1. Đức Thánh Cha bổ nhiệm tân tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ. Người Đại Hàn đầu tiên làm tổng trưởng tại Giáo triều Rôma
Hôm thứ Sáu 11 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Đức Cha Lagiarô Du Huỳnh Trị (유흥식, You Heung-sik), giám mục giáo phận Đại Điền (대전시, Daejon), làm tân Tổng trưởng Bộ Giáo sĩ tại Vatican.
Vị giám mục 69 tuổi này sẽ đi vào lịch sử như là người Đại Hàn đầu tiên lãnh đạo một Bộ ở Vatican.
Đức Cha Du sẽ kế nhiệm vị Hồng Y người Ý Beniamino Stella, là nhà lãnh đạo Tòa thánh chịu trách nhiệm giám sát các linh mục và phó tế giáo phận trên thế giới từ năm 2013. Đức Hồng Y Stella sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 18 tháng 8 tới đây và sẽ giữ chức vụ này cho đến khi người kế nhiệm ngài nhậm chức.
Đức Cha Du là người Á châu thứ hai lãnh đạo Bộ Giáo sĩ, sau Hồng Y người Phi Luật Tân José Tomás Sánchez, là vị đã lãnh đạo Bộ này từ năm 1991 đến năm 1996.
Ngài cũng là người Á châu thứ hai hiện đang lãnh đạo một trong chín Bộ của Vatican, cùng với Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc và cựu tổng giám mục của Manila, Phi Luật Tân.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một số chuyến đi đến Á châu kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào năm 2013 và đã nói với Đức Hồng Y Tagle vào năm 2015 rằng ngài tin rằng “tương lai của Giáo hội là ở Á châu”.
Trong một diễn biến khác, Đức Giáo Hoàng đã ra lệnh thanh tra tông tòa Bộ Giáo sĩ trước khi Đức Cha Du nhậm chức. Ngài cũng đã ra lệnh thanh tra tông tòa Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích trước khi ngài bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche lãnh đạo Bộ này.
Đức Cha Du đã lãnh đạo giáo phận Đại Điền từ năm 2005, sau khi được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá vào năm 2003.
Ngài sinh tại thành phố Luân Sơ (Nonsan, 논산시) vào ngày 17 tháng 11 năm 1951. Ngài được thụ phong linh mục tại giáo phận Đại Điền vào ngày 9 tháng 12 năm 1979.
Ngài đã tiếp đón Đức Thánh Cha Phanxicô tại giáo phận của mình vào tháng 8 năm 2014 khi Đức Thánh Cha tham gia Ngày Giới trẻ Á Châu lần thứ sáu và cử hành Thánh lễ tại Sân vận động Giải Túc Cầu Thế Giới tại Đại Điền.
Đức Cha Du cũng đã thực hiện nhiều chuyến đi đến Bắc Triều Tiên thay mặt cho hội đồng giám mục Nam Hàn.
Đức Cha Du đã tham dự Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên ở Rôma vào năm 2018. Trong một cuộc họp báo với thượng hội đồng vào ngày 11 tháng 10 năm 2018, ngài nói rằng sẽ rất “đẹp” nếu có thể có một chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng tới Bắc Triều Tiên, nhưng “trên thực tế, có rất các bước cần thực hiện”.
“Nhưng trước khi làm điều gì đó, bạn phải xây dựng nền tảng. Khi việc xây dựng cơ bản được hoàn thành, Đức Giáo Hoàng có thể đến thăm”, ngài nói với các nhà báo.
Source:Catholic News Agency
2. Các cuộc lục soát tại giáo phận Ozieri
Liên quan đến cuộc điều tra của Vatican về cáo buộc biển thủ của Hồng Y Giovanni Angelo Becciu, các cuộc tìm kiếm đã được thực hiện trong tuần qua trên đảo Sardinia của Ý.
Đầu tiên là cuộc khám xét diễn ra tại văn phòng của Spes Cooperative, một công ty trách nhiệm hữu hạn do Antonino, em trai của Hồng Y Becciu, làm đại diện về mặt pháp lý. Cuộc khám xét tiếp theo diễn ra tại Tòa Giám Mục Ozieri và tại văn phòng Caritas giáo phận.
Ozieri là giáo phận cũ của Hồng Y Becciu, trên đảo Sardinia.
Theo các phương tiện truyền thông Italia, Công tố viên Maria Teresa Gerace của Rôma là người đã ra lệnh khám xét theo yêu cầu của các công tố viên Vatican.
Luật sư của Hồng Y Becciu đã đưa ra một tuyên bố ngày 10 tháng 6 hoan nghênh việc lục soát này và nhấn mạnh rằng việc xem xét các tài liệu sẽ cho thấy rằng hành động của Đức Hồng Y Becciu là hoàn toàn hợp pháp.
Ông nói rằng một cuộc điều tra về các tài liệu được thực hiện trong các cuộc khám xét “chỉ xác nhận thêm tính đúng đắn tuyệt đối trong cách làm việc của Đức Hồng Y Becciu, Giáo phận Ozieri, và Spes Cooperative, một hợp tác xã uy tín chưa từng bị chế tài và đáp ứng hoàn hảo các quy định và mục đích của hợp tác xã”.
