1. Các Giám Mục Cuba kêu gọi bọn cầm quyền đối thoại, ngưng bắt bớ

Các cuộc biểu tình nổ ra ngày 11 tháng 7 là cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Các cuộc biểu tình này đã nhanh chóng bị bọn cầm quyền cộng sản của hòn đảo trấn áp, bắt giữ hàng chục người, cắt quyền truy cập internet và một linh mục cũng bị giam giữ - và sau đó được thả trong khi đang cố gắng bảo vệ những người biểu tình trẻ tuổi khỏi bị cảnh sát đánh đập và bắt giữ.

Trong một tuyên bố được đưa ra hôm 12 tháng 7, các giám mục cho biết hàng ngàn người đã xuống đường ở Cuba để phản đối “tình trạng ngày càng xấu đi trong tình trạng kinh tế và xã hội” và nói thêm rằng trong khi chính phủ đã “cố gắng thực hiện các biện pháp” để giải quyết các vấn đề, công dân Cuba nên có “quyền bày tỏ nhu cầu và hy vọng của họ” trước công chúng.

Các giám mục nói rằng họ lo lắng rằng các cuộc biểu tình sẽ bị đàn áp và cả hai bên sẽ “duy trì lập trường cứng nhắc.”

“Chúng ta sẽ không đạt được một giải pháp thuận lợi thông qua việc áp đặt hoặc bằng cách kêu gọi đối đầu, mà chỉ bằng cách lắng nghe lẫn nhau và tìm kiếm các thỏa thuận”, tuyên bố viết.

Các cuộc biểu tình bắt đầu ở San Antonio de Los Baños và nhanh chóng được nhân rộng ở ít nhất một chục thành phố trên khắp hòn đảo.

Ở một số thị trấn, những người biểu tình đã lật xe cảnh sát và cướp phá các cửa hàng do bọn cầm quyền điều hành bán hàng nhập khẩu với giá cao, và đôi khi là nơi duy nhất mọi người có thể tìm thấy những mặt hàng cơ bản như kem đánh răng.

Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đổ lỗi cho lệnh cấm vận kinh tế kéo dài hàng thập kỷ của Hoa Kỳ là nguyên nhân gây ra các cuộc biểu tình. Ông cho biết ngày 12 tháng 7 Nhà Trắng đang cố gắng “làm hòn đảo chết ngạt, với hy vọng tạo ra biến động xã hội.” Díaz-Canel cũng kêu gọi những người ủng hộ ông xuống đường để bảo vệ chính phủ cách mạng, là chính phủ nắm quyền trên đảo từ năm 1959.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken đã phản ứng lại những cáo buộc của ông Díaz-Canel, nói rằng việc chính phủ Cuba giải thích các cuộc biểu tình là sản phẩm từ chính sách của Hoa Kỳ là một “sai lầm đáng tiếc”. Blinken nói rằng các cuộc biểu tình phản ánh sự thất bại của chính phủ Cuba trong việc đáp ứng nhu cầu của người dân.

Giữa các cuộc biểu tình, Cha Castor José Alvarez Devesa bị cảnh sát bắt và đánh đập ở Camaguey, nhưng được thả vào ngày hôm sau khi Giáo Hội tại Cuba ra thông báo về việc giam giữ ngài.
Source:The Catholic Spirit

2. Cuba sau ngày 11 tháng 7 sẽ không giống như trước nữa

Theo một chuyên gia truyền thông Công Giáo ở Cuba, những người Cuba chào đời trong vòng hai thập kỷ vừa qua đang tận mắt chứng kiến sự đàn áp và bạo lực của nhà nước lần đầu tiên trong cuộc đời của họ, trong khi những thảm họa kinh tế và đại dịch coronavirus đang lan rộng ở Cuba.

Hàng nghìn người Cuba ở Havana và các nơi khác đã xuống đường vào ngày 11 tháng 7 để phản đối những khó khăn về kinh tế, thiếu các quyền tự do cơ bản và cách thức bọn cầm quyền Cuba giải quyết đợt bùng phát coronavirus, gây ra điều mà một số người mô tả là tình trạng bất ổn sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ.

