1. Sóng gió sai phạm tài chính vừa nổi lên tại Vatican

Một báo cáo đáng chú ý trên một tờ báo hàng đầu của Ý hôm thứ Ba chỉ ra rằng trong khi giữ chức giám đốc đầu tư tại phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, giáo dân Ý Fabrizio Tirabassi, lại có hợp đồng với ngân hàng khổng lồ Thụy Sĩ UBS. Ngân hàng này trả cho ông 0.5% hoa hồng trên mỗi khoản tiền ký gửi của Vatican, và cả tiền ký gửi của những khách hàng mới do Tirabassi giới thiệu.

Theo báo cáo trên tờ Corriere della Sera, nhật báo uy tín nhất của Ý, thỏa thuận này có từ năm 2004 và vẫn giữ nguyên hiệu lực cho đến khi Tirabassi bị đình chỉ chức vụ ở Vatican vào năm 2019 trong bối cảnh các cuộc điều tra về vụ bê bối tài sản ở London.

Theo báo cáo, một tài khoản mang tên Tirabassi đã được các nhà điều tra tìm thấy tại một ngân hàng USB ở Lugano, Thụy Sĩ, trong đó có 1.2 triệu đô la, mặc dù thực tế là lương ở Vatican của Tirabassi chỉ khoảng 3,000 đô la một tháng, tức là 36,000 đô la một năm. Tirabassi đã quản lý hơn 700 triệu đô la đầu tư cho phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, một số bao gồm cả tiền thu được từ quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô hàng năm.

Trong hầu như bất kỳ mọi tổ chức người ta có thể tưởng tượng ra, một thỏa thuận như vậy sẽ được coi là một xung đột lợi ích thái quá, gần như chắc chắn là cơ sở để sa thải và hoàn toàn có thể coi là tội phạm.

Tuy nhiên, câu chuyện của Corriere có các trích dẫn từ các luật sư của Tirabassi, trong đó họ không phủ nhận hợp đồng với UBS, nhưng khẳng định rằng không gì có bí ẩn cả và rằng cấp trên của Tirabassi, bao gồm cả quan chức số hai trong Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, hiện là Tổng giám mục Edgar Peña Parra, người Venezuela, không chỉ biết về thỏa thuận mà còn phê duyệt nó như một loại “thu nhập thêm”.

Như Corriere viết lên, một tình huống như vậy “chứng tỏ rằng có bao nhiêu sự nhầm lẫn về vai trò, năng lực và lợi ích ngự trị trong trung tâm tài chính của Vatican, và không ai biết được đã tồn tại như thế trong bao lâu”.

Vatican vẫn chưa bình luận về báo cáo này.
Source:Crux

2. Tình hình của các tín hữu Kitô Ai Cập được cải thiện, mặc dù nhiều người vẫn coi anh chị em chúng ta là ‘công dân hạng hai’

Trong khi tình hình của các tín hữu Kitô đã được cải thiện ở Ai Cập dưới thời tổng thống đương nhiệm, nhiều người vẫn tiếp tục coi các tín hữu Kitô thiểu số là công dân hạng hai, một giám mục Công Giáo Coptic cho biết.

Trong một báo cáo ngày 24 tháng 6 cho tổ chức bác ái Công Giáo tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, Đức Cha Kyrillos William Samaan của giáo phận Công Giáo Coptic Assiut nói rằng các Kitô hữu không có đại diện trong nhiều lĩnh vực và bị gạt sang một bên trong các vị trí hành chính.

Nhà lãnh đạo Công Giáo yêu cầu quyền bình đẳng cho các tín hữu Kitô. Ngài nói: “Chúng tôi không đòi hỏi nhiều và chúng tôi rất thực tế. Thật không may, vẫn còn nhiều người coi Kitô Hữu là công dân hạng hai”.

Khi được hỏi về sự ngược đãi được thể hiện như thế nào, Giám mục Kyrillos nói, “Ví dụ, các Kitô Hữu không có đại diện tại các trường đại học. Không chỉ về số lượng sinh viên, mà đặc biệt là giữa các giảng viên và ban giám đốc của trường đại học. Thỉnh thoảng, một Kitô Hữu được bổ nhiệm nhưng đó chỉ là một màn biểu diễn mau chóng kết thúc”.

Đức Cha Kyrillos nói: “Nhìn chung, các tín hữu Kitô thường bị đánh giá thấp, ngay cả khi họ có trình độ ngang với người khác. Đây là trường hợp phổ biến trong ngành hành chính và quân đội”.

Đức Cha Kyrillos đã so sánh tình hình của các tín hữu Kitô dưới thời Sisi với thời Mohamed Morsi, và nói rằng các tín hữu Kitô ngày nay dễ thở hơn.
Source:Catholic News Agency

3. Cảnh sát Calgary điều tra sau khi ít nhất 11 nhà thờ Công Giáo bị phá hoại bằng sơn màu cam và đỏ

Cảnh sát Calgary đang điều tra sau khi ít nhất 11 nhà thờ Công Giáo trong thành phố bị phá hoại.

Các hành vi phá hoại được phát hiện vào Ngày Canada là hành động mới nhất trong một loạt những vụ phá hoại gần đây liên quan đến sự tham gia của Giáo Hội Công Giáo vào hệ thống các Trường Nội Trú dành cho người bản địa của Canada.