Trong một tuyên bố trên Facebook, Mario, một người em trai khác của Đức Hồng Y Becciu nói rằng cuộc lục soát đã được Vatican yêu cầu vào tháng 10 năm 2020 nhưng đến nay mới được cảnh sát tài chính của Ý tiến hành.
Ông cũng nói rằng các tài liệu sẽ cho thấy các cáo buộc tham ô chống lại anh trai ông là sai sự thật.
“Không có chuyện chuyển tiền giữa anh em chúng tôi! Sự thật áp đảo sẽ tự nó nói lên.”
Đức Hồng Y Becciu đã nhiều lần phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào. Ngài dự kiến sẽ phải hầu tòa tại Vatican vì các cáo buộc liên quan đến sai sót tài chính trong thời gian ngài là sostituto, tức là Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.
Các tuyên bố về danh mục đầu tư được công khai trên các phương tiện truyền thông vào năm ngoái cho thấy Hồng Y Becciu đã chỉ đạo việc chuyển tiền của Vatican và các giám mục Ý để cho anh em ngài vay cho các dự án mà họ sở hữu và điều hành.
Đức Cha Corrado Melis của Ozieri nói rằng ngài rất buồn vì cuộc lục soát, mà ngài gọi là “một lộ trình đau đớn không cần thiết”. Ngài nói thêm rằng giáo phận sẽ hợp tác trong việc bàn giao các tài liệu cho Tòa Thánh.
Theo Đức Cha Corrado, việc tổ chức thường xuyên và thích hợp các tài khoản của giáo phận “tạo nên sự bảo đảm cho việc quản lý thường xuyên và minh bạch” các hoạt động tâm linh và bác ái của Giáo phận Ozieri.
Trong tuyên bố của mình, vị giám mục nói rằng việc khám xét giáo phận được thực hiện bởi các hiến binh của Vatican. Các hiến binh của Vatican không có quyền tài phán trên lãnh thổ Ý.
Source:Catholic News Agency
3. Hồng Y Đoàn sau khi vị Hồng Y Úc Đại Lợi tròn 80 tuổi
Đức Hồng Y George Pell tròn 80 tuổi hôm thứ Ba, mất quyền bỏ phiếu trong mật nghị bầu Giáo Hoàng trong tương lai.
Vị Hồng Y người Úc đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhị tấn phong Hồng Y vào tháng 10 năm 2003, khi ngài đang là Tổng giám mục của Sydney. Mười năm sau, Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngài làm thành viên Hội đồng Hồng Y, và một năm sau, giao cho ngài phụ trách tài chính của Vatican.
Năm 2017, Đức Hồng Y Pell rời Rôma quay về Úc Đại Lợi để bảo vệ sự vô tội của mình trước các cáo buộc lạm dụng. Sau 404 ngày ngồi tù vào năm 2019, cuối cùng ngài đã được tuyên bố trắng án. Ngài trở lại sống ở Rôma vào ngày 30 tháng 9 năm 2020.
Sinh ngày 8 tháng 6 năm 1941, tại Ballarat, Đức Hồng Y Pell được thụ phong linh mục cho giáo phận này năm 1966. Ngài được phong làm Giám Mục Phụ Tá của Melbourne vào năm 1987, và chín năm sau ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Melbourne.
Năm 2001, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Sydney, nơi ngài phục vụ cho đến khi được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm phụ trách Bộ Kinh tế mới được thành lập và lãnh đạo các nỗ lực cải cách các vấn đề tài chính của Vatican vào năm 2014.
Nhật ký trong tù của Đức Hồng Y Pell, được viết trong khi ngài bị biệt giam, đang được xuất bản thành ba tập. Ignatius Press phát hành cuốn sách thứ hai vào ngày 3 tháng Năm vừa qua.
Đức Hồng Y Pell đã nói rằng ngài không thể dâng thánh lễ trong tù vì ngài không được phép tiếp cận với rượu để dùng trong thánh lễ.
Vào ngày 13 tháng 5, Đức Hồng Y Pell đã dẫn đầu một cuộc rước Thánh Thể tại Đại học Giáo hoàng Thánh Thomas Aquinas, còn được gọi là Angelicum, ở Rome. Ngài nói với cộng đoàn niềm xúc động của mình vì trong 13 tháng bị giam, ngài “không thể cử hành Thánh lễ và tham dự Thánh lễ. “
“Tôi đã lắng nghe nhiều nhà giảng đạo Tin lành, và tôi càng nhận thức rõ hơn về vị trí trung tâm của việc cử hành phụng vụ. Đó là một ân sủng liên quan đến hy lễ của Chúa Kitô. Đó là một hành động tôn thờ tỏ tường. Nó liên quan đến toàn bộ con người của chúng ta. Nó cần niềm tin để thực hành”.