Bọn cầm quyền được tường trình là đã phản ứng quyết liệt trong những ngày này với hàng loạt vụ bắt giữ. Những người biểu tình, bao gồm một số giáo sĩ, bị kéo ra nhà. Có cả vụ cảnh sát bắn chết một người đàn ông tham gia các cuộc biểu tình chống chính phủ.

“Có một điều chắc chắn là sau này Cuba sẽ không như trước nữa, lịch sử của Cuba đã sang trang sau ngày Chúa Nhật 11 tháng 7, đó là điều chắc chắn,” Xavier Carbonell, chủ tịch SIGNIS Cuba nói. SIGNIS là Hiệp hội Truyền thông Công Giáo Thế giới với các thành viên tại hơn 100 quốc gia.

“Một số người đang bắt đầu viết 11-J, ngày mới cho cuộc nổi dậy của quốc gia”, ông nói thêm.

Carbonell đã nói chuyện với Catholic News Service trong một cuộc điện thoại ngày 15 tháng 7, trong đó ông mô tả tình hình ở Cuba mà ông tin rằng truyền thông nước ngoài đang bán rẻ khi cố tình lờ đi mức độ nghiêm trọng và tàn bạo.

Ông cũng nói về cách mà khoảng 50 hoặc hơn các phương tiện truyền thông Giáo Hội liên kết với SIGNIS và các chuyên gia khác ở Cuba đang làm việc để thông báo cho thế giới về cuộc khủng hoảng ở quốc gia này. Nhiều cộng sự viên của SIGNIS ở Cuba đang làm việc trong các vị trí truyền thông của các giáo phận hoặc cho các ấn phẩm do Giáo Hội tài trợ.

SIGNIS-Cuba đưa ra tuyên bố ngày 14 tháng 7 với lời kêu gọi khẩn cấp hòa giải, đối thoại và tôn trọng tự do ngôn luận ở Cuba. Nhóm cũng đang kêu gọi giải phóng ngay lập tức những cá nhân bị giam giữ trong các cuộc biểu tình ôn hòa ở Cuba vào ngày 11 tháng 7.

“Những lời cầu nguyện của chúng tôi và hành động của chúng tôi với tư cách là những người truyền thông đang và sẽ đoàn kết với tất cả những người bị giam giữ cũng như với gia đình và bạn bè của họ, những người đang sống trong đau khổ và sự bất định khi không biết tình trạng hiện tại của những người bị giam giữ,” tuyên bố viết.
Source:Crux

3. Hướng dẫn thực hành để nhận ơn Toàn Xá vào ngày 25/7 trong tình cảnh dịch bệnh kinh hoàng

Tòa Ân giải Tối cao cho biết Đức Thánh Cha đã rộng ban Ơn Toàn Xá cho các tín hữu vào ngày Chúa Nhật 25 tháng 7 sau khi lắng nghe yêu cầu của Đức Hồng Y Kevin Farrell, Tổng trưởng Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống, muốn có Ơn Toàn Xá để đánh dấu việc thành lập Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên.

Ơn Toàn Xá là ân sủng do Giáo hội ban cho chúng ta nhờ công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Mẹ Maria và tất cả các thánh để xóa bỏ hình phạt tạm thời do tội lỗi gây ra. Ơn Toàn Xá làm sạch tâm hồn như thể một người vừa được rửa tội.

Trong hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, sống chết bất ngờ, chúng ta nên lo liệu để mình có thể lãnh nhận được Ơn Toàn Xá một cách thành sự.

Tòa Ân Giải Tối Cao nhắc lại các điều kiện luật định để được Ơn Toàn Xá là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thán h Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi. Tuy nhiên, theo sắc lệnh được Đức Hồng Y Mauro Piacenza, Chánh Tòa Ân Giải Tối Cao và Đức Ông Krzydztof Nykiel, Nhiếp chính, ký ngày 19 tháng 3, 2020, trong thời kỳ dịch bệnh việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm sau, ngay sau khi có thể.

Do đó, đối với quý vị và anh chị em sống trong các khu vực bị cách ly chúng ta cần từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi; việc xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha có thể làm sau, ngay khi hoàn cảnh cho phép.

Đồng thời chúng ta phải thực hiện một trong ba công việc sau đây do Tòa Ân Giải Tối Cao quy định.

