Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh những người hành hương Rumani và Hung Gia Lợi đổ xô đến một linh địa Đức Mẹ rất đặc biệt đã nuôi dưỡng đức tin của cả hai dân tộc Rumani và Hung Gia Lợi trong suốt những thời kỳ đen tối nhất của lịch sử, nhất là dưới thời cộng sản.
Cả hai dân tộc Rumani và Hung Gia Lợi đều nhận đây là linh địa Đức Mẹ của mình. Người Rumani gọi là linh địa Đức Mẹ Şumuleu Ciuc, trong khi người Hung Gia Lợi gọi là Csíksomlyó.
Linh địa này nằm ở phía chính Bắc cách thủ đô Bucarest của Rumani 280km. Biên giới gần nhất của Hung Gia Lợi cách đó 200km về phía Tây.
Từ khi Kitô Giáo được đón nhận chính thức tại Hung Gia Lợi, vùng này là một vùng toàn tòng Công Giáo. Đến nay, dân số Công Giáo vẫn là đa số trong vùng với 76.8% dân số.
Năm 1567, vua Hung Gia Lợi John Đệ Nhị Sigismund Zápolya /si-gít-mund giá-pô-gia/ kéo quân chinh phạt vùng này để buộc họ chuyển sang đạo Tin lành. Một trận chiến ác liệt đã diễn ra trên một cánh đồng quý vị và anh chị em đang thấy đây.
Quân số của nhà vua đông gấp 20 lần người Công Giáo trong vùng. Tuy nhiên, vào ngày thứ Bẩy trước Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, đại quân của nhà vua bị đánh bại không còn manh giáp. Quân binh của nhà vua sợ hãi đến mức không còn dám quay lại tấn công lần thứ hai để trả thù.
Các tín hữu cho rằng Đức Mẹ đã cứu họ trong cơn thử thách kinh hoàng này. Do đó, họ đã dựng nên một nhà thờ kính Đức Mẹ tại cánh đồng này.
Sau khi nhà thờ xây dựng xong, từ năm 1569 cho đến nay là liên tục 452 năm, cứ vào ngày thứ Bẩy trước Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là hàng chục ngàn có khi hàng trăm ngàn người đổ xô hành hương về đây, ngay cả trong thời kỳ cộng sản. Tượng Đức Mẹ được sùng kính trong nhà thờ này được truyền tụng là làm nhiều phép lạ từ đó cho đến nay.
Năm nay, do ảnh hưởng của đại dịch coronavirus, các cuộc hành hương được tổ chức hàng tuần trong suốt tháng Sáu để anh chị em giáo dân không tập trung quá đông. Biện pháp này xem lại rất thành công. Cho đến nay, đền thánh Đức Mẹ Şumuleu Ciuc báo cáo đã có hơn 600,000 người hành hương từ Rumani, Hung Gia Lợi và các quốc gia khác.
Trong thời cộng sản, bọn cầm quyền Rumani đã giết hại đến hơn 2 triệu người, tức là hơn 15% dân số, để tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trong chuyến tông du vào cuối tháng Năm, 2019, Đức Thánh Cha đã tuyên phong Chân Phước cho một vị Hồng Y và 6 Đức Giám Mục đã hiên ngang làm chứng cho đức tin đến độ đổ máu để làm chứng cho Đức Kitô và Giáo Hội của Người.
Như thế, tại sao cộng sản lại để mặc cho những đoàn hành hương đến vùng này trong suốt thời gian cai trị của chúng?
Với con mắt đức tin chúng ta tin nơi ơn quan phòng của Chúa và Đức Mẹ. Còn các nhà nghiên cứu thì cho rằng hoàn cảnh lịch sử đã khiến cho việc hành hương như thế có thể thực hiện được ngay cả trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử.
Năm 1920, Şumuleu Ciuc, giống như phần còn lại của Transylvania, được chính thức chuyển giao từ Hung Gia Lợi sang Rumani bằng Hiệp ước Trianon /tri-á-nần/. Đến năm 1940, khu vực này lại được trả về cho Hung Gia Lợi qua Hiệp ước Belvedere /beo-vê-đê-ria/. Sau Thế chiến II, cộng sản Liên Sô lại ép Hung Gia Lợi nhường cho Rumani và trở thành một phần của Rumani vào năm 1947.
Lãnh thổ này, với đa số dân là người Hung Gia Lợi, đã luôn là một lãnh thổ tranh chấp giữa hai nước. Vì thế, cộng sản Rumani không dám làm mạnh tay với người Hung Gia Lợi trong vùng. Thật thế, từ năm 1952 đến 1960, cộng sản Rumani chấp nhận một quy chế tự trị cho vùng này và gọi là tỉnh tự trị Mureş-Hungary /múy-rê hâng-gân/ cho đến khi cộng sản Rumani cảm thấy đủ mạnh để bãi bỏ quy chế này vào năm 1968.
Có hai biến cố có thể giúp giải thích tại sao cộng sản không dám làm khó dễ những cuộc hành hương thường niên này.
Tháng Hai, 1968, một cán binh cộng sản dùng lưỡi lê đâm vào tượng Đức Mẹ ở đền thánh Şumuleu Ciuc để phá tượng này. Anh ta bị chết đứng tại chỗ.
Ngày 30 tháng Năm 1968, tức là hai ngày trước cuộc hành hương thường niên của các tín hữu, Nicolae Ceaușescu cho công binh đặt bom ngay bên dưới bệ tượng Đức Mẹ. Quả bom làm sập tan tành nhà thờ kính Đức Mẹ. Cho nên, những hình ảnh chúng ta đang thấy đây chỉ là một nhà thờ dã chiến, trống trước, trống sau chứ không phải là ngôi nhà thờ nguyên thủy ban đầu. Hai ngày sau, ngày thứ Bẩy 1 tháng Sáu, 1968, khi các tín hữu hành hương đến nơi họ đau buồn thấy ngôi nhà thờ đã bị bom sập tan tành. Tuy nhiên, thật lạ lùng, khi đào bới trong đống đổ nát, họ thấy tượng Đức Mẹ vẫn còn y nguyên.
Các tín hữu đã long trọng rước tượng Đức Mẹ về nhà thờ của các cha dòng Phanxicô ở gần đó. Từ đó, cộng sản thôi không dám làm khó dễ cuộc hành hương truyền thống này.
Ngôi nhà thờ của các cha dòng Phanxicô như hiện nay được bắt đầu xây dựng vào năm 1802 và quá trình xây dựng kéo dài 72 năm. Nhà thờ có hai tòa tháp cao 12 mét, nơi lưu giữ những bức tranh tuyệt đẹp của các họa sĩ người Ý và Hung Gia Lợi, và bức tượng điêu khắc bằng gỗ của Đức Trinh Nữ Maria, thường được gọi là tượng Đức Mẹ khóc. Đặc biệt, tại ngôi nhà thờ này có những chiếc chuông nặng đến 1,133 kg.