Như chúng tôi đã loan tin, trước các đồn thổi liên quan đến tình trạng sức khoẻ của Đức Thánh Cha Phanxicô, lúc 12 giờ trưa giờ địa phương Rôma, tức là 5 giờ chiều giờ Việt Nam, ngày thứ Tư mùng 7 tháng 7, Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã ra thông báo rất cẩn thận bằng 3 thứ tiếng Ý, Anh và Tây Ban Nha về tình hình sức khoẻ của Đức Thánh Cha.

Cindy Wooden của Catholic News Service, một ký giả kỳ cựu chuyên về Vatican, có bài phản bác các phương tiện truyền thông cho rằng Đức Hồng Y Nhiếp Chính hiện nay là Đức Hồng Y Kevin Farrell đang nắm quyền ở Vatican như một “Phó Giáo Hoàng”. Giáo Hội Công Giáo không hề có khái niệm “Phó Giáo Hoàng”.

Chúng tôi sẽ trình bày toàn văn bài viết của Cindy Wooden. Tuy nhiên, trước hết, chúng tôi xin đề cập đến một bài phân tích của ký giả Nicole Winfield, trong đó phản bác ý tưởng cho rằng Đức Thánh Cha bị ung thư ruột. Ký giả chuyên về Vatican này hiện đang cộng tác với thông tấn xã AP đã có bài viết nhan đề “Pope, recovering well, had ‘severe’ narrowing of his colon”, nghĩa là “Đức Giáo Hoàng đang phục hồi rất khả quan, trước đó, ngài bị hẹp đại tràng ‘nghiêm trọng’”.

Hôm thứ Tư, Vatican cho biết sự hồi phục của Đức Thánh Cha Phanxicô sau cuộc phẫu thuật đường ruột tiếp tục “đều đặn và khả quan”, và tiết lộ rằng các cuộc kiểm tra cuối cùng cho thấy ngài đã bị hẹp đại tràng “nghiêm trọng”.

Bản tin cập nhật hàng ngày của Vatican cho thấy không có bằng chứng về bệnh ung thư được phát hiện trong cuộc kiểm tra mô được lấy ra từ ruột kết của Đức Phanxicô hôm Chúa Nhật. Các bác sĩ cho biết, đó là một dấu hiệu đáng mừng và là bằng chứng cho thấy nghi ngờ hẹp đại tràng là do viêm nhiễm và các vết sẹo trên thành đại tràng đã được khẳng định.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, cho biết vị Giáo Hoàng 84 tuổi vẫn tiếp tục ăn uống đều đặn sau cuộc phẫu thuật cắt bỏ một nửa ruột kết hôm Chúa Nhật, và liệu pháp truyền dịch qua tĩnh mạch đã không còn cần đến nữa.

Tiến sĩ Walter E. Longo, giáo sư phẫu thuật ruột kết và trực tràng tại Trường Y Đại học Yale và tại Yale-New Haven Health, không tham gia vào việc chăm sóc Đức Thánh Cha Phanxicô, nhưng trên cơ sở kiến thức và kinh nghiệm của ông đã nhận định rằng:

“Thực tế là ngài đang ăn được có nghĩa là đường ruột của ngài đang hoạt động bình thường. Liệu pháp truyền dịch đã bị ngừng có nghĩa là lượng chất lỏng mà ngài cần để duy trì các chức năng hàng ngày của mình hiện đang được đáp ứng qua đường miệng của ngài.”

Ông Bruni cho biết việc kiểm tra mô học lần cuối cùng đã xác nhận một chứng hẹp đại tràng nghiêm trọng với các dấu hiệu của các vết sẹo trên thành đại tràng.

Tiến sĩ Manish Chand, phó giáo sư phẫu thuật tại Đại học College London, chuyên về phẫu thuật đại và trực tràng, cho biết các vết sẹo trên thành đại tràng có thể xảy ra do tình trạng viêm và nhiễm trùng lặp đi lặp lại, dẫn đến sẹo khiến ruột kết vừa hẹp lại, vừa kém đàn hồi.

Ông nói rằng trong những trường hợp như vậy luôn có một mối lo ngại rằng có thể có một khối ung thư nhỏ chưa từng được nhìn thấy trong các xét nghiệm trước đó. Trong những trường hợp như vậy, các nhà nghiên cứu bệnh học sẽ đặt một mẫu mô lấy ra từ ruột kết dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư nào không.

“Tôi thấy thật yên tâm khi biết rằng không có khối u nằm bên dưới và việc chẩn đoán bệnh hẹp đại tràng đã được xác nhận.”

