1. Caritas Bangladesh và cảnh sát nước này báo động về ứng dụng điện thoại của Trung Quốc sau khi 1,500 phụ nữ bị lừa bán vào các ổ mại dâm

1,500 phụ nữ và trẻ em gái Bangladesh đã bị bán sang Ấn Độ và các nước vùng Vịnh Ba Tư trong những năm gần đây. Họ là nạn nhân của 3 tên lưu manh nhưng như cảnh sát Bangladesh chỉ ra nếu không có TikTok, một chương trình ứng dụng trên điện thoại của Trung Quốc, 3 tên lưu manh này không thể lừa đảo được một số lượng phụ nữ và trẻ em gái đông đảo như thế.

Vụ bắt giữ được thực hiện sau khi một phụ nữ Bangladesh bị buôn bán sang Ấn Độ bỏ trốn và trở về nhà sau 77 ngày bị giam trong một ổ mại dâm và đệ đơn kiện theo Đạo luật Ngăn chặn và Triệt hạ nạn Buôn bán Người của nước này.

Mohammad Shahidullah, Phó ủy viên Cảnh sát Thủ đô Dhaka, xác nhận với UCA News rằng sau nhiều tuần bị truy bắt, ba tên lưu manh này đã bị bắt giữ ở quận Satkhira gần biên giới với Ấn Độ vào ngày 1 tháng 6.

Ông cho biết những người bị bắt là Mehedi Hasan Babu, Mohiuddin và Abdul Quader. Ba tên này là chủ mưu, ngoài ra còn có 9 tên khác trong một mạng lưới tổng cộng 12 người đã bị buộc tội buôn bán khoảng 1,500 phụ nữ.

Cô gái bị buôn người nói với một kênh truyền hình tư nhân rằng bọn lưu manh đã tiếp cận với cô qua mạng xã hội TikTok, rồi đưa cô đến Ấn Độ bằng cách hứa đưa cô trở thành ngôi sao TikTok và cho cô một công việc lương cao.

Cô ấy được đưa đến nhiều vùng khác nhau của Ấn Độ bao gồm cả Bengaluru và Chennai, nơi cô ấy bị lạm dụng thể chất, tinh thần và tình dục. Cô nói thêm rằng cô ấy phát hiện nhiều phụ nữ Bangladesh giống như cô đang làm công việc bán dâm trong các khách sạn ở Ấn Độ

Theo dữ liệu từ cảnh sát, khoảng 10,000 người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, đã bị bọn buôn người đưa ra khỏi Bangladesh và khoảng 5,000 trường hợp đã đệ đơn kiện những kẻ buôn người kể từ năm 2013.

Các nhóm nhân quyền cáo buộc rằng do việc thực thi pháp luật kém và tỷ lệ kết án cực thấp, nạn buôn người đang phát triển mạnh ở Bangladesh.

Linh mục Liton H. Gomes, thư ký Ủy ban Công lý và Hòa bình của Hội đồng Giám mục Công Giáo Bangladesh, nói rằng việc thực thi pháp luật kém và chậm trễ trong công lý đã thúc đẩy các tội ác ghê tởm như buôn người.

“Đã có luật nhưng do chưa thực thi hợp lý nên tội phạm đang được khuyến khích. Đồng thời, cần điều tra xem có ai trong xã hội hoặc các cơ quan chính phủ có liên quan đến họ hay không”, Cha Gomes nói với UCA News.

Vị linh mục cho biết ủy ban đang cộng tác với tổ chức bác ái Công Giáo Caritas để giải quyết nạn buôn người ở những khu vực có sự hiện diện của Giáo hội. Các chương trình đang thực hiện bao gồm xây dựng nhận thức và đào tạo thông qua các nhóm và trường học.

“ Chúng tôi muốn xây dựng một mạng lưới vững chắc mà qua đó chúng tôi có thể làm cho mọi người nhận thức được cũng như sắp xếp việc phục hồi chức năng và điều trị tâm thần cho họ nếu ai đó trở về sau khi đã là một nạn nhân của nạn buôn người,” Cha Gomes nói thêm.
Source:UCANews

2. Đức Hồng Y Sri Lanka kiện chủ tàu vì gây ô nhiễm

Hồng Y Malcolm Ranjith đã quyết định khởi kiện chủ nhân của con tàu đã gây ra thảm họa môi trường trên bờ biển Sri Lanka.

Ngài cho biết cộng đồng ngư dân đã bị thiệt hại nghiêm trọng do tàu MV X-Press Pearl được đăng ký tại Singapore, đã phun chất thải hóa học ra biển kể từ khi bị bốc cháy vào ngày 20/5.

“Tôi sẵn sàng đi đầu trong việc khởi kiện công ty sở hữu con tàu,” Đức Hồng Y Ranjith nói vào ngày 2 tháng 6 tại Colombo.

Con tàu container đang chở 25 tấn axit nitric cùng với các hóa chất và mỹ phẩm khác thì ngọn lửa bùng lên sau một vụ nổ.

Các quan chức đã cảnh báo mọi người không chạm vào bất kỳ mảnh vỡ nào trôi dạt trên các bãi biển vì nó có thể gây hại. Hơn 1,000 người bao gồm cả hải quân và quân đội đã dọn dẹp các bãi biển trong những ngày gần đây.
Source:UCANews

3. Virút Tầu độc địa gây tác động tàn phá lên các xã hội Mỹ châu Latinh

Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng tàn hại trên các xã hội Mỹ châu Latinh. “Sự lan tràn đại dịch với những hậu quả của nó về mặt kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường càng trầm trọng thêm do những vấn đề vốn có sẵn về cơ cấu tại Mỹ Latinh và quần đảo Caribê, bao gồm sự chênh lệch cao độ về giàu nghèo, tình trạng bấp bênh, và thiếu công việc chính thức, thiếu bảo vệ xã Hội, sự suy thoái môi trường, nghèo đói và dễ bị tổn thương.”

Trên đây là nội dung một nghiên cứu của Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh, gọi tắt là CELAM, mới được công bố. Thêm vào các vấn đề vừa nói, Mỹ châu Latinh còn có hệ thống y tế và bảo vệ xã hội yếu ớt và phân hóa, những khu định cư của dân nghèo ở các thành thị đang lan rộng, thiếu các dịch vụ cơ bản. Ngoài ra, Mỹ châu Latinh còn phải đối phó với làn sóng lớn những người di cư và di tản, cũng như các loại xung đột. Sau cùng Mỹ Latinh bị những ảnh hưởng thái quá của sự thay đổi khí hậu.

Nghiên cứu và phân tích trên đây cho thấy thực tại đau thương, có bằng chứng rất đầy đủ, với bao nhiêu dữ kiện, do Liên Hội đồng Giám mục Mỹ châu Latinh đề nghị thực hiện và được đăng trong phúc trình tựa đề: “Vấn đề xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở Mỹ châu Latinh”.
Source:SIR