1. Vatican bác bỏ tính chất siêu nhiên trong những ‘mạc khải’ của một phong trào tại Ý
Vatican đã ra lệnh cấm hoạt động đối với hai hiệp hội Công Giáo có trụ sở ở miền nam nước Ý sau khi xác định rằng những điều người sáng lập cho là ‘mạc khải tư’ thật ra là không xác thực, và không có nguồn gốc siêu nhiên.
Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Bertolone của Catanzaro-Squillace đã công bố quyết định của Vatican vào ngày 29 tháng 6, Lễ hai Thánh Phêrô và Phaolô Tông đồ.
Ngài cho biết Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã mở một cuộc thanh tra tông tòa đối với hai hiệp hội Công Giáo do tư nhân thành lập có tên là Movimento Apostolico và Maria Madre della Redenzione vào năm ngoái sau khi nhận được nhiều lời phàn nàn về các vấn đề quản trị và “sự chia rẽ sâu sắc” giữa các thành viên.
CDF, cùng với Bộ Giáo sĩ và Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống, đã bác bỏ hai hiệp hội Công Giáo bằng một sắc lệnh ngày 10 tháng 6 được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn.
Movimento Apostolico được thành lập tại Tổng giáo phận Catanzaro-Squillace vào năm 1979, dựa trên những điều được gọi là ‘mạc khải tư’ dành cho Maria Marino.
Phong trào được chính thức công nhận là một hiệp hội tư nhân của các tín hữu vào năm 2001. Hiệp hội thứ hai, Maria Madre della Redenzione, được thành lập sau đó và được Giáo hội địa phương công nhận vào năm 2011.
Movimento Apostolico lan rộng khắp nước Ý và có mặt ở Thụy Sĩ, Đức, Cộng hòa Congo, Cameroon, Madagascar, Ấn Độ, Benin và Ecuador.
Vatican đã ra sắc lệnh ngày 10 tháng 6 rằng những ‘mạc khải tư’ do Maria Marino tuyên bố “không có nguồn gốc siêu nhiên”.
Bức thư của Tòa Thánh cho biết: “Không có yếu tố nào có thể dùng để gán nguồn gốc siêu nhiên cho các hiện tượng được cho là đã phát sinh ra phong trào, và ngược lại, có thể đạt được sự chắc chắn về mặt đạo đức rằng đây chỉ đơn thuần là những cảm nghiệm cá nhân của người sáng lập mà không thể bắt nguồn từ một hành động siêu nhiên nào”.
Trong thư, Vatican cũng ghi nhận sự chia rẽ nghiêm trọng trong tổng giáo phận Catanzaro-Squillace, đặc biệt là giữa các linh mục giáo phận, do các hoạt động của Movimento Apostolico gây ra.
Vatican cũng nói rằng đặc sủng hình thành phong trào không phù hợp với truyền thống, và các văn bản, sự hình thành và rao giảng của phong trào này được đánh dấu bằng một “sự hời hợt về mặt giáo lý”.
Bức thư của Tòa Thánh cũng nói rằng chuyến thanh tra tông tòa cũng phát hiện ra những thiếu sót về thể chế, đặc biệt liên quan đến việc quản trị và quản lý tài chính. Tòa Thánh cũng lưu ý đến “sự hiện diện của các thực hành làm ảnh hưởng đến sự phân biệt cần thiết giữa lĩnh vực cai quản hiệp hội và lĩnh vực lương tâm của các thành viên của hiệp hội”.
Chuyến thanh tra tông tòa đã được thực hiện từ tháng 10 năm 2020 đến tháng 4 năm 2021 bởi Đức Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu Ignazio Sanna và hai giáo sư danh dự của Đại học Giáo hoàng Latêranô là nhà thần học luân lý Cha Mauro Cozzoli và luật sư giáo luật Cha Agostino Montan.
Sau khi đọc bản văn của sắc lệnh, Đức Tổng Giám Mục đã đưa ra một suy tư cá nhân, trong đó ngài mời gọi mọi người chấp nhận quyết định của Tòa Thánh “với một tinh thần đức tin và vâng phục”.
Đức Tổng Giám Mục Bertolone nói rằng “điều tốt được thực hiện bởi nhiều người theo linh đạo của Movimento Apostolico sẽ không bị mất đi: nhiều người đã được đưa đến gần hơn với đức tin và thực hành Kitô giáo, nhiều ơn gọi thiêng liêng đã được khám phá và trau dồi, nhiều người đang tích cực hiện diện một cách linh hoạt trong các hoạt động của giáo xứ”.
Ngài kêu gọi những người liên quan đến phong trào vừa bị cấm hãy ở lại bên cạnh Giáo hội, và lưu ý rằng “ mọi người Công Giáo đích thực đều có cảm giác yêu thương dịu dàng đối với Giáo hội của mình”.
Ngài nói thêm: “Mọi người Công Giáo chân chính đều phải tuyên bố như Thánh Cyprianô và Thánh Augustinô: ‘Người ta không thể có Thiên Chúa là cha, nếu không có Giáo hội là mẹ mình’”
Source:Catholic News Agency
2. Cảnh sát điều tra đám cháy tại nhà thờ Công Giáo ở Yellowknife
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là những hình ảnh sinh hoạt của Giáo phận Mackenzie-Fort Smith nơi vừa xảy ra vụ cháy sáng sớm thứ Sáu 2 tháng 7. Đó là vụ cháy mới nhất trong chuỗi các vụ cháy nhà thờ khắp Canada
Cảnh sát Canada đang điều tra những gì họ cho là một đám cháy đáng ngờ tại nhà thờ Công Giáo Đồng Chính Tòa Thánh Patrick ở Yellowknife.
