia cắt để nuôi dưỡng và trao ban sự sống; sức mạnh của tình yêu vỡ ra để mang tất cả chúng ta lại với nhau trong sự hiệp nhất.
Và có một sức mạnh khác nổi bật trong sự mong manh của Bí tích Thánh Thể: sức mạnh để yêu thương những người lầm lỗi. Chính trong đêm bị phản bội, Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Bánh sự sống. Ngài ban cho chúng ta món quà lớn nhất khi Ngài cảm nhận được vực thẳm sâu nhất trong trái tim mình: người môn đệ cùng ăn cùng uống với Ngài, người nhúng miếng bánh vào cùng một chén, đang phản bội Ngài. Sự phản bội là nỗi đau lớn nhất của những người đang yêu. Và Chúa Giêsu làm gì? Thưa: Ngài phản ứng với cái ác bằng điều thiện lớn hơn. Trước tiếng “không” của Giuđa, Ngài trả lời bằng tiếng “xin vâng” của lòng thương xót. Ngài không trừng phạt kẻ có tội, nhưng hiến mạng sống cho hắn, trả giá cho hắn. Khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu cũng làm như vậy với chúng ta: Người biết chúng ta, Người biết chúng ta là những người tội lỗi, Người biết chúng ta quá sai lầm, nhưng Người không bỏ cuộc và tiếp tục trao ban chính Người cho chúng ta. Ngài biết chúng ta cần, vì Thánh Thể không phải chỉ là phần thưởng của các thánh, không, Thánh Thể còn là Bánh của tội nhân. Vì điều này, Ngài khuyến khích chúng ta: “Đừng sợ! Hãy cầm lấy mà ăn”.
Mỗi khi chúng ta lãnh nhận Bánh sự sống, Chúa Giêsu lại đến để ban cho sự yếu đuối của chúng ta một ý nghĩa mới. Ngài nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta quý giá trong mắt Ngài hơn chúng ta nghĩ. Ngài nói với chúng ta rằng Ngài rất vui nếu chúng ta chia sẻ sự yếu đuối của chúng ta với Ngài. Ngài lặp lại với chúng ta rằng lòng nhân từ của Ngài không sợ những đau khổ của chúng ta. Lòng thương xót của Chúa Giêsu không sợ những khốn khổ của chúng ta. Và trên tất cả, bằng tình yêu thương, lòng thương xót ấy chữa lành chúng ta khỏi những yếu đuối mà chúng ta không thể tự mình chữa lành. Chúng ta có thể nghĩ: Yếu đuối nào? Cảm giác phẫn uất đối với những người đã làm tổn thương chúng ta – chỉ điều này thôi cũng cho thấy chúng ta không thể tự chữa lành; rồi còn thái độ xa cách người khác và cô lập bản thân - chúng ta cũng không thể tự chữa lành; khóc lóc và than phiền mà không tìm thấy được sự bình yên; ngay cả điều này, chúng ta cũng không thể chữa lành một mình. Chính Người chữa lành chúng ta bằng sự hiện diện của Người, bằng tấm bánh của Người, bằng Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là liều thuốc hữu hiệu chống lại những sự khép kín này. Thật vậy, Bánh Sự Sống chữa lành những cứng nhắc và biến chúng thành sự ngoan ngoãn. Bí tích Thánh Thể chữa lành vì bí tích ấy kết hợp chúng ta với Chúa Giêsu: làm cho lối sống của chúng ta đồng hóa với lối sống của Người, nghĩa là có khả năng trao ban và hiến thân cho anh em, và đáp trả điều ác với điều thiện. Bí tích Thánh Thể ban cho chúng ta can đảm để thoát ra khỏi chính mình và cúi xuống với tình yêu thương trên sự yếu đuối của người khác. Như Chúa làm với chúng ta. Đây là luận lý của Bí tích Thánh Thể: chúng ta đón nhận Chúa Giêsu, Đấng yêu thương chúng ta và chữa lành những yếu đuối của chúng ta để yêu thương người khác và giúp đỡ họ khi họ yếu đuối. Và làm điều này, trong suốt cuộc đời. Hôm nay, trong các Giờ Kinh Phụng Vụ, chúng ta đã cầu nguyện với một bài thánh ca: gồm bốn câu là bản tóm tắt toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu. Bốn câu ấy cho chúng ta biết rằng khi Chúa Giêsu được sinh ra, Ngài đã trở thành một người bạn đồng hành trong cuộc đời chúng ta. Sau đó, trong bữa ăn tối, Ngài ban chính mình làm phần lương cho chúng ta. Sau đó, trên thập tự giá, trong cái chết của Người, Chúa đã trả giá: Ngài đã trả giá cho chúng ta. Và bây giờ, ngự trên Thiên đàng, Ngài là phần thưởng của chúng ta, là những gì đang chờ đợi chúng ta tìm kiếm [x. Thánh Thi Lễ Mình Máu Thánh Chúa].