Thứ nhất: Tham dự Thánh lễ do Đức Thánh Cha cử hành vào Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi vào ngày 25/7, hoặc các Thánh lễ khác được cử hành trên toàn thế giới.

Thứ hai: Nếu không thể thực hiện yêu cầu thứ nhất thì dành thời gian thích đáng để thăm viếng, cách trực tiếp hay trực tuyến – chẳng hạn như gọi điện thoại thăm hỏi - những người già yếu đang gặp khó khăn hoặc những người đang gặp hoạn nạn, chẳng hạn những người đau yếu, những người bị bỏ rơi, những người khuyết tật và những người ở trong những trường hợp tương tự.

Thứ ba: Thông cáo của Tòa Ân giải Tối cao cũng cho biết Ơn Toàn Xá cũng có thể được ban cho những người, vì những lý do nghiêm trọng, không thể ra khỏi nhà và “hiệp nhất cách thiêng liêng với các cử hành thánh của Ngày Thế Giới Ông Bà Và Người Cao Niên, dâng lên Thiên Chúa những lời cầu nguyện, những nỗi đau hay những đau khổ trong cuộc sống của họ, đặc biệt là trong thời gian phát sóng Thánh lễ, qua các phương tiện truyền hình và đài phát thanh, cũng như các phương tiện truyền thông xã hội mới.

4. Giáo Hội Công Giáo ở Ba Lan sẽ tổ chức ngày đoàn kết với các nạn nhân lũ lụt trên khắp Âu Châu.

Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ba Lan, đã công bố sáng kiến trên trong một thông điệp sẽ được đọc tại các nhà thờ trên khắp Ba Lan vào ngày Chúa Nhật 18 tháng 7.

Ngài nói: “Trong những ngày gần đây, chúng ta đã chứng kiến nhiều cảnh thê thảm trên truyền hình về các nạn nhân và các thiệt hại do bão lũ dữ dội gây ra, cả ở quê hương chúng ta và ở Đức, Bỉ, và Hà Lan.”

“Nhiều gia đình đã mất tất cả tài sản của họ, và các phương tiện truyền thông đang đưa tin về những người chết và mất tích, đặc biệt là ở Đức.”

“Trong tư cách là Giáo hội ở Ba Lan, chúng ta muốn hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bằng những lời cầu nguyện và các phẩm vật cứu trợ của chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban hy vọng cho những người bị nạn và tình đoàn kết, quan tâm, đồng trách nhiệm của tất cả những người có thiện chí”.

“Tôi yêu cầu Chúa Nhật tới, ngày 25 tháng 7, là một ngày dành riêng cho Giáo hội ở Ba Lan để đoàn kết với các nạn nhân của bão lũ ở Âu Châu.”

Lũ lụt, cũng đã ảnh hưởng đến Luxembourg và Thụy Sĩ, xảy ra khi các con sông vỡ bờ sau lượng mưa kỷ lục.

Hơn 100 người đã chết ở Đức, khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô phải gửi một bức điện chia buồn.

“Trong lời cầu nguyện, Đức Thánh Cha đã tưởng nhớ những người đã mất mạng và bày tỏ sự gần gũi sâu sắc với gia đình của họ,” bức điện ngày 15 tháng 7 được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, gửi thay mặt Đức Thánh Cha Phanxicô đến Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier.

Trong thông điệp của mình, Đức Tổng Giám Mục Stanisław Gądecki, phó chủ tịch Hội đồng Hội đồng Giám mục Âu Châu, khuyến khích các giáo xứ ở Ba Lan tưởng nhớ các nạn nhân trong phần lời nguyện giáo dân trong Thánh lễ.

Ngài cũng kêu gọi các giáo xứ tổ chức một chương trình quyên góp sau Thánh lễ để Caritas Ba Lan sẽ phân phát cho những người bị ảnh hưởng.

“Đồng thời, tôi chuyển đến các chủ tịch hội đồng giám mục của Đức, Hà Lan và Bỉ tình liên đới của chúng ta và sự bảo đảm về sự gần gũi trong tinh thần của Giáo hội ở Ba Lan,” ngài nói.
Source:Catholic News Agency