Ngọn lửa bùng phát ngay sau nửa đêm Thứ Năm. Tòa nhà bị hư hại nhẹ. Không ai bị thương.
Gần đây đã xảy ra một số vụ hỏa hoạn tại các nhà thờ trên khắp Canada sau khi phát hiện ra những nơi được cho là nơi chôn cất hài cốt trẻ em vô danh, liền kề với một Trường Nội Trú dành cho người bản địa ở Kamloops.
Trong một thông cáo báo chí, cảnh sát ở Yellowknife cho biết do thiệt hại xảy ra đối với các tòa nhà tôn giáo khác trên khắp đất nước, họ coi đám cháy là đáng ngờ và đã mở một cuộc điều tra hình sự.
“Tất cả chúng ta đều nhận thức được thảm kịch của hệ thống trường học nội trú, đang diễn ra trên khắp đất nước của chúng ta. Biến cố này đang gây lo ngại cho cộng đồng của chúng ta ở Yellowknife,” Chỉ huy trưởng cảnh sát Dyson Smith cho biết trong một tuyên bố.
Một số băng ghế của nhà thờ đã bị hư hại do ngọn lửa. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được biết một cách chính thức, nhưng một thông báo từ giáo phận điều hành nhà thờ cho biết một thiết bị gây cháy đã được ném qua một cửa sổ bị vỡ.
Đức Cha Jon Hansen của Giáo phận Mackenzie-Fort Smith, đã đưa ra một tuyên bố:
“Vào ngày 1 tháng 7, ngay sau nửa đêm, một đám cháy đã được cố tình đốt bởi một thiết bị gây cháy được ném qua cửa sổ vỡ của Nhà thờ Đồng Chính Tòa Thánh Patrick ở Yellowknife.”
“Nhờ những người hàng xóm tốt bụng nên đám cháy nhanh chóng được phát hiện và cơ quan cứu hỏa đã ứng phó và dập tắt được ngọn lửa. Hỏa hoạn chỉ tàn phá một diện tích nhỏ trong nhà thờ”.
“Cộng đồng Công Giáo tại giáo xứ Thánh Patrick đang được thông báo về thiệt hại đối với nhà thờ của họ và chắc chắn sẽ rất đau buồn trước tin này. Kế hoạch dự kiến cho các thánh lễ cuối tuần là các linh mục sẽ cử hành ngoài trời, nếu thời tiết cho phép, trong bãi đậu xe của nhà thờ.”
“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức được rằng vụ hỏa hoạn này là một trong nhiều sự kiện tương tự đã diễn ra trên khắp Canada nên chúng tôi chỉ đơn giản yêu cầu mọi người cầu nguyện cho hòa bình”.
Source:CBC
3. Tổng Giáo Phận Sydney, Úc Đại Lợi tài trợ 100,000 đô la cho nghiên cứu y học hỗ trợ sự sống
Tổng giáo phận Sydney đã một lần nữa mời các nhà nghiên cứu y tế Úc nộp đơn xin tài trợ 100,000 đô la cho nghiên cứu hỗ trợ cuộc sống của những người dễ bị tổn thương.
“Chúng tôi cam kết xây dựng một nền văn hóa sự sống, bao gồm các nghiên cứu khoa học tôn trọng sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết tự nhiên”, Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher cho biết như trên trong một tuyên bố ngày 28 tháng 6.
Nghiên cứu có thể tìm hiểu về các phương pháp điều trị y tế đối với trẻ sơ sinh, hay các thai nhi vẫn còn trong bụng mẹ, chăm sóc giảm nhẹ ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, tập trung vào kiểm soát cơn đau hoặc sử dụng tế bào gốc người lớn để điều trị.
Các ứng viên phải thể hiện một thành tích thành công, và nghiên cứu của họ phải đáp ứng “các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất liên quan đến tính xuất sắc của khoa học”.
“Các giáo huấn luân lý Công Giáo về tình dục con người, hôn nhân và gia đình, và cách đối xử cuối đời phải được tôn trọng”. Tổng giáo phận nhấn mạnh rằng nghiên cứu không được liên quan đến việc phá hủy phôi thai người, hoặc sử dụng các mô, bao gồm cả tế bào, có nguồn gốc từ phôi thai người hoặc thai nhi bị giết vì phá thai.
Đức Tổng Giám Mục gọi các khoản tài trợ nghiên cứu là “quan trọng hơn bao giờ hết”, trong bối cảnh luật liên bang và tiểu bang đang thúc đẩy phá thai và an tử, cũng như một cuộc bỏ phiếu lương tâm được đề xuất cho phép tạo ra những đứa trẻ có ba cha mẹ.
Khoản tài trợ năm 2022 sẽ đánh dấu lần thứ 10 kể từ năm 2003 khi tổng giáo phận quyết định tạo cơ hội cho các nhà nghiên cứu.
Source:Catholic News Agency