Vào năm 1970, Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã quy định rằng các Hồng Y từ 80 tuổi trở lên không được tham gia vào quá trình bầu chọn giáo hoàng, với lý do “vấn đề tuổi già” và ý nghĩa của nó đối với “các nhiệm vụ đặc biệt nghiêm trọng và tế nhị” của chức vụ Hồng Y..
Tổng cộng, sáu vị Hồng Y đã tròn hoặc sẽ quá 80 tuổi vào năm 2021, nghĩa là mất quyền bỏ phiếu trong mật nghị.
Trong số này có Hồng Y Wilfrid Fox Napier của Durban, người đã bước sang tuổi 80 vào ngày 8/3.
Hồng Y Beniamino Stella, tổng trưởng Bộ Giáo sĩ, sẽ tròn 80 tuổi vào ngày 18 tháng 8.
Vào thời điểm hiện nay, Hồng Y đoàn gồm 222 thành viên, trong đó 124 Hồng Y cử tri.
Source:Catholic News Agency
4. Đức Hồng Y Walter Kasper bày tỏ âu lo về Tiến Trình Công Nghị tại Đức
Vị Hồng Y rất cấp tiến đã từng hô hào cho những người ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ đã tỏ ra rất âu lo trước nguy cơ Tiến Trình Công Nghị tại Đức đang dẫn dắt Giáo Hội tại đây đến chỗ ly giáo.
Đức Hồng Y Walter Kasper, một nhà thần học người Đức rất có ảnh hưởng, và được coi là gần gũi với Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rằng ngài “rất lo lắng” về “Tiến Trình Công Nghị” đang gây tranh cãi của Giáo Hội Công Giáo Đức.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 8 tháng 6 với Passauer Bistumsblatt, ngài cho biết rằng ngài hy vọng lời cầu nguyện của các tín hữu Công Giáo sẽ có thể sửa chữa tình huống nguy hiểm này.
Vị Hồng Y 88 tuổi người Đức nói: “Tôi vẫn chưa từ bỏ hy vọng rằng những lời cầu nguyện của nhiều tín hữu Công Giáo sẽ giúp đưa Tiến Trình Công Nghị ở Đức đi đúng hướng Công Giáo.”
Cuộc phỏng vấn này diễn ra chỉ vài ngày sau khi một vị Tổng Giám Mục người Mỹ là Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver kêu gọi các Giám Mục Đức “ăn năn sám hối” và “tin vào Tin Mừng”.
Đức Hồng Y Kasper nói với tờ báo hàng tuần của Giáo phận Passau, ở đông nam nước Đức, rằng các nhà tổ chức Tiến Trình Công Nghị đáng lẽ phải chú ý hơn đến bức thư năm 2019 của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho Giáo hội Đức.
Đức Hồng Y Kasper hỏi: “Tại sao Tiến Trình Công Nghị không đoái hoài gì đến bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và, trong tư cách là một thượng hội đồng, lẽ ra họ phải xem xét các câu hỏi quan trọng dưới ánh sáng của Tin Mừng?”
CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, tường trình rằng Đức Hồng Y Kasper nhận định rằng những tiếng nói ồn ào của các cá nhân và các nhóm chiếm ưu thế trong các cuộc thảo luận công khai.
Ngài nói, “Thoạt đầu, có thể để cho các ý kiến khác nhau lên tiếng mà không bị gạn lọc. Nhưng điều ra ngoài sức tưởng tượng của tôi, là các đòi hỏi như bãi bỏ lối sống độc thân và phong chức linh mục cho phụ nữ cuối cùng đã tìm được đa số 2/3 của Hội Đồng Giám Mục”.
Đức Hồng Y chỉ trích không những nội dung của Tiến Trình Công Nghị mà cả cấu trúc của nó. Ngài cho rằng nó bị cản trở bởi một “dị tật bẩm sinh”, và nhấn mạnh rằng diễn trình này đứng “trên đôi chân yếu ớt.”
Nhà thần học, người từng là giám mục của Rottenburg-Stuttgart từ năm 1989 đến năm 1999, nói rằng sự đổi mới chỉ có thể đến từ sự phát triển bên trong của đức tin, đức cậy và đức mến.
Khi Đức Phanxicô được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, Đức Cha Georg Bätzing, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Đức hiện nay mới chỉ là một linh mục. Tuy nhiên, ngày nay, ngài được các phương tiện truyền thông thế tục tung hô là Neuer Papst, nghĩa là “Tân Giáo Hoàng”. Những cải cách của Đức Phanxicô bị chê là “nửa vời” trong khi các cải cách do Đức Cha Georg Bätzing đề nghị như chúc lành cho các kết hiệp đồng tính, cho người Tin Lành rước lễ, phong chức linh mục cho phụ nữ, bãi bỏ luật độc thân linh mục được xem là “cách mạng” hơn.
Không biết ngài có tự huyễn hoặc mình hay không, nhưng ngài hành xử có vẻ như một Giáo Hoàng thiệt sự. Thư của Đức Phanxicô, ngài không đoái hoài đến, quyết định của Bộ Giáo Lý Đức Tin, ngài ngang nhiên chống lại và thách thức. Cách hành xử như thế thật đáng âu lo.
Source:Catholic News Agency