Tiến sĩ Chand cũng không tham gia vào việc chăm sóc Đức Thánh Cha Phanxicô, đã đưa ra lập trường trên theo kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã trải qua ba giờ phẫu thuật theo kế hoạch đã được dự trù trước vào hôm Chúa Nhật. Ngài dự kiến sẽ ở lại bệnh viện đa khoa Gemelli của Rôma, nơi có một dãy phòng đặc biệt dành riêng cho Đức Giáo Hoàng. Ngài sẽ ở đó trong suốt tuần này, nếu không có biến chứng nào xảy ra.

Đức Thánh Cha Phanxicô có sức khỏe tương đối tốt, mặc dù khi còn trẻ ngài đã mất phần trên của một lá phổi vì nhiễm trùng. Ngài cũng bị đau thần kinh tọa khiến ngài bước đi khập khiễng.

Theo truyền thống, tháng Bảy là tháng mà Đức Giáo Hoàng hủy bỏ các buổi tiếp kiến chung và cả các buổi tiếp kiến riêng. Chẳng hạn, không có buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào ngày thứ Tư. Việc đình chỉ các buổi giáo lý hàng tuần của Đức Thánh Cha đã được thông báo trước đó. Vatican vẫn tiếp tục hoạt động bình thường khi vắng mặt Đức Giáo Hoàng.

Tiếp theo là bài viết của Cindy Wooden của thông tấn xã Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Nhan đề của bài viết “Vatican has no automatic transfer of powers with pope in hospital”, nghĩa là “Vatican không có cơ chế chuyển giao quyền bính tự động khi Đức Giáo Hoàng nằm bệnh viện”.

Giáo Hội Công Giáo Hoàn Vũ có một hệ thống phẩm trật rất mạch lạc và hoàn bị, nhưng không có chức vụ nào gọi là “Phó Giáo Hoàng”, là người thay thế khi đương kim Giáo hoàng đi tông du nước ngoài, bị ốm hoặc bị hôn mê.

Dù nhập viện từ ngày Chúa Nhật 4 tháng 7, khi trải qua ca phẫu thuật đại tràng kéo dài 3 giờ đồng hồ, nhưng Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn là vị Giáo hoàng tối cao và toàn quyền.

Một số hãng thông tấn, như thông tấn xã ANSA của Ý, đã đưa tin rằng trong khi Đức Giáo Hoàng ở bệnh viện Gemelli ở Rôma, “Hồng Y Camerlengo”, hay Hồng Y Nhiếp Chính, “có nhiệm vụ quản lý các công việc tạm thời của Tòa thánh”.

Hồng Y Nhiếp Chính hiện tại là Đức Hồng Y người Mỹ Kevin J. Farrell, tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Đời sống.

Tuy nhiên, theo tông hiến “Universi Dominici Gregis”, nghĩa là “Đoàn Chiên Phổ Quát Của Chúa” do Thánh Gioan Phaolô II ban hành năm 2007 và được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 cập nhật vào năm 2013, nhiệm vụ của Hồng Y Nhiếp Chính chỉ bắt đầu với cái chết được báo cáo của một vị Giáo Hoàng.

Đức Cha Juan Ignacio Arrieta, thư ký của Hội đồng Giáo hoàng về các Văn bản Luật, nói với Catholic News Service hôm 7 tháng 7 rằng:

“Chúng ta không ở trong tình huống đó. Đức Giáo Hoàng hoàn toàn minh mẫn; ngài có thể gọi cho bất cứ ai. Nếu có bất cứ điều gì khẩn cấp, người ta có thể đến gặp ngài”.

Ngài nhấn mạnh rằng: “Cả tông hiến Universi Dominici Gregis và Bộ Giáo luật đều không đưa ra quy định về việc tự động chuyển giao bất kỳ quyền bính nào của Đức Giáo Hoàng khi ngài rời khỏi Vatican hoặc không đủ năng lực”.

Khi Đức Giáo Hoàng nằm trong bệnh viện, các quan chức của Vatican và Giáo phận Rôma, là giáo phận mà Đức Giáo Hoàng là Giám Mục, tiếp tục các trách nhiệm mà ngài đã giao phó cho họ từ trước, khi bổ nhiệm họ vào các chức vụ.

Đức Cha Arrieta cho biết, bất cứ lúc nào, Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng có thể ủy thác một quyền hạn đặc biệt nào đó cho một ai đó trong Giáo triều Rôma. Nhưng cho đến khi và trừ khi ngài làm như vậy, “các công việc tạm thời” ngày qua ngày của Vatican được giải quyết bởi Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.


[1] Source:Crux

[2] Source:Crux