Xin Đức Trinh Nữ, nơi Mẹ Chúa đã trở nên xác phàm, giúp chúng con biết đón nhận ân sủng Thánh Thể với tấm lòng biết ơn và để cuộc đời chúng ta trở nên một món quà. Xin Chúa Giêsu Thánh Thể làm cho chúng ta trở thành một món quà cho người khác.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp:
Anh chị em thân mến,
Tôi đau đớn theo dõi tin tức đến từ Canada về sự phát hiện gây kinh hoàng liên quan đến hài cốt của 215 trẻ em, là học sinh của Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops, ở tỉnh British Columbia. Tôi tham gia cùng các giám mục Canada và toàn thể Giáo Hội Công Giáo ở Canada bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Canada, bị tổn thương bởi tin tức gây kinh hoàng này. Khám phá đáng buồn càng nâng cao nhận thức về những đau đớn và đau khổ trong quá khứ. Mong các nhà chức trách chính trị và tôn giáo của Canada tiếp tục cộng tác với quyết tâm làm sáng tỏ câu chuyện đáng buồn đó và khiêm tốn dấn thân vào con đường hòa giải và hàn gắn.
Những khoảnh khắc khó khăn này làm dấy lên một lời kêu gọi mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta, hãy rời xa mô hình thuộc địa, cũng như thoát khỏi chế độ thực dân ý thức hệ ngày nay, và sánh bước bên nhau trong đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và các giá trị văn hóa của tất cả những đứa trẻ ở Canada.
Chúng ta hãy phó thác cho Chúa linh hồn của tất cả những trẻ em đã qua đời trong khu nội trú trường học ở Canada và cầu nguyện cho các gia đình và cộng đồng bản địa Canada đang bị đau đớn. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.
Tôi muốn bảo đảm những lời cầu nguyện của mình cho các nạn nhân của vụ thảm sát được thực hiện vào đêm thứ Sáu rạng sáng thứ Bảy tại một thị trấn nhỏ ở Burkina Faso. Tôi gần gũi với các gia đình và toàn thể người dân Burkinabé, những người đang phải chịu đựng rất nhiều những cuộc tấn công lặp đi lặp lại này. Châu Phi cần hòa bình chứ không cần bạo lực!
Ngày hôm nay tại Chiavenna, thuộc Giáo phận Como, Nữ tu Maria Laura Mainetti, Dòng Nữ Tử Thánh Giá, được phong chân phước. Sơ bị giết cách đây 21 năm bởi ba cô gái bị ảnh hưởng bởi một giáo phái satan. Thật là tàn nhẫn. Sơ ấy yêu những người trẻ hơn tất cả, yêu thương và tha thứ cho những cô gái là tù nhân tội ác, và để lại cho chúng ta chương trình sống của sơ ấy: làm mọi việc dù nhỏ đến đâu với niềm tin, tình yêu và nhiệt huyết. Xin Chúa ban cho tất cả chúng ta đức tin, tình yêu và lòng nhiệt thành. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân Phước!
Ngày mốt, Thứ Ba ngày 8 tháng 6, lúc 13g00, Công Giáo Tiến Hành Quốc Tế mời anh chị em dành một phút cho hòa bình, mỗi người theo truyền thống tôn giáo của riêng mình. Chúng ta hãy cầu nguyện đặc biệt cho Thánh Địa và cho Miến Điện.
Tôi thân ái chào tất cả anh chị em đến từ Rôma, Ý và các nước khác. Đặc biệt, tôi chào các chàng trai của nhóm Progetto Contatto ở Turin và Nhóm tôn sùng Đức Mẹ Ban Phép Lạ ở Corbetta, các gia đình ở Cerignola và Hiệp hội Xe Cứu Thương Quốc gia, cùng đông đảo các công nhân từ các hội chợ và các nghệ sĩ đường phố. Cảm ơn anh chị em rất nhiều vì những món quà mà anh chị em đã mang lại. Và tôi cũng xin chào những người Salento từ phía nam Puglia, những người đang nhảy pizzica ở chỗ kia! Rất đẹp! Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ.
Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc một bữa trưa ngon miệng và xin tạm biệt!
Source:Libreria Editrice Vaticana