Các vụ phá hoại tại các nhà thờ bao gồm tạt sơn tung toé lên một bức tượng của Chúa Giêsu Kitô, các dấu tay vẽ trên cửa với dòng chữ “Hãy buộc tội các linh mục” và “Cuộc sống của chúng ta quan trọng”.

Tại một nhà thờ, một cửa sổ đã bị đập vỡ nên sơn cũng có thể bị văng vào bên trong. Tại một ngôi nhà thờ khác, Nhà thờ Công Giáo Ukraine của Đức Trinh Nữ Maria ở Renfrew, con số 751 được sơn phun trên tấm biển, ám chỉ 751 ngôi mộ vô danh vừa được First Nation xác định tại địa điểm của Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Marieval.

Hàng trăm ngôi mộ khác cũng được tìm thấy gần đây tại các Trường Nội Trú dành cho người bản địa ở British Columbia gần Kamloops và Cranbrook; hơn 130 trường nội trú hoạt động ở Canada từ năm 1831 đến năm 1996.

Cảnh sát cho biết vụ phá hoại được cho là diễn ra vào cuối ngày thứ Tư hoặc sáng sớm thứ Năm.

Vẽ bậy và phá hoại cũng xảy ra tại Nhà thờ Thánh Tâm ở Calgary vào thứ Năm, ngày 1 tháng 7 năm 2021. Cảnh sát cho biết một số nhà thờ đã bị phá hoại qua đêm ở Calgary.

Trong một thông cáo báo chí, cảnh sát Calgary thừa nhận di sản đau thương của các Trường Nội Trú dành cho người bản địa, và gọi đó là “một phần rất đen tối trong lịch sử của chúng ta” đã hủy hoại vô số cuộc sống của người da đỏ.

“Việc phát hiện gần đây những ngôi mộ này càng hỗ trợ thêm cho những câu chuyện bi thảm và đau lòng mà người bản địa đã chia sẻ trong nhiều thập kỷ”, thông cáo của Sở Cảnh sát Calgary cho biết.

“Với những tác hại mà chương lịch sử này đã gây ra cho Người bản địa trong cộng đồng của chúng ta, có thể hiểu được rằng cảm xúc và căng thẳng đang dâng cao”.

Tuy nhiên, cảnh sát cho biết những hành động phá hoại như thế này là bất hợp pháp, và nó tạo ra sự chia rẽ hơn nữa trong nội bộ Calgary. Họ cho biết họ đang truy tìm những người chịu trách nhiệm.

“Các nhà điều tra hiện đang xem xét các bằng chứng tại hiện trường và tìm kiếm bất kỳ camera quan sát nào có thể giúp xác định những người liên quan.”
Source:Calgary Herald

4. Giáo chủ Công Giáo toàn Ái Nhĩ Lan: Chính phủ cấm tổ chức Rước lễ lần đầu một cách “hoàn toàn thiếu tôn trọng”

Hôm thứ Năm 1 tháng 7, Giáo chủ Công Giáo toàn Ái Nhĩ Lan đã cáo buộc chính phủ nước này “hoàn toàn thiếu tôn trọng” Giáo Hội Công Giáo khi cho rằng lễ rửa tội, Rước lễ lần đầu và ban phép Thêm sức phải bị trì hoãn do COVID-19.

Đức Tổng Giám Mục Eamon Martin nói với chương trình News at One của đài RTÉ Radio 1 vào ngày 1 tháng 7 rằng quyết định của chính phủ đánh dấu sự “đảo ngược hoàn toàn” quan điểm trước đây của họ.

Ngài nói rằng Giáo Hội đã nhận được một lá thư từ văn phòng của Thủ tướng vào tháng trước cho biết rằng tất cả các buổi lễ có thể được tiến hành vào tháng Bảy.

Ngài nói: “Chúng tôi đã bị tràn ngập với các cuộc gọi từ các giáo xứ và tôi biết rằng các linh mục và những người khác đã vô cùng thất vọng vì sự đảo ngược vị trí đã được báo cho chúng tôi từ văn phòng thủ tướng hồi đầu tháng 6 nói rằng, cùng với việc xã hội dần dần mở cửa trở lại từ ngày 5 tháng 7, những buổi lễ này có thể diễn ra”.

Cộng hòa Ái Nhĩ Lan, quốc gia có 4.9 triệu dân, đã ghi nhận 272,784 trường hợp nhiễm coronavirus và 5,000 trường hợp tử vong liên quan tính đến ngày 2 tháng 7, theo Trung tâm Tài nguyên Johns Hopkins Coronavirus.

Các cơ quan y tế tin rằng Ireland đang bắt đầu đợt thứ tư của COVID-19 do biến thể Delta được phát hiện lần đầu tiên ở Ấn Độ.

Đức Tổng Giám Mục Martin, 59 tuổi của Armagh, nói rằng ngài công khai phản đối sự đảo ngược này.

Ngài lưu ý rằng phó thủ tướng Leo Varadkar đã nói với các nhà báo vào ngày 29 tháng 6 rằng các giáo xứ không thể tiến hành các buổi lễ sau ngày 5 tháng 7.
Source:Catholic News Agency